Open navigation

Công văn 4747/TCHQ-GSQL Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất, quá cảnh

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC HẢI QUAN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
 Đ
ộc lập - Tự do - Hạnh phúc
 ----------------

Số: 4747/TCHQ-GSQL
V/v tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa KDTNTX, quá cảnh

Hà Nội, ngày 16 tháng 7 năm 2020

 

Kính gửi: Cục Hải quan các tỉnh, thành ph.

Nhằm tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hải quan, chủ động phát hiện và ngăn chặn, xử lý hành vi gian lận thương mại đối với hoạt động kinh doanh tạm nhập tái xuất, gửi kho ngoại quan, quá cảnh hàng hóa, Tổng cục Hải quan yêu cầu Cục Hải quan các tỉnh, thành phố chỉ đạo các Chi cục Hải quan trực thuộc thực hiện thống nhất như sau:

1. Thực hiện nghiêm túc công tác quản lý, kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất, quá cảnh theo đúng quy định tại Nghị định số 69/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ, Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015 được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 59/2018/NĐ-CP ngày 20/04/2018 của Chính phủ; Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 được sửa đổi, bổ sung Thông tư số 39/2018/TT-BTC ngày 20/04/2018 của Bộ Tài chính và các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo liên quan của Tổng cục Hải quan.

2. Một số biện pháp tăng cường cụ thể:

- Về công tác kiểm tra, giám sát hải quan: Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hải quan nhằm kiểm soát chặt chẽ đối với hàng hóa quá cảnh, hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất, gửi kho ngoại quan trong thời gian hàng hóa lưu giữ, lưu kho, thay đổi phương thức vận chuyển, phương tiện vận tải, đặc biệt là trong thời gian hàng hóa lưu giữ tại kho, bãi của doanh nghiệp và kho ngoại quan tại cửa khẩu xuất, cửa khẩu nhập và trong thời gian chia nhỏ container để vận chuyển sang nước nhập khẩu, đảm bảo hàng hóa còn nguyên trạng, không để xảy ra tình trạng lợi dụng để đánh tráo hàng hóa, thay đổi nhãn, mác, xuất xứ hàng hóa.

- Thực hiện kiểm tra điều kiện của phương tiện chứa hàng hóa vận chuyển chịu sự giám sát hải quan khi thực hiện việc niêm phong hải quan đối với hàng hóa vận chuyển, cụ thể: Phương tiện vận tải tham gia hoạt động vận chuyển hàng hóa phải đảm bảo có lắp đặt và sử dụng thiết bị định vị, giám sát hành trình, đảm bảo điều kiện thực hiện niêm phong hải quan như phương tiện chứa hàng hóa phải là container, xi téc, thùng xe tải, toa xe thùng, khoang chứa hàng, hầm hàng kín có tay khóa, chốt có lỗ đảm bảo gắn được niêm phong của cơ quan hải quan.

- Thực hiện xác nhận hàng hóa vận chuyển đến đích thông qua nghiệp vụ BIA ngay sau khi toàn bộ hàng hóa được vận chuyển đến đích và thực hiện theo dõi, giám sát hải quan từ khi vào khu vực giám sát hải quan cho đến khi hàng hóa xuất khẩu qua biên giới và thực hiện cập nhật thông tin hàng hóa đã thực xuất trên Hệ thống.

- Giám sát hàng hóa trong thời gian chia nhỏ container để tái xuất: Lập sổ theo dõi đối với từng lần thực hiện việc chia nhỏ container, trong đó ghi nhận đầy đủ thông tin về số hiệu container thực hiện chia nhỏ, ngày, giờ bắt đầu, kết thúc việc mở container, số lượng hàng hóa chia nhỏ, biển kiểm soát, loại phương tiện chở hàng lên cửa khẩu xuất.

- Giám sát hàng hóa vận chuyển từ kho, bãi, địa điểm tập kết, kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất nhập khẩu ở biên giới, điểm thông quan hàng hóa đến cửa khẩu xuất: Thực hiện công tác giám sát hải quan bằng seal định vị điện tử khi vận chuyển hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất, hàng hóa gửi kho ngoại quan xuất ra nước ngoài từ kho, bãi, địa điểm tập kết, kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất nhập khẩu ở biên giới, điểm thông quan hàng hóa đến cửa khẩu tái xuất, trường hợp chưa áp dụng seal định vị điện tử thì thực hiện việc niêm phong hải quan theo quy định. Đồng thời, lập Biên bản bàn giao điện tử trên Hệ thống (nếu có) hoặc lập Biên bản bàn giao bằng giấy, trong đó cập nhật đầy đủ thông tin về biển kiểm soát, loại phương tiện chở hàng, ngày, giờ vận chuyển đi, ngày, giờ, vận chuyển đến đích, nơi hàng hóa vận chuyển đi, nơi hàng hóa vận chuyển đến, tên, mã số hàng hóa, số lượng, trọng lượng hàng hóa...

- Về cửa khẩu tạm nhập, tái xuất hàng hóa: Không cho phép làm thủ tục tạm nhập, tái xuất hàng hóa qua các cửa khẩu phụ, lối mở biên giới sau: Nà Lạn (Cao Bằng), A-Pa-Chải (Điện Biên), Lũng Pô (Lào Cai) và các địa điểm chưa được cơ quan có thẩm quyền quyết định mở cửa khẩu, lối mở biên giới theo quy định tại Nghị định số 112/2014/NĐ-CP ngày 21/11/2014 của Chính phủ về quản lý cửa khẩu biên giới đất liền. Việc tạm nhập, tái xuất qua các cửa khẩu phụ, lối mở biên giới khác thực hiện nghiêm túc theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 177/TB-VPCP ngày 08/5/2020 và công văn số 3701/VPCP-KTTH ngày 11/5/2020.

- Về công tác chống buôn lậu: Lực lượng chống buôn lậu tiến hành thu thập, phân tích và xử lý các thông tin nghiệp vụ hải quan có liên quan; thực hiện các biện pháp nghiệp vụ kiểm soát hải quan; tổ chức nắm tình hình, xây dựng phương án, kế hoạch trọng tâm, trọng điểm đối với hàng hóa, doanh nghiệp, địa bàn có nguy cơ gian lận...

- Tăng cường công tác kiểm soát nội bộ đối với việc thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh của các cán bộ, công chức hải quan thừa hành.

Tổng cục Hải quan thông báo để các đơn vị được biết, thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- TCT Nguyễn Vân Cẩn (để b/c);
- Các PTCT (để theo dõi, chỉ đạo);
- Cục ĐTCBL (để p/hợp);
 - Lưu: VT, GSQL (3b).

KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG




 Mai Xuân Thành

 

Tải về văn bản (file PDF):

Câu trả lời này có giúp ích cho bạn không? Yes No

Send feedback
Rất tiếc là chúng tôi không giúp được nhiều. Hãy giúp chúng tôi cải thiện bài viết này bằng phản hồi của bạn.