BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2762/TCHQ-TXNK V/v thực hiện Nghị định số 18/2021/NĐ-CP | Hà Nội, ngày 04 tháng 6 năm 2021 |
Kính gửi: Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam.
Tổng cục Hải quan nhận được công hàm số KEV-21-476 ngày 17/5/2021 của Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam về vướng mắc liên quan đến việc thực hiện quy định tại Điều 28a Nghị định số 134/2016/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại khoản 10 Điều 1 Nghị định số 18/2021/NĐ-CP ngày 11/3/2021 của Chính phủ. Về vấn đề này, Tổng cục Hải quan Việt Nam xin trả lời như sau:
1. Về phần mềm quản lý hàng hóa thuộc đối tượng không chịu thuế
Căn cứ quy định tại điểm c khoản 1 Điều 28a Nghị định số 134/2016/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại khoản 10 Điều 1 Nghị định số 18/2021/NĐ-CP thì một trong các điều kiện kiểm tra, giám sát hải quan đối với doanh nghiệp chế xuất là khu phi thuế quan: “Có phần mềm quản lý hàng hóa nhập khẩu thuộc đối tượng không chịu thuế để báo cáo quyết toán nhập - xuất - tồn về tình hình sử dụng hàng hóa nhập khẩu theo quy định pháp luật về hải quan. ”
Căn cứ quy định tại điểm b khoản 2 Điều 60 Thông tư số 38/2015/TT- BTC ngày 25/3/2015 được sửa đổi, bổ sung tại khoản 39 Điều 1 Thông tư số 39/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018 của Bộ Tài chính thì tổ chức, cá nhân lập và nộp báo cáo quyết toán về tình hình nhập - xuất - tồn kho nguyên liệu, vật tư, nhập khẩu để gia công, sản xuất xuất khẩu (bao gồm cả nhập khẩu của DNCX); báo cáo quyết toán về tình hình nhập - xuất - tồn kho thành phẩm được sản xuất từ nguyên liệu, vật tư nhập khẩu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu cho Chi cục Hải quan nơi đã thông báo cơ sở sản xuất.
Căn cứ các quy định nêu trên thì phần mềm quản lý hàng hóa nhập khẩu không chịu thuế của DNCX do doanh nghiệp tự xây dựng nhưng phải theo dõi và kết xuất được số liệu để báo cáo cho cơ quan hải quan để quyết toán về tình hình nhập - xuất - tồn kho nguyên liệu, vật tư nhập khẩu và sản phẩm được sản xuất từ nguyên liệu, vật tư nhập khẩu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu.
Liên quan đến vướng mắc này, Tổng cục Hải quan đã có hướng dẫn thực hiện tại điểm 3 mục V công văn số 2687/TCHQ-TXNK ngày 01/6/2021 (đính kèm).
2. Về hàng rào cứng ngăn cách với khu vực bên ngoài
Về hàng rào cứng trong trường hợp một số doanh nghiệp đặc thù đang sử dụng trang thiết bị sản xuất chung cho cả khu vực chế xuất và khu vực không phải là chế xuất, đề nghị Đại sứ quán Hàn Quốc yêu cầu các doanh nghiệp mô tả chi tiết thực tế tại doanh nghiệp kèm hồ sơ, hình ảnh; đồng thời rà soát bổ sung thêm các trường hợp đặc thù khác (nếu có) để làm cơ sở xử lý.
3. Về ca-mê-ra giám sát tại các vị trí lưu giữ hàng hóa
Căn cứ quy định tại điểm b khoản 1 Điều 28a Nghị định số 134/2016/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại khoản 10 Điều 1 Nghị định số 18/2021/NĐ-CP thì một trong các điều kiện kiểm tra, giám sát hải quan đối với doanh nghiệp chế xuất là khu phi thuế quan: “Có hệ thống ca-mê-ra quan sát được các vị trí tại cổng/cửa ra, vào và các vị trí lưu giữ hàng hóa ở tất cả các thời điểm trong ngày (24/24 giờ, bao gồm cả ngày nghỉ, ngày lễ); dữ liệu hình ảnh ca-mê-ra được kết nối trực tuyến với cơ quan hải quan quản lý doanh nghiệp và được lưu giữ tại doanh nghiệp chế xuất tối thiểu 12 tháng.”
Căn cứ quy định nêu trên, các khu vực tại DNCX được sử dụng để lưu giữ hàng hóa như kho, bãi lưu giữ nguyên liệu, vật tư, bán thành phẩm, thành phẩm, máy móc, thiết bị và các hàng hóa không chịu thuế khác phải có ca-mê-ra quan sát. Đối với các khu vực khác tại DNCX được bố trí để sản xuất, sử dụng hàng hóa như nhà xưởng, văn phòng, nhà ăn... thì không yêu cầu có ca-mê-ra quan sát theo quy định nêu trên.
Ngoài ra, hiện nay việc chia sẻ dữ liệu ca-mê-ra của DNCX đang được các DNCX thực hiện thông qua việc cung cấp địa chỉ IP, tài khoản và mật khẩu để Chi cục Hải quan quản lý thực hiện giám sát theo quy định. Đồng thời, sau khi hoàn thành giải pháp kỹ thuật về chia sẻ dữ liệu ca-mê-ra thì Tổng cục Hải quan sẽ ban hành định dạng thông điệp dữ liệu trao đổi giữa cơ quan hải quan và doanh nghiệp về hệ thống ca-mê-ra giám sát.
Liên quan đến vướng mắc này, Tổng cục Hải quan đã có hướng dẫn thực hiện tại điểm 2 mục V công văn số 2687/TCHQ-TXNK ngày 01/6/2021 (đính kèm).
4. Về đề nghị tổ chức tọa đàm dành cho doanh nghiệp Hàn Quốc
Kể từ thời điểm Nghị định số 18/2021/NĐ-CP được ký ban hành, Tổng cục Hải quan đã tổ chức các Hội nghị tập huấn và giải đáp vướng mắc liên quan đến Nghị định số 18/2021/NĐ-CP cho các doanh nghiệp tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, trong đó có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc như Công ty TNHH LG Electronics Việt Nam Hải Phòng, Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam, Công Ty TNHH Hosiden Việt Nam...
Trong thời gian tới, nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp Hàn Quốc, Tổng cục Hải quan nhất trí với đề nghị của Đại sứ quán Hàn Quốc về việc tổ chức tọa đàm trực tuyến để giải đáp vướng mắc liên quan đến Nghị định số 18/2021/NĐ-CP dành riêng cho các doanh nghiệp Hàn Quốc. Thời gian, địa điểm và chi tiết nội dung tọa đàm, đề nghị Đại sứ quán Hàn Quốc liên hệ làm việc trực tiếp với Vụ Hợp tác quốc tế (Tổng cục Hải quan).
Tổng cục Hải quan Việt Nam trân trọng cảm ơn các ý kiến đóng góp của Đại sứ quán Hàn Quốc đối với Nghị định số 18/2021/NĐ-CP. Trong thời gian tới, Hải quan Việt Nam mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm đóng góp ý kiến của Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam.
Trân trọng/.
| KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG |