Open navigation

Nghị định 09/2022/NĐ-CP Sửa đổi Nghị định 95_2020_NĐ-CP hướng dẫn đấu thầu mua sắm

CHÍNH PHỦ
 -------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 09/2022/-CP

Hà Nội, ngày 12 tháng 01 năm 2022

NGHỊ ĐỊNH

SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 95/2020/NĐ-CP NGÀY 24 THÁNG 8 NĂM 2020 CỦA CHÍNH PHỦ HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN VỀ ĐẤU THẦU MUA SẮM THEO HIỆP ĐỊNH ĐỐI TÁC TOÀN DIỆN VÀ TIẾN BỘ XUYÊN THÁI BÌNH DƯƠNG ĐỂ HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN VỀ ĐẤU THẦU MUA SẮM THEO HIỆP ĐỊNH ĐỐI TÁC TOÀN DIỆN VÀ TIẾN BỘ XUYÊN THÁI BÌNH DƯƠNG, HIỆP ĐỊNH THƯƠNG MẠI TỰ DO GIỮA CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ LIÊN MINH CHÂU ÂU, HIỆP ĐỊNH THƯƠNG MẠI TỰ DO GIỮA VIỆT NAM VÀ LIÊN HIỆP VƯƠNG QUỐC ANH VÀ BẮC AI-LEN

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Điều ước quốc tế ngày 09 tháng 4 năm 2016;

Căn cứ Luật Đấu thầu ngày 26 tháng 11 năm 2013;

Căn cứ Nghị quyết số 102/2020/QH14 ngày 08 tháng 6 năm 2020 của Quốc hội phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên minh Châu Âu;

Để thực hiện Hiệp định Thương mại tự do giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên minh Châu Âu có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 8 năm 2020, Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 5 năm 2021;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư;

Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2020/NĐ-CP ngày 24 tháng 8 năm 2020 của Chính phủ hướng dẫn thực hiện về đấu thầu mua sắm theo Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương để hướng dẫn thực hiện về đấu thầu mua sắm theo Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, Hiệp định Thương mại tự do giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên minh Châu Âu, Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len.

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2020/NĐ-CP ngày 24 tháng 8 năm 2020 của Chính phủ hướng dẫn thực hiện về đấu thầu mua sắm theo Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương

1. Sửa đổi, bổ sung một số điểm, khoản của Điều 1 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung khoản 1 như sau:

“1. Nghị định này quy định về mua sắm công đối với việc cung cấp hàng hóa, dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, dịch vụ xây dựng thuộc phạm vi điều chỉnh của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (sau đây gọi là Hiệp định CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (sau đây gọi là Hiệp định EVFTA), Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len (sau đây gọi là Hiệp định UKVFTA) nêu tại các Phụ lục I, II và III kèm theo Nghị định này.”

b) Sửa đổi, bổ sung điểm e khoản 2 như sau:

“e) Các trường hợp được quy định tại khoản 8 Phụ lục I, khoản 7 Phụ lục II và khoản 9 Phụ lục III kèm theo Nghị định này.”

2. Sửa đổi, bổ sung khoản 1, khoản 2 và bổ sung khoản 9 vào Điều 3 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung khoản 1 và khoản 2 như sau:

“1. Cơ quan mua sắm là cơ quan, tổ chức được liệt kê tại các Phụ lục I, II và III kèm theo Nghị định này được giao làm chủ đầu tư, bên mời thầu của dự án, dự toán mua sắm.

2. Nước thành viên là quốc gia, vùng lãnh thổ thỏa mãn một trong các điều kiện sau:

a) Ký kết Hiệp định CPTPP ngày 08 tháng 3 năm 2018 và tại thời điểm phê duyệt hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ yêu cầu, hồ sơ mời thầu của gói thầu, Hiệp định CPTPP có hiệu lực với nước đó (sau đây gọi là Nước thành viên Hiệp định CPTPP);

b) Áp dụng Hiệp ước Liên minh Châu Âu và Hiệp ước về Chức năng của Liên minh Châu Âu (sau đây gọi là Nước thành viên EU);

c) Vương quốc Anh, Bắc Ai-len.”

b) Bổ sung khoản 9 như sau:

“9. Mua sắm công là quá trình lựa chọn nhà thầu có đủ năng lực, kinh nghiệm và giải pháp khả thi để ký kết và thực hiện hợp đồng cung cấp hàng hóa, dịch vụ vì mục đích công và không nhằm mục đích bán hay bán lại mang tính thương mại hoặc sử dụng trong việc sản xuất, cung cấp hàng hóa, dịch vụ vì mục đích bán hay bán lại mang tính thương mại trên cơ sở bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế.”

3. Sửa đổi, bổ sung Điều 4 như sau:

“Điều 4. Đấu thầu nội khối, đấu thầu quốc tế

1. Khi tổ chức lựa chọn nhà thầu đối với gói thầu thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này, cơ quan mua sắm phải tổ chức đấu thầu nội khối theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này, trừ trường hợp người có thẩm quyền xét thấy cần tổ chức đấu thầu quốc tế để mang lại hiệu quả cao hơn cho dự án, gói thầu.

2. Trường hợp tổ chức đấu thầu nội khối đối với gói thầu cung cấp dịch vụ, cơ quan mua sắm thực hiện như sau:

a) Đối với gói thầu quy định tại Phụ lục I kèm theo Nghị định này, cơ quan mua sắm cho phép nhà thầu nội khối tham dự thầu;

b) Đối với gói thầu quy định tại Phụ lục II kèm theo Nghị định này, cơ quan mua sắm quyết định cho phép nhà thầu nội khối tham dự thầu hoặc chỉ cho phép nhà thầu thuộc các Nước thành viên Hiệp định CPTPP tham dự thầu;

c) Đối với gói thầu quy định tại Phụ lục III kèm theo Nghị định này, cơ quan mua sắm quyết định cho phép nhà thầu nội khối tham dự thầu hoặc chỉ cho phép nhà thầu thuộc các Nước thành viên EU, Vương quốc Anh, Bắc Ai-len tham dự thầu;

d) Đối với gói thầu cung cấp dịch vụ thuộc mã CPC 75231 (các dịch vụ mạng dữ liệu), CPC 75232 (các dịch vụ thông tin và tin nhắn điện tử), CPC 84 (dịch vụ máy tính và các dịch vụ liên quan) quy định tại Phụ lục II kèm theo Nghị định này, cơ quan mua sắm quyết định cho phép nhà thầu thuộc các Nước thành viên Hiệp định CPTPP tham dự thầu hoặc chỉ cho phép nhà thầu trong nước tham dự thầu.

3. Trường hợp tổ chức đấu thầu nội khối đối với gói thầu cung cấp hàng hóa, cơ quan mua sắm thực hiện như sau:

a) Đối với gói thầu cung cấp hàng hóa quy định tại Phụ lục I kèm theo Nghị định này, cơ quan mua sắm chỉ cho phép nhà thầu nội khối chào hàng hóa có xuất xứ từ các Nước thành viên tham dự thầu;

b) Đối với gói thầu cung cấp hàng hóa quy định tại Phụ lục II kèm theo Nghị định này, cơ quan mua sắm quyết định cho phép các nhà thầu nội khối chào hàng hóa có xuất xứ từ các Nước thành viên Hiệp định CPTPP, các Nước thành viên EU, Vương quốc Anh, Bắc Ai-len tham dự thầu hoặc chỉ cho phép nhà thầu thuộc các Nước thành viên Hiệp định CPTPP chào hàng hóa có xuất xứ từ các Nước thành viên Hiệp định CPTPP tham dự thầu;

c) Đối với gói thầu cung cấp hàng hóa quy định tại Phụ lục III kèm theo Nghị định này, cơ quan mua sắm quyết định cho phép các nhà thầu nội khối chào hàng hóa có xuất xứ từ các Nước thành viên Hiệp định CPTPP, các Nước thành viên EU, Vương quốc Anh, Bắc Ai-len tham dự thầu hoặc chỉ cho phép nhà thầu thuộc các Nước thành viên EU, Vương quốc Anh, Bắc Ai-len chào hàng hóa có xuất xứ từ các Nước thành viên EU, Vương quốc Anh, Bắc Ai-len tham dự thầu.”

4. Sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 5 như sau:

“3. Biện pháp ưu đãi trong nước

Đối với gói thầu thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này, cơ quan mua sắm được áp dụng biện pháp ưu đãi trong nước theo lộ trình quy định tại các khoản 1, 1a, 1b, 2, 3 và 4 Điều 15 của Nghị định này. Sau khoảng thời gian quy định tại Điều 15 của Nghị định này, cơ quan mua sắm không được áp dụng biện pháp ưu đãi trong nước.”

5. Bổ sung một số điểm vào Điều 6 như sau:

a) Bổ sung điểm h và điểm i vào khoản 1 như sau:

“h) Không chịu phán quyết cuối cùng của tòa án về việc phạm tội nghiêm trọng hoặc các hành vi vi phạm nghiêm trọng khác trong vòng 03 năm trước thời điểm đóng thầu;

i) Không có bằng chứng về việc nhà thầu có hành vi vi phạm nghiêm trọng đạo đức nghề nghiệp trong vòng 03 năm trước thời điểm đóng thầu.”;

b) Bổ sung điểm đ và điểm e vào khoản 2 như sau:

“đ) Không chịu phán quyết cuối cùng của tòa án về việc phạm tội nghiêm trọng hoặc các hành vi vi phạm nghiêm trọng khác trong vòng 03 năm trước thời điểm đóng thầu;

e) Không có bằng chứng về việc nhà thầu có hành vi vi phạm nghiêm trọng đạo đức nghề nghiệp trong vòng 03 năm trước thời điểm đóng thầu.”

6. Bổ sung khoản 7 vào Điều 7 như sau:

“7. Trường hợp đối với tập đoàn kinh tế nhà nước của Việt Nam, nếu sản phẩm, dịch vụ thuộc gói thầu là ngành nghề sản xuất kinh doanh chính của tập đoàn và là đầu ra của công ty này, đồng thời là đầu vào của công ty kia trong tập đoàn thì tập đoàn, các công ty con của tập đoàn được phép tham dự quá trình lựa chọn nhà thầu của nhau. Nhà thầu tham dự thầu không phải đáp ứng quy định độc lập về pháp lý và tài chính đối với nhà thầu tư vấn cho gói thầu đó nếu nhà thầu tư vấn cũng là công ty con thuộc tập đoàn.”

7. Bổ sung điểm k vào khoản 1 Điều 9 như sau:

“k) Nội dung tóm tắt bằng tiếng Anh của thông báo mời sơ tuyển, thông báo mời quan tâm, thông báo mời thầu của gói thầu quy định tại Phụ lục I và Phụ lục III kèm theo Nghị định này. Việc đăng tải được thực hiện sau khi Liên minh Châu Âu hoàn tất việc hỗ trợ kỹ thuật, tài chính để xây dựng và duy trì hệ thống tự động dịch và đăng tải các thông báo tóm tắt trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.”

8. Bổ sung khoản 1a và khoản 1b vào sau khoản 1 Điều 15 và sửa đổi khoản 5 Điều 15 như sau:

a) Bổ sung khoản 1a và khoản 1b vào sau khoản 1 như sau:

“1a. Đối với gói thầu nêu tại Phụ lục I và Phụ lục III kèm theo Nghị định này, thời kỳ chuyển đổi như sau:

a) Kể từ ngày 01 tháng 8 năm 2020 đến ngày 13 tháng 01 năm 2029, cơ quan mua sắm áp dụng các biện pháp ưu đãi trong nước theo quy định tại khoản 6 Điều này. Người có thẩm quyền có trách nhiệm xác định tổng giá trị ưu đãi trong nước trong một năm, không vượt quá 40% tổng giá hợp đồng các gói thầu thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này trong phạm vi quản lý của mình;

b) Kể từ ngày 14 tháng 01 năm 2029 đến ngày 31 tháng 7 năm 2038, cơ quan mua sắm áp dụng các biện pháp ưu đãi trong nước theo quy định tại khoản 6 Điều này. Người có thẩm quyền có trách nhiệm xác định tổng giá trị ưu đãi trong nước trong một năm, không vượt quá 30% tổng giá hợp đồng các gói thầu thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này trong phạm vi quản lý của mình;

c) Kể từ ngày 01 tháng 8 năm 2038 trở đi, cơ quan mua sắm không được áp dụng các biện pháp ưu đãi trong nước đối với gói thầu thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này trong phạm vi quản lý của mình.

1b. Đối với gói thầu nêu tại Phụ lục II kèm theo Nghị định này, thời kỳ chuyển đổi thực hiện theo quy định tại các khoản 2, 3, 4, 6 và 7 Điều này.”

b) Sửa đổi khoản 5 như sau:

“5. Cơ quan mua sắm chịu trách nhiệm xác định gói thầu được áp dụng các biện pháp ưu đãi trong nước trong phạm vi quản lý của mình, bảo đảm tuân thủ quy định tại các khoản 1a, 1b, 2 và 3 Điều này.”

9. Sửa đổi điểm d khoản 2 và bổ sung điểm e vào khoản 2 Điều 29 như sau:

a) Sửa đổi điểm d khoản 2 như sau:

“d) Khi tính toán giá gói thầu nhằm xác định gói thầu có thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này hay không, phải tính toán tổng giá trị ước tính tối đa của gói thầu trong toàn bộ thời gian thực hiện hợp đồng, bao gồm tất cả các loại thù lao, phí, lệ phí, hoa hồng, lợi tức hoặc các nguồn thu khác có thể được chi trả theo hợp đồng; trường hợp gói thầu áp dụng tùy chọn mua thêm quy định tại khoản 3 Điều này thì phải cộng giá trị của tùy chọn mua thêm vào giá gói thầu để so sánh với ngưỡng giá gói thầu nêu tại các Phụ lục I, II và III kèm theo Nghị định này;”

b) Bổ sung điểm e vào khoản 2 như sau:

“e) Đối với gói thầu mua sắm tập trung, gói thầu chia phần để mua hàng hóa, dịch vụ lặp đi lặp lại hàng năm, việc xác định giá gói thầu căn cứ vào các nội dung sau:

- Nhu cầu sử dụng trong một năm để tránh chia nhỏ gói thầu;

- Kết quả lựa chọn nhà thầu qua mạng của hàng hóa, dịch vụ tương tự trong vòng 12 tháng trước thời điểm phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, trên cơ sở phù hợp với khối lượng mua sắm và giá cả thị trường. Trường hợp không có kết quả lựa chọn nhà thầu qua mạng, căn cứ kết quả lựa chọn nhà thầu không qua mạng hoặc căn cứ tối thiểu 03 báo giá trên cơ sở phù hợp với khối lượng mua sắm và giá cả thị trường hoặc giá được tham khảo từ thông tin chính thống do các nhà cung cấp công bố được khai thác qua mạng Internet.”

10. Bổ sung khoản 5 vào Điều 39 như sau:

“5. Trừ gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, hồ sơ dự thầu không đáp ứng yêu cầu về nhân sự chủ chốt, thiết bị thi công chủ yếu nêu trong hồ sơ mời thầu sẽ không bị loại ngay trong quá trình đánh giá về năng lực, kinh nghiệm. Bên mời thầu phải yêu cầu nhà thầu đề xuất nhân sự, thiết bị thay thế trong một khoảng thời gian phù hợp để bên mời thầu xem xét, đánh giá. Nhà thầu không đề xuất nhân sự, thiết bị thay thế đáp ứng yêu cầu thì hồ sơ dự thầu của nhà thầu bị loại.”

11. Bổ sung khoản 3 vào Điều 79 như sau:

“3. Đối với trường hợp quy định tại các điểm c, đ và g khoản 2 Điều 21 của Nghị định này, được áp dụng quy trình nêu tại Điều 77 và Điều 78 của Nghị định này nếu thấy cần thiết.”

12. Sửa đổi khoản 16 và bổ sung khoản 18 vào Điều 97 như sau:

a) Sửa đổi khoản 16 như sau:

“16. Trường hợp đổi tên, chia, tách cơ quan mua sắm liệt kê tại các Phụ lục I, II và III kèm theo Nghị định này thì đơn vị mới sau khi đổi tên, chia, tách được coi là thuộc các Phụ lục này.

Trường hợp cơ quan mua sắm liệt kê tại các Phụ lục I, II và III kèm theo Nghị định này bị sáp nhập, hợp nhất thì gói thầu của đơn vị sau sáp nhập, hợp nhất nhằm mục đích thực hiện chức năng, nhiệm vụ của đơn vị trước khi sáp nhập, hợp nhất phải thực hiện theo Nghị định này.

Trường hợp đơn vị trực thuộc cơ quan mua sắm liệt kê tại các Phụ lục I, II và III kèm theo Nghị định này được chuyển sang cơ quan khác quản lý, đơn vị đó vẫn thuộc các Phụ lục này.”

b) Bổ sung khoản 18 vào Điều 97 như sau:

“18. Trường hợp gói thầu, dự án xuất hiện các điều kiện đặc thù, riêng biệt mà không thể áp dụng các hình thức lựa chọn nhà thầu quy định tại Điều 20 và Điều 21 của Nghị định này thì người có thẩm quyền trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định phương án lựa chọn nhà thầu trên cơ sở phù hợp với Hiệp định CPTPP, Hiệp định EVFTA, Hiệp định UKVFTA. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm thẩm định phương án lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định theo quy định tại khoản này.”

13. Sửa đổi, bổ sung Điều 102 như sau:

“Điều 102. Quy định chuyển tiếp

1. Đối với các gói thầu thuộc phạm vi điều chỉnh của Hiệp định CPTPP, Hiệp định EVFTA, Hiệp định UKVFTA đã phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ yêu cầu, hồ sơ mời thầu nhưng đến ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành chưa phát hành hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ yêu cầu, hồ sơ mời thầu, trường hợp có nội dung không phù hợp với quy định của Nghị định này thì phải phê duyệt điều chỉnh kế hoạch lựa chọn nhà thầu, hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ yêu cầu, hồ sơ mời thầu cho phù hợp.

2. Đối với các gói thầu thuộc phạm vi điều chỉnh của Hiệp định CPTPP, Hiệp định EVFTA, Hiệp định UKVFTA đã phát hành hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ yêu cầu, hồ sơ mời thầu trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành nhưng có thời điểm đóng thầu sau ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành và chưa đến thời điểm đóng thầu, trường hợp có nội dung không phù hợp hoặc trái với quy định của Nghị định này thì phải sửa đổi cho phù hợp. Trong trường hợp này, chủ đầu tư, bên mời thầu phải dành cho nhà thầu một khoảng thời gian hợp lý để nhà thầu chuẩn bị hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ đề xuất, hồ sơ dự thầu.

3. Đối với các gói thầu thuộc phạm vi điều chỉnh của Hiệp định CPTPP, Hiệp định EVFTA, Hiệp định UKVFTA đã mở thầu trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành, việc đánh giá hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ đề xuất, hồ sơ dự thầu và xét duyệt trúng thầu thực hiện theo quy định nêu trong hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ yêu cầu, hồ sơ mời thầu nhưng phải bảo đảm không trái với quy định của Hiệp định CPTPP, Hiệp định EVFTA, Hiệp định UKVFTA.”

Điều 2. Bổ sung, thay thế, bãi bỏ một số quy định và Phụ lục của Nghị định số 95/2020/NĐ-CP

1. Bổ sung cụm từ “, Hiệp định EVFTA, Hiệp định UKVFTA” vào sau cụm từ “Hiệp định CPTPP” tại khoản 2 Điều 8, điểm a khoản 2 Điều 10, khoản 1 Điều 27, khoản 5 Điều 81, điểm b và điểm d khoản 1 Điều 100, khoản 2 Điều 100 và Điều 101.

2. Thay thế các Phụ lục I, II và III.

3. Bãi bỏ các Phụ lục IV, V, VI và VII.

Điều 3. Hiệu lực thi hành

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành./.

 


Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Kiểm toán nhà nước;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg; TGĐ Cổng TTĐT; các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
 - Lưu: VT, CN(2b)

TM. CHÍNH PHỦ
KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG




 Lê Văn Thành

 

[FILE ĐÍNH KÈM TRONG VĂN BẢN]

Tải về văn bản (file PDF):

Câu trả lời này có giúp ích cho bạn không? Yes No

Send feedback
Rất tiếc là chúng tôi không giúp được nhiều. Hãy giúp chúng tôi cải thiện bài viết này bằng phản hồi của bạn.