CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 122/2020/NĐ-CP | Hà Nội, ngày 15 tháng 10 năm 2020 |
NGHỊ ĐỊNH
QUY ĐỊNH VỀ PHỐI HỢP, LIÊN THÔNG THỦ TỤC ĐĂNG KÝ THÀNH LẬP DOANH NGHIỆP, CHI NHÁNH, VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN, KHAI TRÌNH VIỆC SỬ DỤNG LAO ĐỘNG, CẤP MÃ SỐ ĐƠN VỊ THAM GIA BẢO HIỂM XÃ HỘI, ĐĂNG KÝ SỬ DỤNG HÓA ĐƠN CỦA DOANH NGHIỆP
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Doanh nghiệp ngày 26 tháng 11 năm 2014;
Căn cứ Bộ luật Lao động ngày 18 tháng 6 năm 2012;
Căn cứ Luật Bảo hiểm xã hội ngày 20 tháng 11 năm 2014;
Căn cứ Luật Bảo hiểm y tế ngày 14 tháng 11 năm 2008;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế ngày 13 tháng 6 năm 2014;
Căn cứ Luật Việc làm ngày 16 tháng 11 năm 2013;
Căn cứ Luật An toàn vệ sinh lao động ngày 25 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Quản lý thuế ngày 13 tháng 6 năm 2019;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
Chính phủ ban hành Nghị định quy định về phối hợp, liên thông thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, khai trình việc sử dụng lao động, cấp mã số đơn vị tham gia bảo hiểm xã hội, đăng ký sử dụng hóa đơn của doanh nghiệp.
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
1. Nghị định này quy định về cơ chế phối hợp, liên thông giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong giải quyết thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp, đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp, khai trình việc sử dụng lao động, cấp mã số đơn vị tham gia bảo hiểm xã hội, đăng ký sử dụng hóa đơn.
2. Sau khi thành lập, trường hợp thay đổi các thông tin có liên quan, doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện thực hiện đăng ký hoặc thông báo thay đổi với cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan bảo hiểm xã hội, cơ quan thuế theo quy định của pháp luật.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Nghị định này áp dụng đối với các đối tượng sau đây:
1. Người thành lập doanh nghiệp, doanh nghiệp đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện theo quy định của Luật Doanh nghiệp;
2. Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp tỉnh theo quy định tại Luật Doanh nghiệp và văn bản hướng dẫn thi hành;
3. Cơ quan quản lý nhà nước về lao động theo quy định tại Bộ luật Lao động;
4. Cơ quan bảo hiểm xã hội theo quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội;
5. Cơ quan thuế theo quy định tại Luật Quản lý thuế;
6. Tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc phối hợp, liên thông trong giải quyết thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp, đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, khai trình việc sử dụng lao động, cấp mã số đơn vị tham gia bảo hiểm xã hội, đăng ký sử dụng hóa đơn của doanh nghiệp.
Điều 3. Nguyên tắc phối hợp, liên thông giữa các cơ quan quản lý nhà nước
1. Cơ quan đăng ký kinh doanh là cơ quan đầu mối tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp, đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, khai trình việc sử dụng lao động, cấp mã số đơn vị tham gia bảo hiểm xã hội, đăng ký sử dụng hóa đơn của doanh nghiệp.
2. Việc phối hợp, liên thông giữa các cơ quan quản lý nhà nước quy định tại các Điều 5, 6, 7 và 8 Nghị định này được thực hiện qua phương thức kết nối, chia sẻ dữ liệu số giữa các hệ thống công nghệ thông tin.
3. Cơ quan quản lý nhà nước về lao động, cơ quan bảo hiểm xã hội, cơ quan thuế không yêu cầu doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện cung cấp bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, các thông tin về đăng ký doanh nghiệp đã được chia sẻ từ cơ quan đăng ký kinh doanh trừ tên, mã số doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện khi thực hiện các thủ tục hành chính có liên quan.
Điều 4. Hồ sơ phối hợp, liên thông thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, khai trình việc sử dụng lao động, cấp mã số đơn vị tham gia bảo hiểm xã hội, đăng ký sử dụng hóa đơn của doanh nghiệp
1. Hồ sơ phối hợp, liên thông thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, khai trình việc sử dụng lao động, cấp mã số đơn vị tham gia bảo hiểm xã hội, đăng ký sử dụng hóa đơn thực hiện theo quy định tại Luật Doanh nghiệp và Nghị định về đăng ký doanh nghiệp.
2. Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp bao gồm các nội dung quy định tại Luật Doanh nghiệp và nội dung khai trình việc sử dụng lao động, kê khai phương thức đóng bảo hiểm xã hội, đăng ký sử dụng hóa đơn của doanh nghiệp.
3. Mẫu Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp được quy định tại các Phụ lục I-1, I-2, I-3, I-4 và I-5 ban hành kèm theo Nghị định này. Mẫu thông báo về việc đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện quy định tại Phụ lục II-11 ban hành kèm theo Nghị định này.
Điều 5. Quy trình phối hợp, liên thông giữa cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan bảo hiểm xã hội
1. Sau khi cấp đăng ký thành lập doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, cơ quan đăng ký kinh doanh chia sẻ thông tin về Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện và thông tin về tổng số lao động dự kiến, ngành, nghề kinh doanh, phương thức đóng bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện cho cơ quan bảo hiểm xã hội.
2. Khi có sự thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, cơ quan đăng ký kinh doanh chia sẻ thông tin về Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện cho cơ quan bảo hiểm xã hội.
3. Mã số doanh nghiệp, mã số chi nhánh, văn phòng đại diện được sử dụng làm mã số đơn vị tham gia bảo hiểm xã hội.
4. Khi doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện đóng bảo hiểm xã hội, cơ quan bảo hiểm xã hội chia sẻ thông tin về số lượng lao động đóng bảo hiểm xã hội cho cơ quan đăng ký kinh doanh để thực hiện quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp sau đăng ký thành lập.
Điều 6. Quy trình phối hợp, liên thông giữa cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan quản lý nhà nước về lao động
Cơ quan đăng ký kinh doanh chia sẻ thông tin về tên, mã số, địa chỉ, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, người đứng đầu chi nhánh, văn phòng đại diện, ngành, nghề kinh doanh chính và tổng số lao động dự kiến của doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện được thành lập trên địa bàn cho Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (đối với doanh nghiệp trong khu công nghiệp) nơi doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện đặt trụ sở và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để phục vụ quản lý nhà nước về lao động.
Điều 7. Quy trình phối hợp, liên thông giữa cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế trong đăng ký sử dụng hóa đơn
1. Trường hợp hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện đã hợp lệ, cơ quan đăng ký kinh doanh chia sẻ thông tin đăng ký thành lập của doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện và thông tin đăng ký sử dụng hóa đơn của doanh nghiệp, chi nhánh cho cơ quan thuế.
2. Cơ quan thuế chia sẻ thông tin về mã số doanh nghiệp, mã số chi nhánh, văn phòng đại diện, phân cấp cơ quan thuế quản lý trực tiếp được tạo tự động bởi Hệ thống thông tin đăng ký thuế cho cơ quan đăng ký kinh doanh.
3. Trên cơ sở thông tin do cơ quan thuế phản hồi, cơ quan đăng ký kinh doanh cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện và Thông báo về cơ quan thuế quản lý cho doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện.
4. Doanh nghiệp, chi nhánh có trách nhiệm bảo đảm các điều kiện về việc sử dụng hóa đơn theo quy định của pháp luật.
Điều 8. Phối hợp, liên thông giữa cơ quan quản lý nhà nước về lao động và cơ quan bảo hiểm xã hội
1. Bảo hiểm xã hội Việt Nam chia sẻ thông tin về tình hình thay đổi và tăng, giảm lao động của doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thông qua Cổng Dịch vụ công quốc gia.
2. Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thống nhất nội dung chia sẻ thông tin nêu tại khoản 1 Điều này.
Điều 9. Trách nhiệm tổ chức thực hiện
1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam có trách nhiệm:
a) Xây dựng, nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin để triển khai việc kết nối, chia sẻ dữ liệu số giữa các cơ quan quản lý nhà nước theo quy định tại Nghị định này và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan.
b) Rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ các quy định, biểu mẫu liên quan đến thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, khai trình việc sử dụng lao động, cấp mã số đơn vị tham gia bảo hiểm xã hội, đăng ký sử dụng hóa đơn cho phù hợp với quy định tại Nghị định này.
2. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.
Điều 10. Điều khoản thi hành
1. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 10 năm 2020.
2. Trường hợp doanh nghiệp đã đăng ký thành lập doanh nghiệp, đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện theo quy định tại Nghị định về đăng ký doanh nghiệp và Nghị định này thì không phải khai trình việc sử dụng lao động quy định tại khoản 1 Điều 8 Nghị định số 03/2014/NĐ-CP ngày 16 tháng 01 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Lao động về việc làm.
3. Trường hợp doanh nghiệp, chi nhánh đã đăng ký sử dụng hóa đơn theo quy định tại Nghị định này thì không phải đăng ký sử dụng hóa đơn theo quy định tại điểm e khoản 2 Điều 6 và khổ thứ 2 khoản 2 Điều 8 Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2010 của Chính phủ quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ (được sửa đổi, bổ sung tại các khoản 3, 4 Điều 1 Nghị định số 04/2014/NĐ-CP ngày 17 tháng 01 năm 2014 của Chính phủ).
4. Mẫu Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp, Thông báo về việc đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện/địa điểm kinh doanh ban hành kèm theo Nghị định này thay thế cho các Phụ lục từ I-1 đến I-5 và Phụ lục II-11 ban hành kèm theo Thông tư số 02/2019/TT-BKHĐT ngày 08 tháng 01 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 20/2015/TT-BKHĐT ngày 01 tháng 12 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn về đăng ký doanh nghiệp./.
| TM. CHÍNH PHỦ |
[FILE ĐÍNH KÈM TRONG VĂN BẢN]