BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 8210/TCHQ-TXNK | Hà Nội, ngày 31 tháng 12 năm 2020 |
Kính
gửi: Công ty Tekken.
(Địa chỉ: Tầng 24, tòa nhà Icon4, 243A Đê La Thành, Đống Đa, Hà Nội)
Trả lời công văn số 2611/ĐSĐT-DA1 ngày 26/11/2020 của Công ty Tekken về chính sách thuế đối với hàng tạm nhập, tái xuất phục vụ dự án ODA, Tổng cục Hải quan có ý kiến như sau:
1. Về việc miễn thuế theo điều ước quốc tế
Căn cứ Điều 2 Luật Điều ước quốc tế số 108/2016/QH13 quy định:
“1. Điều ước quốc tế là thỏa thuận bằng văn bản được ký kết nhân danh Nhà nước hoặc Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với bên ký kết nước ngoài, làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo pháp luật quốc tế, không phụ thuộc vào tên gọi là hiệp ước, công ước, hiệp định, định ước, thỏa thuận, nghị định thư, bản ghi nhớ, công hàm trao đổi hoặc văn kiện có tên gọi khác.
2. Điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên là điều ước quốc tế đang có hiệu lực đối với nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
3. Bên ký kết nước ngoài là quốc gia, tổ chức quốc tế hoặc chủ thể khác được công nhận là chủ thể của pháp luật quốc tế”.
Căn cứ quy định nêu trên và hồ sơ gửi kèm công văn số 2611/ĐSĐT-DA1 (Thư chấp thuận ngày 18/11/2019 do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình cấp nước, thoát nước và môi trường thành phố Hà Nội gửi Công ty Tekken, Thỏa thuận hợp đồng ngày 27/11/2019 giữa Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình cấp nước, thoát nước và môi trường thành phố Hà Nội và Công ty Tekken), Tổng cục Hải quan chưa có cơ sở để xác định Công ty Tekken được miễn thuế nhập khẩu, không phải nộp thuế giá trị gia tăng theo điều ước quốc tế đối với hàng hóa do Công ty nhập khẩu để phục vụ dự án Xây dựng hệ thống cống bao cho sông Tô Lịch và tuyến cống chính thuộc dự án Hệ thống xử lý nước thải Yên Xá thành phố Hà Nội.
Trường hợp hàng hóa được miễn thuế nhập khẩu theo điều ước quốc tế thì hồ sơ, thủ tục miễn thuế thực hiện theo quy định tại Điều 29, Điều 31 Nghị định 134/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính phủ.
2. Về chính sách thuế đối với hàng hóa tạm nhập, tái xuất để thực hiện dự án đầu tư
2.1. Thuế nhập khẩu
Căn cứ điểm a khoản 9 Điều 16 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/HQ13 quy định miễn thuế nhập khẩu đối với: “Hàng hóa tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập để tổ chức hoặc tham dự hội chợ, triển lãm, giới thiệu sản phẩm, sự kiện thể thao, văn hóa, nghệ thuật hoặc các sự kiện khác; máy móc, thiết bị tạm nhập, tái xuất để thử nghiệm, nghiên cứu phát triển sản phẩm; máy móc, thiết bị, dụng cụ nghề nghiệp tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập để phục vụ công việc trong thời hạn nhất định hoặc phục vụ gia công cho thương nhân nước ngoài, trừ trường hợp máy móc, thiết bị, dụng cụ, phương tiện vận chuyển của các tổ chức, cá nhân được phép tạm nhập, tái xuất để thực hiện các dự án đầu tư, thi công xây dựng, lắp đặt công trình, phục vụ sản xuất”.
Căn cứ điểm đ khoản 1 Điều 19 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13 quy định hoàn thuế đối với trường hợp: “Người nộp thuế đã nộp thuế đối với máy móc, thiết bị, dụng cụ, phương tiện vận chuyển của các tổ chức, cá nhân được phép tạm nhập, tái xuất, trừ trường hợp đi thuê để thực hiện các dự án đầu tư, thi công xây dựng, lắp đặt công trình, phục vụ sản xuất, khi tái xuất ra nước ngoài hoặc xuất vào khu phi thuế quan”.
Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 10 Thông tư 181/2013/TT-BTC ngày 3/12/2013 của Bộ Tài chính quy định: “Nhà thầu chính nước ngoài, nhà thầu phụ nước ngoài được miễn thuế nhập khẩu, không phải trả thuế tiêu thụ đặc biệt (nếu có) và không chịu thuế giá trị gia tăng đối với máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải nhập khẩu vào Việt Nam theo phương thức tạm nhập, tái xuất để phục vụ thi công công trình, dự án ODA vốn vay và được miễn thuế xuất khẩu khi tái xuất như hướng dẫn tại khoản 1 Điều 6 Thông tư này”.
Căn cứ Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định: “Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn”.
Thông tư 181/2013/TT-BTC hướng dẫn nội dung Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 45/2005/QH11 đã hết hiệu lực và được thay thế bằng Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13 nên căn cứ các quy định nêu trên thì hiện nay, việc miễn thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu đối với hàng hóa tạm nhập, tái xuất thực hiện theo quy định tại Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13 và các văn bản hướng dẫn. Theo đó, máy móc, thiết bị, dụng cụ, phương tiện vận chuyển của các tổ chức, cá nhân được phép tạm nhập, tái xuất để thực hiện dự án đầu tư, thi công xây dựng, lắp đặt công trình phải nộp thuế nhập khẩu và không thuộc các trường hợp hoàn thuế nhập khẩu theo quy định.
2.2. Thuế giá trị gia tăng
Căn cứ khoản 20 Điều 5 Luật Thuế giá trị gia tăng số 13/2008/QH11 quy định: “Hàng hóa chuyển khẩu, quá cảnh qua lãnh thổ Việt Nam; hàng tạm nhập khẩu, tái xuất khẩu; hàng tạm xuất khẩu, tái nhập khẩu; nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất, gia công hàng hóa xuất khẩu theo hợp đồng sản xuất, gia công xuất khẩu ký kết với bên nước ngoài; hàng hóa, dịch vụ được mua bán giữa nước ngoài với các khu phi thuế quan và giữa các khu phi thuế quan với nhau” thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng.
Căn cứ quy định nêu trên thì máy móc, thiết bị, dụng cụ, phương tiện vận chuyển của các tổ chức, cá nhân được phép tạm nhập, tái xuất để thực hiện dự án đầu tư thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng. Trường hợp hết thời hạn tạm nhập nhưng doanh nghiệp không tái xuất đối với số hàng hóa này thì phải kê khai nộp thuế giá trị gia tăng theo quy định.
Đề nghị Công ty Tekken căn cứ các quy định nêu trên và liên hệ với cơ quan hải quan nơi đăng ký tờ khai để được hướng dẫn thực hiện.
Tổng cục Hải quan trả lời để Công ty Tekken được biết./.
| TL. TỔNG CỤC TRƯỞNG |