TỔNG CỤC THUẾ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 90749/CT-TTHT V/v khấu trừ thuế TNDN đối với dự án tại Myanmar | Hà Nội, ngày 04 tháng 12 năm 2019 |
Kính gửi: Công ty cổ phần công trình ngầm Fecon
(Địa chỉ: Tầng 19, Tòa nhà CEO, Lô HH2-1, KĐT Mễ Trì Hạ, Đ. Phạm Hùng, Q. Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội)
Trả lời công văn số 147/2019/CV-KT.FCU ngày 14/11/2019 của Công ty cổ phần công trình ngầm Fecon hỏi về khấu trừ thuế TNDN đối với thu nhập từ dự án đã nộp thuế tại Myanmar, Cục Thuế TP Hà Nội có ý kiến như sau:
- Căn cứ Hiệp định giữa Chính phủ CHXHCN Việt Nam Chính phủ liên bang Myanmar về tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa việc trốn lậu thuế đối với các loại thuế đánh vào thu nhập
+ Tại Điều 2 quy định các loại thuế bao gồm trong Hiệp định
“3. Những loại thuế hiện hành được áp dụng trong Hiệp định này là:
(a) tại Việt Nam:
(1) thuế thu nhập cá nhân;
(2) thuế thu nhập doanh nghiệp;
(3) thuế chuyển lợi nhuận ra nước ngoài;
(dưới đây được gọi là “thuế Việt Nam”);
(b) tại Mi-an-ma:
(1) thuế thu nhập quy định tại Luật Thuế Thu nhập 1974 (Luật số 7 năm 1974);
(2) thuế lợi tức quy định tại Luật Thuế Lợi tức năm 1976 (Luật số 4 năm 1976);
(dưới đây được gọi là “thuế Mi-an-ma).
4. Hiệp định này cũng sẽ được áp dụng cho bất kỳ loại thuế nào đánh trên thu nhập có tính chất tương tự hay cả về căn bản giống như các loại thuế trên mà các Nước ký kết áp dụng sau ngày ký Hiệp định này để bổ sung, hoặc thay thế các loại thuế hiện hành nêu trong Hiệp định này. Các nhà chức trách có thẩm quyền của hai Nước ký kết sẽ thông báo cho nhau biết những thay đổi quan trọng trong các luật thuế của từng Nước.”
+ Tại Khoản 1 Điều 7 quy định về lợi tức doanh nghiệp
“Điều 7. Lợi tức doanh nghiệp
1. Lợi tức của một doanh nghiệp của một Nước ký kết sẽ chỉ bị đánh thuế tại Nước đó, trừ trường hợp doanh nghiệp có tiến hành hoạt động kinh doanh tại Nước ký kết kia thông qua một cơ sở thường trú tại Nước kia. Nếu doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh theo cách trên, thì các khoản lợi tức của doanh nghiệp có thể bị đánh thuế tại Nước ký kết kia, nhưng chỉ trên phần lợi tức phân bổ trực tiếp hay gián tiếp cho cơ sở thường trú đó.”
+ Tại Điều 24 quy định về xóa bỏ việc đánh thuế hai lần:
“...2. Trong trường hợp Việt Nam, thuế Mi-an-ma phải nộp đối với thu nhập thu được từ Mi-an-ma sẽ được phép khấu trừ trong số thuế Việt Nam phải nộp đối với thu nhập đó. Tuy nhiên, việc khấu trừ sẽ không vượt quá phần thuế Việt Nam như đã tính trước khi được phép thực hiện khoản khấu trừ phân bổ cho thu nhập đó...”
- Căn cứ Điều 48 Chương III Thông tư 205/2013/TT-BTC ngày 24/12/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện các Hiệp định tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa việc trốn lậu thuế đối với các loại thuế đánh vào thu nhập và tài sản giữa Việt Nam với các nước và vùng lãnh thổ có hiệu lực thi hành tại Việt Nam quy định về biện pháp khấu trừ thuế
“Trường hợp một đối tượng cư trú của Việt Nam có thu nhập và đã nộp thuế tại Nước ký kết Hiệp định với Việt Nam, nếu tại Hiệp định, Việt Nam cam kết thực hiện biện pháp khấu trừ thuế thì khi đối tượng cư trú này kê khai thuế thu nhập tại Việt Nam, các khoản thu nhập đó sẽ được tính vào thu nhập chịu thuế tại Việt Nam theo quy định của pháp luật hiện hành về thuế ở Việt Nam và số tiền thuế đã nộp ở Nước ký kết sẽ được khấu trừ vào số thuế phải nộp tại Việt Nam. Việc khấu trừ thuế thực hiện theo các nguyên tắc dưới đây:
a) Thuế đã nộp ở Nước ký kết được khấu trừ là sắc thuế được quy định tại Hiệp định;
b) Số thuế được khấu trừ không vượt quá số thuế phải nộp tại Việt Nam tính trên thu nhập từ Nước ký kết theo quy định pháp luật hiện hành về thuế ở Việt Nam nhưng cũng không được khấu trừ hoặc hoàn số thuế đã nộp cao hơn ở nước ngoài;
c) Số thuế đã nộp ở Nước ký kết được khấu trừ là số thuế phát sinh trong thời gian thuộc năm tính thuế tại Việt Nam....”
- Căn cứ Khoản 4 Điều 44 Chương V Thông tư 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế và Nghị định số 83/2013/NĐ-CP ngày 22/7/2013 của Chính phủ quy định về thủ tục khấu trừ thuế nước ngoài vào thuế phải nộp tại Việt Nam
“4. Thủ tục khấu trừ thuế nước ngoài vào thuế phải nộp tại Việt Nam
Các tổ chức, cá nhân là đối tượng cư trú của Việt Nam đã nộp thuế tại Nước ký kết Hiệp định thuế với Việt Nam và số thuế đã nộp là đúng với quy định của luật nước ngoài và quy định của Hiệp định thì sẽ được khấu trừ số thuế đã nộp (hoặc được coi như đã nộp) tại Nước ký kết Hiệp định thuế với Việt Nam. Thủ tục khấu trừ thuế như sau:
a) Người nộp thuế gửi hồ sơ đề nghị khấu trừ số thuế đã nộp (hoặc được coi như đã nộp) tại nước ngoài vào số thuế phải nộp tại Việt Nam đến Cơ quan thuế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi đăng ký nộp thuế. Hồ sơ gồm:
a.1) Giấy đề nghị khấu trừ thuế nước ngoài vào thuế phải nộp tại Việt Nam theo Hiệp định theo mẫu số 02/HTQT ban hành kèm theo Thông tư này, trong đó cung cấp các thông tin về giao dịch liên quan đến số thuế nước ngoài đề nghị được khấu trừ vào số thuế phải nộp tại Việt Nam thuộc phạm vi điều chỉnh của Hiệp định.
Trường hợp người nộp thuế không thể cung cấp đủ các thông tin hoặc các tài liệu theo yêu cầu của điểm a khoản 4 Điều này đề nghị giải trình cụ thể tại Giấy đề nghị khấu trừ thuế này để cơ quan thuế xem xét, quyết định.
a.2) Các tài liệu khác tùy theo hình thức đề nghị khấu trừ. Cụ thể:
- Trường hợp khấu trừ trực tiếp
+ Bản chụp Tờ khai thuế thu nhập ở nước ngoài có xác nhận của người nộp thuế;
+ Bản chụp chứng từ nộp thuế ở nước ngoài có xác nhận của người nộp thuế;
+ Bản gốc xác nhận của Cơ quan thuế nước ngoài về số thuế đã nộp.
- Trường hợp khấu trừ số thuế khoán
+ Bản chụp Tờ khai thuế thu nhập ở nước ngoài có xác nhận của người nộp thuế;
+ Bản chụp đăng ký kinh doanh hoặc các chứng từ pháp lý xác nhận hoạt động kinh doanh tại nước ngoài có xác nhận của người nộp thuế;
+ Thư xác nhận của Nhà chức trách có thẩm quyền nước ngoài về số thuế đã miễn, giảm và xác nhận việc đề nghị khấu trừ số thuế khoán là phù hợp với Hiệp định và luật pháp của Nước ký kết Hiệp định có liên quan.
- Trường hợp khấu trừ gián tiếp
+ Các tài liệu pháp lý chứng minh quan hệ và tỷ lệ góp vốn của đối tượng đề nghị khấu trừ;
+ Bản chụp Tờ khai thuế thu nhập ở nước ngoài của công ty chia lãi cổ phần mà đối tượng tham gia góp vốn có xác nhận của người nộp thuế;
+ Bản chụp Tờ khai thuế khấu trừ tại nguồn đối với lợi tức cổ phần được chia có xác nhận của người nộp thuế;
+ Xác nhận của Cơ quan thuế nước ngoài về số thuế đã nộp đối với cổ phần được chia và số thuế thu nhập công ty đã nộp trước khi chia lãi cổ phần.
a.3) Giấy ủy quyền trong trường hợp người nộp thuế ủy quyền cho đại diện hợp pháp thực hiện thủ tục áp dụng Hiệp định.
b) Cơ quan thuế căn cứ hồ sơ xem xét và giải quyết khấu trừ thuế theo quy định tại Hiệp định và hướng dẫn tại Thông tư này trong thời hạn 10 (mười) ngày làm việc kể từ thời điểm nhận đủ hồ sơ nêu tại điểm a khoản này. Thời hạn 10 (mười) ngày làm việc không bao gồm thời gian bổ sung và giải trình hồ sơ.”
- Căn cứ Điều 16 Chương IV Thông tư số 151/2014/TT-BTC 10/10/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 91/2014/NĐ-CP ngày 01/10/2014 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều tại các Nghị định quy định về thuế sửa đổi Điều 12, Thông tư số 156/2013/TT-BTC quy định khai thuế thu nhập doanh nghiệp
“Điều 12. Khai thuế thu nhập doanh nghiệp
3. Khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp
b) Hồ sơ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp bao gồm:
...b.3) Một hoặc một số phụ lục kèm theo tờ khai ban hành kèm theo Thông tư số 156/2013/TT-BTC và Thông tư này (tùy theo thực tế phát sinh của người nộp thuế):
...- Phụ lục số thuế thu nhập doanh nghiệp đã nộp ở nước ngoài được trừ trong kỳ tính thuế theo mẫu số 03-4/TNDN ban hành kèm theo Thông tư số 156/2013/TT-BTC...”
Căn cứ các quy định trên, trường hợp Công ty cổ phần công trình ngầm Fecon (sau đây gọi tắt là Công ty) có phát sinh thu nhập từ việc thi công dự án tại Myanmar thì:
- Trường hợp Công ty tiến hành hoạt động kinh doanh thông qua cơ sở thường trú tại Myanmar thì Công ty phải nộp thuế TNDN tại Myanmar. Khi kê khai thuế TNDN tại Việt Nam, thu nhập từ việc thi công dự án tại Myanmar sẽ được tính vào thu nhập chịu thuế tại Việt Nam theo quy định của pháp luật hiện hành về thuế ở Việt Nam và số tiền thuế đã nộp tại Myanmar sẽ được khấu trừ vào số thuế phải nộp tại Việt Nam nếu đảm bảo các điều kiện và thực hiện theo nguyên tắc quy định tại Điều 48 Thông tư số 205/2013/TT-BTC nêu trên.
Thủ tục để khấu trừ số thuế TNDN đã nộp tại Myanmar vào số thuế phải nộp tại Việt Nam, đề nghị Công ty thực hiện theo hướng dẫn tại Khoản 4 Điều 44 Chương V Thông tư 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013 của Bộ Tài chính.
- Trường hợp Công ty tiến hành kinh doanh tại Myanmar mà không có cơ sở thường trú tại Myanmar thì Công ty phải liên hệ với cơ quan thuế Myanmar để đề nghị hoàn lại số thuế đã nộp. Đối với số thuế TNDN được hoàn, Công ty không được khấu trừ vào số thuế TNDN phải nộp tại Việt Nam và không được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN.
Trong quá trình thực hiện, nếu còn vướng mắc, đề nghị Công ty cổ phần công trình ngầm Fecon liên hệ với Phòng Thanh kiểm tra thuế số 1 để được hướng dẫn cụ thể.
Cục Thuế TP Hà Nội trả lời để Công ty cổ phần công trình ngầm Fecon được biết và thực hiện./.
| KT. CỤC TRƯỞNG |