BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 09/TCLN-KL V/v hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 102/2020/NĐ-CP | Hà Nội, ngày 05 tháng 01 năm 2021 |
Kính gửi: Tổng cục Hải quan
Tổng cục Lâm nghiệp nhận được Văn bản số 7799/TCHQ-GSQL ngày 10/12/2020 của Tổng cục Hải quan về việc thực hiện Nghị định số 102/2020/NĐ-CP ngày 01/9/2020 của Chính phủ quy định Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam (sau đây viết tắt là Nghị định số 102/2020/NĐ-CP), Tổng cục Lâm nghiệp có ý kiến như sau:
1. Về danh sách quốc gia đã ký Hiệp định gỗ hợp pháp với EU và đang vận hành hệ thống cấp phép FLEGT
- Nghị định số 102/2020/NĐ-CP không quy định việc công bố danh sách quốc gia đã ký kết Hiệp định bảo đảm gỗ hợp pháp và đang vận hành hệ thống cấp phép FLEGT.
- Điều 7 Nghị định số 102/2020/NĐ-CP quy định về hồ sơ gỗ nhập khẩu, đối tượng áp dụng cho các doanh nghiệp nhập khẩu gỗ vào Việt Nam; theo đó, tại khoản 2 Điều 7 quy định ba trường hợp hồ sơ gỗ nhập khẩu, cụ thể:
+ Điểm a quy định đối với trường hợp gỗ thuộc Phụ lục CITES: Chủ gỗ nhập khẩu xuất trình bản sao giấy phép CITES.
+ Điểm b quy định đối với trường hợp gỗ nhập khẩu từ quốc gia đã ký kết Hiệp định gỗ hợp pháp với EU và đang vận hành hệ thống cấp phép FLEGT: Chủ gỗ nhập khẩu xuất trình bản sao giấy phép FLEGT.
+ Điểm c quy định các trường hợp còn lại: Chủ gỗ nhập khẩu kê khai nguồn gốc gỗ nhập khẩu theo Mẫu số 03 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định số 102/2020/NĐ-CP.
Theo đó, trường hợp không có giấy phép FLEGT thì chủ gỗ nhập khẩu kê khai nguồn gốc gỗ nhập khẩu theo Mẫu số 03 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định số 102/2020/NĐ-CP.
- Theo thông tin tại trang thông tin điện tử về Hiệp định gỗ hợp pháp giữa Liên minh Châu Âu (EU) và Cộng hòa In-đô-nê-xi-a (https://eur-lex.europa.eu/legal- content/EN/TXT/PDF/?uri=CELEX:22014A0520(02)&qid=608777118300&from=EN); hiện nay mới có Cộng hòa In-đô-nê-xi-a ký Hiệp định gỗ hợp pháp với EU và đang vận hành hệ thống cấp phép FLEGT cho lô gỗ nhập khẩu vào EU.
2. Về chứng từ quy định tại Mục C Mẫu số 03 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định số 102/2020/NĐ-CP
a) Về việc kê khai theo Mẫu số 3 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định số 102/2020/NĐ-CP (Mẫu số 03), thực hiện như sau:
- Mục A: Tất cả các chủ gỗ nhập khẩu thuộc trường hợp quy định tại điểm c khoản 2 Điều 7 Nghị định 102/2020/NĐ-CP đều thực hiện kê khai Mục A.
- Mục B:
+ Chủ gỗ nhập khẩu đánh dấu vào ô B1 nếu nhập khẩu gỗ từ vùng địa lý tích cực (danh sách vùng địa lý tích cực xuất khẩu gỗ vào Việt Nam tại Phụ lục II Quyết định số 4832/QĐ-BNN-TCLN ngày 27/11/2020 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố Danh mục các loại gỗ đã nhập khẩu vào Việt Nam và Danh sách vùng địa lý tích cực xuất khẩu gỗ vào Việt Nam), gỗ không thuộc loại rủi ro (gỗ thuộc loại rủi ro quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định 102/2020/NĐ-CP và Văn bản số 8259/BNN-TCLN ngày 27/11/2020 của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn về việc thực hiện hồ sơ gỗ nhập khẩu theo quy định tại Nghị định số 102/2020/NĐ-CP): Trường hợp này, chủ gỗ nhập khẩu không thực hiện kê khai theo Mục C, Mục D của Mẫu số 03.
+ Chủ gỗ nhập khẩu đánh dấu vào ô B2 nếu nhập khẩu gỗ thuộc loại rủi ro khi nhập khẩu vào Việt Nam hoặc gỗ từ quốc gia không thuộc vùng địa lý tích cực khi xuất khẩu gỗ vào Việt Nam: Trường hợp này chủ gỗ nhập khẩu thực hiện kê khai theo Mục C và Mục D của Mẫu số 03.
- Mục C: Khi kê khai Mục C Mẫu số 3 chủ gỗ nhập khẩu thực hiện kê khai, bổ sung một trong những tài liệu sau:
+ Chứng chỉ tự nguyện hoặc chứng chỉ quốc gia của nước xuất khẩu được Việt Nam công nhận là đã đáp ứng tiêu chí của Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam, cụ thể: Tên loại chứng chỉ, số hiệu chứng chỉ, thời hạn của chứng chỉ.
+ Giấy phép hoặc tài liệu chứng minh được phép khai thác gỗ, cụ thể: Loại giấy phép hoặc tài liệu, số giấy phép hoặc số tài liệu, ngày ban hành, cơ quan/chủ thể ban hành.
+ Trường hợp quốc gia nơi khai thác gỗ không quy định giấy phép khai thác đối với khu rừng mà gỗ này được khai thác, thì cung cấp tài liệu bổ sung sau: Các văn bản chứng minh khu rừng được khai thác mà theo quy định của quốc gia đó không cần giấy phép khai thác; ghi rõ quốc gia nơi khai thác, tên và địa chỉ của nhà cung cấp và lý do không quy định giấy phép, đồng thời đính kèm bản sao các loại tài liệu (nếu có)
+ Trường hợp không có tài liệu khai thác, thì cung cấp thông tin bổ sung gồm loại tài liệu thay thế tài liệu khai thác và ghi rõ quốc gia nơi khai thác, tên và địa chỉ của nhà cung cấp, lý do không có tài liệu khai thác, đính kèm bản sao các loại tài liệu thay thế (nếu có).
- Mục D: Chủ gỗ nhập khẩu thực hiện kê khai Mục D Mẫu số 3 các biện pháp bổ sung để giảm thiểu rủi ro liên quan đến tính hợp pháp của gỗ theo quy định pháp luật của quốc gia nơi khai thác, cụ thể:
+ Kê khai thông tin về quy định pháp luật đối với xuất khẩu gỗ của quốc gia khai thác: Xác định các quy định pháp luật (ví dụ: cấm xuất khẩu, yêu cầu giấy phép xuất khẩu v.v...) áp dụng đối với xuất khẩu gỗ cho từng sản phẩm hoặc loài của quốc gia nơi khai thác. Ghi rõ loài và quốc gia nơi khai thác, quy định pháp luật đối với xuất khẩu gỗ của quốc gia nơi khai thác và bằng chứng tuân thủ.
+ Xác định rủi ro và biện pháp giảm thiểu: Xác định bất cứ rủi ro về khai thác và thương mại bất hợp pháp liên quan đến lô hàng theo quy định pháp luật của quốc gia nơi khai thác và đề xuất các biện pháp giảm thiểu rủi ro.
Cuối bảng kê khai, chủ gỗ nhập khẩu phải cam kết những thông tin kê khai là đúng, đầy đủ, chính xác và chịu trách nhiệm trước pháp luật về những thông tin đã kê khai và ký xác nhận.
b) Về một số vấn đề khác:
(i) Về nguồn tra cứu các loại chứng chỉ tự nguyện hoặc chứng chỉ quốc gia của nước xuất khẩu được Việt Nam công nhận là đã đáp ứng tiêu chí của Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam tại trang điện tử của tổ chức chứng chỉ rừng quốc tế (PEFC): https://www.pefc.org/discover-pefc/our-pefc-members/national-members.
(ii) Về Danh sách quốc gia nước xuất khẩu được Việt Nam công nhận là đã đáp ứng tiêu chí của Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam: Căn cứ danh sách những quốc gia là thành viên Chương trình chứng nhận chứng chỉ rừng (PEFC) và có hệ thống chứng chỉ rừng quốc gia được Chương trình chứng nhận chứng chỉ rừng (PEFC) công nhận. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xác định 46 quốc gia được Việt Nam công nhận là đã đáp ứng tiêu chí của Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.(Có danh sách quốc gia có hệ thống chứng chỉ được Việt Nam công nhận tại Phụ lục kèm theo).
(iii) Về các văn bản chứng minh, các tài liệu thay thế được quy định tại điểm c, điểm d khoản 1 và khoản 2 Mục C Mẫu số 03:
- Về tài liệu thay thế tại điểm c khoản 1 Mẫu số 03: Trường hợp quốc gia nơi khai thác gỗ không quy định giấy phép khai thác đối với khu rừng mà gỗ này được khai thác, thì chủ gỗ nhập khẩu kê khai tài liệu bổ sung sau: Các văn bản chứng minh theo quy định của nước khai thác về việc khu rừng được khai thác mà theo quy định của quốc gia đó không cần giấy phép khai thác. Tài liệu đính kèm là bản sao các loại tài liệu (nếu có)
- Về tài liệu tại điểm d khoản 1 Mẫu số 03: Trường hợp không có tài liệu khai thác, thì chủ gỗ nhập khẩu cung cấp thông tin bổ sung gồm tài liệu thay thế tài liệu khai thác theo quy định của nước khai thác. Tài liệu đính kèm là bản sao các loại tài liệu thay thế (nếu có).
- Về tài liệu tại khoản 2 Mục C Mẫu số 03:
Trường hợp nhậu khẩu sản phẩm gỗ hỗn hợp, nếu sản phẩm gỗ được làm từ gỗ thuộc loài rủi ro hoặc từ ngoài vùng địa lý tích cực thì chủ gỗ nhập khẩu phải kê khai một trong các tài liệu về nguồn gốc khai thác hợp pháp và xuất trình kèm theo các tài liệu kê khai sau đây:
+ Trường hợp có chứng chỉ tự nguyện hoặc chứng chỉ quốc gia nước xuất khẩu được Việt Nam công nhận là đã đáp ứng tiêu chí của Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam: Tên và loại chứng chỉ, số hiệu và thời hạn của chứng chỉ tại điểm a khoản 2 Mục C Mẫu số 03.
+ Trường hợp không có giấy phép hoặc tài liệu khai thác: Tài liệu chứng minh tính hợp pháp của gỗ gồm: Số tài liệu, ngày ban hành và chủ thể ban hành; tài liệu bổ sung thay thế chứng minh tính hợp pháp của gỗ theo quy định pháp luật của quốc gia nơi khai thác. Tài liệu đính kèm là bản sao các tài liệu chứng minh hợp pháp (nếu có) tại điểm b khoản 2 Mục C Mẫu số 03.
Tổng cục Lâm nghiệp phúc đáp để Tổng cục Hải quan hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện theo quy định pháp luật./.
| KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG |
DANH SÁCH
QUỐC GIA CÓ HỆ THỐNG CHỨNG CHỈ RỪNG QUỐC GIA ĐƯỢC VIỆT NAM CÔNG NHẬN
(Kèm theo Văn bản số: 09/TCLN-KL ngày 05/01/2021 của Tổng cục Lâm nghiệp)
STT | Quốc gia | STT | Quốc gia |
I | CHÂU PHI | 24 | Lát-vi-a |
1 | Ca-mơ-run | 25 | Lúc-xem-bua |
2 | Ga-bông | 26 | Bắc Mác-xê-đô-ni-a |
3 | Nam Phi | 27 | Hà Lan |
II | CHÂU Á | 28 | Na-uy |
4 | Trung Quốc | 29 | Ba Lan |
5 | Ấn Độ | 30 | Bồ đào nha |
6 | In-đô-nê-xi-a | 31 | Ru-ma-ni |
7 | Nhật Bản | 32 | Liên bang Nga |
8 | Hàn Quốc | 33 | Slô-va-ki-a |
9 | Ma-lai-xi-a | 34 | Slô-ve-ni-a |
10 | Thái lan | 35 | Tây Ban Nha |
III | CHÂU ÂU | 36 | Thụy Điển |
11 | Áo | 37 | Thụy Sỹ |
12 | Bê-la-rút | 38 | Vương quốc Anh |
13 | Bỉ | IV | CHÂU MỸ |
14 | Bun-ga-ri | 39 | Ca-na-da |
15 | Cộng hòa Séc | 40 | Hoa Kỳ |
16 | Đan Mạch | 41 | Ác-gen-ti-na |
17 | Ét-xtô-ni-a | 42 | Bra-xin |
18 | Phần Lan | 43 | Chi-lê |
19 | Pháp | 44 | U-ru-goay |
20 | Đức | V | CHÂU ĐẠI DƯƠNG |
21 | Hung-ga-ri | 45 | Úc |
22 | Ai-len | 46 | Niu Di-lân |
23 | Ý |
|
|