BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1977/TCHQ-GSQL V/v xuất khẩu đá vôi | Hà Nội, ngày 27 tháng 4 năm 2021 |
Kính gửi: Cục Hải quan các tỉnh, thành phố.
Liên quan đến việc xuất khẩu khoáng sản làm vật liệu xây dựng nói chung và đá vôi nói riêng theo quy định tại Thông tư số 05/2018/TT-BXD ngày 29/6/2018 (được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 05/2019/TT-BXD), Tổng cục Hải quan đã có công văn số 6827/TCHQ-GSQL ngày 21/11/2018 hướng dẫn các đơn vị thực hiện. Tuy nhiên, qua công tác nắm tình hình thì thấy có một số đơn vị chưa nghiêm túc thực hiện theo đúng hướng dẫn của Tổng cục Hải quan. Đồng thời, thời gian qua có một số doanh nghiệp đăng ký tờ khai xuất khẩu khai báo là đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường có mã số hàng hóa thuộc nhóm 25.17 nhưng khi cơ quan hải quan thực hiện lấy mẫu giám định, phân tích thì có kết quả là đá vôi đáp ứng tiêu chuẩn quốc gia TCVN 6072:2013 về đá vôi để sản xuất clanke xi măng pooc lăng có mã số hàng hóa thuộc nhóm 25.21, chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép khai thác theo quy định của pháp luật nên không được giải quyết thủ tục thông quan. Nhằm chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước về hải quan, đảm bảo mặt hàng đá vôi xuất khẩu có nguồn gốc hợp pháp theo đúng quy định của pháp luật về khoáng sản, Tổng cục Hải quan có ý kiến và yêu cầu các đơn vị thực hiện như sau:
1. Cơ quan hải quan thực hiện thiết lập tiêu chí phân luồng kiểm tra thực tế đối với tất cả lô hàng xuất khẩu đá vôi, đá xây dựng thông thường có kích thước cỡ hạt ≤ 100 mm khai mã số hàng hóa thuộc nhóm 25.17.
2. Cục Hải quan tỉnh, thành phố chỉ đạo các Chi cục Hải quan thực hiện lấy mẫu gửi cơ quan Kiểm định Hải quan phân tích, giám định đối với các lô hàng xuất khẩu đá vôi, đá xây dựng thông thường có kích thước cỡ hạt ≤100 mm không khai hàm lượng CaCO3 hoặc có khai hàm lượng CaCO3 < 85%. Quá trình thực hiện lấy mẫu phải có sự giám sát, chứng kiến của cơ quan hải quan. Mẫu phải được niêm phong bằng niêm phong hải quan có đóng dấu, chữ ký của công chức giám sát việc lấy mẫu và chữ ký của người khai hải quan.
2.1. Trường hợp kết quả phân tích, giám định lô hàng đá xuất khẩu có hàm lượng CaCO3 ≥ 85% thì thực hiện phân loại theo hướng dẫn của Tổng cục Hải quan tại công văn số 8019/TCHQ-TXNK ngày 22/12/2021. Theo đó, mặt hàng đá vôi đáp ứng tiêu chuẩn quốc gia TCVN 6072:2013 thì phải được phân loại vào nhóm 25.21. Căn cứ quy định Điều 64, Điều 82 Luật Khoáng sản thì thẩm quyền cấp Giấy phép khai thác như sau:
- Giấy phép khai thác đá vôi do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp;
- Giấy phép khai thác khoáng sản do UBND tỉnh cấp để khai thác đá vôi tại các khu vực có khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường khoanh định và công bố;
- Giấy phép khai thác tận thu khoáng sản do UBND tỉnh cấp. (Điều 67 Luật Khoáng sản quy định khai thác tận thu khoáng sản là hoạt động khai thác khoáng sản còn lại ở bãi thải của mỏ đã có quyết định đóng cửa mỏ.)
Ngoài ra, theo ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường tại công văn số 1382/BTNMT-ĐCKS ngày 26/3/2021 thì theo quy định của pháp luật về khoáng sản; tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan thì đá vôi có hàm lượng CaCO3 ≥85% không phải là vật liệu xây dựng thông thường và việc cấp giấy phép khai thác thuộc thẩm quyền của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Trường hợp muốn thu hồi khoáng sản đi kèm là lượng đá vôi có hàm lượng CaCO3 ≥85%; doanh nghiệp phải được Bộ Tài nguyên và Môi trường cho phép hoặc UBND tỉnh liên quan cho phép sau khi có ý kiến bằng văn bản của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
2.2. Trường hợp kết quả phân tích, giám định lô hàng đá vôi xuất khẩu có hàm lượng CaCO3 < 85% thì báo cáo Tổng cục Hải quan (qua Cục Giám sát quản lý về hải quan) để có ý kiến chỉ đạo trước khi thực hiện thông quan hàng hóa.
3. Trường hợp có nghi vấn về nguồn gốc không hợp pháp thì Chi cục Hải quan chuyển cho Đội Kiểm soát hải quan tiến hành điều tra, xác minh làm rõ; đảm bảo lô hàng xuất khẩu đúng quy định pháp luật.
Tổng cục Hải quan thông báo để các đơn vị biết, thực hiện./.
| KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG |