BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 4552/TCT-QLRR V/v cung cấp thông tin hóa đơn điện tử theo mặt hàng nhập khẩu. | Hà Nội, ngày 06 tháng 12 năm 2022 |
Kính gửi: Tổng cục Hải quan (Cục Quản lý rủi ro).
Trả lời công văn số 240/QLRR-P4 ngày 17/11/2022 của Tổng cục Hải quan (Cục quản lý rủi ro) về việc đề nghị cung cấp thông tin hóa đơn điện tử của mặt hàng nhập khẩu, Tổng cục Thuế có ý kiến như sau:
1. Về việc cung cấp thông tin hóa đơn điện tử theo mặt hàng
- Tại Điểm a Khoản 6 Điều 10 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định về tên hàng hóa, dịch vụ:
“a. Tên, đơn vị tính, số lượng, đơn giá hàng hóa, dịch vụ
- Tên hàng hóa, dịch vụ: Trên hóa đơn phải thể hiện tên hàng hóa, dịch vụ bằng tiếng Việt. Trường hợp bán hàng hóa có nhiều chủng loại khác nhau thì tên hàng hóa thể hiện chi tiết đến từng chủng loại (ví dụ: điện thoại Samsung, điện thoại Nokia ...). Trường hợp hàng hóa phải đăng ký quyền sử dụng, quyền sở hữu thì trên hóa đơn phải thể hiện các số hiệu, ký hiệu đặc trưng của hàng hóa mà khi đăng ký pháp luật có yêu cầu. Ví dụ: số khung, số máy của ô tô, mô tô, địa chỉ, cấp nhà, chiều dài, chiều rộng, số tầng của một ngôi nhà ....
Trường hợp cần ghi thêm chữ nước ngoài thì chữ nước ngoài được đặt bên phải trong ngoặc đơn () hoặc đặt ngay dưới dòng tiếng Việt và có cỡ chữ nhỏ hơn chữ tiếng Việt. Trường hợp hàng hóa, dịch vụ được giao dịch có quy định về mã hàng hóa, dịch vụ thì trên hóa đơn phải ghi cả tên và mã hàng hóa, dịch vụ.”.
- Tại Điều 16 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành luật Hải quan về thủ tục Hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát Hải quan:
“Điều 16. Phân loại hàng hóa
1. Phân loại hàng hóa để xác định tên gọi, mã số hàng hóa theo Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam.
2. Việc phân loại hàng hóa căn cứ vào hồ sơ hải quan, tài liệu kỹ thuật và các thông tin về thành phần, tính chất lý, hóa, tính năng, công dụng của hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
3. Phân loại hàng hóa để xác định mã số hàng hóa làm cơ sở tính thuế và thực hiện chính sách quản lý hàng hóa.
4. Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chi tiết việc phân loại hàng hóa.”.
Căn cứ các quy định nêu trên và thực tế ghi nhận thông tin bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ của các doanh nghiệp trong nước thì tên hàng hóa, dịch vụ trên hóa đơn điện tử không được ghi nhận theo quy định về Danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu của Cơ quan Hải quan (không có các thông tin phân loại căn cứ vào hồ sơ hải quan, tài liệu kỹ thuật và các thông tin về thành phần, tính chất lý, hóa, tính năng, công dụng của hàng hóa). Vì vậy, Tổng cục Thuế chưa xác định được hóa đơn điện tử để cung cấp theo đề nghị của Tổng cục Hải quan.
2. Về việc khai thác thông tin hóa đơn điện tử
- Tại Khoản 2 Điều 47 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định:
“2. Bên sử dụng thông tin là các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức tín dụng, tổ chức cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử đã ký quy chế trao đổi thông tin hoặc ký hợp đồng phải đăng ký và được cấp quyền truy cập, kết nối, sử dụng thông tin hóa đơn điện tử từ Tổng cục Thuế như sau:
a) Áp dụng chữ ký số có hiệu lực theo quy định của pháp luật;
b) Thực hiện việc mã hóa đường truyền;
c) Đảm bảo an toàn thông tin theo quy định của pháp luật;
d) Tuân thủ các yêu cầu kỹ thuật do Tổng cục Thuế công bố, gồm: Chỉ tiêu thông tin, định dạng dữ liệu, phương thức kết nối, tần suất trao đổi thông tin.
Bên sử dụng thông tin nêu tại khoản 2 Điều này có trách nhiệm phân công đầu mối đăng ký sử dụng thông tin hóa đơn điện tử (sau đây gọi tắt là đầu mối đăng ký) và thông báo cho Tổng cục Thuế bằng văn bản.”.
Hiện tại, Cổng thông tin hóa đơn điện tử của Tổng cục Thuế đáp ứng việc khai thác thông tin hóa đơn điện tử bằng hình thức tra cứu theo mã số hóa đơn. Vì vậy, Cơ quan quản lý nhà nước có nhu cầu sử dụng hóa đơn điện tử để thực hiện các thủ tục hành chính theo quy định của pháp luật sẽ được cấp quyền truy cập Cổng thông tin hóa đơn điện tử của Cơ quan Thuế để khai thác thông tin.
Trân trọng./.
| TL. TỔNG CỤC TRƯỞNG |