BỘ THÔNG TIN VÀ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 665/BTTTT-VP V/v trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Đắk Lắk gửi tới sau kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV | Hà Nội, ngày 01 tháng 3 năm 2023 |
Kính gửi: Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk
Bộ Thông tin và Truyền thông nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Đắk Lắk do Văn phòng Chính phủ chuyển đến theo công văn số 176/VPCP-QHĐP ngày 10/01/2023 về việc trả lời kiến nghị của cử tri sau kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa XV, nội dung kiến nghị như sau:
Cử tri đề nghị nghiên cứu trình Quốc hội sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung hệ thống văn bản Luật, xây dựng và ban hành văn bản dưới Luật liên quan đến Chương trình chuyển đổi số của Chính phủ một cách thống nhất từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt là trong lĩnh vực liên quan đến các dịch vụ công trực tuyến, nhằm phục vụ người dân một cách tốt nhất và đem lại hiệu quả cao
Sau khi nghiên cứu, Bộ Thông tin và Truyền thông có ý kiến trả lời như sau:
Thực hiện Chương trình xây dựng Luật và các văn bản quy phạm pháp luật, hàng năm, Bộ Thông tin và Truyền thông thường xuyên triển khai rà soát, nghiên cứu để trình Chính phủ sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung hệ thống văn bản Luật, xây dựng và ban hành văn bản dưới Luật liên quan đến Chương trình chuyển đổi số của Chính phủ một cách thống nhất từ Trung ương đến địa phương.
Năm 2022, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã tham mưu, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 42/2022/NĐ-CP ngày 24/6/2022 quy định về việc cung cấp thông tin và Dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng, trong đó có quy định về việc cung cấp DVCTT toàn trình (người dân thực hiện thủ tục hành chính hoàn toàn trên môi trường mạng và không cần hiện diện tại cơ quan nhà nước nếu văn bản pháp luật không yêu cầu) để phục vụ người dân. Hiện tại, Bộ đang phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để tổ chức hướng dẫn, triển khai Nghị định số 42/2022/NĐ-CP, bảo đảm cung cấp DVCTT toàn trình, chất lượng, hiệu quả cho người dân, doanh nghiệp.
Ngoài ra, ngày 03/10/2022, Bộ Thông tin và Truyền thông đã thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ ký Tờ trình 363/TTr-CP trình Quốc hội dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi). Hiện dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) đã được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022) và dự kiến đưa vào chương trình kỳ họp thứ 5 của Quốc hội để xem xét, thông qua. Trong dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) có nội dung quy định về dịch vụ công, về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường mạng như: tại Điều 14. Chuyển đổi hình thức giữa văn bản giấy và thông điệp dữ liệu quy định về Dữ liệu trong cơ sở dữ liệu quốc gia được chia sẻ với các bộ, ngành, địa phương phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp và các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội; quy định Cơ quan nhà nước phải bảo đảm toàn bộ kết quả giải quyết thủ tục hành chính hoặc văn bản giấy không thuộc phạm vi bí mật nhà nước đều có bản điện tử có giá trị pháp lý như bản giấy, sẵn sàng có thể truy cập và sử dụng được dưới dạng hoàn chỉnh khi cần thiết để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp sử dụng, thúc đẩy giao dịch điện tử; hệ thống phục vụ cung cấp dịch vụ công trực tuyến; quy định về thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ hành chính công trên môi trường điện tử phải sử dụng tài khoản định danh điện tử do hệ thống định danh và xác thực điện tử của Bộ Công an tạo lập; quy định tài khoản giao dịch điện tử sử dụng để thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường mạng phải được định danh và xác thực điện tử theo quy định của pháp luật về định danh và xác thực điện tử.
Trên đây là nội dung trả lời của Bộ Thông tin và Truyền thông đối với kiến nghị của cử tri tỉnh Đắk Lắk, trân trọng gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk để trả lời cử tri./.
| BỘ TRƯỞNG |