BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3945/TCHQ-GSQL V/v khai sửa đổi, bổ sung sau thông quan đối với hàng hóa gửi nhầm liên quan đến chính sách quản lý mặt hàng | Hà Nội, ngày 22 tháng 9 năm 2022 |
Kính gửi: Vụ Pháp chế Bộ Tài chính.
Tổng cục Hải quan nhận được một số vướng mắc của Cục Hải quan thành phố Hồ Chí Minh liên quan đến việc khai sửa đổi, bổ sung sau thông quan đối với nội dung liên quan đến giấy phép, kiểm tra chuyên ngành. Theo đó, Cục Hải quan thành phố Hồ Chí Minh phản ánh một số trường hợp doanh nghiệp đăng ký từ khai để nhập khẩu hàng hóa, tờ khai được phân luồng vàng và đã được thông quan, tuy nhiên sau khi hàng hóa đưa về kho, doanh nghiệp mới phát hiện ra gửi nhầm hàng. Hàng hoá khai báo trên tờ khai hải quan hoặc hàng hóa bị gửi nhầm liên quan đến giấy phép, nhập khẩu; kiểm tra chuyên ngành về chất lượng hàng hóa, y tế, văn hóa, kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật, thực vật, an toàn thực phẩm. Về vấn đề này, Tổng cục Hải quan xin được trao đổi với Quý Vụ như sau:
Theo phản ánh của Cục Hải quan thành phố Hồ Chí Minh thì hiện nay tại đơn vị phát sinh một số trường hợp doanh nghiệp đăng ký tờ khai để nhập khẩu hàng hóa, tờ khai được phân luồng vàng và đã được thông quan, tuy nhiên sau khi hàng hóa đưa về kho, doanh nghiệp mới phát hiện ra gửi nhầm hàng. Hàng hóa khai báo trên tờ khai hải quan hoặc hàng hóa bị gửi nhầm liên quan đến giấy phép, nhập khẩu; kiểm tra chuyên ngành về chất lượng hàng hóa, y tế, văn hóa, kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật, thực vật, an toàn thực phẩm. Theo đó, đối với trường hợp gửi nhầm hàng nêu trên sẽ phát sinh 04 trường hợp có thể xảy ra cần phải hướng dẫn thực hiện, cụ thể:
(1) Trường hợp 1: Doanh nghiệp từ chối nhận phần hàng hóa gửi nhầm, hàng hóa đã có giấy phép, kết quả kiểm tra chuyên ngành đủ điều kiện nhập khẩu.
(2) Trường hợp 2: Doanh nghiệp từ chối nhận phần hàng hóa gửi nhầm, hàng hóa chưa có giấy phép, chưa có kết quả kiểm tra chuyên ngành hoặc kết quả kiểm tra chuyên ngành không đủ điều kiện nhập khẩu.
(3) Trường hợp 3: Doanh nghiệp đồng ý nhận phần hàng gửi nhầm, hàng hóa đã có giấy phép, kết quả kiểm tra chuyên ngành đủ điều kiện nhập khẩu.
(4) Trường hợp 4: Doanh nghiệp đồng ý nhận phần hàng gửi nhầm, hàng hóa không có giấy phép, kết quả kiểm tra chuyên ngành và sau khi bị xử phạt vi phạm hành chính được cơ quan có thẩm quyền cho phép nhập khẩu trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt.
Theo quy định tại khoản 4 Điều 29 Luật Hải quan năm 2014 và quy định tại điểm b khoản 1 Điều 20 Thông tư 38/2015/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung tại khoản 9 Điều 11 Thông tư 39/2018/TT-BTC thì đối với trường hợp tờ khai đã thông quan, doanh nghiệp không được khai bổ sung đối với các nội dung liên quan đến giấy phép, nhập khẩu; kiểm tra chuyên ngành về chất lượng hàng hóa, y tế, văn hóa, kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật, thực vật, an toàn thực phẩm. Do đó đối với trường hợp gửi nhầm hàng liên quan đến giấy phép nhập khẩu; kiểm tra chuyên ngành không thuộc trường hợp được khai bổ sung theo quy định tại khoản 4 Điều 29 Luật Hải quan năm 2014 và quy định tại Điều 20 Thông tư 38/2015/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung tại khoản 9 Điều 11 Thông tư 39/2018/TT-BTC.
Ngoài ra, theo quy định tại Điều 18 Nghị định 128/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ thì trường hợp doanh nghiệp xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa theo quy định phải có hạn ngạch, giấy phép xuất khẩu, giấy phép nhập khẩu nhưng không có hạn ngạch, giấy phép xuất khẩu, giấy phép nhập khẩu hàng hóa; xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa không đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành mà không có thông báo kết quả kiểm tra chuyên ngành theo quy định của pháp luật thì bị xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc đưa ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc buộc tái xuất tang vật vi phạm hành chính trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định này; trừ hàng hóa xuất khẩu, hàng hóa nhập khẩu đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép trong thời hạn 30 ngày nêu trên. Như vậy, theo quy định này thì khi doanh nghiệp bị xử lý vi phạm hành chính khi vi phạm quy định tại Điều 18 Nghị định 128/2020/NĐ-CP trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt nếu được cơ quan có thẩm quyền cho phép thì doanh nghiệp được phép nhập khẩu (trường hợp 4) và hiện nay chưa có thủ tục hướng dẫn cơ quan hải quan và doanh nghiệp thực hiện nội dung này.
Đồng thời, ngoài trường hợp này, trên thực tế hiện nay phát sinh các trường hợp 1, 2, 3 nêu trên, nhưng chưa có hướng dẫn cụ thể cách thức xử lý dẫn đến cách hiểu và cách thực hiện chưa thống nhất giữa các đơn vị hải quan địa phương. Theo quan điểm của Cục Hải quan thành phố Hồ Chí Minh thì các trường hợp này, khi phát hiện gửi nhầm hàng doanh nghiệp muốn nhận phần hàng gửi thừa hoặc xuất trả thì phải thực hiện khai báo bổ sung sau khi tờ khai đã được thông quan để thực hiện các thủ tục tiếp theo (mở tờ khai xuất trả hoặc khai bổ sung sau thông quan phần hàng gửi nhầm). Theo quan điểm của Tổng cục Hải quan thì trường hợp gửi nhầm hàng liên quan đến giấy phép nhập khẩu; kiểm tra chuyên ngành không thuộc trường hợp được khai bổ sung theo quy định tại khoản 4 Điều 29 Luật Hải quan năm 2014 và quy định tại Điều 20 Thông tư 38/2015/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung tại khoản 9 Điều 11 Thông tư 39/2018/TT-BTC. Như vậy, quan điểm của Cục Hải quan thành phố Hồ Chí Minh không phù hợp với quy định hiện nay. Do đó, đối với các trường hợp này, Tổng cục Hải quan dự kiến hướng dẫn đơn vị thực hiện như sau:
(Chi tiết theo dự thảo đính kèm).
Để đảm bảo việc hướng dẫn các đơn vị thực hiện được thống nhất, đúng quy định của pháp luật, Tổng cục Hải quan đề nghị Vụ Pháp chế - Bộ Tài chính có ý kiến tham gia đối với nội dung dự thảo hướng dẫn Cục Hải quan các tỉnh, thành phố của Tổng cục Hải quan.
Tổng cục Hải quan xin nhận ý kiến tham gia trong ngày 23/9/2022, bản mềm gửi về địa chỉ duongvt3@customs.gov.vn.
Trân trọng cảm ơn sự phối hợp của Quý đơn vị./.
| KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG |