VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 447/TB-VPCP | Hà Nội, ngày 31 tháng 10 năm 2023 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG LÊ MINH KHÁI TẠI CUỘC HỌP BAN CHỈ ĐẠO PHÒNG, CHỐNG RỬA TIỀN
Ngày 18 tháng 10 năm 2023, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống rửa tiền (Ban Chỉ đạo) đã chủ trì cuộc của Ban Chỉ đạo. Tham dự cuộc họp có các thành viên của Ban Chỉ đạo là lãnh đạo Bộ Xây dựng, Văn phòng Chính phủ, đại diện các cơ quan: Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Ngoại giao, Bộ Nội vụ, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương, Bộ Tư pháp, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Tổ thường trực giúp việc Ban Chỉ đạo.
Sau khi nghe Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo báo cáo về tình hình, kết quả triển khai các hoạt động của Ban Chỉ đạo, ý kiến của các đại diện dự họp, Ban Chỉ đạo đã thống nhất chỉ đạo các nội dung sau:
I. Đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo thực hiện nghiêm túc Quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo, tham dự đầy đủ các cuộc họp của Ban Chỉ đạo. Trường hợp không thể dự họp cần ủy quyền cho người đủ thẩm quyền tham dự, có ý kiến tại cuộc họp.
II. Đánh giá cao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam với tư cách là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo đã tham mưu nội dung, tài liệu, phục vụ cuộc họp này của Ban Chỉ đạo, các cơ quan liên quan, thành viên Ban Chỉ đạo trong thời gian qua đã tích cực triển khai thực hiện các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao, Ban Chỉ đạo phân công, khuyến nghị, cam kết quốc tế về công tác phòng, chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố, chống tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt; thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định số 941/QĐ-TTg ngày 05 tháng 8 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ.
III. Để đảm bảo triển khai hiệu quả công tác Phòng chống rửa tiền thời gian tới, nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn của Việt Nam, cam kết, khuyến nghị của quốc tế, tránh để bị đánh giá, xếp loại bất lợi, Ban Chỉ đạo yêu cầu:
1. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu, tiếp thu, giải trình, tổng hợp đầy đủ ý kiến của thành viên Ban Chỉ đạo tại cuộc họp này để rà soát, hoàn thiện các dự thảo kế hoạch hành động quốc gia, Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo và các nội dung khác mà Ban Chỉ đạo đạo đã cho ý kiến, trình cấp thẩm quyền theo quy định, cụ thể:
a) Trong tháng 11 năm 2023 trình Chính phủ: Báo cáo đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền, tài trợ khủng bố (Báo cáo NRA) và dự thảo Kế hoạch hành động quốc gia giải quyết rủi ro rửa tiền, tài trợ khủng bố giai đoạn 2023-2028 theo đúng quy định của Luật Phòng, chống rửa tiền và pháp luật liên quan; trình cấp thẩm quyền xem xét ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện theo cam kết của Việt Nam với FATF, làm căn cứ để các bộ, ngành khẩn trương tổ chức triển khai, thực hiện nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn của Việt Nam và các khuyến nghị của quốc tế, quyết tâm trong vòng 02 năm Việt Nam phải được đưa ra khỏi danh sách xếp loại bất lợi.
Nội dung của các kế hoạch hành động cần đảm bảo lý do, căn cứ rõ ràng về cơ sở pháp lý, cam kết quốc tế, quy định chi tiết nhiệm vụ, hành động, kết quả và thời gian thực hiện; đảm bảo khả thi, phù hợp với chức năng, thẩm quyền của các cơ quan được giao, đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước, quy định của pháp luật, thực tiễn, điều kiện, đặc thù văn hóa, xã hội của Việt Nam. Mỗi nhiệm vụ do một cơ quan làm đầu mối chủ trì, chịu trách nhiệm và các cơ quan phối hợp thực hiện.
b) Trước ngày 05 tháng 11 năm 2023 rà soát, đôn đốc các cơ quan thực hiện đầy đủ, đúng hạn các nhiệm vụ đã được được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 941/QĐ-TTg ngày 05 tháng 8 năm 2022 về Kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt giai đoạn 2021-2025, đặc biệt là các nhiệm vụ chưa hoàn thành.
c) Khẩn trương hoàn thiện, trước ngày 05 tháng 11 năm 2023 trình Trưởng Ban chỉ đạo ban hành Quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo.
2. Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và cơ quan liên quan thông qua các kênh ngoại giao song phương, đa phương để tuyên truyền, vận động, nhất là đối với các nước thành viên của FATF, APG về các kết quả thực hiện của Việt Nam, sớm đưa Việt Nam ra khỏi danh sách xếp loại bất lợi.
3. Đề nghị các cơ quan bảo vệ pháp luật, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án Nhân dân tối cao phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an đẩy mạnh công tác điều tra truy tố, xét xử, nâng cao hiệu quả xử lý tội phạm liên quan đến rửa tiền đáp ứng các khuyến nghị, cam kết quốc tế.
4. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Xây dựng, Bộ Công thương, Bộ Thông tin và Truyền thông đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định về phòng, chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt theo quy định của pháp luật, đáp ứng các khuyến nghị của quốc tế.
5. Các bộ, ngành tập trung triển khai thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống rửa tiền theo quy định của pháp luật và kế hoạch được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, tăng cường kiểm tra, kiểm soát, đôn đốc, khen thưởng, đánh giá kết quả thực hiện.
6. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo theo dõi, đôn đốc các cơ quan thực hiện, tổng hợp báo cáo Ban Chỉ đạo theo đúng Quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo.
Văn phòng Chính phủ thông báo để các cơ quan và các thành viên Ban Chỉ đạo biết, thực hiện./.
| KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |