Open navigation

Công văn 77340/CT-TTHT Mất hóa đơn liên 2 bị sai tên, địa chỉ


TỔNG CỤC THUẾ

CỤC THUẾ TP HÀ NỘI

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

---------------

Số: 77340/CT-TTHT

V/v mất hóa đơn liên 2 bị sai tên, địa chỉ.

Hà Nội, ngày 27 tháng 11 năm 2017


Kính gửi: Tổng Công ty đầu tư phát triển hạ tầng đô thị UDIC-Công ty TNHH MTV

(Đ/c: 27 Huỳnh Thúc Kháng, Phường Láng Hạ, Quận Đống Đa, TP Hà Nội) MST: 0100106232


Trả lời công văn số 1455 ngày 02/11/2017 của Tổng Công ty đầu tư phát triển hạ tầng đô thị UDIC- Công ty TNHH MTV (sau đây gọi là Công ty) hỏi về chính sách thuế, Cục thuế Thành phố Hà Nội có ý kiến như sau:


- Căn cứ Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/03/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14/05/2010 và Nghị định số 04/2014/NĐ-CP ngày 17/01/2014 của Chính phủ quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ quy định:


+ Tại Khoản 3 Điều 20 quy định về xử lý đối với hóa đơn đã lập:


“Điều 20. Xử lý đối với hóa đơn đã lập


3. Trường hợp hóa đơn đã lập và giao cho người mua, đã giao hàng hóa, cung ứng dịch vụ, người bán và người mua đã kê khai thuế, sau đó phát hiện sai sót thì người bán và người mua phải lập biên bản hoặc có thỏa thuận bằng văn bản ghi rõ sai sót, đồng thời người bán lập hóa đơn điều chỉnh sai sót. Hóa đơn ghi rõ điều chỉnh (tăng, giảm) số lượng hàng hóa, giá bán, thuế suất thuế giá trị gia tăng..., tiền thuế giá trị gia tăng cho hóa đơn số..., ký hiệu... Căn cứ vào hóa đơn điều chỉnh, người bán và người mua kê khai điều chỉnh doanh số mua, bán, thuế đầu ra, đầu vào. Hóa đơn điều chỉnh không được ghi số âm (-).”


+ Tại Điều 24 quy định về xử lý trong trường hợp mất, cháy, hỏng hóa đơn:


“Điều 24. Xử lý trong trường hợp mất, cháy, hỏng hóa đơn


  1. Tổ chức, hộ, cá nhân kinh doanh nếu phát hiện mất, cháy, hỏng hóa đơn đã lập hoặc chưa lập phải lập báo cáo về việc mất, cháy, hỏng và thông báo với cơ quan thuế quản lý trực tiếp (mẫu số 3.8 Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư này) chậm nhất không quá năm (05) ngày kể từ ngày xảy ra việc mất, cháy, hỏng hóa đơn. Trường hợp ngày cuối cùng (ngày thứ 05) trùng với ngày nghỉ theo quy định của pháp luật thì ngày cuối cùng của thời hạn được tính là ngày tiếp theo của ngày nghỉ đó.


  2. Trường hợp khi bán hàng hóa, dịch vụ người bán đã lập hóa đơn theo đúng quy định nhưng sau đó người bán hoặc người mua làm mất, cháy, hỏng liên 2 hóa đơn bản gốc đã lập thì người bán và người mua lập biên bản ghi nhận sự việc, trong biên bản ghi rõ liên 1 của hóa đơn

người bán hàng khai, nộp thuế trong tháng nào, ký và ghi rõ họ tên của người đại diện theo pháp luật (hoặc người được ủy quyền), đóng dấu (nếu có) trên biên bản và người bán sao chụp liên 1 của hóa đơn, ký xác nhận của người đại diện theo pháp luật và đóng dấu trên bản sao hóa đơn để giao cho người mua. Người mua được sử dụng hóa đơn bản sao có ký xác nhận, đóng dấu (nếu có) của người bán kèm theo biên bản về việc mất, cháy, hỏng liên 2 hóa đơn để làm chứng từ kế toán và kê khai thuế. Người bán và người mua phải chịu trách nhiệm về tính chính xác của việc mất; cháy, hỏng hóa đơn.


Trường hợp mất, cháy, hỏng hóa đơn liên 2 đã sử dụng có liên quan đến bên thứ ba (ví dụ: bên thứ ba là bên vận chuyển hàng hoặc bên chuyển hóa đơn) thì căn cứ vào việc bên thứ ba do người bán hoặc người mua thuê để xác định trách nhiệm và xử phạt người bán hoặc người mua theo quy định.”


- Căn cứ Khoản 7 Điều 3 Thông tư số 26/2015/TT-BTC ngày 27/2/2015 của Bộ Tài chính quy định sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 hướng dẫn thi hành Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2010 và Nghị định số 04/2014/NĐ-CP ngày 17 tháng 01 năm 2014 của Chính phủ quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ như sau:


“7. Sửa đổi, bổ sung Điều 16 như sau:


b) Sửa đổi, bổ sung điểm b Khoản 2 Điều 16 như sau:



Trường hợp hóa đơn đã lập có sai sót về tên, địa chỉ người mua nhưng ghi đúng mã số thuế người mua thì các bên lập biên bản điều chỉnh và không phải lập hóa đơn điều chỉnh. Các trường hợp hóa đơn đã lập có sai sót khác thực hiện theo hướng dẫn tại Điều 20 Thông tư số 39/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính.”


Căn cứ các quy định trên và theo trình bày của đơn vị tại công văn hỏi, Cục thuế TP Hà Nội trả lời về nguyên tắc như sau:


- Trường hợp Công ty lập hóa đơn và đã giao cho người mua- Quận ủy Hai Bà Trưng (là tổ chức không kinh doanh), sau đó phát hiện bị mất hóa đơn liên 2 bản gốc đồng thời hóa đơn này bị lập sai tên, địa chỉ người mua thì Công ty và người mua:


+ Lập biên bản điều chỉnh trên biên bản ghi rõ sai sót về tên và địa chỉ của người mua.


+ Lập biên bản ghi nhận sự việc làm mất hóa đơn, trong biên bản ghi rõ liên 1 của hóa đơn Công ty khai, nộp thuế trong tháng nào, ký và ghi rõ họ tên của người đại diện theo pháp luật, đóng dấu trên biên bản.


Đồng thời Công ty sao chụp liên 1 của hóa đơn, ký xác nhận của người đại diện theo pháp luật và đóng dấu trên bản sao hóa đơn để giao cho người mua. Người mua được sử dụng hóa đơn bản sao có ký xác nhận, đóng dấu của Công ty kèm theo biên bản về việc mất, cháy,

hỏng liên 2 hóa đơn để làm chứng từ kế toán và kê khai thuế. Công ty và người mua phải chịu trách nhiệm về tính chính xác của việc mất, cháy, hỏng hóa đơn.


- Trong quá trình thực hiện nếu còn vướng mắc, đề nghị đơn vị liên hệ với Phòng Kiểm tra thuế số 6 để được hướng dẫn.


Cục thuế TP Hà Nội trả lời để Công ty được biết và thực hiện./.



Nơi nhận:

- Như trên;

  • Phòng KT6;

  • Phòng Pháp chế;

  • Phòng QLAC;

  • Lưu: VT, TTHT(2).


KT. CỤC TRƯỞNG PHÓ CỤC TRƯỞNG


Mai Sơn

Tải về văn bản (file PDF):

Câu trả lời này có giúp ích cho bạn không? Yes No

Send feedback
Rất tiếc là chúng tôi không giúp được nhiều. Hãy giúp chúng tôi cải thiện bài viết này bằng phản hồi của bạn.