BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2185/TCHQ-TXNK V/v hoàn thuế đối với máy móc, thiết bị, dụng cụ của tổ chức, cá nhân được phép TNTX | Hà Nội, ngày 11 tháng 5 năm 2021 |
Kính gửi: Cục Hải quan tỉnh Quảng Ngãi.
Tổng cục Hải quan nhận được công văn số 379/HQQNg-NV ngày 14/4/2021 của Cục Hải quan tỉnh Quảng Ngãi báo cáo vướng mắc liên quan đến hoàn thuế đối với máy móc, thiết bị, công cụ, dụng cụ tạm nhập, tái xuất của Công ty CP dịch vụ dầu khí Quảng Ngãi PTSC (Công ty). Về vấn đề này, Tổng cục Hải quan có ý kiến như sau:
Căn cứ điểm đ khoản 2 Điều 18 Luật Hải quan số 54/2014/QH13 quy định về nghĩa vụ của người khai hải quan là chủ hàng hóa: “đ) Lưu giữ hồ sơ hải quan đối với hàng hóa đã được thông quan trong thời hạn 05 năm kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác; lưu giữ sổ sách, chứng từ kế toán và các chứng từ khác có liên quan đến hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu đã được thông quan trong thời hạn do pháp luật quy định; xuất trình hồ sơ, cung cấp thông tin, chứng từ liên quan khi cơ quan hải quan yêu cầu kiểm tra theo quy định tại các điều 32, 79 và 80 của Luật này;”
Căn cứ điểm đ khoản 1 Điều 19 Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13 quy định: “đ) Người nộp thuế đã nộp thuế đối với máy móc, thiết bị, dụng cụ, phương tiện vận chuyển của các tổ chức, cá nhân được phép tạm nhập, tái xuất, trừ trường hợp đi thuê để thực hiện các dự án đầu tư, thi công xây dựng, lắp đặt công trình, phục vụ sản xuất, khi tái xuất ra nước ngoài hoặc xuất vào khu phi thuế quan.
Số tiền thuế nhập khẩu được hoàn lại xác định trên cơ sở trị giá sử dụng còn lại của hàng hóa khi tái xuất khẩu tính theo thời gian sử dụng, lưu lại tại Việt Nam. Trường hợp hàng hóa đã hết trị giá sử dụng thì không được hoàn lại thuế nhập khẩu đã nộp.”
Căn cứ Điều 35 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính phủ quy định: “Người nộp thuế có trách nhiệm tự kê khai, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về tỷ lệ mức khấu hao, phân bổ trị giá hàng hóa trong thời gian sử dụng và lưu lại tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về kế toán khi đề nghị cơ quan hải quan hoàn thuế để làm cơ sở tính tỷ lệ trị giá sử dụng còn lại của hàng hóa.”
Căn cứ khoản 9 Điều 1 Thông tư số 60/2019/TT-BTC ngày 30/8/2019 (sửa đổi, bổ sung Điều 17 Thông tư số 39/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015) của Bộ Tài chính quy định về trị giá hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu trong một số trường hợp đặc biệt: “9. Đối với hàng hóa nhập khẩu là hàng đi thuê, trị giá hải quan là trị giá khai báo được xác định trên cơ sở giá thực tế đã thanh toán hay sẽ phải thanh toán để thuê hàng hóa và các khoản chi phí khác mà người đi thuê phải trả để đưa hàng hóa đến cửa khẩu nhập đầu tiên, phù hợp với chứng từ, tài liệu có liên quan đến hàng hóa đi thuê.
Đối với hàng hóa nhập khẩu là hàng đi mượn, trị giá hải quan là toàn bộ các chi phí mà người đi mượn phải trả để đưa hàng hóa đến cửa khẩu nhập đầu tiên, phù hợp với các chứng từ, tài liệu có liên quan đến hàng hóa đi mượn. ”
Căn cứ các quy định nêu trên, trường hợp máy móc, thiết bị, công cụ, dụng cụ tạm nhập tái xuất thuộc đối tượng hoàn thuế theo điểm đ khoản 1 Điều 19 Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13, Điều 35 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP, nhưng Công ty không quản lý, theo dõi, hạch toán trong sổ sách kế toán đối với hàng hóa tạm nhập, không có cơ sở xác định tỷ lệ mức khấu hao, phân bổ trị giá hàng hóa trong thời gian sử dụng và lưu lại tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về kế toán thì cơ quan hải quan không có cơ sở để xử lý hoàn thuế cho doanh nghiệp.
Trường hợp máy móc, thiết bị, công cụ, dụng cụ tạm nhập tái xuất là hàng hóa đi thuê, đi mượn, trị giá hải quan được xác định theo quy định tại khoản 9 Điều 1 Thông tư số 60/2019/TT-BTC (sửa đổi, bổ sung Điều 17 Thông tư số 39/2015/TT-BTC), trị giá hải quan không tính trên toàn bộ trị giá hàng hóa, do đó, không có quy định hoàn tiền thuế nhập khẩu Công ty đã nộp.
Tổng cục Hải quan có ý kiến để Cục Hải quan tỉnh Quảng Ngãi được biết./.
| TL. TỔNG CỤC TRƯỞNG |