TỔNG CỤC THUẾ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 5309/CT-TTHT | Hà Nội, ngày 16 tháng 02 năm 2017 |
Kính gửi: Công ty TNHH Bahn Auto
(Địa chỉ: Tầng 4 tòa nhà ICT, Lô 02-9A Cụm công nghiệp
Hoàng Mai I, Phường Hoàng Văn Thụ, Quận Hoàng Mai; Hà Nội. MST: 0106622699)
Cục thuế TP Hà Nội nhận được công văn số 502016/CV-BA ngày 06/12/2016 của Công ty TNHH Bahn Auto về vướng mắc chính sách thuế, Cục thuế TP Hà Nội có ý kiến như sau:
Căn cứ Khoản 1 Điều 5 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Luật Thuế giá trị gia tăng và Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18/12/2013 của Chính phủ quy định về các trường hợp không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT:
“Điều 5. Các trường hợp không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT
1. Tổ chức, cá nhân nhận các khoản thu về bồi thường bằng tiền (bao gồm cả tiền bồi thường về đất và tài sản trên đất khi bị thu hồi đất theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền), tiền thưởng, tiền hỗ trợ; tiền chuyển nhượng quyền phát thải và các khoản thu tài chính khác.
Cơ sở kinh doanh khi nhận khoản tiền thu về bồi thường, tiền thưởng; tiền hỗ trợ nhận được, tiền chuyển nhượng quyền phát thải và các khoản thu tài chính khác thì lập chứng từ thu theo quy định. Đối với cơ sở kinh doanh chi tiền, căn cứ mục đích chi để lập chứng từ chi tiền
... Trường hợp bồi thường bằng hàng hóa, dịch vụ, cơ sở bồi thường phải lập hóa đơn và kê khai, tính, nộp thuế GTGT như đối với bán hàng hóa, dịch vụ; cơ sở nhận bồi thường kê khai, khấu trừ theo quy định.”
Căn cứ khoản 3a, Điều 5 Thông tư số 119/2014/TT-BTC ngày 25/08/2014 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Điều 16 Thông tư số 39/2014/TT-BTC như sau:
“a) Sửa đổi, bổ sung hướng dẫn tại điểm b, c khoản 1 Điều 16 như sau:
“b) Người bán phải lập hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ, bao gồm cả các trường hợp hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu; hàng hóa, dịch vụ dùng để cho, biếu, tặng, trao đổi, trả thay lương cho người lao động và tiêu dùng nội bộ (trừ hàng hàng hóa luân chuyển nội bộ để tiếp tục quá trình sản xuất)…
Căn cứ Điểm 2,8 Phụ lục 04 ban hành theo Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/03/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn lập hóa đơn bán hàng hóa, dịch vụ đối với một số trường hợp:
“2.8. Tổ chức, cá nhân mua hàng hóa, người bán đã xuất hóa đơn, người mua đã nhận hàng nhưng sau đó người mua phát hiện hàng hóa không đúng quy cách, chất lượng phải trả lại toàn bộ hay một phần hàng hóa, khi xuất hàng trả lại cho người bán, cơ sở phải lập hóa đơn, trên hóa đơn ghi rõhàng hóa trả lại người bán do không đúng quy cách, chất lượng, tiền thuế GTGT (nếu có).
Trường hợp người mua là đối tượng không có hóa đơn, khi trả lại hàng hóa, bên mua và bên bán phải lập biên bản ghi rõ loại hàng hóa, số lượng, giá trị hàng trả lại theo giá không có thuế GTGT, tiền thuế GTGT theo hóa đơn bán hàng (số ký hiệu, ngày, tháng của hóa đơn), lý do trả hàng và bên bán thu hồi hóa đơn đã lập”.
Căn cứ các quy định nêu trên, trường hợp Công ty TNHH Bahn Auto nhập khẩu lốp ô tô từ Malaysia sau đó bán sản phẩm cho các khách hàng tại Việt Nam trong hợp đồng có cam kết bảo hành và khoản tiền bảo hành này do nhà sản xuất trả thì:
- Trường hợp 1: Khách hàng được bảo hành 100% - (đổi lại lốp mới):
+ Khi xuất đổi lốp mới cho khách hàng, Công ty TNHH Bahn Auto lập hóa đơn và kê khai, tính, nộp thuế GTGT theo quy định như đối với trường hợp bán hàng hóa, dịch vụ. Công ty khách hàng nhận lốp bảo hành thì kê khai, khấu trừ theo quy định tại Khoản 1 Điều 5 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính.
+ Khi khách hàng xuất trả lại lốp cũ bị hỏng do nhà sản xuất thì Khách hàng lập hóa đơn GTGT và ghi rõ hàng hóa không đúng quy cách, chất lượng, tiền thuế GTGT (nếu có) theo quy định tại Điểm 2.8 Phụ lục 04 ban hành kèm theo Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/03/2014 của Bộ Tài chính nêu trên.
+ Trường hợp người mua là cá nhân không có hóa đơn, khi trả lại hàng hóa, bên mua và bên bán phải lập biên bản ghi rõ loại hàng hóa, số lượng, giá trị hàng trả lại theo giá không có thuế GTGT, tiền thuế GTGT theo hóa đơn bán hàng (số ký hiệu, ngày, tháng của hóa đơn), lý do trả hàng và bên bán thu hồi hóa đơn đã lập.
- Trường hợp 2: Khách hàng được bảo hành <100% (đổi lại lốp mới và phải chi thêm một khoản tiền chênh lệch):
+ Nếu khách hàng phải nộp thêm 1 khoản tiền chênh lệch khi đổi lốp mới thì Công ty TNHH Bahn Auto lập hóa đơn GTGT và kê khai, tính, nộp thuế GTGT theo quy định như đối với trường hợp bán hàng hóa, dịch vụ.
Cục Thuế TP Hà Nội trả lời để Công ty TNHH Bahn Auto được biết và thực hiện./.
| KT. CỤC TRƯỞNG |