Open navigation

Công văn 5305/TCT-DNL Thuế đối với chi phí phát sinh liên quan đến tài sản cố định phục vụ NLĐ tại DN được đầu tư bằng nguồn Quỹ phúc lợi

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC THUẾ
 -------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
 ---------------

Số: 5305/TCT-DNL
V/v: chính sách thuế

Hà Nội, ngày 18 tháng 12 năm 2019

Kính gửi: Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam

Tổng cục Thuế nhận được công văn số 4457/VNPT-KTTC-KHĐT ngày 19/9/2019 của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đề nghị hướng dẫn về chính sách thuế đối với chi phí phát sinh liên quan đến tài sản cố định (TSCĐ) phục vụ người lao động tại doanh nghiệp được đầu tư bằng nguồn Quỹ phúc lợi. Về vấn đề này, Tổng cục Thuế có ý kiến như sau:

Tại Khoản 2 Điều 34 Thông tư số 200/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn Chế độ kế toán doanh nghiệp hướng dẫn:

“2. Kế toán phải theo dõi chi tiết nguồn hình thành TSCĐ để phân bổ hao mòn một cách phù hợp theo nguyên tắc:

- Đối với TSCĐ hình thành từ nguồn vốn vay hoặc vốn chủ sở hữu phục vụ cho sản xuất, kinh doanh thì hao mòn được tính vào chi phí sản xuất, kinh doanh;

- Đối với TSCĐ hình thành từ các Quỹ phúc lợi, Quỹ phát triển khoa học và công nghệ hoặc nguồn kinh phí thì hao mòn được ghi giảm các quỹ, nguồn kinh phí hình thành TSCĐ đó.”

Tại Điểm đ Khoản 1 Điều 63 Thông tư số 200/2014/TT-BTC hướng dẫn về hạch toán Quỹ khen thưởng phúc lợi:

“đ) Đối với TSCĐ đầu tư, mua sắm bằng quỹ phúc lợi khi hoàn thành dùng cho nhu cầu văn hóa, phúc lợi của doanh nghiệp, kế toán ghi tăng TSCĐ và đồng thời được kết chuyển từ Quỹ phúc lợi (TK 3532) sang Quỹ phúc lợi đã hình thành TSCĐ (TK 3533). Những TSCĐ này hàng tháng không trích khấu hao TSCĐ vào chi phí mà cuối niên độ kế toán tính hao mòn TSCĐ một lần /một năm để ghi giảm Quỹ phúc lợi đã hình thành TSCĐ.”

Căn cứ Khoản 1, Khoản 2 Điều 9 Thông tư số 45/2013/TT-BTC ngày 25/4/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định:

“Điều 9. Nguyên tắc trích khấu hao TSCĐ:

1. Tất cả TSCĐ hiện có của doanh nghiệp đều phải trích khấu hao, trừ những TSCĐ sau đây:

- TSCĐ sử dụng trong các hoạt động phúc lợi phục vụ người lao động của doanh nghiệp (trừ các TSCĐ phục vụ cho người lao động làm việc tại doanh nghiệp như: nhà nghỉ giữa ca, nhà ăn giữa ca, nhà thay quần áo, nhà vệ sinh, bể chứa nước sạch, nhà để xe, phòng hoặc trạm y tế để khám chữa bệnh, xe đưa đón người lao động, cơ sở đào tạo, dạy nghề, nhà ở cho người lao động do doanh nghiệp đầu tư xây dựng).

...

2. Các khoản chi phí khấu hao tài sản cố định được tính vào chi phí hợp lý khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp thực hiện theo quy định tại các văn bản pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp.”

Tại điểm 2.29 Điều 6 Thông tư 78/2014/TT-BTC đã được sửa đổi thành điểm 2.28 tại Điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC hướng dẫn về chi phí không được trừ với các khoản chi được bù đắp bằng nguồn kinh phí khác như sau:

“2.29. Các khoản chi được bù đắp bằng nguồn kinh phí khác; Các khoản chi đã được chi từ quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp; Chi phí mua thẻ hội viên sân gôn, chi phí chơi gôn.”

Căn cứ các quy định nêu trên, Tổng cục Thuế hướng dẫn VNPT như sau:

Trường hợp Tập đoàn VNPT triển khai đầu tư xây dựng khu thể thao phục vụ cho người lao động làm việc tại VNPT bằng nguồn Quỹ phúc lợi của Tập đoàn thì Tập đoàn không trích khấu hao TSCĐ để tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.

Tổng cục Thuế trả lời để Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam được biết và thực hiện./.

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- LĐ Bộ (để b/cáo);
- Vụ CST, PC, TCDN, CĐKT – BTC;
- Vụ CS, PC, KK&KTT - TCT;
 - Lưu: VT, TCT (VT, DNL – 2b).

KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG




 Phi Vân Tuấn

Tải về văn bản (file PDF):

Câu trả lời này có giúp ích cho bạn không? Yes No

Send feedback
Rất tiếc là chúng tôi không giúp được nhiều. Hãy giúp chúng tôi cải thiện bài viết này bằng phản hồi của bạn.