BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 7524/TCHQ-GSQL | Hà Nội, ngày 25 tháng 11 năm 2020 |
Kính gửi: Bộ Y tế.
Ngày 28/10/2020, Tổng cục Hải quan đã có công văn số 6946/TCHQ-GSQL trao đổi với Quý Bộ về vướng mắc liên quan đến chính sách nhập khẩu mặt hàng có nguồn gốc thực vật, đề nghị quý Bộ sớm cho ý kiến gửi về Tổng cục Hải quan để hướng dẫn các đơn vị thực hiện thống nhất. Tuy nhiên, đến nay, Tổng cục Hải quan vẫn chưa nhận được ý kiến của Quý Bộ.
Để tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp, tránh ách tắc hàng hóa tại cửa khẩu, Tổng cục Hải quan đề nghị Quý Bộ khẩn trương rà soát, sửa đổi Thông tư số 48/2018/TT-BYT theo hướng chỉ đưa vào Danh mục dược liệu những sản phẩm chỉ có mục đích sử dụng làm dược liệu; Đối với những sản phẩm chủ yếu để làm thực phẩm thì đưa ra khỏi Danh mục dược liệu, bổ sung vào Danh mục sản phẩm thực phẩm theo kiến nghị của Tổng cục Hải quan tại công văn số 6946/TCHQ-GSQL dẫn trên.
Trong thời gian chờ ý kiến thống nhất về phương án xử lý sự chồng chéo trong Danh mục của Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Tổng cục Hải quan đề xuất tạm thời giải quyết thủ tục nhập khẩu cho doanh nghiệp đối với hàng hóa có nguồn gốc thực vật vừa thuộc Danh mục dược liệu ban hành kèm theo Thông tư số 48/2018/TT-BYT ngày 28/12/2018 của Bộ Y tế, vừa thuộc Danh mục thực phẩm có nguồn gốc thực vật nhập khẩu phải kiểm tra an toàn thực phẩm ban hành kèm theo Thông tư số 15/2018/TT-BNNPTNT ngày 29/10/2018 của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, cụ thể như sau:
- Trường hợp doanh nghiệp khai báo nhập khẩu hàng hóa dùng làm thực phẩm thì thực hiện theo quy định tại Luật An toàn thực phẩm, Nghị định 15/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật an toàn thực phẩm.
- Trường hợp doanh nghiệp khai báo nhập khẩu hàng hóa dùng làm dược liệu thì thực hiện theo quy định tại Luật Dược và Nghị định số 54/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Dược.
- Trường hợp doanh nghiệp khai báo nhập khẩu hàng hóa khác (không dùng làm thực phẩm, không dùng làm dược liệu) thì doanh nghiệp tạm thời chọn một trong hai phương án nêu trên.
Cơ quan hải quan căn cứ vào mục đích sử dụng mà doanh nghiệp khai báo để áp dụng chính sách quản lý và thông quan hàng hóa. Bộ quản lý ngành, lĩnh vực thực hiện hậu kiểm.
Tổng cục Hải quan mong sớm nhận được ý kiến trả lời của Quý Bộ về các nội dung trên trước ngày 10/12/2020 để Tổng cục Hải quan hướng dẫn doanh nghiệp và đơn vị hải quan địa phương thực hiện thống nhất./.
| KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG |