BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 755/TCHQ-GSQL | Hà Nội, ngày 11 tháng 02 năm 2020 |
Kính gửi: Cục Hải quan các tỉnh, thành phố.
Trên cơ sở kết quả kiểm tra tại một số Cục Hải quan các tỉnh, thành phố về tình hình thực hiện công văn số 5189/TCHQ-GSQL ngày 13/8/2019 về kiểm tra, xác định xuất xứ, chống gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa, xâm phạm quyền SHTT, chuyển tải bất hợp pháp và một số nội dung liên quan đến thủ tục hải quan theo Quyết định số 3259/QĐ-TCHQ, Quyết định số 3260/QĐ-TCHQ ngày 06/11/2019, Tổng cục Hải quan yêu cầu Cục Hải quan các tỉnh, thành phố triển khai thực hiện các công việc sau:
1. Về việc khai tại ô mô tả hàng hóa trên tờ khai xuất khẩu, nhập khẩu:
Qua kết quả kiểm tra cho thấy, tại ô mô tả hàng hóa trên một số tờ khai xuất khẩu, nhập khẩu, người khai hải quan chưa khai chi tiết, rõ ràng, đầy đủ các tiêu chí như tên hàng, nhãn hiệu hàng hóa, quy cách phẩm chất, thông số kỹ thuật, thành phần cấu tạo, model, ký mã hiệu, đặc tính, công dụng của hàng hóa theo quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư số 38/2015/TT-BTC (được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 39/2018/TT-BTC) và hướng dẫn tại công văn số 5189/TCHQ-GSQL .
Ví dụ: một số tờ khai nhập khẩu tại ô mô tả hàng hóa chỉ khai tên hàng hóa như khung ghế tựa sofa bằng sắt RHF; da bò thuộc HB431; chăn lông hóa học, loại 2kg+/-10%, NSX: Guangdong Kaixuan Furniture Co., Limited, mới 100%...Một số tờ khai xuất khẩu tại ô mô tả hàng hóa khai còn khai sơ sài như buồng khí Haemofix FF TK, hàng mới 100%, xuất xứ Việt Nam; giầy vải 368673/SK849016-1, xuất xứ Việt Nam; gioăng cao su mới 100%, xuất xứ Việt Nam.
Yêu cầu Cục Hải quan các tỉnh, thành phố chỉ đạo các Chi cục Hải quan trực thuộc kiểm tra, hướng dẫn người khai hải quan thực hiện khai chi tiết, rõ ràng, đầy đủ các thông tin tại ô mô tả hàng hóa trên tờ khai xuất khẩu, nhập khẩu theo đúng quy định tại Phụ lục II Thông tư số 38/2015/TT-BTC (được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 39/2018/TT-BTC) và các quy định, hướng dẫn có liên quan; chấm dứt tình trạng người khai hải quan còn khai sơ sài, chưa đủ các thông tin tại ô mô tả hàng hóa trên tờ khai hải quan xuất khẩu, nhập khẩu gây khó khăn cho quá trình kiểm tra, giám sát, kiểm soát phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm.
2. Về ghi kết quả kiểm tra thực tế hàng hóa trên Phiếu ghi kết quả kiểm tra thực tế hàng hóa:
Qua kết quả kiểm tra cho thấy, việc ghi kết quả kiểm tra thực tế hàng hóa trên Phiếu ghi kết quả kiểm tra thực tế hàng hóa của một số tờ khai xuất khẩu, tờ khai nhập khẩu chưa cụ thể về tên hàng, nhãn hiệu, cách thức ghi nhãn hàng hóa, còn ghi chung chung như ghi hàng nhập khẩu hoặc hàng hóa xuất khẩu đã kiểm tra đúng như khai báo của người khai hải quan…; việc ghi kết quả kiểm tra thực tế hàng hóa chưa cụ thể không đủ cơ sở để kết luận lô hàng có nhãn hay không có nhãn, nhãn thể hiện trên hàng hóa có đúng quy định hay không làm cơ sở để xử lý vi phạm.
Yêu cầu Cục Hải quan các tỉnh, thành phố chỉ đạo các Chi cục Hải quan trực thuộc:
a) Thực hiện kiểm tra, rà soát, yêu cầu công chức hải quan khi ghi nhận kết quả kiểm tra thực tế hàng hóa trên Phiếu ghi kết quả kiểm tra thực tế hàng hóa phải ghi rõ tên hàng, số lượng hàng hóa được kiểm tra; cách thức ghi nhãn, ghi xuất xứ thể hiện trên hàng hóa, bao bì hàng hóa (ví dụ: xác định hàng hóa có nhãn hay không có nhãn, nếu có nhãn thì nhãn hàng hóa được thể hiện như thế nào và nhãn hàng hóa được thể hiện trực tiếp trên bao bì, hàng hóa hay chỉ ghi trên bao bì..., xuất xứ hàng hóa được thể hiện như thế nào), không thực hiện ghi chung chung về kết quả kiểm tra thực tế hàng hóa như kiểm tra thực tế hàng hóa đúng với khai của người khai hải quan.
b) Thực hiện kiểm tra, đôn đốc việc ghi kết quả kiểm tra thực tế hàng hóa trên Phiếu ghi kết quả kiểm tra thực tế hàng hóa theo đúng quy định, hướng dẫn tại các Chi cục; trường hợp công chức hải quan tiếp tục tái phạm việc ghi kết quả kiểm tra thực tế hàng hóa không đúng quy định, hướng dẫn thì thực hiện xử lý theo quy định.
3. Về một số hành vi gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn không đúng quy định:
Ngoài các hành vi gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn không đúng quy định, chuyển tải bất hợp pháp đã được nêu tại công văn số 5189/TCHQ-GSQL , qua kiểm tra phát hiện một số hành vi khác như sau:
3.1. Doanh nghiệp thực hiện nhập khẩu hàng hóa tại 01 Chi cục Hải quan và xuất khẩu hàng hóa tại 01 Chi cục Hải quan khác, hàng hóa nhập khẩu nguyên chiếc hoặc chỉ trải qua công đoạn gia công, sản xuất đơn giản.
Qua kết quả kiểm tra cho thấy có hiện tượng doanh nghiệp đăng ký tờ khai nhập khẩu tại một Chi cục Hải quan, xuất khẩu tại một Chi cục Hải quan khác với Chi cục Hải quan nhập khẩu để tránh việc phát hiện hàng hóa nhập khẩu không trải qua quá trình sản xuất, không đáp ứng tiêu chí xuất xứ theo quy định hoặc hàng hóa nhập khẩu nguyên chiếc nhưng khi xuất khẩu ghi xuất xứ Việt Nam trên tờ khai hải quan, bao bì, hàng hóa xuất khẩu.
3.2. Trộn lẫn hàng hóa có nguồn gốc nhập khẩu với hàng hóa được sản xuất trong nước để xuất khẩu nhưng trên tờ khai, bao bì, hàng hóa xuất khẩu ghi xuất xứ Việt Nam:
Qua kết quả kiểm tra cho thấy một số Công ty không có hoạt động sản xuất, thực hiện nhập khẩu hàng hóa nguyên chiếc từ nước ngoài hoặc từ doanh nghiệp khác trong nước để xuất khẩu.
Ví dụ: Doanh nghiệp nhập khẩu đầu vặn vít tại Đài Loan, đầu mũi khoan từ Trung Quốc, mua đầu vặn vít, đầu chụp mũi khoan từ 01 doanh nghiệp khác tại Việt Nam sau đó đóng gói chung thành sản phẩm đồng bộ, có mã số HS hàng hóa nhập khẩu và xuất khẩu giống nhau (ví dụ mã HS của hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu đều là 820790), trên bao bì sản phẩm ghi “Made in Vietnam. Drill bits and drive guide made in China”.
3.3. Xuất khẩu hàng hóa có nguồn gốc nhập khẩu nhưng chỉ thực hiện công đoạn gia công, sản xuất, lắp ráp đơn giản, không đáp ứng tiêu chí xuất xứ theo quy định:
Qua kết quả kiểm tra cho thấy hiện tượng một số doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa thuộc nhóm mặt hàng cáp điện, giấy, linh kiện điện tử, bảng mạch, tấm pin năng lượng mặt trời, các sản phẩm làm bằng nhôm, thép về gia công, sản xuất, lắp ráp. Sản phẩm khi xuất khẩu chỉ trải qua các công đoạn gia công, sản xuất, lắp ráp đơn giản không đáp ứng quy tắc xuất xứ nhưng khai xuất xứ Việt Nam trên tờ khai xuất khẩu và trên bao bì, hàng hóa ghi dòng chữ “Made in Vietnam.”
3.4. Nhập khẩu, xuất khẩu hàng hóa có mã số HS đầu vào và đầu ra trùng nhau hoặc vừa nhập khẩu hàng hóa là nguyên liệu/bán thành phẩm về để sản xuất hàng hóa xuất khẩu vừa nhập khẩu hàng hóa cùng loại với hàng hóa xuất khẩu hoặc ngoài việc xuất khẩu sản phẩm may mặc từ nguyên liệu nhập khẩu còn nhập khẩu nguyên liệu sản xuất hàng nội thất (ván ép, mặt đá, chậu rửa...).
3.5. Nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài nhưng trên hàng hóa không thể hiện nhãn hiệu, xuất xứ hoặc nhãn mác gắn trên bao bì, hàng hóa nhập khẩu và hướng dẫn sử dụng được ghi bằng tiếng Việt:
Ví dụ 1: Bộ ga trải giường được đựng chung trong một túi, trên túi có dòng chữ Lụa Việt và hình. Trên sản phẩm ga, gối, ga trải, chăn đều gắn mác ghi bằng tiếng Việt gồm dòng chữ Lụa Việt và hình, các thông tin về công dụng sản phẩm, tên sản phẩm, kích thước, chất liệu: 100% lụa, dòng chữ “Thiết kế Việt Nam, Lụa Việt” và hướng dẫn giặt là đều được ghi bằng tiếng Việt.
Ví dụ 2: Hàng hóa nhập khẩu là đồ chơi có xuất xứ Trung Quốc, trên thùng carton đựng sản phẩm có nhãn thể hiện số lượng, trọng lượng, kích thước nhưng không thể hiện tên hàng hóa, người sản xuất, xuất xứ.
3.6. Về dấu hiệu nghi vấn gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn không đúng quy định:
Công ty TNHH Hồng Triển (Công ty) nhập khẩu dây chun các màu tại Chi cục Hải quan cửa khẩu Hữu Nghị thuộc Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn. Công ty có nhà máy sản xuất tại Bắc Giang, làm thủ tục xuất khẩu mặt hàng dây chun, túi nhựa dùng đựng mỹ phẩm, túi xách bằng vải tại Chi cục Hải quan Bắc Giang thuộc Cục Hải quan tỉnh Bắc Ninh, trong đó mặt hàng dây chun được quấn bằng vỉ giấy carton kích thước 6,7cm x 11,3cm, trên bề mặt của vỉ giấy carton đã in sẵn nhãn hiệu SCUNCI và “Made in Vietnam”; hàng hóa xuất khẩu sang thị trường chính là Hoa Kỳ và Canada theo loại hình kinh doanh.
Qua quá trình làm thủ tục hải quan cho hàng hóa nhập khẩu của Công ty, Chi cục Hải quan cửa khẩu Hữu Nghị đã ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính Công ty TNHH Hồng Triển về hành vi giả mạo nhãn hiệu (1) “Nhập khẩu hàng hóa mang nhãn hiệu giả mạo” đối với mặt hàng dây buộc tóc dạng vòng có dập chữ SCUNCI và dây buộc tóc dạng vòng, đóng vỉ (vỉ bằng tấm giấy carton kích thước 6,7cm x 11,3cm, trên bề mặt đã in chữ, in nhãn hiệu SCUNCI, in dòng chữ MADE IN VIETNAM); (2) “Nhập khẩu nhãn, bao bì mang nhãn hiệu giả mạo” đối với tấm giấy carton kích thước 6,7 x 11,3cm, có in nhãn hiệu SCUNCI và dòng chữ MADE IN VIETNAM. (3) Không khai và khai sai về tên hàng, mã số hàng hóa, thuế suất, trị giá hàng hóa nhập khẩu dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp mà cơ quan hải quan phát hiện trong quá trình làm thủ tục hải quan.
Như vậy, Công ty có dấu hiệu nhập khẩu hàng hóa nguyên chiếc và nhập khẩu nguyên liệu là dây chun về sản xuất mặt hàng dây chun xuất khẩu không đáp ứng tiêu chí xuất xứ theo quy định tại Nghị định số 31/2018/NĐ-CP và Thông tư số 05/2018/TT-BCT .
Tổng cục Hải quan yêu cầu Cục Hải quan tỉnh Bắc Ninh và Lạng Sơn thực hiện một số công việc sau:
a) Cục Hải quan tỉnh Bắc Ninh chỉ đạo Chi cục Hải quan Bắc Giang thực hiện kiểm tra, xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu của Công ty và xử lý vi phạm theo quy định (nếu có). Trường hợp vụ việc phức tạp cần điều tra, xác minh làm rõ thì chuyển vụ việc cho Cục Điều tra chống buôn lậu hoặc cơ quan có thẩm quyền để thực hiện điều tra, xác minh, làm rõ hành vi vi phạm theo quy định. Phối hợp với Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn để trao đổi thông tin hoặc làm rõ các hành vi nghi vấn.
b) Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn chỉ đạo Chi cục Hải quan cửa khẩu Hữu Nghị kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tại khâu làm thủ tục hải quan đối với các mặt hàng nhập khẩu của Công ty này. Trường hợp cần thiết phối hợp chuyển thông tin cho Cục Hải quan tỉnh Bắc Ninh về các hành vi vi phạm của Công ty để Cục Hải quan tỉnh Bắc Ninh áp dụng biện pháp kiểm tra, kiểm soát thích hợp.
Kết quả thực hiện báo cáo Tổng cục Hải quan (Cục Giám sát quản lý về Hải quan) trước ngày 15/3/2020.
4. Về việc hủy tờ khai, khai sửa đổi, bổ sung, đưa hàng hóa về bảo quản đối với các tờ khai xuất khẩu, nhập khẩu:
4.1. Đối với hủy tờ khai:
Qua kiểm tra trên hệ thống cho thấy, một số tờ khai nhập khẩu đã thực hiện hủy với lý do “Không có hàng hóa nhập khẩu” nhưng hồ sơ hủy chưa thể hiện việc xác minh có hàng hóa đến cửa khẩu hay không là chưa đúng với quy định tại điểm b.1, khoản 2, Điều 22 Thông tư số 38/2015/TT-BTC (được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 39/2018/TT-BTC).
4.2. Đối với khai sửa đổi, bổ sung:
Qua kiểm tra trên hệ thống cho thấy:
- Một số tờ khai đã được công chức hải quan thực hiện tiếp nhận và có tờ khai bổ sung. Tuy nhiên, trên hệ thống vẫn thể hiện tình trạng “đang xử lý”, chưa chuyển sang trạng thái “hoàn thành kiểm tra”.
- Một số tờ khai đã được doanh nghiệp khai thông tin khai sửa đổi, bổ sung và gửi qua hệ thống nhưng chưa được công chức hải quan kiểm tra, phê duyệt.
Yêu cầu các đơn vị hải quan kiểm tra, xử lý theo quy định và phản hồi thông tin cho doanh nghiệp.
4.3. Đối với đưa hàng hóa về bảo quản:
- Một số tờ khai hải quan có hàng hóa nhập khẩu thuộc đối tượng kiểm tra nhà nước về chất lượng đã được công chức hải quan xử lý đưa hàng về bảo quản theo đề nghị của người khai hải quan; qua kiểm tra trên hệ thống, có một số tờ khai hải quan nhập khẩu, doanh nghiệp có gửi thông báo hàng hóa vận chuyển đến địa điểm bảo quản theo quy định tại Điều 32 Thông tư số 38/2015/TT-BTC (được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 39/2018/TT-BTC), tuy nhiên, vẫn còn trường hợp doanh nghiệp không thực hiện việc thông báo.
- Một số tờ khai nhập khẩu trên hệ thống thể hiện trạng thái “đưa hàng về bảo quản”. Trường hợp hàng hóa được chỉ định phân tích, phân loại để xác định mã số HS và đưa về bảo quản để chờ kết quả kiểm tra chất lượng, doanh nghiệp đã nộp kết quả kiểm tra chất lượng và được công chức hải quan xác nhận nhưng chưa chuyển đổi trạng thái tờ khai sang “giải phóng hàng”.
Yêu cầu các đơn vị hải quan kiểm tra, chấn chỉnh công chức hải quan thực hiện thủ tục hải quan chưa đúng quy định đối với các trường hợp nêu trên. Trường hợp công chức hải quan nào còn để xảy ra tình trạng thực hiện thủ tục hủy tờ khai, khai sửa đổi, bổ sung, đưa hàng về bảo quản không đúng quy định thì thực hiện xử lý vi phạm của công chức hải quan theo quy định, hướng dẫn hiện hành.
5. Yêu cầu Cục Hải quan các tỉnh, thành phố chỉ đạo các Chi cục Hải quan trực thuộc:
5.1. Tiếp tục triển khai quyết liệt hướng dẫn tại công văn số 5189/TCHQ-GSQL , Kế hoạch số 441/KH-TCHQ, Chỉ thị số 7988/CT-TCHQ ngày 25/12/2019 của Tổng cục Hải quan. Thực hiện rà soát, xác định doanh nghiệp xuất nhập khẩu có kim ngạch XNK tăng đột biến, giao dịch bất thường để áp dụng các biện pháp kiểm tra, điều tra, xác minh làm rõ; đặc biệt chú trọng đối với nhóm mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc..., xuất khẩu sang Hoa Kỳ, EU, Canada...
5.2. Đối với các hành vi gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn không đúng quy định nêu tại điểm 3 công văn này cần thực hiện kiểm tra, đối chiếu cụ thể thông tin về lô hàng tại hồ sơ hải quan, kết quả kiểm tra thực tế hàng hóa (nếu có) trong quá trình làm thủ tục hải quan, khi thực hiện thu thập thông tin về doanh nghiệp để kịp thời phát hiện các hành vi hoặc các dấu hiệu vi phạm để áp dụng biện pháp xử lý theo đúng quy định, hướng dẫn hiện hành.
5.3. Tăng cường kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp thuộc địa bàn quản lý để xác định doanh nghiệp có hoạt động gia công, lắp ráp, sản xuất hàng hóa xuất khẩu đáp ứng tiêu chí xuất xứ theo quy định; đặc biệt chú trọng áp dụng các biện pháp nghiệp vụ kiểm tra, điều tra, xác minh làm rõ đối với doanh nghiệp nhập khẩu linh kiện, cụm linh kiện từ Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông về sản xuất, lắp ráp, gia công công đoạn đơn giản, sau đó xuất khẩu sản phẩm sang Hoa Kỳ, EU, Canada...không đáp ứng tiêu chí xuất xứ theo quy định tại Nghị định 31/2018/NĐ-CP và Thông tư số 05/2018/TT-BCT thì không được khai xuất xứ Việt Nam trên tờ khai xuất khẩu, bao bì/hàng hóa khi xuất khẩu mà yêu cầu phải thực hiện khai xuất xứ theo đúng nguồn gốc của hàng hóa nhập khẩu. Trường hợp phát hiện doanh nghiệp có hành vi khai không đúng nguồn gốc xuất xứ hàng hóa thì thực hiện xử lý vi phạm theo quy định.
5.4. Thường xuyên thực hiện rà soát các tờ khai sửa đổi, bổ sung hiện đang ở trạng thái “đã đăng ký” nhưng chưa được phê duyệt để xác nhận hoàn thành thủ tục hải quan, trong đó đặc biệt lưu ý đối với các tờ khai hải quan khai sửa đổi, bổ sung do nộp bổ sung C/O để tránh trường hợp doanh nghiệp khai sửa đổi và nộp bổ sung C/O trong thời hạn quy định, nhưng cơ quan hải quan tiếp nhận, kiểm tra và phê duyệt sau thời hạn 30 ngày dẫn đến quá thời hạn quy định.
5.5. Đối với hàng hóa đưa về bảo quản thực hiện theo đúng quy định tại Điều 32 Thông tư số 38/2015/TT-BTC (được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 39/2018/TT-BTC), trong đó lưu ý việc theo dõi, hồi báo hàng hóa đã vận chuyển đến địa điểm bảo quản; kiểm tra địa điểm bảo quản hàng hóa trong trường hợp doanh nghiệp đưa về địa điểm bảo quản lần đầu; thường xuyên rà soát các lô hàng đã đưa về bảo quản quá 30 ngày nhưng chưa có kết quả kiểm tra để thực hiện kiểm tra việc lưu giữ hàng hóa và xử lý theo quy định, đồng thời phối hợp với các cơ quan kiểm tra chuyên ngành để xác minh, theo dõi các lô hàng quá thời hạn 30 ngày nhưng chưa có kết quả kiểm tra chuyên ngành.
5.6. Việc hủy tờ khai hải quan thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục quy định tại Thông tư số 38/2015/TT-BTC (được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 39/2018/TT-BTC), trong đó lưu ý việc kiểm tra, xác minh thông tin đối với các lô hàng nhập khẩu đã được phía Trung Quốc cấp C/O nhưng không có hàng hóa nhập khẩu, trường hợp cần thiết thì thực hiện việc xác minh, trao đổi với cơ quan hải quan phía Trung Quốc để tìm hiểu quy trình cấp C/O (cấp trước hay sau thời điểm thực xuất khẩu) nhằm tránh trường hợp hàng hóa đã xuất khẩu khỏi lãnh thổ Trung Quốc nhưng không biết có nhập khẩu hàng hóa vào Việt Nam hay không.
5.7. Thành lập bộ phận chuyên trách thuộc Cục để thường xuyên tổ chức rà soát, kiểm tra, kiểm soát thông qua hệ thống xử lý dữ liệu hải quan điện tử theo Quy chế kiểm tra, kiểm soát nội bộ đối với việc thực hiện thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan ban hành kèm Quyết định số 4398/QĐ-TCHQ ngày 20/12/2016 của Tổng cục Hải quan, qua đó, kịp thời kiểm tra, chấn chỉnh công tác nghiệp vụ tại các Chi cục Hải quan trực thuộc.
5.8. Tổ chức triển khai các giải pháp đẩy nhanh thông quan nông, lâm, thủy sản xuất khẩu sang Trung Quốc theo chỉ đạo của Tổng cục Hải quan tại công văn số 6894/TCHQ-GSQL ngày 04/11/2019; chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh và phía Hải quan Trung Quốc kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp xuất khẩu; trường hợp vượt thẩm quyền thì báo cáo Tổng cục Hải quan hoặc UBND tỉnh, TP để có giải pháp xử lý kịp thời, tránh tình trạng ách tắc hàng hóa tại cửa khẩu.
5.9. Thường xuyên tổ chức kiểm tra tình hình triển khai thực hiện các chỉ đạo, hướng dẫn của Tổng cục Hải quan tại các Chi cục Hải quan trực thuộc để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các công chức hải quan còn buông lỏng quản lý, chưa chú trọng công tác đấu tranh, phòng chống các hành vi gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn không đúng quy định, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, chuyển tải bất hợp pháp. Đơn vị Hải quan nào còn để xảy ra tình trạng nêu trên mà không kịp thời phát hiện, xử lý thì đơn vị đó phải chịu trách nhiệm.
Tổng cục Hải quan hướng dẫn để Cục Hải quan các tỉnh, thành phố biết, thực hiện./.
| KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG |