BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 8719/BTC-TCHQ V/v Quy hoạch cửa khẩu biên giới đất gắn liền với quản lý nhà nước về hải quan | Hà Nội, ngày 15 tháng 8 năm 2023 |
Kính gửi: | - Ủy ban nhân dân các tỉnh: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang. |
Căn cứ Nghị quyết số 81/2023/QH15 ngày 09/01/2023 của Quốc hội về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 -2030, tầm nhìn đến 2050; căn cứ Nghị định số 112/2014/NĐ-CP ngày 21 tháng 11 năm 2014 và Nghị định số 34/2023/NĐ-CP ngày 16 tháng 6 năm 2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 112/2014/NĐ-CP ngày 21 tháng 11 năm 2014 của Chính phủ quy định về quản lý cửa khẩu biên giới đất liền. Qua nắm bắt tình hình thực trạng các cửa khẩu hiện nay, Bộ Tài chính có ý kiến như sau:
1. Về thực trạng, cơ sở hạ tầng, kỹ thuật tại một số khu vực cửa khẩu, hiện nay Bộ Tài chính nhận thấy một số các cửa khẩu, trong đó có cả cửa khẩu quốc tế, chưa được UBND các tỉnh bố trí, thực hiện các hạng mục sau:
- Nhà làm việc kiên cố cho các cơ quan quản lý nhà nước tại cửa khẩu;
- Bố trí vị trí và diện tích đất để xây dựng trụ sở hải quan;
- Bố trí Địa điểm tập kết, kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, để kiểm tra giám sát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu đưa vào, đưa ra, lưu giữ trong địa điểm.
Do đó, khi các phương tiện vận tải hàng hóa về, cơ quan hải quan phải tận dụng các bãi đất trống trong cửa khẩu để thực hiện giám sát hải quan đối với hoạt động sang tải hàng hóa, khiến các phương tiện không có bãi đỗ, phải xếp hàng dài dọc khu vực cửa khẩu để chờ làm thủ tục xuất nhập cảnh, thông quan hàng hóa; một số khu vực cửa khẩu giáp Lào và Campuchia hiện nay mặt đường hẹp, các khúc cua gấp chỉ lưu thông một làn đường trong khi các phương tiện đều có trọng tải lớn dẫn đến tình trạng ùn ứ, di chuyển chậm, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, điều kiện về cơ sở hạ tầng kỹ thuật thiếu dẫn đến việc chậm trễ trong làm thủ tục hải quan.
Bộ Tài chính đề nghị UBND các tỉnh biên giới đất liền khi quy hoạch khu vực cửa khẩu xem xét bố trí khu vực nhà làm việc liên hợp của các cơ quan quản lý nhà nước tại cửa khẩu; Khu vực dành cho Kho, Bãi phục vụ cho công tác tập kết, kiểm tra, giám sát đối với hàng hóa xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu đường bộ; Bố trí vị trí đất trong khu vực cửa khẩu để đảm bảo điều kiện về kiểm tra, giám sát hải quan như Địa điểm tập kết, kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất nhập khẩu tại cửa khẩu để đáp ứng công tác quản lý Nhà nước về Hải quan và đảm bảo thuận lợi thương mại; Bố trí các vị trí lắp đặt trang thiết bị kỹ thuật của cơ quan hải quan tại khu vực cửa khẩu, đáp ứng yêu cầu kiểm tra, giám sát hải quan, phục vụ công tác quản lý hàng hóa xuất nhập khẩu, phương tiện xuất nhập cảnh và thực hiện phòng ngừa, ngăn chặn và đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới.
2. Bên cạnh đó, một số Ủy ban nhân dân các tỉnh biên giới đã và đang xây dựng kế hoạch thực hiện triển khai xây dựng mô hình nền tảng cửa khẩu số, cửa khẩu thông minh. Tuy nhiên, qua thực tiễn thời gian thực hiện vừa qua cho thấy, do địa vị pháp lý của nền tảng cửa khẩu số không nằm trong quy định về quy trình thủ tục qua lại biên giới của các lực lượng quản lý nhà nước tại cửa khẩu như hải quan, biên phòng, y tế, kiểm dịch.... Nền tảng cửa khẩu số do một số địa phương tự chủ động xây dựng theo mục đích và nhu cầu quản lý của chính quyền địa phương; nên khi thực hiện lại đang có sự chồng chéo giữa các hệ thống, quy trình, thủ tục đã được pháp luật hải quan quy định với các quy định của các lực lượng quản lý nhà nước khác tại khu vực cửa khẩu. Trong khi, theo quy định của Luật Hải quan thì trong địa bàn hoạt động hải quan, cơ quan hải quan chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát, kiểm soát đối với hàng hóa, phương tiện vận tải và xử lý vi phạm pháp luật về hải quan phù hợp với pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và các hệ thống, quy trình, thủ tục đã được pháp luật hải quan quy định được áp dụng thống nhất trên toàn quốc, tại tất cả các cửa khẩu trên các tuyến biên giới.
Liên quan đến vấn đề này, hiện nay, tại Quyết định 628/QĐ-TTg ngày 20/5/2022, Thủ tướng Chính phủ cũng đà phê duyệt Chiến lược phát triển hải quan đến năm 2030 trong đó đưa ra mục tiêu đến 2030 “100% cảng, cửa khẩu quốc tế trọng điểm được triển khai hệ thống quản lý giám sát hàng hóa tự động, trang bị hệ thống soi chiếu hàng hóa, hành lý, hệ thống giám sát camera và các thiết bị hỗ trợ trong công tác kiểm tra, giám sát hải quan” và “100% các cửa khẩu đường bộ triển khai hệ thống tiếp nhận và xử lý thông tin khai trước về hàng hóa xuất nhập khẩu trước khi phương tiện vận chuyển hàng hóa qua biên giới”. Đồng thời, Quyết định cũng quy định “Việc kiểm tra thực tế, giám sát hàng hóa, theo dõi quản lý hoạt động nhập khẩu hàng hóa cơ bản được giao cho Chi cục Hải quan cửa khẩu hoặc Chi cục Hải quan quản lý địa bàn nơi doanh nghiệp có cơ sở sản xuất thực hiện”.
Hiện nay, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đang trình lấy ý kiến các Bộ ngành để sửa đổi, bổ sung Quyết định số 186/QĐ-BTTTT ngày 11/02/2022 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông về việc phê duyệt Chương trình thúc đẩy phát triển và sử dụng các nền tảng số quốc gia phục vụ chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Theo đó, trên cơ sở thực tiễn phát triển các nền tảng số hiện nay, Bộ Thông tin và Truyền thông đang dự thảo bổ sung thêm các nền tảng, trong đó có nền tảng cửa khẩu số, và dự kiến giao cho cơ quan chủ quản là Bộ Tài chính, đơn vị đầu mối của Bộ Tài chính là Tổng cục Hải quan để triển khai thực hiện phù hợp với thực tế.
Đồng thời, Bộ Tài chính cũng đang giao Tổng cục Hải quan xây dựng Đề án Hải quan thông minh, trong đó “Mô hình quản lý hàng hóa XNK và phương tiện xuất nhập cảnh qua các cửa khẩu đường bộ” là một phần của đề án này. Về mặt bản chất, mô hình mà Tổng cục Hải quan được giao xây dựng có tính đồng nhất với mục đích, định hướng quản lý nhà nước tại cửa khẩu mà mô hình Cửa khẩu số của các tỉnh đang hướng tới xây dựng. Đồng thời đảm bảo được tính xuyên suốt về công tác quản lý, giám sát hàng hóa xuất nhập khẩu, phương tiện xuất nhập cảnh từ khi vào lãnh thổ Việt Nam cho đến khi hoàn thành thủ tục hải quan để thực nhập hoặc thực xuất.
Do công tác quản lý tại cửa khẩu, việc làm thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát và quyết định thông quan hàng hóa thuộc trách nhiệm chính của lực lượng hải quan, nên khi Ủy ban nhân dân các tỉnh biên giới khi có kế hoạch triển khai xây dựng mô hình Cửa khẩu số ở địa phương đề nghị thống nhất, trao đổi với Tổng cục Hải quan (hoặc giao cho Cục Hải quan tỉnh chủ trì xây dựng, báo cáo Tổng cục Hải quan) trong việc thiết kế tổng thể mô hình kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu qua cửa khẩu đường bộ đảm bảo tính tổng thể, thống nhất, đồng bộ, ứng dụng công nghệ, trang thiết bị hiện đại, phù hợp với thực tế đặc thù từng nhóm cửa khẩu đường bộ, nằm trong tổng thể Hải quan số, Hải quan thông minh, tầm nhìn, định hướng đến năm 2030.
Bộ Tài chính có ý kiến, gửi UBND các tỉnh biên giới đất liền nghiên cứu, xem xét, giao các sở, ngành thuộc địa bàn triển khai thực hiện để phù hợp với thực tiễn, góp phần phát triển cửa khẩu biên giới trên đất liền.
Trân trọng./.
| KT. BỘ TRƯỞNG |