TỔNG CỤC THUẾ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 72944/CT-TTHT | Hà Nội, ngày 18 tháng 09 năm 2019 |
Kính gửi: Công ty TNHH tư vấn thiết kế Cimas
(Địa chỉ: Tầng
6, Tòa nhà Charmvit, 117 Trần Duy Hưng, Cầu Giấy, Hà Nội; MST0101137000)
Ngày 23/8/2019, Cục Thuế TP Hà Nội nhận được công văn số 2108/2019/CV-CM ngày 21/8/2019 về việc giải trình, bổ sung thông tin, tài liệu cho công văn số 0608/2019/CV-CM ngày 06/8/2019 của Công ty TNHH tư vấn thiết kế Cimas, Cục thuế Thành phố Hà Nội có ý kiến như sau:
- Căn cứ Khoản 10 Điều 2 Nghị định số 82/2018/NĐ-CP ngày 22/05/2018 của Chính phủ quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế quy định:
“Điều 2. Giải thích từ ngữ
Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
10. Doanh nghiệp chế xuất là doanh nghiệp được thành lập và hoạt động trong khu chế xuất hoặc doanh nghiệp chuyên sản xuất sản phẩm để xuất khẩu hoạt động trong khu công nghiệp, khu kinh tế.
Doanh nghiệp chế xuất không nằm trong khu chế xuất được ngăn cách với khu vực bên ngoài theo các quy định áp dụng đối với khu phi thuế quan tại pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.”
- Căn cứ Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Luật Thuế giá trị gia tăng và Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18/12/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật Thuế giá trị gia tăng quy định:
+ Tại Khoản 20 Điều 4 quy định:
“Điều 4. Đối tượng không chịu thuế GTGT
20. ... Hàng hóa, dịch vụ được mua bán giữa nước ngoài với các khu phi thuế quan và giữa các khu phi thuế quan với nhau.
Khu phi thuế quan bao gồm: khu chế xuất, doanh nghiệp chế xuất, kho bảo thuế, khu bảo thuế, kho ngoại quan, khu kinh tế thương mại đặc biệt, khu thương mại - công nghiệp và các khu vực kinh tế khác được thành lập và được hưởng các ưu đãi về thuế như khu phi thuế quan theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Quan hệ mua bán trao đổi hàng hóa giữa các khu này với bên ngoài là quan hệ xuất khẩu, nhập khẩu...”
+ Tại Điều 9 quy định:
“Điều 9. Thuế suất 0%
1. Thuế suất 0%: áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu; hoạt động xây dựng, lắp đặt công trình ở nước ngoài và ở trong khu phi thuế quan; vận tải quốc tế; hàng hóa, dịch vụ thuộc diện không chịu thuế GTGT khi xuất khẩu, trừ các trường hợp không áp dụng mức thuế suất 0% hướng dẫn tại khoản 3 Điều này.
Hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu là hàng hóa, dịch vụ được bán, cung ứng cho tổ chức, cá nhân ở nước ngoài và tiêu dùng ở ngoài Việt Nam; bán, cung ứng cho tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế quan; hàng hóa, dịch vụ cung cấp cho khách hàng nước ngoài theo quy định của pháp luật.
…
2. Điều kiện áp dụng thuế suất 0%:
a) Đối với hàng hóa xuất khẩu:
- Có hợp đồng bán, gia công hàng hóa xuất khẩu; hợp đồng ủy thác xuất khẩu;
- Có chứng từ thanh toán tiền hàng hóa xuất khẩu qua ngân hàng và các chứng từ khác theo quy định của pháp luật;
- Có tờ khai hải quan theo quy định tại khoản 2 Điều 16 Thông tư này.
…
b) Đối với dịch vụ xuất khẩu:
- Có hợp đồng cung ứng dịch vụ với tổ chức, cá nhân ở nước ngoài hoặc ở trong khu phi thuế quan;
- Có chứng từ thanh toán tiền dịch vụ xuất khẩu qua ngân hàng và các chứng từ khác theo quy định của pháp luật;
…"
+ Tại Điều 11 quy định về mức thuế suất 10%:
“Điều 11. Thuế suất 10%
Thuế suất 10% áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ không được quy định tại Điều 4, Điều 9 và Điều 10 Thông tư này.
…”
+ Tại Điều 14 quy định về nguyên tắc khấu trừ thuế GTGT đầu vào.
+ Tại Điều 15 quy định về điều kiện khấu trừ thuế GTGT đầu vào.
- Căn cứ Thông tư số 26/2015/TT-BTC ngày 27/02/2015 của Bộ Tài chính quy định:
+ Tại Khoản 10 Điều 1 sửa đổi, bổ sung Điều 15 của Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 (đã được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 119/2014/TT-BTC ngày 25/8/2014 và Thông tư số 151/2014/TT-BTC ngày 10/10/2014 của Bộ Tài chính) như sau:
“Điều 15. Điều kiện khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào
1. Có hóa đơn giá trị gia tăng hợp pháp của hàng hóa, dịch vụ mua vào hoặc chứng từ nộp thuế giá trị gia tăng khâu nhập khẩu hoặc chứng từ nộp thuế GTGT thay cho phía nước ngoài theo hướng dẫn của Bộ Tài chính áp dụng đối với các tổ chức nước ngoài không có tư cách pháp nhân Việt Nam và cá nhân nước ngoài kinh doanh hoặc có thu nhập phát sinh tại Việt Nam.
2. Có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt đối với hàng hóa, dịch vụ mua vào (bao gồm cả hàng hóa nhập khẩu) từ hai mươi triệu đồng trở lên, trừ các trường hợp giá trị hàng hóa, dịch vụ nhập khẩu từng lần có giá trị dưới hai mươi triệu đồng, hàng hóa, dịch vụ mua vào từng lần theo hóa đơn dưới hai mươi triệu đồng theo giá đã có thuế GTGT và trường hợp cơ sở kinh doanh nhập khẩu hàng hóa là quà biếu, quà tặng của tổ chức, cá nhân ở nước ngoài.
Chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt gồm chứng từ thanh toán qua ngân hàng và chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt khác hướng dẫn tại khoản 3 và khoản 4 Điều này.
…”
Căn cứ các quy định nêu trên, Cục thuế Thành phố Hà Nội trả lời nguyên tắc như sau:
Trường hợp Công ty TNHH tư vấn thiết kế CIMAS (sau đây gọi là CIMAS) ký hợp đồng với Công ty TNHH vật liệu VinaSanfu (doanh nghiệp chế xuất) để thực hiện một số hạng mục (như tư vấn cấp phép phòng cháy chữa cháy; xin giấy phép xây dựng; thiết kế, thi công, lắp đặt nhà thép tiền chế; công tác thi công cọc) thì hàng hóa, dịch vụ cung cấp cho doanh nghiệp chế xuất thuộc đối tượng áp dụng thuế suất thuế GTGT 0% nếu đáp ứng điều kiện quy định tại Khoản 2 Điều 9 Thông tư số 219/2013/TT-BTC nêu trên.
Trường hợp CIMAS tiếp tục ký hợp đồng với các nhà thầu phụ để thực hiện dự án nêu trên thì các nhà thầu phụ phải lập hóa đơn, tính, kê khai nộp thuế GTGT 10% theo quy định. CIMAS được khấu trừ thuế GTGT đầu vào nếu đáp ứng điều kiện quy định tại Điều 15 Thông tư số 219/2013/TT-BTC và Khoản 10 Điều 1 Thông tư số 26/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính.
Trường hợp còn vướng mắc, đề nghị đơn vị liên hệ Phòng Thanh tra-Kiểm tra thuế số 2 để được hướng dẫn.
Cục Thuế TP Hà Nội trả lời để Công ty được biết và thực hiện./.
| CỤC TRƯỞNG |