Open navigation

Công văn 675/BTTTT-VP ngày 01/03/2023 Tăng cường kiểm tra xử lý tội phạm trên môi trường mạng không gian mạng

BỘ THÔNG TIN VÀ
TRUYỀN THÔNG
 -------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 675/BTTTT-VP

V/v trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Đồng Tháp gửi tới sau kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV

Hà Nội, ngày 01 tháng 3 năm 2023

 Kính gửi: Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp

Bộ Thông tin và Truyền thông nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Đồng Tháp do Ban Dân nguyện chuyển đến theo công văn số 2081/BDN ngày 30/12/2022 về kiến nghị của cử tri gửi tới sau kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, nội dung kiến nghị như sau:

Cử tri đánh giá cao việc thực hiện Chuyển đổi số giúp người dân bình đẳng về cơ hội tiếp cận dịch vụ, đào tạo, tri thức, qua đó giúp thu hẹp khoảng cách số thông qua việc phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Tuy nhiên một số phần tử đã lợi dụng công nghệ chuyển đổi số, đăng tải các thông tin không đúng sự thật nói xấu chế độ trên môi trường mạng ngày càng nhiều, tội phạm công nghệ cao giả mạo tin nhắn các ngân hàng gửi đến điện thoại di động để lừa khách hàng; game online ra đời có một số game mang hình ảnh thiếu chuẩn mực, mang tính bạo lực... Kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông tăng cường kiểm tra xử lý tội phạm trên môi trường mạng, không gian mạng...

Sau khi nghiên cứu, Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) có ý kiến trả lời như sau:

Để ngăn chặn hiệu quả hành vi vi phạm trên môi trường mạng, Bộ TTTT triển khai thực hiện các giải pháp như sau:

a) Về công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật

Bộ TTTT đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 và Nghị định số 14/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử. Trong đó đã quy định xử phạt đến 80 triệu đồng đối với hành vi thực hiện cuộc gọi rác; buộc thu hồi các số thuê bao đã thực hiện cuộc gọi rác. Xử phạt đến 100 triệu đồng đối với các hành vi vi phạm quy định về quản lý thông tin thuê bao là nguyên nhân làm phát sinh SIM đã đăng ký trước thông tin thuê bao được sử dụng để thực hiện cuộc gọi rác. Xử phạt đến 20 triệu đồng đối với các hành vi vi phạm quy định về: cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; Cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp thuần phong mỹ tục của dân tộc; Cung cấp, chia sẻ thông tin miêu tả tỉ mỉ hành động chém, giết, tai nạn, kinh dị, rùng rợn; Cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong Nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội, đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc. Bổ sung quy định xử phạt từ 70 triệu đồng đến 100 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau: Truy cập bất hợp pháp vào tài khoản của tổ chức, cá nhân nhằm chiếm đoạt tài sản có trị giá dưới 2 triệu đồng; thiết lập hệ thống, cung cấp dịch vụ chuyển cuộc gọi quốc tế thành cuộc gọi trong nước phục vụ cho mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tài sản có trị giá dưới 2 triệu đồng; trộm cắp hoặc sử dụng trái phép thông tin về tài khoản, thẻ ngân hàng của tổ chức, cá nhân để chiếm đoạt, gây thiệt hại tài sản hoặc để thanh toán hàng hóa, dịch vụ có trị giá dưới 2 triệu đồng.

b) Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm

* Về thông tin trên mạng:

- Trong thời gian qua, Bộ TTTT đã chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường công tác hậu kiểm, thường xuyên rà quét thông tin trên mạng, đặc biệt là trò chơi điện tử trên mạng, các mạng xã hội xuyên biên giới như Facebook, TikTok, Instagram, YouTube... xử lý nghiêm minh, kịp thời các hành vi vi phạm không chỉ đối với các hành vi sai trái, cung cấp thông tin xấu độc, vi phạm pháp luật, chống phá Đảng, Nhà nước mà còn xử lý các vi phạm về thông tin sai sự thật, xúc phạm uy tín, danh dự của tổ chức, cá nhân gây tác động xấu tới dư luận và các thông tin độc hại, bạo lực, mang tính kích động, cổ súy lối sống không phù hợp[1].

- Bộ TTTT cũng đã phối hợp với Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường công tác quản lý, xử lý theo thẩm quyền được giao theo hướng: (1) Nếu xác định được nhân thân đối tượng vi phạm trên địa bàn thì các tỉnh chủ động xử lý đối tượng (xử phạt vi phạm hành chính); trong trường hợp đối tượng vi phạm nhiều lần, nghiêm trọng thì Sở TTTT phối hợp với Công an tỉnh/thành phố củng cố chứng cứ để có thể xử lý ở mức cao hơn (xử phạt hình sự); (2) Trong trường hợp không xác định được danh tính, nhân thân của đối tượng vi phạm, thì các tỉnh phối hợp với Bộ TTTT, Bộ Công an để có biện pháp ngăn chặn, xử lý phù hợp.

- Các đơn vị chức năng của Bộ cũng đã chủ động tổng hợp những luồng thông tin vi phạm trên các nền tảng mạng xã hội để đấu tranh với các nền tảng cung cấp thông tin xuyên biên giới để yêu cầu gỡ bỏ. Ngoài ra, Bộ TTTT đã chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường công tác hậu kiểm, xử lý các hành vi vi phạm, đặc biệt là xử lý các đối tượng có hành vi sai phạm, phát ngôn thiếu chuẩn mực trên mạng xã hội.

- Bộ TTTT đã vận hành “Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia” để chủ động rà soát, phát hiện, đánh giá thông tin trên mạng và giám sát an toàn không gian mạng, chỉ đạo các nhà mạng triển khai các giải pháp kỹ thuật mới để ngăn chặn hiệu quả sự phát tán của thông tin xấu độc, ngăn chặn các hành vi tấn công mạng, lợi dụng mạng để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

- Bộ TTTT cũng đã đưa vào vận hành Trung tâm Xử lý tin giả (tên tiếng Anh: Viet Nam Anti Fake news Center -VAFC) tại tên miền www.tingia.gov.vn. Trung bình mỗi tháng Trung tâm tiếp nhận và xử lý hơn 400 phản ánh về tin giả của người dân, qua đó thực hiện xác minh và công bố các thông tin giả, tin sai sự thật và tin xác thực tránh gây hoang mang dư luận trong nhân dân. Đồng thời, tổ chức tập huấn cho các Bộ, ngành, địa phương, về cách thức nhận biết, phát hiện tin giả, thông tin xấu độc trên môi trường mạng.

- Đồng thời, Bộ TTTT phối hợp tích cực với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và Ban Chỉ đạo 35 các Bộ, ngành Trung ương và địa phương triển khai rà quét, đánh giá xu hướng về các luồng thông tin được dư luận quan tâm, thông tin xấu độc; phát hiện và ngăn chặn kịp thời nguồn thông tin vi phạm (chặn website, yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm); tăng cường công tác thanh, kiểm tra, xử lý các tổ chức, cá nhân có liên quan; thực hiện báo cáo theo tuần/tháng/quý và các báo cáo đột xuất về việc rà quét, xử lý thông tin xấu độc, chống phá Đảng, nhà nước ta.

* Về Viễn thông, công nghệ thông tin:

- Từ năm 2017 đến 2021: Buộc doanh nghiệp thu hồi 24,3 triệu SIM đã đăng ký trước thông tin thuê bao; xử phạt doanh nghiệp hơn 01 tỷ đồng; yêu cầu doanh nghiệp đề nghị chủ thuê bao cập nhật lại thông tin hơn 40 triệu SIM.

- Năm 2022: Kiểm tra 07 doanh nghiệp viễn thông di động, xử phạt 2,925 tỷ đồng đối với 07 doanh nghiệp và 39 Điểm cung cấp dịch vụ viễn thông (tăng 2,92 lần so với kết quả xử lý 05 năm trước). 02 lần ban hành văn bản nhắc nhở, chấn chỉnh đối với người đứng đầu doanh nghiệp do để xảy ra vi phạm về quản lý thông tin thuê bao. Đến nay 03 doanh nghiệp: Viettel, VNPT, Mobifone (chiếm 96% thị phần) đã hoàn thành kết nối và đang triển khai đối soát thông tin thuê bao để đảm bảo thông tin thuê bao di động chính xác, hạn chế việc sử dụng thuê bao di động để thực hiện các hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Chuyển hồ sơ vi phạm của 02 Điểm cung cấp dịch vụ viễn thông đề nghị Cơ quan Công an điều tra do vi phạm pháp luật về quản lý thông tin thuê bao dẫn đến việc tội phạm chiếm đoạt SIM, lợi dụng chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng.

Bộ TTTT đã chỉ đạo Cục An toàn thông tin ngăn chặn xử lý 3.502 trang web lừa đảo trực tuyến, vi phạm pháp luật, trong đó 1.780 trang lừa đảo trực tuyến. Bảo vệ 7,1 triệu người dân (tương ứng 10,1% người dùng Internet Việt Nam) trước các tấn công lừa đảo trực tuyến, vi phạm pháp luật trên không gian mạng.

c) Công tác phòng ngừa, ngăn chặn:

Trong thời gian vừa qua, Bộ TTTT (Cục An toàn thông tin) không ngừng nâng cao năng lực hệ thống giám sát thông tin trên không gian mạng nhằm phát hiện sớm các thông tin xấu, độc, thiếu tính xác thực, sử dụng ngôn từ phản cảm, trái với thuần phong mỹ tục làm ảnh hưởng không nhỏ tới niềm tin, sự phát triển lành mạnh người dân trên không gian mạng, đặc biệt là giới trẻ để có thể tiến hành xác minh, xử lý thông tin.

Phần lớn các nguồn tin phát tán trên không gian mạng đều xuất phát từ những nguồn tin ẩn danh, sử dụng thông tin giả do đó việc xác định các tổ chức, cá nhân cần sự vào cuộc của rất nhiều các đơn vị từ Trung ương đến địa phương, các bộ ban ngành.

Bộ TTTT (Cục An toàn thông tin) đang thực hiện giám sát liên tục nhằm phát hiện sớm các xu hướng thông tin tiêu cực, tin giả ảnh hưởng đến an toàn và lành mạnh của môi trường mạng. Các trường hợp phát hiện sớm đều được phối hợp với các Sở TTTT, Công an để xác minh và xử lý kịp thời. Đối với các nguồn thông tin chưa xác minh được đối tượng cụ thể, Bộ TTTT (Cục An toàn thông tin) cũng phối hợp với các đơn vị chức năng để tiến hành các biện pháp ngăn chặn, gỡ bỏ.

Ngoài việc xử lý ngăn chặn, thời gian vừa qua, Bộ TTTT (Cục An toàn thông tin) cũng áp dụng các công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) lan tỏa các thông tin tích cực, thông tin chính sách mới của Đảng và Nhà nước lên các nền tảng mạng xã hội. Cụ thể đã thực hiện chia sẻ hàng chục nghìn lượt các bài viết tích cực lên các nền tảng mạng xã hội thu hút hàng chục triệu lượt tương tác.

Triển khai tổng đài 156 tiếp nhận phản ánh về cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo qua hai hình thức thoại và tin nhắn từ ngày 01/11/2022.

Các đơn vị thuộc Bộ đã và đang tăng cường tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, đề nghị các doanh nghiệp viễn thông nhắn tin cảnh báo, nâng cao ý thức của người dân; chỉ đạo các doanh nghiệp tiếp tục nghiên cứu và thường xuyên cập nhật các biện pháp kỹ thuật để ngăn chặn các cuộc gọi rác, giả mạo. Đồng thời thường xuyên trao đổi, gửi thông tin tới các đơn vị của Bộ công an (Cục A03, A05) để xem xét, phối hợp xử lý các trường hợp lợi dụng dịch vụ viễn thông, Internet để giả mạo, lừa đảo liên quan đến hành vi của người tiêu dùng.

Để tránh trở thành nạn nhân của các hành vi lừa đảo trực tuyến, cá nhân sử dụng mạng xã hội cần đề cao cảnh giác:

+ Khi có người nhắn tin hỏi vay tiền, nhờ nạp tiền điện thoại... thì phải gọi điện trực tiếp kiểm tra, xác minh. Không tin vào những chiêu trò nhận thưởng qua mạng với yêu cầu nạp tiền qua thẻ điện thoại hoặc chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng để làm thủ tục nhận thưởng.

+ Tuyệt đối không truy cập các đường link, liên kết trong tin nhắn, Email lạ hoặc không rõ nguồn gốc. Giữ bí mật thông tin cá nhân, không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, địa chỉ nhà ở, thông tin về tài khoản ngân hàng, tài khoản các dịch vụ trên Internet... cho bất kỳ người lạ nào gọi đến.

+ Trong mọi trường hợp, không cho mượn, cho thuê các giấy tờ cá nhân như: Căn cước công dân, giấy chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu hoặc thẻ ngân hàng, không bán, cho mượn, cho thuê tài khoản ngân hàng, không nhận chuyển khoản ngân hàng hay nhận tiền chuyển khoản của ngân hàng cho người không quen biết...

+ Để tự bảo vệ mình khi tham gia vào các nền tảng trực tuyến, hãy học cách nhận biết các dấu hiệu của lừa đảo và tránh những trường hợp sau:

• Ưu đãi hấp dẫn: Bạn thấy các ưu đãi thấp hơn nhiều so với giá thị trường hoặc không thể tưởng tượng được.

• Yêu cầu kết bạn bất ngờ: Bạn nhận được lời mời kết bạn trực tuyến từ một người không quen biết.

• Thanh toán bằng thẻ quà tặng hoặc tín dụng: Bạn được yêu cầu thanh toán cho dịch vụ bằng thẻ quà tặng hoặc tín dụng mua sắm.

• Chuyển tiền khẩn: Bạn được yêu cầu thực hiện giao dịch chuyển tiền khẩn cấp.

• Yêu cầu OTP: Bạn được yêu cầu tiết lộ mã OTP của mình

Trên đây là nội dung trả lời của Bộ Thông tin và Truyền thông đối với kiến nghị của cử tri tỉnh Đồng Tháp, trân trọng gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp để trả lời cử tri./.


Nơi nhận:
- Như trên;
- Ban Dân nguyện - Ủy ban TVQH;
- Ủy ban TWMTTQVN;
- Vụ QHĐP (VPCP);
- Vụ Dân nguyện (VPQH);
- Tổng Thư ký Quốc hội;
- Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng;
- Thứ trưởng Phạm Đức Long;
- Trung tâm Thông tin (để đăng lên
Cổng TTĐT của Bộ);
 - Lưu: VT, VP, TKTH.

BỘ TRƯỞNG




 Nguyễn Mạnh Hùng

 

 


[1] Từ năm 2021 đến tháng 12/2022, các đơn vị chức năng thuộc Bộ (Thanh tra Bộ, Cục PTTH&TTĐT) và các Sở TT&TT đã kiểm tra 141 vụ, thanh tra 10 vụ, ban hành 589 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm trong hoạt động thông tin điện tử, mạng xã hội, trò chơi điện tử trên mạng với tổng số tiền phạt 5.999.150.000 đồng, thu hồi: 120.000.000đ; Chuyển Cục An ninh Chính trị nội bộ (A03) Bộ Công an, danh sách 20 TMQT có dấu hiệu vi phạm quy định của pháp luật (game bài, cờ bạc), đề nghị A03 xem xét, xác minh, xử lý; phối hợp với trung tâm Internet Việt Nam - VNNIC thực hiện tạm ngừng 45 tên miền .VN và 198 TMQT có dấu hiệu vi phạm liên quan đến game bài.

Tải về văn bản (file PDF):

Câu trả lời này có giúp ích cho bạn không? Yes No

Send feedback
Rất tiếc là chúng tôi không giúp được nhiều. Hãy giúp chúng tôi cải thiện bài viết này bằng phản hồi của bạn.