BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1058/TCT-DNNCN V/v Vướng mắc trong quá trình thực hiện HĐĐT theo Thông tư 78/2021/TT-BTC | Hà Nội, ngày 08 tháng 4 năm 2022 |
Kính gửi: Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh.
Tổng cục Thuế nhận được Công văn số 1269/CTTPHCM-CNTT ngày 18/02/2022 của Cục Thuế TP. HCM về một số vướng mắc trong quá trình triển khai HĐĐT theo Thông tư 78/2021/TT-BTC. Về vấn đề này, Tổng cục Thuế có ý kiến như sau:
1. Vướng mắc 1: Kết nối, chuyển dữ liệu hóa đơn trực tiếp đến cơ quan thuế
Đối với các doanh nghiệp có nhu cầu kết nối trực tiếp do Cục Thuế các tỉnh, thành phố quản lý trực tiếp, Cục Thuế các tỉnh, thành phố căn cứ nội dung công văn số 276/TCT-DNL ngày 25/01/2022 (công văn đính kèm) để hướng dẫn doanh nghiệp nộp hồ sơ đăng ký kết nối tại Cục Thuế địa phương. Về việc tiếp nhận hồ sơ đăng ký của doanh nghiệp và đánh giá các điều kiện cần thiết bước đầu, Cục Thuế đánh giá hồ sơ đăng ký của doanh nghiệp đối với các tiêu chí: số lượng hóa đơn sử dụng trong năm (số liệu trong 2 năm trước năm gửi hồ sơ đăng ký), ngành nghề kinh doanh, tình hình tuân thủ pháp luật về thuế, pháp luật về hóa đơn, mức độ rủi ro về thuế của doanh nghiệp, qua đó căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 91 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14, Cục Thuế đánh giá doanh nghiệp có đủ điều kiện áp dụng HĐĐT không mã hay không và gửi nội dung đánh giá về Tổng cục Thuế (Cục Thuế doanh nghiệp lớn).
Căn cứ kết quả đánh giá của Cục Thuế địa phương, Tổng cục Thuế sẽ tiếp tục tổng hợp và xử lý hồ sơ đăng ký của doanh nghiệp theo quy định.
2. Vướng mắc 2: Tra cứu thông tin sử dụng hóa đơn điện tử trên ứng dụng
Cục CNTT đã nâng cấp ứng dụng theo đề nghị của Cục Thuế TP Hồ Chí Minh. Hiện nay trên ứng dụng HĐĐT đã có báo cáo về số lượng tờ khai đăng ký sử dụng hóa đơn và bổ sung lựa chọn loại hình Doanh nghiệp và Hộ kinh doanh theo đề nghị của các Cục Thuế (Nội dung nâng cấp đính kèm).
Về nội dung tra cứu chi tiết NNT đã đăng ký sử dụng HĐĐT qua tổ chức cung cấp giải pháp nào, theo Quyết định số 1450/QĐ-TCT có thông tin về tổ chức cung cấp giải pháp nhưng không có quy định NNT phải thông báo với cơ quan thuế về việc sử dụng HĐĐT qua tổ chức cung cấp giải pháp nên thông tin này là không bắt buộc. Để đáp ứng yêu cầu của các Cục Thuế, Tổng cục Thuế sẽ nghiên cứu để xây dựng báo cáo chi tiết về NNT sử dụng HĐĐT của các tổ chức cung cấp dịch vụ HĐĐT tuy nhiên dữ liệu sẽ không đảm bảo đầy đủ do trường thông tin về tổ chức không phải là bắt buộc.
3. Vướng mắc 3: Định nghĩa, định danh về máy tính tiền
Tại công văn số 748/TCT-DNNCN ngày 15/3/2022 của Tổng cục Thuế về dự thảo Quy trình quản lý HĐĐT có mã của cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế, Tổng cục Thuế đã dự thảo nội dung định nghĩa như sau: “Máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế” là thiết bị điện tử đồng bộ hay một hệ thống nhiều thiết bị điện tử được kết hợp với nhau bằng một phần mềm bán hàng có chức năng chung như: tính tiền, lưu trữ các thao tác bán hàng, số liệu bán hàng, in hóa đơn, tra cứu giao dịch, báo cáo giao dịch,... và được kết nối chuyển dữ liệu đến cơ quan thuế theo định dạng chuẩn bằng phương thức điện tử thông qua tổ chức cung cấp dịch vụ nhận, truyền, lưu trữ dữ liệu điện tử.
Đối với doanh nghiệp, hộ kinh doanh đã sử dụng hóa đơn điện tử thông qua các nhà cung cấp và đang sử dụng máy tính tiền để bán hàng đáp ứng điều kiện về lĩnh vực cung cấp hàng hóa, dịch vụ trực tiếp đến người tiêu dùng cuối cùng như nêu trên thuộc đối tượng triển khai trong đề án “Triển khai kết nối thông tin từ máy tính tiền để quản lý doanh thu bán lẻ của doanh nghiệp, hộ kinh doanh”.
Tổng cục Thuế trả lời để các đơn vị được biết./.
| TL. TỔNG CỤC TRƯỞNG |