BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1557/TCHQ-GSQL V/v điều kiện kiểm tra giám sát hải quan đối với Trung tâm SVMC | Hà Nội, ngày 05 tháng 4 năm 2021 |
Kính gửi: | - Cục Hải quan tỉnh Bắc Ninh; |
Trả lời công văn số 0103/21-FIN/SEV ngày 03/03/2021 của Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam (gọi tắt là SEV) về vướng mắc liên quan đến việc nắp đặt ca - mê - ra giám sát, phần mềm quản lý giám sát tại các địa điểm thuê thêm/mới của SVMC, Dự án xây dựng Trung tâm SVMC tại khu đô thị Tây Hồ Tây; thủ tục luân chuyển hàng hóa giữa SEV với các địa điểm/ Trung tâm này. Về việc này, Tổng cục Hải quan có ý kiến như sau:
1. Về kiểm tra điều kiện kiểm tra, giám sát hải quan đối với các địa điểm thuê thêm/mới và Dự án xây dựng Trung tâm SVMC tại Tây Hồ Tây
Hiện nay, SEV (là DNCX) đang làm thủ tục hải quan, chịu sự quản lý của Chi cục Hải quan KCN Yên Phong thuộc Cục Hải quan tỉnh Bắc Ninh và các địa điểm thuê thêm/mới, Dự án xây dựng Trung tâm SVMC tại khu đô thị Tây Hồ Tây là chi nhánh hoạt động phụ thuộc của SEV, được áp dụng cơ chế DNCX, chỉ thực hiện hoạt động nghiên cứu, phát triển sản phẩm. Do đó giao Cục Hải quan tỉnh Bắc Ninh chỉ đạo Chi cục Hải quan KCN Yên Phong trên cơ sở đề nghị của SEV (sau khi các địa điểm thuê thêm/mới hoặc Dự án xây dựng Trung tâm SVMC chính thức đi vào hoạt động) thực hiện kiểm tra các điều kiện kiểm tra, giám sát hải quan:
- Có hàng rào cứng ngăn cách với khu vực bên ngoài; có cổng/cửa ra, vào đảm bảo chỉ đưa hàng hóa ra, vào doanh nghiệp chế xuất qua cổng/cửa.
- Có hệ thống ca-mê-ra quan sát được các vị trí tại cổng/cửa ra, vào và vị trí lưu giữ hàng hóa ở tất cả các thời điểm trong ngày (24/24 giờ, bao gồm cả ngày nghỉ, ngày lễ); dữ liệu về hình ảnh ca-mê-ra được kết nối trực tuyến với cơ quan hải quan quản lý doanh nghiệp và được lưu giữ tại doanh nghiệp chế xuất tối thiểu 12 tháng;
- Có phần mềm quản lý hàng hóa nhập khẩu thuộc đối tượng không chịu thuế của doanh nghiệp chế xuất để báo cáo quyết toán nhập- xuất- tồn về tình hình sử dụng theo quy định pháp luật về hải quan; có phần mềm giám sát hàng hóa ra, vào doanh nghiệp chế xuất đảm bảo yêu cầu sao lưu, kết xuất, chia sẻ dữ liệu cho cơ quan hải quan.
Trong quá trình thực hiện có phát sinh vướng mắc vượt thẩm quyền thì kịp thời báo cáo Tổng cục Hải quan (Cục Giám sát quản lý về hải quan) để được hướng dẫn.
2. Về việc xây dựng riêng phần mềm giám sát hàng hóa ra vào đảm bảo yêu cầu sao lưu, kết xuất, chia sẻ dữ liệu cho cơ quan hải quan
SEV được sử dụng, phát triển phần mềm quản lý hàng hóa hiện tại vừa báo cáo quyết toán nhập-xuất-tồn về tình hình sử dụng hàng hóa tại các địa điểm thuê thêm/mới và Trung tâm SVMC, vừa đảm bảo sao lưu, kết xuất, chia sẻ dữ liệu cho cơ quan hải quan. Tổng cục Hải quan không yêu cầu xây dựng một phần mềm giám sát riêng nhưng phần mềm quản lý hàng hóa này phải đảm bảo các yêu cầu về quản lý và giám sát nêu trên.
3. Về thủ tục hải quan
Về luân chuyển hàng hóa giữa SEV tới các địa điểm thuê thêm/mới và Dự án xây dựng Trung tâm SVMC tại khu đô thị Tây Hồ Tây thì Tổng cục Hải quan đã có công văn số 7684/TCHQ-GSQL ngày 12/12/2019 hướng dẫn SEV thực hiện. Theo đó, việc luân chuyển các hàng hóa (bao gồm cả các hàng hóa đã hoàn thành thủ tục hải quan và được đưa thẳng đến các địa điểm thuê thêm/mới, Dự án Trung tâm SVMC tại Tây Hồ Tây) SEV được lựa chọn làm thủ tục hải quan hoặc không làm thủ tục hải quan theo quy định tại Điều 74 Thông tư số 38/2015/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung tại khoản 50 Điều 1 Thông tư số 39/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018 của Bộ Tài chính, nhưng SEV phải có trách nhiệm lập và lưu giữ các dữ liệu, chứng từ, sổ chi tiết việc theo dõi hàng hóa đưa vào, đưa ra các địa điểm thuê thêm/mới, Dự án Trung tâm SVMC tại Tây Hồ Tây.
Tổng cục Hải quan trả lời Cục Hải quan tỉnh Bắc Ninh, Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam biết./.
| KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG |