TỔNG CỤC THUẾ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 81530/CT-HTr | Hà Nội, ngày 21 tháng 12 năm 2015 |
Kính gửi: Chi cục Thuế Huyện Ba Vì
Cục thuế Thành phố Hà Nội nhận được công văn số 966/CCT-KTrT ngày 05/10/2015 của Chi cục Thuế Huyện Ba Vì hỏi về việc xử phạt đối với hành vi trốn thuế gian lận thuế của Công ty cổ phần xây dựng và thương mại Thiên Phúc, Cục Thuế TP Hà Nội có ý kiến như sau:
- Căn cứ Khoản 4 Điều 108 Chương XII Luật quản lý thuế số 78/2006/QH11 ngày 29/11/2006 của Quốc Hội quy định về việc xử phạt đối với hành vi trốn thuế, gian lận thuế:
“Người nộp thuế có một trong các hành vi trốn thuế, gian lận thuế sau đây thì phải nộp đủ số tiền thuế theo quy định và bị phạt từ 1 đến 3 lần số tiền thuế trốn:
…
4. Sử dụng hóa đơn, chứng từ bất hợp pháp để hạch toán hàng hóa, nguyên liệu đầu vào trong hoạt động phát sinh nghĩa vụ thuế làm giảm số tiền thuế phải nộp hoặc làm tăng số tiền thuế được miễn, số tiền thuế được giảm hoặc tăng số tiền thuế được khấu trừ, số tiền thuế được hoàn;...”.
- Căn cứ Thông tư số 153/2010/TT-BTC ngày 28/09/2010 của Bộ Tài Chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2010 của Chính phủ quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ.
+ Tại Điều 20 về việc sử dụng hóa đơn bất hợp pháp:
“Điều 20. Sử dụng hóa đơn bất hợp pháp
Sử dụng hóa đơn bất hợp pháp là việc sử dụng hóa đơn giả, hóa đơn chưa có giá trị sử dụng, hết giá trị sử dụng...”
+ Tại Điều 21 về việc sử dụng bất hợp pháp hóa đơn:
“Điều 21. Sử dụng bất hợp pháp hóa đơn
1. Sử dụng bất hợp pháp hóa đơn là việc lập khống hóa đơn; cho hoặc bán hóa đơn chưa lập để tổ chức, cá nhân khác lập khi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ (trừ các trường hợp được sử dụng hóa đơn do cơ quan thuế bán hoặc cấp và trường hợp được ủy nhiệm lập hóa đơn theo hướng dẫn tại Thông tư này); cho hoặc bán hóa đơn đã lập để tổ chức, cá nhân khác hạch toán, khai thuế hoặc thanh toán vốn ngân sách; lập hóa đơn không ghi đầy đủ các nội dung bắt buộc; lập hóa đơn sai lệch nội dung giữa các liên; dùng hóa đơn của hàng hóa, dịch vụ này để chứng minh cho hàng hóa, dịch vụ khác.
2. Một số trường hợp cụ thể được xác định là sử dụng bất hợp pháp hóa đơn:
- Hóa đơn có nội dung được ghi không có thực một phần hoặc toàn bộ.
- Sử dụng hóa đơn của tổ chức, cá nhân khác để bán ra, để hợp thức hóa hàng hóa, dịch vụ mua vào không có chứng từ hoặc hàng hóa, dịch vụ bán ra để gian lận thuế, để bán hàng hóa nhưng không kê khai nộp thuế.
- Sử dụng hóa đơn của tổ chức, cá nhân khác để bán hàng hóa, dịch vụ, nhưng không kê khai nộp thuế, gian lận thuế; để hợp thức hàng hóa, dịch vụ mua vào không có chứng từ.
- Hóa đơn có sự chênh lệch về giá trị hàng hóa, dịch vụ hoặc sai lệch các tiêu thức bắt buộc giữa các liên của hóa đơn.
- Sử dụng hóa đơn bán hàng hóa, dịch vụ mà cơ quan thuế, cơ quan công an và các cơ quan chức năng khác đã kết luận là sử dụng bất hợp pháp hóa đơn.”
Căn cứ các quy định trên, người nộp thuế sử dụng hóa đơn bất hợp pháp hoặc sử dụng bất hợp pháp hóa đơn để hạch toán hàng hóa, nguyên liệu đầu vào trong hoạt động phát sinh nghĩa vụ thuế làm giảm số tiền thuế phải nộp hoặc làm tăng số tiền thuế được miễn, số tiền thuế được giảm hoặc tăng số tiền thuế được khấu trừ, số tiền thuế được hoàn là hành vi trốn thuế, gian lận thuế.
Trường hợp Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Huyện Ba Vì đã có văn bản số 378/CQĐT ngày 15/07/2015 kết luận Công ty cổ phần xây dựng và thương mại Thiên Phúc, trong năm 2012 có hành vi mua 02 số hóa đơn GTGT để hợp thức hóa hàng hóa mua vào không có hóa đơn để hạch toán hàng hóa, nguyên liệu đầu vào trong hoạt động phát sinh nghĩa vụ thuế làm giảm số tiền thuế phải nộp hoặc làm tăng số tiền thuế được miễn, số tiền thuế được giảm hoặc tăng số tiền thuế được khấu trừ, số tiền thuế được hoàn là sử dụng hóa đơn, chứng từ bất hợp pháp thuộc hành vi trốn thuế, gian lận thuế theo quy định tại Khoản 4 Điều 108 Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH11 ngày 29/11/2006.
Cục thuế Thành phố Hà Nội trả lời để Chi cục Thuế Huyện Ba Vì biết và thực hiện./.
| KT. CỤC TRƯỞNG |