Open navigation

Công văn 5600/TCT-DNL Chính sách thuế đối với bán tài sản bảo đảm

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC THUẾ
 -------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
 ---------------

Số: 5600/TCT-DNL
V/v: chính sách thuế đối với bán tài sản bảo đảm

Hà Nội, ngày 31 tháng 12 năm 2019

 

Kính gửi: Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam.
(Đ/c: Số 2 Hàng Vôi, phường Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội)

Tổng cục Thuế nhận được công văn số 4510/BIDV-TC của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (Ngân hàng BIDV) vướng mắc về chính sách thuế đối với bán tài sản bảo đảm. Về vấn đề này, Tổng cục Thuế có ý kiến như sau:

1. Về việc xuất hóa đơn, kê khai nộp thuế khi bán tài sản bảo đảm:

Tại khoản 7a Điều 3 Thông tư số 26/2015/TT-BTC ngày 27/02/2015 của Bộ Tài chính quy định:

“a) Sửa đổi, bổ sung điểm b Khoản 1 Điều 16 (đã được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 3 Điều 5 Thông tư số 119/2014/TT-BTC) như sau:

b) Người bán phải lập hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ…”

Tại khoản 3 Điều 1 Thông tư số 26/2015/TT-BTC ngày 27/02/2015 của Bộ Tài chính quy định:

“3. Sửa đổi, bổ sung điểm a Khoản 8 Điều 4 (đã được sửa đổi, bổ sung tại Điều 8 Thông tư số 151/2014/TT-BTC ngày 10/10/2014 của Bộ Tài chính) như:

“a) Dịch vụ cấp tín dụng gồm các hình thức:

- Bán tài sản bảo đảm tiền vay do tổ chức tín dụng hoặc do cơ quan thi hành án hoặc bên đi vay vốn tự bán tài sản bảo đảm theo ủy quyền của bên cho vay để trả nợ khoản vay có bảo đảm, cụ thể:

Tài sản bảo đảm tiền vay được bán là tài sản thuộc giao dịch bảo đảm đã được đăng ký với cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về đăng ký giao dịch bảo đảm.

Việc xử lý tài sản bảo đảm tiền vay thực hiện theo quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm.

Trường hợp hết thời gian trả nợ, người có tài sản bảo đảm không có khả năng trả nợ và phải bàn giao tài sản cho tổ chức tín dụng để tổ chức tín dụng xử lý tài sản bảo đảm tiền vay theo quy định của pháp luật, các bên thực hiện thủ tục bàn giao tài sản bảo đảm theo quy định của pháp luật thì không phải xuất hóa đơn GTGT.

Trường hợp tổ chức tín dụng nhận tài sản bảo đảm để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ trả nợ thì tổ chức tín dụng thực hiện hạch toán tăng giá trị tài sản phục vụ sản xuất kinh doanh theo quy định. Khi tổ chức tín dụng bán tài sản phục vụ hoạt động kinh doanh nếu tài sản thuộc đối tượng chịu thuế GTGT thì tổ chức tín dụng phải kê khai, nộp thuế GTGT theo quy định.”

Tại Khoản 2 và Khoản 4 Điều 16 Thông tư số 151/2014/TT-BTC ngày 10/10/2014 của Bộ Tài chính sửa đổi Điều 12 Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013 của Bộ Tài chính quy định về việc kê khai thuế thu nhập doanh nghiệp như sau:

“2... Các trường hợp kê khai thuế thu nhập doanh nghiệp theo từng lần phát sinh:

Khai thuế thu nhập doanh nghiệp theo từng lần phát sinh đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản áp dụng đối với doanh nghiệp không có chức năng kinh doanh bất động sản và doanh nghiệp có chức năng kinh doanh bất động sản nếu có nhu cầu…”

4. Khai thuế thu nhập doanh nghiệp đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp

b) Doanh nghiệp không phát sinh thường xuyên hoạt động chuyển nhượng bất động sản thực hiện khai thuế thu nhập doanh nghiệp tạm tính theo từng lần phát sinh chuyển nhượng bất động sản. Doanh nghiệp không phát sinh thường xuyên hoạt động chuyển nhượng bất động sản là doanh nghiệp không có chức năng kinh doanh bất động sản.

Hồ sơ khai thuế thu nhập doanh nghiệp theo từng lần chuyển nhượng bất động sản là Tờ khai thuế thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản theo mẫu số 02/TNDN ban hành kèm theo Thông tư này.”

Tại Khoản 4 Điều 17 Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014 của Bộ Tài chính quy định:

“4. Trường hợp tổ chức tín dụng nhận giá trị bất động sản là tài sản bảo đảm tiền vay để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm thì tổ chức tín dụng khi được phép chuyển nhượng bất động sản theo quy định của pháp luật phải kê khai nộp thuế thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản vào Ngân sách Nhà nước. Trường hợp bán đấu giá bất động sản là tài sản bảo đảm tiền vay thì số tiền thu được thực hiện thanh toán theo quy định của Chính phủ về bảo đảm tiền vay của các tổ chức tín dụng và kê khai nộp thuế theo quy định. Sau khi thanh toán các khoản trên, số tiền còn lại được trả cho các tổ chức kinh doanh đã thế chấp bất động sản để bảo đảm tiền vay.

Trường hợp tổ chức tín dụng được phép chuyển nhượng bất động sản đã được thế chấp theo quy định của pháp luật để thu hồi vốn nếu không xác định được giá vốn của bất động sản thì giá vốn được xác định bằng (=) vốn vay phải trả theo hợp đồng thế chấp bất động sản cộng (+) chi phí lãi vay chưa trả đến thời điểm phát mãi bất động sản thế chấp theo hợp đồng tín đụng cộng (+) các khoản chi phí phát sinh khi chuyển nhượng bất động sản nếu có hóa đơn, chứng từ hợp pháp.”

Căn cứ quy định nêu trên, đề nghị Ngân hàng BIDV xuất hóa đơn GTGT, kê khai nộp thuế khi bán tài sản bảo đảm theo đúng quy định.

2. Về hóa đơn đối với chi phí bán đấu giá tài sản bảo đảm:

Trường hợp Ngân hàng BIDV cho Công ty Hòa Phú vay vốn và Công ty không có khả năng trả nợ đã ủy quyền cho Ngân hàng BIDV được quyền xử lý, bán tài sản bảo đảm tiền vay để thu hồi nợ. Ngân hàng BIDV ký hợp đồng với Công ty CP Dịch vụ Đấu giá Miền Nam để bán đấu giá tài sản bảo đảm và Ngân hàng BIDV là đơn vị xuất hóa đơn bán tài sản bảo đảm thì Công ty CP Dịch vụ Đấu giá Miền Nam xuất hóa đơn cho Ngân hàng BIDV đối với chi phí bán đấu giá.

Trường hợp Công ty Hòa Phú yêu cầu Ngân hàng BIDV xuất hóa đơn cho Công ty đối với chi phí bán đấu giá để ghi nhận chi phí là không phù hợp, căn cứ theo quy định tại khoản 4 Điều 17 Thông tư số 78/2014/TT-BTC thì chi phí đấu giá đã được tính vào giá vốn để tính thuế TNDN đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản.

3. Về nguyên tắc tập hóa đơn điện tử:

Tại Khoản 1 Điều 4 Nghị định số 119/2018/NĐ-CP ngày 12/9/2018 của Chính phủ quy định:

Điều 4. Nguyên tắc lập, quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử

1. Khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán (trừ hộ, cá nhân kinh doanh quy định tại khoản 6 Điều 12 Nghị định này) phải lập hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế hoặc hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế để giao cho người mua theo định dạng chuẩn dữ liệu mà cơ quan thuế quy định và phải ghi đầy đủ nội dung theo quy định tại Nghị định này, không phân biệt giá trị từng lần bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ.”

Ngày 30/9/2019, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 68/2019/TT-BTC hướng dẫn thực hiện một số Điều của Nghị định số 119/2018/NĐ-CP ngày 12/9/2018 của Chính phủ về hóa đơn điện tử.

Đề nghị Ngân hàng BIDV thực hiện theo đúng quy định tại các văn bản hướng dẫn về hóa đơn điện tử nêu trên.

Tổng cục Thuế trả lời để Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam được biết vả thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Phó TCT Phi Vân Tuấn (để b/cáo);
- Vụ PC, CS, KK (TCT);
 - Lưu: VT, DNL (2b).

TL. TỔNG CỤC TRƯỞNG
VỤ TRƯỞNG VỤ QLT DOANH NGHIỆP LỚN




 Nguyễn Văn Phụng

 

Tải về văn bản (file PDF):

Câu trả lời này có giúp ích cho bạn không? Yes No

Send feedback
Rất tiếc là chúng tôi không giúp được nhiều. Hãy giúp chúng tôi cải thiện bài viết này bằng phản hồi của bạn.