BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 6242/TCHQ-TXNK V/v xử lý nợ thuế | Hà Nội, ngày 04 tháng 12 năm 2023 |
Kính gửi: Cục Hải quan thành phố Hải Phòng.
Tổng cục Hải quan nhận được công văn số 10770/HQHP-TXNK ngày 07/11/2023 của Cục Hải quan thành phố Hải Phòng báo cáo vướng mắc về quản lý nợ. Về vấn đề này, Tổng cục Hải quan có ý kiến như sau:
1. Xóa nợ đối với khoản nợ không có khả năng thu hồi
- Căn cứ khoản 3 Điều 3 Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH11 quy định:
“Xóa nợ tiền thuế, tiền phạt.”
- Căn cứ Điều 65 Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH11 quy định trường hợp được xóa nợ tiền thuế, tiền phạt:
“1. Doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản đã thực hiện các khoản thanh toán theo quy định của pháp luật phá sản mà không còn tài sản để nộp tiền thuế, tiền phạt.
2. Cá nhân được pháp luật coi là đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự mà không có tài sản để nộp tiền thuế, tiền phạt còn nợ.”
- Căn cứ khoản 1 Điều 32 Nghị định 83/2013/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của luật quản lý thuế và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế:
“1. Trường hợp được xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt:
a) Doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản đã thực hiện các khoản thanh toán theo quy định của pháp luật phá sản mà không còn tài sản để nộp tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt;
b) Cá nhân được pháp luật coi là đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự mà không còn tài sản để nộp tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt;
c) Các khoản nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt không thuộc trường hợp nêu tại các điểm a, b khoản 1 Điều này, đáp ứng đủ các điều kiện sau:
- Khoản nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt đã quá 10 năm kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế;
- Cơ quan quản lý thuế đã áp dụng tất cả các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế theo quy định nhưng không thu đủ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt.”
- Căn cứ khoản 2 Điều 152 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 quy định:
“Đối với các khoản tiền thuế nợ đến hết ngày 30 tháng 6 năm 2020 thì được xử lý theo quy định của Luật này, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này.”
- Căn cứ khoản 3 Điều 85 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 quy định:
“Các khoản nợ tiền thuế tiền chậm nộp, tiền phạt của người nộp thuế không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này mà cơ quan quản lý thuế đã áp dụng biện pháp cưỡng chế quy định tại điểm g khoản 1 Điều 125 của Luật này và các khoản nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt này đã quá 10 năm kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế nhưng không có khả năng thu hồi”.
Căn cứ quy định nêu trên, trường hợp người nộp thuế đã nợ thuế quá thời hạn nhưng cơ quan hải quan không thực hiện biện pháp cưỡng chế thì không đủ điều kiện để xóa nợ theo quy định tại Điều 85 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14.
2. Khoanh nợ đối với khoản nợ không có khả năng thu hồi
- Căn cứ khoản 4 Điều 83 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14:
“Người nộp thuế không còn hoạt động kinh doanh tại địa chỉ kinh doanh đã đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan quản lý thuế đã phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người nộp thuế có trụ sở hoặc địa chỉ liên lạc để kiểm tra, xác minh thông tin người nộp thuế không hiện diện tại địa bàn và thông báo trên toàn quốc về việc người nộp thuế hoặc đại diện theo pháp luật của người nộp thuế không hiện diện tại địa chỉ nơi người nộp thuế có trụ sở, địa chỉ liên lạc đã đăng ký với cơ quan quản lý thuế.
Thời gian khoanh nợ được tính từ ngày cơ quan quản lý thuế có văn bản thông báo trên toàn quốc về việc người nộp thuế hoặc đại diện theo pháp luật của người nộp thuế không hiện diện tại địa chỉ kinh doanh, địa chỉ liên lạc đã đăng ký với cơ quan quản lý thuế.”
- Căn cứ điểm d khoản 1 Điều 83 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP quy định:
“Đối với người nộp thuế quy định tại khoản 4 Điều 83 Luật Quản lý thuế: Văn bản xác nhận giữa cơ quan quản lý thuế với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người nộp thuế có trụ sở hoặc địa chỉ liên lạc về việc người nộp thuế không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký kinh doanh hoặc địa chỉ liên lạc và thông báo của cơ quan quản lý thuế về việc người nộp thuế không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký (bản chính hoặc bản sao được cấp từ sổ gốc hoặc bản sao được chứng thực).”
Căn cứ quy định nêu trên, trường hợp cơ quan thuế địa phương không có thông tin về doanh nghiệp để thông báo người nộp thuế không hoạt động tại địa chỉ đăng ký thì chưa đủ cơ sở khoanh nợ đối với khoản nợ không có khả năng thu hồi. Do đó, đề nghị Cục Hải quan thành phố Hải Phòng thực hiện đúng theo quy định tại khoản 4 Điều 83 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14, điểm d khoản 1 Điều 83 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP.
3. Đối với trường hợp giải phóng hàng, mang hàng về bảo quản
Ghi nhận và đã đưa vào bài toán nâng cấp Hệ thống KTTTT.
Đối với việc cập nhật quyết định ấn định thuế trên Hệ thống KTTTT, đã có hướng dẫn tại công văn số 5535/TXNK-DTQLT ngày 08/7/2022 đề nghị Cục Hải quan thành phố Hải Phòng thực hiện theo hướng dẫn.
Tổng cục Hải quan trả lời để Cục Hải quan thành phố Hải Phòng biết, thực hiện./.
| TL. TỔNG CỤC TRƯỞNG |