BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1272/TCHQ-TXNK V/v xử lý thuế hàng hóa tạm nhập để gia công | Hà Nội, ngày 13 tháng 04 năm 2022 |
Kính gửi: Cục Hải quan tỉnh Bắc Ninh.
Tổng cục Hải quan nhận được công văn số 1313/HQBN-KTSTQ ngày 11/10/2021 của Cục Hải quan tỉnh Bắc Ninh phản ánh vướng mắc đối với hàng hóa tạm nhập để gia công. Về vấn đề này, Tổng cục Hải quan có ý kiến như sau:
1. Về thủ tục hải quan
Căn cứ Điều 41 Nghị định 69/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ quy định: “Bên nhận gia công được thuê, mượn máy móc, thiết bị của bên đặt gia công để thực hiện hợp đồng gia công. Việc thuê, mượn hoặc tặng máy móc, thiết bị phải được thỏa thuận trong hợp đồng gia công”.
Căn cứ khoản 3 Điều 36 Nghị định 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015 của Chính phủ quy định: “Địa điểm lưu giữ nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị nhập khẩu để gia công, sản xuất hàng hóa xuất khẩu và sản phẩm xuất khẩu phải nằm trong khu vực sản xuất của tổ chức, cá nhân; trường hợp lưu giữ ngoài khu vực sản xuất thì tổ chức, cá nhân phải có văn bản, gửi cơ quan hải quan xem xét, quyết định”.
Căn cứ khoản 2 Điều 61 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính (đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 40 Điều 1 Thông tư số 39/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018) quy định về thủ tục nhập khẩu máy móc, thiết bị thuê, mượn để thực hiện hợp đồng gia công như sau: “Thủ tục hải quan đối với máy móc, thiết bị thuê, mượn để trực tiếp phục vụ hợp đồng gia công thì thực hiện theo loại hình tạm nhập - tái xuất quy định tại Điều 50 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 23 Điều 1 Nghị định số 59/2018/NĐ-CP”.
Trường hợp bên nhận gia công ký kết hợp đồng gia công với thương nhân nước ngoài nhưng không trực tiếp gia công mà thuê tổ chức, cá nhân khác gia công toàn bộ hoặc gia công công đoạn thì việc chuyển giao máy móc, thiết bị đã được quy định tại Điều 62 Thông tự số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính (đã dược sửa đổi, bổ sung tại khoản 41 Điều 1 Thông tư số 39/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018).
Thủ tục xử lý đối với máy móc, thiết bị khi hợp đồng gia công kết thúc (bán, biếu tặng, chuyển sang hợp đồng gia công khác tại thị trường Việt Nam...) được thực hiện theo quy định tại Điều 64 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính (đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 42 Điều 1 Thông tư số 39/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018).
Căn cứ quy định nêu trên thì bên nhận gia công được thuê, mượn máy móc, thiết bị của bên đặt gia công để thực hiện hợp đồng gia công; việc lưu giữ máy móc, thiết bị nhập khẩu để gia công phải nằm trong khu vực sản xuất của tổ chức, cá nhân nhận gia công; trường hợp lưu giữ ngoài khu vực sản xuất thì tổ chức, cá nhân phải có văn bản, gửi cơ quan hải quan xem xét, quyết định.
2. Về chính sách thuế
Căn cứ điểm a khoản 9 Điều 16 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13 quy định: Máy móc, thiết bị, dụng cụ nghề nghiệp tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập để phục vụ gia công cho thương nhân nước ngoài thuộc đối tượng được miễn thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.
Căn cứ điểm c khoản 1 Điều 10 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP ngày 1/9/2016 của Chính phủ, quy định: Máy móc, thiết bị nhập khẩu được thỏa thuận trong hợp đồng gia công để thực hiện gia công được miễn thuế nhập khẩu.
Căn cứ khoản 20 Điều 5 Luật Thuế giá trị gia tăng số 13/2008/QH12 quy định: Hàng hóa tạm nhập khẩu, tái xuất khẩu thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng.
Căn cứ khoản 5 Điều 25 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/1/2015 của Chính phủ được sửa đổi, bổ sung tại khoản 12 Điều 1 Nghị định số 59/2018/NĐ-CP ngày 20/4/2018 của Chính phủ quy định: Đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thuộc đối tượng không chịu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, thuế bảo vệ môi trường hoặc miễn thuế, xét miễn thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu nhưng sau đó có thay đổi về đối tượng không chịu thuế hoặc mục đích được miễn thuế, xét miễn thuế; hàng hóa là nguyên liệu, vật tư nhập khẩu để gia công, sản xuất hàng hóa xuất khẩu đã giải phóng hàng hoặc thông quan nhưng sau đó chuyển mục đích sử dụng, chuyển tiêu thụ nội địa thì phải khai tờ khai hải quan mới. Chính sách quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; chính sách thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thực hiện tại thời điểm đăng ký tờ khai hải quan mới trừ trường hợp đã thực hiện đầy đủ chính sách quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại thời điểm đăng ký tờ khai ban đầu.
Căn cứ điểm d khoản 1 Điều 21 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 được sửa đổi, bổ sung tại khoản 10 Điều 1 Thông tư số 39/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018 của Bộ Tài chính, quy định: “d) Hàng hóa thay đổi mục đích sử dụng hoặc chuyển tiêu thụ nội địa, người nộp thuế phải kê khai, nộp đủ tiền thuế, tiền phạt (nếu có) theo quy định”.
Căn cứ điểm d khoản 2 Điều 21 Thông tư số 38/2015/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung tại khoản 10 Điều 1 Thông tư số 39/2018/TT-BTC, quy định: “d) Trường hợp người nộp thuế thay đổi mục đích sử dụng, chuyển tiêu thụ nội địa nhưng không tự giác kê khai, nộp thuế với cơ quan hải quan, nếu cơ quan hải quan hoặc cơ quan chức năng khác kiểm tra, phát hiện thì người nộp thuế bị ấn định số tiền thuế phải nộp theo tờ khai hải quan hàng hóa nhập khẩu ban đầu, nộp tiền chậm nộp và bị xử lý theo quy định hiện hành.”
Căn cứ điểm k khoản 4 Điều 17 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định cơ quan hải quan ấn định thuế đối với trường hợp: Hàng hóa nhập khẩu thuộc đối tượng miễn thuế, không chịu thuế nhưng người khai thuế tự ý thay đổi mục đích sử dụng hoặc chuyển tiêu thụ nội địa không kê khai, nộp thuế trên tờ khai hải quan mới theo quy định của pháp luật.
Căn cứ quy định nêu trên, trường hợp Công ty TNHH Solity Vina nhập khẩu hàng hóa là “khuôn, đế khuôn các loại” của Công ty Solity Co.ltd Hàn Quốc để thực hiện hợp đồng gia công, đăng ký tờ khai theo loại hình tạm nhập - tái xuất, thuộc đối tượng miễn thuế nhập khẩu, không chịu thuế GTGT nhưng sau đó đã chuyển giao toàn bộ hàng hóa cho Công ty khác. Việc chuyển giao hàng hóa là “khuôn, đế khuôn các loại” không được thỏa thuận trong hợp đồng gia công, hợp đồng thuê thiết bị, Công ty không có văn bản gửi cơ quan hải quan xem xét, quyết định thì phải thực hiện kê khai tờ khai hải quan mới, nộp đủ tiền thuế, tiền phạt (nếu có) theo quy định. Trường hợp Công ty TNHH Solity Vina không kê khai nộp đủ các loại thuế trước khi chuyển giao cho Công ty khác thì cơ quan hải quan thực hiện ấn định thuế theo quy định tại điểm k khoản 4 Điều 17 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ, thực hiện xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.
Tổng cục Hải quan thông báo để Cục Hải quan tỉnh Bắc Ninh được biết và thực hiện.
| TL. TỔNG CỤC TRƯỞNG |