BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 4261/TCHQ-TXNK V/v thực hiện thuế CBPG, thuế CTC đối với mặt hàng đường mía | Hà Nội, ngày 16 tháng 8 năm 2023 |
Kính gửi: Các Cục Hải quan tỉnh, thành phố.
Tổng cục Hải quan nhận được Quyết định số 1989/QĐ-BCT ngày 03/8/2023 của Bộ Công Thương về kết quả rà soát lần thứ nhất việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá (CBPG) và thuế chống trợ cấp (CTC) đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Vương quốc Thái Lan. Để thực hiện thống nhất trong toàn ngành, Tổng cục Hải quan hướng dẫn các đơn vị như sau:
1. Thời hạn áp dụng Quyết định số 1989/QĐ-BCT
Các Cục Hải quan tỉnh, thành phố căn cứ Mục 3 Thông báo ban hành kèm theo Quyết định số 1989/QĐ-BCT để thực hiện: Mức thuế CBPG và CTC tại Mục 2 Thông báo ban hành kèm theo Quyết định số 1989/QĐ-BCT sẽ được áp dụng từ ngày có hiệu lực của Quyết định (18/8/2023) đến hết ngày 15/6/2026 (trừ trường hợp được thay đổi, gia hạn theo quyết định khác của Bộ Công Thương căn cứ trên kết quả rà soát việc áp dụng biện pháp CBPC và CTC theo quy định của pháp luật).
2. Thủ tục, hồ sơ kiểm tra và áp dụng thuế CBPG, thuế CTC
Yêu cầu các đơn vị nghiên cứu kỹ và thực hiện đầy đủ các bước kiểm tra chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa, Giấy chứng nhận nhà sản xuất quy định tại Mục 5 Thông báo ban hành kèm theo Quyết định số 1578/QĐ- BCT ngày 15/6/2021 của Bộ Công Thương và Mục 4 Thông báo ban hành kèm theo Quyết định số 1989/QĐ-BCT ngày 03/8/2023.
3. Thủ tục khai báo thuế CBPG, thuế CTC
3.1. Việc khai báo, thu nộp thuế CBPG, thuế CTC
Các Cục Hải quan tỉnh, thành phố hướng dẫn tổ chức, cá nhân nhập khẩu hàng hóa thuộc đối tượng áp dụng đồng thời thuế CBPG, thuế CTC thực hiện khai báo 02 loại thuế nêu trên theo bảng mã thuế suất thuế CBPG dùng trong VNACCS đã được đăng tải trên website Tổng cục Hải quan: https://www.customs.gov.vn với mức thuế là tổng mức thuế CBPG và thuế CTC quy định tại Quyết định số 1578/QĐ-BCT và Quyết định số 1989/QĐ- BCT. Các đơn vị nghiên cứu công văn số 993/TCHQ-TXNK ngày 03/3/2021 của Tổng cục Hải quan hướng dẫn việc khai báo, thu nộp, hoàn trả khi phát sinh đồng thời thuế CBPG, thuế CTC để thực hiện.
3.2. Việc áp dụng thuế CBPG, thuế CTC
Căn cứ Điều 1 Quyết định số 1578/QĐ-BCT ngày 15/6/2021 của Bộ Công Thương quy định áp dụng thuế CBPG và thuế CTC chính thức đối với một số sản phẩm đường mía, phân loại theo mã HS 1701.13.00; 1701.14.00; 1701.91.00; 1701.99.10; 1701.99.90 và 1702.90.91 được nhập khẩu vào Việt Nam, có xuất xứ từ Vương quốc Thái Lan.
Căn cứ mục 3 Thông báo ban hành kèm theo Quyết định số 1578/QĐ-BCT quy định về mức thuế CBPG và thuế CTC chính thức đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Vương quốc Thái Lan.
Căn cứ Điều 1 Quyết định số 1989/QĐ-BCT quy định: Áp dụng thuế CBPG và thuế CTC đối với nhóm Công ty Mitr Phoi Sugar Corp.,Ltd và 04 công ty liên kết và Công ty Czamikow Group Limited, nhóm Công ty Thai Roong Ruang Industry Co., Ltd và 05 công ty liên kết, trên cơ sở kết quả rà soát lần thứ nhất việc áp dụng biện pháp CBPG và CTC đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Vương quốc Thái Lan. Nội dung chi tiết được nêu tại Thông báo ban hành kèm theo Quyết định này.
Căn cứ mục 2 Thông báo ban hành kèm theo Quyết định số 1989/QĐ-BCT quy định về danh sách và mức thuế đối với các nhà sản xuất, xuất khẩu yêu cầu rà soát và được áp dụng thuế CBPG và thuế CTC.
Căn cứ mục 3 Thông báo ban hành kèm theo Quyết định số 1989/QĐ-BCT quy định về thời hạn áp dụng thuế CBPG và thuế CTC.
Căn cứ mục 4 Thông báo ban hành kèm theo Quyết định số 1989/QĐ-BCT quy định về việc kiểm tra chứng nhận xuất xứ hàng hóa và chứng nhận chất lượng của nhà sản xuất, xuất khẩu hàng hóa thuộc đối tượng áp dụng biện pháp CBPG và CTC.
Căn cứ quy định nêu trên, Tổng cục Hải quan yêu cầu các Cục Hải quan tỉnh, thành phố phổ biến, hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện như sau:
a) Trường hợp người khai hải quan không nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa thì thực hiện theo hướng dẫn tại Mục 5 Thông báo ban hành kèm theo Quyết định số 1578/QĐ-BCT: Áp dụng mức thuế CBPG và thuế CTC theo quy định tại mục 3 Thông báo ban hành kèm theo Quyết định số 1578/QĐ-BCT (Người khai hải quan khai báo mã G104).
b) Trường hợp người khai hải quan nộp được chứng từ Chứng nhận xuất xứ từ nước, vùng lãnh thổ khác không phải Vương quốc Thái Lan thì thực hiện theo quy định tại mục 5 Thông báo ban hành kèm theo Quyết định số 1578/QĐ-BCT: Không phải nộp thuế CBPG và thuế CTC. Người khai hải quan khai trên tờ khai nhập khẩu tại chỉ tiêu 1.95 Mã miễn/giảm/không chịu thuế và thu khác theo bảng mã đối tượng không chịu thuế chống bán phá giá (GK) đã được đăng tải trên website của Tổng cục Hải quan: https://www.customs.gov.vn.
c) Trường hợp người khai hải quan nộp được chứng từ Chứng nhận xuất xứ từ Vương quốc Thái Lan và không nộp được Giấy chứng nhận nhà sản xuất thì áp dụng mức thuế CBPG và thuế CTC theo quy định tại mục 3 Thông báo ban hành kèm theo Quyết định số 1578/QĐ-BCT (Người khai hải quan khai báo mã G104).
d) Trường hợp người khai hải quan nộp được chứng từ Chứng nhận xuất xứ từ Vương quốc Thái Lan và Giấy chứng nhận nhà sản xuất có tên nhà sản xuất không trùng với tên nhà sản xuất nêu tại Cột 1 Mục 2 của Thông báo ban hành kèm theo Quyết định số 1989/QĐ-BCT thì áp dụng mức thuế CBPG và thuế CTC theo quy định tại mục 3 Thông báo ban hành kèm theo Quyết định số 1578/QĐ-BCT (Người khai hải quan khai báo mã G104).
đ) Trường hợp người khai hải quan nộp được chứng từ Chứng nhận xuất xứ từ Vương quốc Thái Lan và Giấy chứng nhận nhà sản xuất có tên nhà sản xuất trùng với tên nhà sản xuất nêu tại Cột 1 Mục 2 của Thông báo ban hành kèm theo Quyết định số 1989/QĐ-BCT thì kiểm tra như sau:
d.1) Trường hợp tên nhà xuất khẩu (dựa trên hợp đồng mua bán, hóa đơn thương mại) trùng với tên nhà sản xuất nêu tại Cột 1 Mục 2 của Thông báo ban hành kèm theo Quyết định số 1989/QĐ-BCT hoặc trùng với tên nhà xuất khẩu tương ứng theo hàng ngang tại Cột 2 Mục 2 của Thông báo ban hành kèm theo Quyết định số 1989/QĐ-BCT thì nộp mức thuế CBPG và thuế CTC tương ứng theo hàng ngang lần lượt tại Cột 3 và Cột 4 Mục 2 của Thông báo ban hành kèm theo Quyết định số 1989/QĐ-BCT (Người khai hải quan khai báo mã G153, G154 tương ứng với tên công ty sản xuất, xuất khẩu, tên công ty thương mại liên quan và mức thuế áp dụng).
đ.2) Trường hợp tên nhà xuất khẩu (dựa trên hợp đồng mua bán, hóa đơn thương mại) không trùng với tên nhà sản xuất nêu tại Cột 1 Mục 2 của Thông báo ban hành kèm theo Quyết định số 1989/QĐ-BCT hoặc không trùng với tên nhà xuất khẩu tương ứng theo hàng ngang tại Cột 2 Mục 2 của Thông báo ban hành kèm theo Quyết định số 1989/QĐ-BCT thì áp dụng mức thuế CBPG và thuế CTC theo quy định tại mục 3 Thông báo ban hành kèm theo Quyết định số 1578/QĐ-BCT (Người khai hải quan khai báo mã G104).
Tổng cục Hải quan thông báo để Cục Hải quan các tỉnh, thành phố biết và thực hiện./.
(Gửi kèm Quyết định số 1989/QĐ-BCT ngày 03/8/2023 của Bộ Công thương và công văn số 993/TCHQ-TXNK ngày 03/3/2021 của Tổng cục Hải quan)
| KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG |
BỘ CÔNG THƯƠNG | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1989/QĐ-BCT | Hà Nội, ngày 03 tháng 8 năm 2023 |
QUYẾT ĐỊNH
KẾT QUẢ RÀ SOÁT LẦN THỨ NHẤT VIỆC ÁP DỤNG BIỆN PHÁP CHỐNG BÁN PHÁ GIÁ VÀ CHỐNG TRỢ CẤP ĐỐI VỚI MỘT SỐ SẢN PHẨM ĐƯỜNG MÍA CÓ XUẤT XỨ TỪ VƯƠNG QUỐC THÁI LAN
BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG THƯƠNG
Căn cứ Luật Quản lý ngoại thương số 05/2017/QH14 ngày 12 tháng 6 năm 2017;
Căn cứ Nghị định số 10/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 01 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương về các biện pháp phòng vệ thương mại;
Căn cứ Nghị định số 96/2022/NĐ-CP ngày 29 tháng 11 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;
Căn cứ Thông tư số 37/2019/TT-BCT ngày 29 tháng 11 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định chi tiết một số nội dung về các biện pháp phòng vệ thương mại;
Căn cứ Quyết định số 2639/QĐ-BCT ngày 02 tháng 12 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Phòng vệ thương mại;
Căn cứ Quyết định số 1578/QĐ-BCT ngày 15 tháng 6 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc áp dụng thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp chính thức đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Vương quốc Thái Lan;
Căn cứ Quyết định số 1757/QĐ-BCT ngày 31 tháng 8 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc rà soát lần thứ nhất việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Vương quốc Thái Lan;
Căn cứ Quyết định số 2961/QĐ-BCT ngày 30 tháng 12 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 1578/QĐ-BCT ngày 15 tháng 6 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc áp dụng thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp chính thức đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Vương quốc Thái Lan;
Căn cứ Quyết định số 459/QĐ-BCT ngày 24 tháng 02 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc gia hạn thời hạn rà soát lần thứ nhất việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Vương quốc Thái Lan;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Áp dụng thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp đối với nhóm Công ty Mitr Phol Sugar Corp., Ltd. và 04 công ty liên kết và Công ty Czamikow Group Limited, nhóm Công ty Thai Roong Ruang Industry Co., Ltd và 05 công ty liên kết, trên cơ sở kết quả rà soát lần thứ nhất việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Vương quốc Thái Lan (mã vụ việc: AR01.AD13-AS01). Nội dung chi tiết được nêu tại Thông báo kèm theo Quyết định này.
Điều 2. Trình tự thủ tục áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp được thực hiện theo pháp luật về chống bán phá giá và chống trợ cấp hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam, pháp luật về thuế xuất nhập khẩu và các quy định pháp luật có liên quan.
Điều 3. Các Quyết định miễn trừ việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá và biện pháp chống trợ cấp đã được Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành trước ngày Quyết định này có hiệu lực được tiếp tục có giá trị thực hiện đến hết thời hạn hiệu lực của Quyết định miễn trừ đó.
Điều 4. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 18 tháng 8 năm 2023.
Điều 5. Chánh Văn phòng Bộ, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, Thủ trưởng các đơn vị và các bên liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| KT. BỘ TRƯỞNG |
THÔNG BÁO
KẾT QUẢ RÀ SOÁT LẦN THỨ NHẤT VIỆC ÁP DỤNG BIỆN PHÁP CHỐNG BÁN PHÁ GIÁ VÀ CHỐNG TRỢ CẤP ĐỐI VỚI MỘT SỐ SẢN PHẨM ĐƯỜNG MÍA CÓ XUẤT XỨ TỪ VƯƠNG QUỐC THÁI LAN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1989/QĐ-BCT ngày 03 tháng 8 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Công Thương)
1. Mô tả hàng hóa bị áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp
a) Tên gọi và đặc tính cơ bản
- Tên khoa học: đường sacarose (sucrose).
- Tên gọi thông thường: đường cát, đường mía, đường kính, đường thô, đường vàng, đường nâu, đường trắng, đường tinh luyện, đường RE, đường RS...
b) Mã số hàng hóa (Mã HS) và mức thuế nhập khẩu
Hàng hóa bị áp dụng thuế chống bán phá giá (CBPG) và chống trợ cấp (CTC) được phân loại theo mã HS sau: 1701.13.00; 1701.14.00; 1701.91.00; 1701.99.10; 1701.99.90; và 1702.90.91.
Mã số | Mô tả hàng hóa | Thuế nhập khẩu ưu đãi |
Chương 17 | Đường và các loại kẹo đường |
|
1701 | Đường mía hoặc đường củ cải và đường sucroza tinh khiết về mặt hóa học, ở thể rắn |
|
| - Đường thô chưa pha thêm hương liệu hoặc chất màu: |
|
1701.1300 | - - Đường mía đã nêu trong Chú giải phân nhóm 2 của Chương này | Trong hạn ngạch 25%, ngoài hạn ngạch 80% |
1701.1400 | - - Các loại đường mía khác | Trong hạn ngạch 25%, ngoài hạn ngạch 80% |
| - Loại khác: |
|
1701.9100 | - - Đã pha thêm hương liệu hoặc chất màu | Trong hạn ngạch 40%, ngoài hạn ngạch 100% |
1701.99 | - - Loại khác: |
|
1701.9910 | - - - Đường đã tinh luyện. | Trong hạn ngạch 40%, ngoài hạn ngạch 85% |
1701.9990 | - - - Loại khác | Trong hạn ngạch 40%, ngoài hạn ngạch 85% |
1702 | Đường khác, kể cả đường lactoza, mantoza, glucoza và fructoza, tinh khiết về mặt hóa học, ở thể rắn; xirô đường chưa pha thêm hương liệu hoặc chất màu; mật ong nhân tạo, đã hoặc chưa pha trộn với mật ong tự nhiên; đường caramen. |
|
1702.90 | - Loại khác, kể cả đường nghịch chuyển và đường khác và hỗn hợp xirô đường có chứa hàm lượng fructoza là 50% tính theo khối lượng ở thể khô: |
|
| - - Loại khác |
|
1702.9091 | - - - Xi rô đường | 15% |
Bộ Công Thương có thể sửa đổi, bổ sung danh sách các mã HS của hàng hóa bị áp dụng thuế CBPG và CTC để phù hợp với mô tả hàng hóa bị điều tra và các thay đổi khác (nếu có).
2. Danh sách các nhà sản xuất, xuất khẩu yêu cầu rà soát và được áp dụng thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp
| Tên công ty sản xuất, xuất khẩu | Tên công ty thương mại liên quan | Mức thuế chống bán phá giá | Mức thuế chống trợ cấp |
Cột 1 | Cột 2 | Cột 3 | Cột 4 | |
1 | Mitr Phol Sugar Corp., Ltd. United Fanner & Industry Co., Ltd. Singburi Sugar Co., Ltd. Mitr Kalasin Sugar Co., Ltd. | - Pacific Sugar Corporation Limited - Czamikow Group Limited. | 32,75% | 0[1]% |
2 | Thai Roong Ruang Industry Co., Ltd. Thai Multi Sugar Industry Co., Ltd. Baanrai Sugar Industry Co., Ltd. Phitsanulok Sugar Co., Ltd. The Cholburi Sugar & Trading Corp., Ltd. | Siam Sugar Export Corp Ltd. | 25,73% | 4,65% |
Thuế CBPG và CTC là thuế nhập khẩu bổ sung, áp dụng với đường mía nhập khẩu có xuất xứ từ Vương quốc Thái Lan, kể cả nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan.
3. Thời hạn áp dụng thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp
Mức thuế CBPG và CTC tại Mục 2 của Thông báo này sẽ được áp dụng từ ngày có hiệu lực của Quyết định về kết quả rà soát lần thứ nhất việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với một số sản phẩm đường mía có 4 xuất xứ từ Vương quốc Thái Lan đến ngày 15 tháng 6 năm 2026 (trừ trường hợp được thay đổi, gia hạn theo Quyết định khác của Bộ Công Thương căn cứ trên kết quả rà soát việc áp dụng biện pháp CBPG và CTC theo quy định của pháp luật).
4. Kiểm tra chứng nhận xuất xứ hàng hóa và chứng nhận chất lượng của nhà sản xuất, xuất khẩu hàng hóa thuộc đối tượng áp dụng biện pháp CBPG và CTC
Các bước kiểm tra cụ thể như sau:
Bước 1: Kiểm tra chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa và chứng nhận chất lượng (bản chính) của nhà sản xuất (sau đây gọi chung là Giấy chứng nhận nhà sản xuất)
- Trường hợp 1: Nếu người khai hải quan không nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa thì thực hiện theo hướng dẫn tại Mục 5 của Thông báo ban hành kèm theo Quyết định số 1578/QĐ-BCT ngày 15 tháng 6 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc áp dụng thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp chính thức đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Vương quốc Thái Lan (Quyết định số 1578/QĐ-BCT).
- Trường hợp 2: Nếu người khai hải quan nộp được chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa từ nước, vùng lãnh thổ khác không phải là Vương quốc Thái Lan thì thực hiện theo hướng dẫn tại Mục 5 của Thông báo ban hành kèm theo Quyết định số 1578/QĐ-BCT.
- Trường hợp 3: Nếu người khai hải quan nộp được chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa từ Vương quốc Thái Lan và không nộp được Giấy chứng nhận nhà sản xuất thì áp dụng mức thuế CBPG và CTC theo quy định tại Mục 3 của Thông báo ban hành kèm theo Quyết định số 1578/QĐ-BCT.
- Trường hợp 4: Nếu người khai hải quan nộp được chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa từ Vương quốc Thái Lan và Giấy chứng nhận nhà sản xuất có tên nhà sản xuất không trùng với tên nhà sản xuất nêu tại Cột 1 Mục 2 của Thông báo này thì áp dụng mức thuế CBPG và CTC theo quy định tại Mục 3 của Thông báo ban hành kèm theo Quyết định số 1578/QĐ-BCT.
- Trường hợp 5: Nếu người khai hải quan nộp được chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa từ Vương quốc Thái Lan và Giấy chứng nhận nhà sản xuất có tên nhà sản xuất trùng với tên nhà sản xuất nêu tại Cột 1 Mục 2 của Thông báo này thì tiếp tục kiểm tra theo Bước 2 dưới đây.
Bước 2: Kiểm tra tên nhà xuất khẩu
- Trường hợp 1: Nếu tên nhà xuất khẩu (dựa trên hợp đồng mua bán, hóa đơn thương mại) trùng với tên nhà sản xuất nêu tại Cột 1 Mục 2 của Thông báo 5 này hoặc trùng với tên nhà xuất khẩu tương ứng theo hàng ngang tại Cột 2 Mục 2 của Thông báo này thì nộp mức thuế CBPG và CTC tương ứng theo hàng ngang lần lượt tại Cột 3 và Cột 4 Mục 2 của Thông báo này.
- Trường hợp 2: Nếu tên nhà xuất khẩu (dựa trên hợp đồng mua bán, hóa đơn thương mại) không trùng với tên nhà sản xuất tại Cột 1 Mục 2 của Thông báo này hoặc không trùng với tên nhà xuất khẩu tương ứng theo hàng ngang tại Cột 2 Mục 2 của Thông báo này thì áp dụng mức thuế CBPG và CTC theo quy định tại Mục 3 của Thông báo ban hành kèm theo Quyết định số 1578/QĐ-BCT.
5. Trình tự thủ tục tiếp theo
Căn cứ theo quy định tại Điều 14 của Nghị định số 10/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 01 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương về các biện pháp phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các cơ quan quản lý có liên quan và cơ quan hải quan cung cấp thông tin về tình hình nhập khẩu hàng hóa thuộc đối tượng áp thuế CBPG và CTC.
[1] Do biên độ trợ cấp xác định cho nhóm công ty Mirt Phol ở mức dưới 2% nên không áp dụng theo quy định tại khoản 2 Điều 86 Luật Quản lý ngoại thương.
BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 993/TCHQ-TXNK | Hà Nội, ngày 03 tháng 3 năm 2021 |
Kính gửi: Các Cục Hải quan tỉnh, thành phố.
Tổng cục Hải quan nhận được Quyết định số 477/QĐ-BCT ngày 09/02/2021 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc áp dụng thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp tạm thời đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Vương quốc Thái Lan. Qua xem xét, Tổng cục Hải quan nhận thấy đây là lần đầu phát sinh việc áp dụng đồng thời 02 loại thuế nhập khẩu bổ sung. Do vậy, để thực hiện thống nhất trong toàn ngành Tổng cục Hải quan hướng dẫn các đơn vị như sau:
1. Thời hạn áp dụng mức thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp
Các Cục Hải quan tỉnh, thành phố căn cứ Quyết định số 477/QĐ-BCT kèm theo Thông báo của Bộ Công Thương về việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp tạm thời để thực hiện trong vòng 120 ngày, kể từ ngày 16/02/2021 đến hết ngày 15/6/2021 (trừ khi được gia hạn theo quy định của pháp luật).
2. Khai báo trên Tờ khai hải quan hàng hóa nhập khẩu
2.1. Các Cục Hải quan tỉnh, thành phố hướng dẫn tổ chức, cá nhân nhập khẩu hàng hóa thuộc đối tượng áp dụng đồng thời thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp theo Quyết định số 477/QĐ-BCT thực hiện khai báo 02 loại thuế nêu trên theo bảng mã thuế suất thuế chống bán phá giá dùng trong VNACCS đã được đăng tải trên website: https://www.customs.gov.vn với mức thuế là tổng mức thuế của thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp theo Quyết định số 477/QĐ-BCT.
Trên cơ sở mức thuế chống trợ cấp theo Quyết định số 477/QĐ-BCT, công chức hải quan lập phiếu đề xuất trình Lãnh đạo Chi cục thực hiện điều chỉnh số giảm thuế chống bán phá giá, tăng số thuế chống trợ cấp tương ứng số tiền thuế giảm của thuế chống bán phá giá. Căn cứ phiếu đề xuất được phê duyệt, công chức hải quan cập nhật vào hệ thống kế toán thuế tập trung và in thông báo gửi cho tổ chức, cá nhân nhập khẩu.
2.2. Đối với các tờ khai hải quan đăng ký kể từ ngày 16/02/2021 (ngày có hiệu lực của Quyết định số 477/QĐ-BCT) nhưng tổ chức, cá nhân nhập khẩu chưa khai báo mức thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp, cơ quan hải quan thực hiện rà soát, thông báo để doanh nghiệp thực hiện khai báo bổ sung thuế theo quy định.
2.3. Trường hợp mặt hàng nhập khẩu có mã số HS và mô tả như quy định tại điểm 1 Thông báo ban hành kèm theo Quyết định số 477/QĐ-BCT nhưng không thuộc đối tượng chịu thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp (hàng hóa bị áp dụng thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp tạm thời là hàng hóa có xuất xứ từ Vương quốc Thái Lan) thì cơ quan hải quan hướng dẫn doanh nghiệp khai trên tờ khai nhập khẩu chỉ tiêu 1.95 Mã miễn/giảm/không chịu thuế và thu khác theo bảng mã đối tượng không chịu thuế chống bán phá giá (GK) đã được đăng tải trên website: https://www.customs.gov.vn.
3. Thu nộp, hoàn trả khi phát sinh đồng thời thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp.
3.1. Thu nộp thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp
- Công chức hải quan sau khi thực hiện điều chỉnh mức thuế theo hướng dẫn tại điểm 2.1 mục 2 nêu trên thì hướng dẫn tổ chức, cá nhân nộp số tiền thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp theo thông báo đã được điều chỉnh tách hai loại thuế của cơ quan hải quan.
Đối với tổ chức, cá nhân nhập khẩu thực hiện khai báo bổ sung thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp theo hướng dẫn tại điểm 2.2 thì cơ quan hải quan hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện nộp thuế khai sửa đổi, bổ sung theo quy định.
- Trường hợp tổ chức, cá nhân nhập khẩu đã thực hiện nộp thuế theo số tiền thuế đã khai báo tại điểm 2.1 mục 2 nêu trên thì cơ quan hải quan thực hiện thông quan hàng hóa trên cơ sở tổng số tiền thuế đã nộp và hướng dẫn tổ chức, cá nhân nhập khẩu thực hiện điều chỉnh số tiền thuế nộp thừa với số tiền thuế phải nộp của thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp theo quy định.
3.2. Hoàn trả tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa:
Trong trường hợp thực hiện Quyết định số 477/QĐ-BCT của Bộ Công Thương, tổ chức, cá nhân phát sinh tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa thì cơ quan hải quan thực hiện hoàn trả tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa theo quy định tại Điều 60 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 và các văn bản hướng dẫn thực hiện.
Tổng cục Hải quan thông báo để Cục Hải quan các tỉnh, thành phố biết, thực hiện./.
(Gửi kèm Quyết định số 477/QĐ-BCT ngày 09/02/2021 của Bộ trưởng Bộ Công Thương).
Nơi nhận: | KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG |