TỔNG CỤC THUẾ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 22852/CT-TTHT | Hà Nội, ngày 24 tháng 04 năm 2017 |
Kính gửi: Văn phòng tư vấn COJ tại Hà Nội
(Địa chỉ: tầng
6 tòa nhà TID, số 4 Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội)
MST: 0101832702
Cục thuế TP Hà Nội nhận được công văn số 02-10/2016/CV-COJ ngày 26/10/2016 của Văn phòng tư vấn COJ tại Hà Nội và công văn bổ sung hồ sơ số 0501/2017/CV-COJ ngày 05/01/2017 và công văn số 01-02/2017/CV-COJ ngày 03/03/2017 (sau đây gọi là Liên danh tư vấn Nhật Bản COJ) hỏi về chính sách thuế, Cục Thuế TP Hà Nội có ý kiến như sau:
- Căn cứ Khoản 7 Điều 3 Thông tư số 26/2015/TT-BTC ngày 27/02/2015 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Điều 16 của Thông tư số 39/2014/TT-BTC quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ như sau:
“7. Sửa đổi, bổ sung Điều 16 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung điểm b Khoản 1 Điều 16 (đã được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 3 Điều 5 Thông tư số 119/2014/TT-BTC) như sau:
“b) Người bán phải lập hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ, bao gồm cả các trường hợp hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu; hàng hóa dịch vụ dùng để cho, biến, tặng, trao đổi, trả thay lương cho người lao động (trừ hàng hóa luân chuyển nội bộ, tiêu dùng nội bộ để tiếp tục quá trình sản xuất).
- Căn cứ điểm d khoản 2 Điều 26 Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính quy định nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, dịch vụ:
“2. Tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, dịch vụ có nghĩa vụ
d) Lập và giao hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ cho khách hàng, trừ trường hợp không bắt buộc phải lập hóa đơn theo hướng dẫn tại Thông tư này;”
- Căn cứ Thông tư số 123/2007/TT-BTC ngày 23/10/2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện chính sách thuế và ưu đãi thuế đối với các chương trình, dự án sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA).
+ Tại Mục III quy định chính sách thuế và các ưu đãi về thuế áp dụng đối với dự án ODA vay ưu đãi, vay hỗn hợp (gọi chung là ODA vay).
+ Tại Mục IV quy định:
“Đối với các dự án ODA được cấp có thẩm quyền phê duyệt trước ngày Thông tư này có hiệu lực thì việc xác định nghĩa vụ thuế, ưu đãi thuế thực hiện như hướng dẫn tại Thông tư số 41/2002/TT-BTC ngày 3/5/2002 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện chính sách thuế đối với các chương trình, dự án sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) cho đến khi kết thúc dự án./.”
- Căn cứ điểm 2.2.1 Mục III Thông tư số 41/2002/TT-BTC ngày 03/5/2002 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện chính sách thuế đối với các chương trình, dự án sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (DA) quy định:
“2.2.2
…
Trường hợp chủ dự án ODA giao thầu cho các nhà thầu chính (không phân biệt nhà thầu chính là đối tượng nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ hay phương pháp trực tiếp) thực hiện xây lắp công trình, cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho dự án ODA theo giá không có thuế GTGT thì nhà thầu chính không tính thuế GTGT đầu ra khi lập hóa đơn thanh toán với chủ dự án nhưng được hoàn lại số thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ mua vào dùng để xây dựng công trình hoặc sản xuất hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế GTGT, cung cấp theo hợp đồng ký với chủ dự án ODA như hướng dẫn tại điểm 3, Mục IV, Thông tư này”
- Căn cứ điểm 2.1 công văn số 7711/TC/TCT ngày 13/7/2004 của Bộ Tài chính hướng dẫn:
“2.1. Đối với dự án sử dụng vốn ODA không hoàn lại và dự án ODA vay ưu đãi được NSNN cấp phát, chủ dự án phải xác định đúng đối tượng được hoàn thuế GTGT và đối tượng nộp thuế GTGT trên cơ sở hợp đồng đã được phê duyệt, cụ thể: nếu hợp đồng đã ký và được phê duyệt bao gồm số thuế GTGT va chủ dự án không được cấp vốn để trả thuế GTGT thì chủ dự án thuộc đối tượng được hoàn thuế GTGT, nhà thầu chính nộp thuế GTGT theo quy định hiện hành; nếu hợp đồng đã ký và phê duyệt không bao gồm thuế GTGT thì chủ dự án không phải trả thuế GTGT và nhà thầu chính thuộc đối tượng được hoàn thuế GTGT.”
- Căn cứ Thông tư số 181/2013/TT-BTC ngày 03/12/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện chính sách thuế và ưu đãi thuế đối với các chương trình, dự án sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ (có hiệu lực thi hành từ ngày 17/01/2014).
+ Tại Điều 4 Chương 1 quy định về thực hiện các điều ước quốc tế.
+ Tại khoản 2 Điều 10 Mục 2 Chương 2 quy định thuế GTGT, thuế TNDN, và các loại thuế, phí, lệ phí khác đối với cung cấp hàng hóa, dịch vụ tại Việt Nam.
- Căn cứ Khoản 1 Điều 50 Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế và Nghị định số 83/2013/NĐ-CP ngày 22/7/2013 của Chính phủ, quy định việc hoàn thuế GTGT đối với Chủ dự án và Nhà thầu chính.
- Theo hồ sơ đơn vị cung cấp thì:
+ Căn cứ công hàm Công hàm của Nhật Bản số J.D 35/2004 ngày 31/3/2004 của Đại sứ quán Nhật Bản và Công hàm của Việt Nam số 1820 BKH/KTDN ngày 31/3/2004 về việc miễn tất cả các khoản thu tài chính và thuế áp dụng tại nước CHXH CN VN cho các nhà cung cấp, nhà thầu, nhà tư vấn Nhật Bản đối với thu nhập từ việc cung cấp hàng hóa, dịch vụ đối với khoản vay.
+ Căn cứ mục 1.10 các điều kiện đặc biệt của hợp đồng tại hợp đồng dịch vụ tư vấn số VNR-B-07 ngày 19/8/2005 ký giữa Liên danh tư vấn Nhật Bản COJ và Ban quản lý các dự án đường sắt để thực hiện dịch vụ tư vấn dự án “nâng cao an toàn cầu đường sắt trên tuyến Hà Nội - TP Hồ Chí Minh” (kèm theo 4 Phụ lục) thì:
“Tư vấn và các tư vấn phụ sẽ được miễn các loại thuế, phí và lệ phí được quy định theo Luật pháp hiện hành và theo các Công hàm, Công hàm của Nhật Bản số J.D 35/2004 ngày 31/3/2004 của Đại sứ quán Nhật Bản và Công hàm của Việt Nam số 1820 BKH/KTDN ngày 31/3/2004, đối với tư vấn và các tư vấn phụ. Chính phủ Việt Nam sẽ miễn cho:
(a) Công ty Nhật Bản hoạt động như các nhà cung cấp, nhà thầu xây lắp và/hoặc nhà thầu tư vấn khỏi tất cả các loại thuế và phí hàng năm như quy định tại nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt đối với thu nhập sinh ra từ việc cung cấp sản phẩm và/hoặc dịch vụ được mua sắm theo khoản vay này”
- Căn cứ xác nhận của Ban quản lý các dự án đường sắt thì giá trị hợp đồng không bao gồm thuế GTGT và dự án không được ngân sách nhà nước bố trí vốn đối ứng để thanh toán thuế GTGT cho tư vấn dự án.
- Căn cứ Điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC ngày 22/6/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế thu nhập doanh nghiệp tại Nghị định số 12/2015/NĐ-CP ngày 12/2/2015 của Chính phủ, sửa đổi, bổ sung Điều 6 Thông tư số 78/2014/TT-BTC (đã được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 2 Điều 6 Thông tư số 119/2014/TT-BTC và Điều 1 Thông tư số 151/2014/TT-BTC) về các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế.
Căn cứ các quy định trên, Cục thuế TP Hà Nội có ý kiến như sau:
- Trường hợp Liên danh tư vấn COJ là nhà thầu chính thực hiện hợp đồng ký với Ban quản lý các dự án đường sắt là chủ đầu tư thực hiện dự án “nâng cao an toàn cầu đường sắt trên tuyến Hà Nội - TP Hồ Chí Minh”, dự án sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức ODA của Nhật Bản và không được NSNN cấp vốn đối ứng để trả thuế GTGT, Chủ đầu tư ký hợp đồng với nhà thầu chính COJ theo giá không bao gồm thuế GTGT thì:
+ Trường hợp Liên danh COJ là nhà thầu nước ngoài thực hiện đầy đủ chế độ kế toán tại Việt Nam, đăng ký mã số thuế và tự kê khai nộp thuế thì khi cung cấp dịch vụ cho BQL các dự án đường sắt, Liên danh phải lập hóa đơn GTGT giao cho BQL dự án theo quy định. Liên danh COJ thuộc trường hợp hoàn thuế GTGT đối với hàng hóa dịch vụ mua vào phục vụ dự án ODA theo quy định.
+ Trường hợp Liên danh COJ là nhà thầu nước ngoài không thực hiện chế độ kế toán tại Việt Nam thì khi cung cấp dịch vụ cho Ban quản lý các dự án đường sắt, Ban quản lý có trách nhiệm khấu trừ thuế và nộp thay cho Liên danh COJ theo quy định.
- Trường hợp Liên danh COJ còn vướng mắc, đề nghị liên hệ Phòng Tuyên truyền hỗ trợ hoặc Phòng Kiểm tra thuế số 3 để được hướng dẫn cụ thể.
Cuc thuế TP Hà Nội trả lời để Văn phòng tư vấn COJ tại Hà Nội được biết và thực hiện.
| KT. CỤC TRƯỞNG |