BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3771/TCHQ-TXNK V/v phân loại mặt hàng sữa chua | Hà Nội, ngày 20 tháng 7 năm 2023 |
Kính gửi: Các Cục Hải quan tỉnh, thành phố.
Thời gian qua, Tổng cục Hải quan nhận được phản ánh của một số Cục Hải quan tỉnh, thành phố về việc vướng mắc phân loại mặt hàng sữa chua, Tổng cục Hải quan có ý kiến như sau:
Căn cứ Thông tư số 14/2015/TT-BTC ngày 30/01/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn về phân loại hàng hóa, phân tích để phân loại hàng hóa, phân tích để kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm; Thông tư số 17/2021/TT-BTC ngày 26/02/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 14/2015/TT-BTC ngày 30/01/2015;
Căn cứ Thông tư số 31/2022/TT-BTC ngày 08/6/2022 của Bộ Tài chính về việc ban hành Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam, có hiệu lực thi hành từ ngày 30/12/2022;
Căn cứ Chú giải pháp lý 2 Chương 4 tại Danh mục hài hoà mô tả và mã hóa hàng hóa (Danh mục HS 2022) của Tổ chức Hải quan Thế giới (được bổ sung so với Danh mục HS 2017):
“2. Theo mục đích của nhóm 04.03, sữa chua có thể được cô đặc hoặc được tạo hương và có thể chứa thêm đường hoặc chất làm ngọt khác, trái cây, quả hạch, ca cao, sô cô la, gia vị, cà phê hoặc chiết xuất cà phê, thực vật, các bộ phận của thực vật, ngũ cốc hoặc các loại bánh, với điều kiện chất được thêm vào không được sử dụng cho mục đích thay thế, toàn bộ hoặc một phần, bất kỳ thành phần nào của sữa, và sản phẩm vẫn giữ được đặc tính cơ bản của sữa chua.”
Theo chú giải HS 2022 thì các sản phẩm là sữa chua thuộc nhóm 04.03 bao gồm các loại cô đặc hoặc không được cô đặc, có thể được tạo hương, có thể chứa đường hoặc chất làm ngọt khác, có thể chứa trái cây, quả hạch, ca cao, sô cô la, gia vị, cà phê hoặc chiết xuất cà phê, thực vật, các bộ phận của thực vật, ngũ cốc hoặc các loại bánh, với điều kiện chất được thêm vào không được sử dụng cho mục đích thay thế, toàn bộ hoặc một phần hoặc bất kỳ thành phần nào của sữa, và sản phẩm vẫn giữ được đặc tính cơ bản của sữa chua. Các sản phẩm này, ngoài những thành phần sữa tự nhiên (ví dụ, sữa giàu vitamin hoặc muối khoáng), có thể chứa lượng nhỏ chất ổn định để duy trì tính ổn định tự nhiên của sản phẩm trong khi vận chuyển dưới dạng lỏng (ví dụ: dinatri phosphat, trinatri citrat và canxi clorua), cũng như lượng rất nhỏ chất chống oxy hoá hoặc vitamin thường không có trong sản phẩm. Một số sản phẩm loại này cũng có thể chứa lượng nhỏ các chất hoá học (ví dụ natri bicarbonat) cần thiết trong chế biến; những sản phẩm dưới dạng bột hoặc hạt có thể bao gồm những chất chống đóng bánh (ví dụ, phospholipit, silic dioxit không định hình).
Tổng cục Hải quan hướng dẫn như sau:
1. Các mặt hàng sữa chua có mô tả như trên phù hợp phân loại vào nhóm 04.03 “Sữa chua; buttermilk, sữa đông và kem đông, kephir và sữa, kem khác đã lên men hoặc axit hoá, đã hoặc chưa cô đặc hoặc pha thêm đường hoặc chất tạo ngọt khác hoặc hương liệu hoặc bổ sung thêm hoa quả, quả hạch (nuts) hoặc ca cao.”, phân nhóm 0403.20 “- Sữa chua”:
Yêu cầu các Cục Hải quan tỉnh, thành phố hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện thống nhất phân loại mặt hàng sữa chua nêu trên kể từ ngày Thông tư số 31/2022/TT-BTC có hiệu lực và không thực hiện xử lý lại đối với các tờ khai đăng ký trước ngày hiệu lực của Thông tư số 31/2022/TT-BTC do Chú giải pháp lý HS 2017 và HS 2022 có sự khác biệt.
2. Về chính sách mặt hàng, yêu cầu các Cục Hải quan tỉnh, thành phố thực hiện theo quy định của các cơ quan chuyên ngành.
Tổng cục Hải quan hướng dẫn để các Cục Hải quan tỉnh, thành phố biết và thực hiện./.
| KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG |