BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2187/TCT-CS V/v: chính sách thuế | Hà Nội, ngày 04 tháng 06 năm 2018 |
Kính gửi: Cục Thuế thành phố Hà Nội
Tổng cục Thuế nhận được công văn số 4112/CT-TTHT ngày 25/01/2018 của Cục Thuế thành phố Hà Nội về chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN).
Về vấn đề này, Tổng cục Thuế có ý kiến như sau:
- Tại Khoản 2 Điều 50 Nghị định số l64/2003/NĐ-CP ngày 22/12/2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp quy định:
“2. Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã được cấp Giấy phép đầu tư và các cơ sở kinh doanh trong nước đã được cấp Giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư thì tiếp tục được hưởng các ưu đãi về thuế ghi trong Giấy phép đầu tư, Giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư. Trường hợp, các mức ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp ghi trong Giấy phép đầu tư, Giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư thấp hơn mức ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của Nghị định này thì cơ sở kinh doanh được hưởng các mức ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của Nghị định này cho thời gian ưu đãi còn lại. Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã hết thời hạn được hưởng ưu đãi thuế theo Giấy phép đầu tư thì chuyển sang áp dụng thuế suất 25% và trường hợp đang nộp thuế theo mức thuế suất 25% thì được tiếp tục thực hiện mức thuế suất này đến hết thời hạn của Giấy phép đầu tư đã cấp. Các cơ sở kinh doanh trong nước hết thời hạn ưu đãi về thuế suất, thuế thu nhập doanh nghiệp và các cơ sở kinh doanh khác trong nước đang áp dụng thuế suất 32% chuyển sang áp dụng thuế suất 28% kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2004.”
- Tại Khoản 3 Điều 46 Nghị định số 24/2007/NĐ-CP ngày 14/2/2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp quy định:
“3. Cơ sở kinh doanh đang được hưởng ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định tại các Nghị định số 164/2003/NĐ-CP ngày 22 tháng 12 năm 2003, số 152/2004/NĐ-CP ngày 06 tháng 8 năm 2004 của Chính phủ và các quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục được hưởng ưu đãi cho thời gian còn lại. Trường hợp mức ưu đãi về thuế suất và thời gian miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đang được hưởng thấp hơn mức ưu đãi quy định tại Nghị định này thì cơ sở kinh doanh được hưởng ưu đãi theo quy định tại Nghị định này cho thời gian còn lại.”
- Tại Khoản 3 Điều 46 Nghị định số 124/2008/NĐ-CP ngày 11/12/2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp quy định:
“2. Doanh nghiệp đang hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp số 09/2003/QH11, Luật Dầu khí và các văn bản pháp luật của Chính phủ ban hành trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục được hưởng các ưu đãi theo quy định của Luật thuế thu lập doanh nghiệp số 09/2003/QH11, Luật Dầu khí và các văn bản pháp luật của Chính phủ đã ban hành cho thời gian còn lại; trường hợp mức ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp (bao gồm mức thuế suất ưu đãi và thời gian miễn, giảm thuế) thấp hơn mức ưu đãi quy định của Nghị định này thì doanh nghiệp được áp dụng ưu đãi thuế theo quy định của Nghị định này cho thời gian còn lại."
- Tại Khoản 12 Điều 1 Nghị định số 12/2015/NĐ-CP ngày 12/02/2015 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Điểm a Khoản 2 Điều 15 Nghị định số 218/2013/NĐ-CP ngày 26/12/2013 về áp dụng thuế suất 10% đối với khoản thu nhập sau:
“a) Phần thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện hoạt động xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường, giám định tư pháp.
Danh mục loại hình, tiêu chí quy mô, tiêu chuẩn của các doanh nghiệp thực hiện xã hội hóa quy định tại Khoản này do Thủ tướng Chính phủ quy định;”
- Tại Điều 2 Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30/05/2008 của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường (đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 59/2014/NĐ-CP của Chính phủ) quy định:
“Điều 2. Điều kiện được hưởng chính sách khuyến khích phát triển xã hội hóa
Điều kiện để cơ sở thực hiện xã hội hóa được hưởng các chính sách khuyến khích phát triển xã hội hóa quy định tại Nghị định này là cơ sở phải thuộc danh mục các loại hình, tiêu chí quy mô, tiêu chuẩn do Thủ tướng Chính phủ quyết định.”
- Tại điểm 1.2 Khoản 1 Mục A Phần III danh mục loại hình, tiêu chí, quy mô tiêu chuẩn của các cơ sở thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực y tế ban hành kèm theo Quyết định số 1466/QĐ-TTG ngày 10/10/2008 của Thủ tướng Chính phủ quy định:
"1.2. Phòng khám: chỉ ưu đãi đối với địa bàn kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn".
Về ưu đãi thuế TNDN đối với trường hợp doanh nghiệp đăng ký lại Giấy phép đầu tư có gia hạn thời gian hoạt động, Tổng cục Thuế đã có công văn số 1951/TCT-PCCS ngày 22/5/2007 gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đồng thời gửi Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (bản photocopy công văn đính kèm).
Căn cứ các quy định và hướng dẫn nêu trên, Tổng cục Thuế thống nhất với ý kiến đề xuất của Cục Thuế thành phố Hà Nội tại công văn số 4112/CT-TTHT nêu trên, cụ thể: Công ty TNHH Phòng khám gia đình Hà Nội có dự án đầu tư phòng khám thì được hưởng ưu đãi về thuế TNDN ghi trong Giấy phép đầu tư điều chỉnh số 2000/GPĐC1 ngày 15/10/2001 đến hết thời hạn hoạt động ghi trong Giấy phép đầu tư thành lập số 2000/GP ngày 20/10/1997.
Theo quy định tại Quyết định số 1466/QĐ-TTG ngày 10/10/2008, Quyết định số 693/QĐ-TTG ngày 06/5/2013 và Quyết định số 1470/QĐ-TTG ngày 22/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ thì Công ty TNHH phòng khám gia đình Hà Nội không đáp ứng điều kiện tiêu chuẩn theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ (Phòng khám: chỉ ưu đãi đối với địa bàn kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn và địa bàn kinh tế xã hội khó khăn) nên Công ty không được hưởng thuế suất thuế TNDN 10% kể từ ngày hết thời gian hoạt động ghi trong Giấy phép đầu tư ban đầu.
Tổng cục Thuế trả lời để Cục Thuế thành phố Hà Nội biết./.
| TL. TỔNG CỤC TRƯỞNG |