CỤC AN TOÀN THỰC PHẨM | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 4388/ATTP-SP | Hà Nội, ngày 23 tháng 08 năm 2018 |
Kính gửi: Ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh
Phúc đáp công văn số 1183/BQLATTP-CP ngày 08 tháng 8 năm 2018 của Ban Quản lý An toàn thực phẩm về việc thực hiện Nghị định số 15/2018/NĐ-CP. Sau khi xem xét, Cục An toàn thực phẩm có ý kiến như sau:
1. Căn cứ Điều 16 Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14 tháng 04 năm 2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa thì thành phần ghi trên nhãn hàng hóa là ghi tên nguyên liệu kể cả chất phụ gia dùng để sản xuất ra hàng hóa và tồn tại trong thành phẩm kể cả trường hợp hình thức nguyên liệu đã bị thay đổi. Do đó, đối với các sản phẩm thực phẩm nhập khẩu được nêu trong công văn nói trên của Ban Quản lý An toàn thực phẩm thì thành phần cấu tạo phải ghi rõ dạng sử dụng. Trường hợp nhãn gốc của sản phẩm không thể hiện dạng sử dụng của vitamin và khoáng chất thì phải thể hiện trên nhãn phụ sản phẩm theo quy định tại khoản 4 Điều 8 Nghị định số 43/2017/NĐ-CP.
2. Căn cứ điểm b, khoản 1, Điều 5 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02 tháng 02 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm thì Phiếu kết quả kiểm nghiệm an toàn thực phẩm của sản phẩm trong thời hạn 12 tháng tính đến ngày nộp hồ sơ được cấp bởi phòng kiểm nghiệm được chỉ định hoặc phòng kiểm nghiệm được công nhận phù hợp ISO 17025 gồm các chỉ tiêu an toàn do Bộ Y tế ban hành theo nguyên tắc quản lý rủi ro phù hợp với quy định của quốc tế hoặc các chỉ tiêu an toàn theo các quy chuẩn, tiêu chuẩn tương ứng do tổ chức, cá nhân công bố trong trường hợp chưa có quy định của Bộ Y tế. Do đó, trên phiếu kết quả kiểm nghiệm của sản phẩm phải ghi tên của công ty tự công bố sản phẩm là đơn vị gửi mẫu sản phẩm để kiểm nghiệm.
Trên đây là ý kiến của Cục An toàn thực phẩm, đề nghị Ban Quản lý An toàn thực phẩm hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện./.
| KT. CỤC TRƯỞNG |