TỔNG CỤC THUẾ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 45748/CT-TTHT | Hà Nội, ngày 02 tháng 7 năm 2018 |
Kính gửi: Công ty TNHH một thành viên nước sạch Hà Nội
(Địa chỉ: Số 44 Đường Yên Phụ, Phường Trúc Bạc, Q.Ba Đình, TP Hà Nội; MST:
0100106225)
Trả lời công văn số 807/NSHN-TCKT ngày 03/04/2018 của Công ty TNHH một thành viên nước sạch Hà Nội (sau đây gọi tắt là Công ty) về việc hướng dẫn về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt để lại đơn vị, Cục Thuế TP Hà Nội có ý kiến như sau:
- Căn cứ Khoản 1 Điều 9 Nghị định số 154/2016/NĐ-CP ngày 16/11/2016 của Chính phủ về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải quy định về việc quản lý và sử dụng phí như sau:
“1. Đối với nước thải sinh hoạt:
a) Để lại 10% trên tổng số tiền phí bảo vệ môi trường thu được cho đơn vị cung cấp nước sạch và 25% cho Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn để trang trải chi phí cho hoạt động thu phí. Trường hợp số tiền chi phí tổ chức thu thấp hơn tỷ lệ để lại này, Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định mức tỷ lệ để lại cụ thể phù hợp nhưng tối đa không quá 10% đối với tỷ lệ để lại cho đơn vị cung cấp nước sạch và tối đa không quá 25% đối với tỷ lệ để lại cho Ủy ban nhân dân cấp xã, phường, thị trấn.
b) Phần còn lại sau khi trừ số tiền phí được trích để lại, đơn vị cung cấp nước sạch và Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nộp vào ngân sách địa phương để sử dụng theo quy định tại khoản 3 Điều này.”
- Căn cứ Quyết định số 53/2016/QĐ-UBND ngày 28/12/2016 của UBND TP Hà Nội ban hành các quy định về thu phí, lệ phí trên địa bàn thành phố Hà Nội quy định:
+ Tại Điều 4 quy định về chứng từ thu phí, lệ phí:
“Tổ chức thu phí, lệ phí sử dụng biên lai thu phí do Cơ quan thuế phát hành hoặc tự in, đặt in theo quy định.”
+ Tại Tiết c Khoản 2 Điều 1 quy định thu phí, lệ phí thuộc thẩm quyền quyết định của Hội đồng nhân dân Thành phố trên địa bàn Thành Phố Hà Nội theo quy định của Luật phí và lệ phí như sau:
“c) Đối với các đơn vị cung cấp nước sạch:
Số phí được để lại cho tổ chức thu phí sử dụng để hỗ trợ cho công tác thu tiền nước; phần còn lại (nếu có) nộp ngân sách Nhà nước, số tiền phí được để lại là doanh thu của tổ chức thu phí.”
- Căn cứ Điều 1 Thông tư số 193/2015/TT-BTC ngày 24/11/2015 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung điểm h khoản 7 Điều 5 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Luật Thuế GTGT và Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18/12/2013 của Chính Phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật thuế GTGT quy định các trường hợp không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT bao gồm:
“h. Tổ chức, doanh nghiệp nhận các khoản thù lao từ cơ quan nhà nước do thực hiện hoạt động thu hộ, chi hộ các cơ quan Nhà nước.
Thù lao thu hộ, chi hộ các cơ quan nhà nước không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT quy định tại điểm này là các khoản thù lao nhận được từ hoạt động: thu bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế tự nguyện cho cơ quan Bảo hiểm xã hội; chi trả trợ cấp ưu đãi cho người có công, trợ cấp khác chi Bộ Lao động và thương binh xã hội; thu thuế của hộ cá nhân cho cơ quan thuế và các khoản thu hộ, chi hộ khác cho cơ quan Nhà nước.”
Căn cứ các quy định nêu trên, Trường hợp Công ty TNHH một thành viên nước sạch Hà Nội (công ty) được UBND Thành phố giao thu tiền phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt thông qua hóa đơn tiền nước. Công ty được để lại một phần phí bảo vệ môi trường để hỗ trợ cho công tác thu tiền nước; phần còn lại (nếu có) nộp ngân sách Nhà nước thì công ty không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT đối với khoản tiền phí bảo vệ môi trường giữ lại. Công ty căn cứ vào chứng từ thu, chi để ghi nhận doanh thu đối với phần được giữ lại này.
Cục Thuế TP Hà Nội trả lời để Công ty TNHH một thành viên nước sạch Hà Nội được biết và thực hiện./.
| KT. CỤC TRƯỞNG |