BỘ CÔNG THƯƠNG | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 01/CT-BCT | Hà Nội, ngày 02 tháng 01 năm 2024 |
CHỈ THỊ
TRIỂN KHAI CÔNG ĐIỆN SỐ 1437/CĐ-TTG NGÀY 30 THÁNG 12 NĂM 2023
CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ VIỆC TẬP TRUNG THỰC HIỆN
CÁC GIẢI PHÁP BẢO ĐẢM CUNG ỨNG ĐỦ XĂNG DẦU CHO SẢN XUẤT,
KINH DOANH VÀ TIÊU DÙNG CỦA NGƯỜI DÂN, DOANH NGHIỆP
Thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp cùng các Bộ, ngành, cơ quan liên quan triển khai nhiều giải pháp nhằm bình ổn giá mặt hàng xăng dầu và đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường nội địa. Nhờ tích cực triển khai các giải pháp và thực hiện các nhiệm vụ được Lãnh đạo Chính phủ giao, nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước năm 2023 cơ bản được đảm bảo, đáp ứng nhu cầu cho sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp.
Tuy nhiên, trước tình hình diễn biến phức tạp, khó lường của một số yếu tố quốc tế như: (i) Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt; (ii) Xung đột tại Ucraina, dải Gaza có thể còn kéo dài, nguy cơ xung đột tại khu vực Biển Đỏ... tiềm ẩn đứt gãy chuỗi cung ứng, gây gián đoạn thương mại quốc tế và dòng chảy năng lượng toàn cầu; (iii) Việc OPEC+ tiếp tục cắt giảm sản lượng khai thác dầu mỏ; (iv) Kho dự trữ nhiên liệu của Mỹ giảm... (v) Triển vọng kinh tế toàn cầu không chắc chắn... đã và đang ảnh hưởng đến giá xăng dầu và nguồn cung xăng dầu cho thị trường thế giới và trong nước.
Trước bối cảnh trên, triển khai thực hiện Công điện số 1437/CĐ-TTg ngày 30 tháng 12 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung thực hiện các giải pháp bảo đảm cung ứng đủ xăng dầu cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu các đơn vị, cơ quan chức năng liên quan thuộc Bộ Công Thương, Sở Công Thương các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam và các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu nghiêm túc triển khai các nhiệm vụ và giải pháp cụ thể sau đây:
1. Vụ Thị trường trong nước
a) Theo dõi chặt chẽ việc thực hiện tổng nguồn xăng dầu tối thiểu năm 2024 của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn, kịp thời điều chỉnh phân giao tổng nguồn xăng dầu phù hợp với tình hình thị trường và yêu cầu sản xuất kinh doanh, tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp bảo đảm chủ động, tuyệt đối không để thiếu hụt, đứt gãy nguồn cung xăng dầu trong mọi tình huống, đáp ứng đủ nhu cầu của nền kinh tế và tiêu dùng của xã hội.
b) Chỉ đạo các thương nhân kinh doanh xăng dầu, doanh nghiệp, cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên cả nước có kế hoạch, phương án kinh doanh, bán lẻ xăng dầu khoa học, hợp lý, khả thi, bảo đảm đủ nguồn hàng đáp ứng yêu cầu của thị trường; bố trí đủ nhân lực, tổ chức trực hoặc tăng ca để duy trì hoạt động bán hàng thường xuyên, liên tục cho thị trường, nhất là trước, trong và sau dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024.
c) Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan của Bộ Tài chính công bố, điều hành giá xăng dầu bám sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, phù hợp với diễn biến cung cầu xăng dầu trong nước và theo quy định pháp luật, tín hiệu thị trường và bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
d) Phối hợp với các cơ quan thuộc Ngân hàng nhà nước Việt Nam đề xuất các giải pháp nhằm hỗ trợ các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, thương nhân phân phối xăng dầu tiếp cận nguồn vốn, tạo nguồn và bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước.
đ) Phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Vụ Dầu khí và Than và cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch xác định sản lượng của các doanh nghiệp sản xuất xăng dầu trong nước để có cơ sở cân đối nguồn xăng dầu nhập khẩu trong thời gian tới; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc nhằm bảo đảm duy trì liên tục, tuyệt đối không để gián đoạn nguồn cung cho thị trường trong nước.
e) Phối hợp với Vụ Khoa học và Công nghệ rà soát, đánh giá tình hình, kết quả thực hiện lộ trình nhiên liệu sinh học theo Quyết định số 53/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
g) Phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong việc thực hiện quản lý nhà nước đối với mặt hàng xăng dầu, tạo điều kiện thuận lợi cho các thương nhân thực hiện hoạt động kinh doanh, vận chuyển, lưu thông, phân phối xăng dầu và bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn theo quy định.
h) Phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số vận hành ổn định Hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý và điều hành xăng dầu quốc gia.
i) Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan truyền thông để thông tin thường xuyên, đầy đủ về nguồn cung xăng dầu, công tác điều hành thị trường xăng dầu của Liên Bộ Công Thương - Tài chính và các Bộ, ngành liên quan, tạo tâm lý ổn định và đồng thuận trong dư luận xã hội.
k) Phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan rà soát, đánh giá kỹ lưỡng, đề xuất xây dựng Nghị định thay thế các Nghị định về kinh doanh xăng dầu theo đúng chỉ đạo của Thường trực Chính phủ tại Thông báo số 172/TB-VPCP ngày 14 tháng 10 năm 2023, nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn và công tác quản lý nhà nước, hài hòa lợi ích của nhà nước, người dân và doanh nghiệp; báo cáo Chính phủ trong Quý II năm 2024.
2. Vụ Kế hoạch - Tài chính
Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan của Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu, xử lý những khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý xăng dầu dự trữ quốc gia theo quy định của Luật dự trữ quốc gia và các quy định khác của pháp luật có liên quan; hoàn thiện phương án nâng mức dự trữ quốc gia xăng dầu để thực hiện mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng theo chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ.
3. Vụ Dầu khí và Than
a) Theo dõi sát tình hình sản xuất của 02 Nhà máy lọc dầu trong nước, đảm bảo cung ứng đủ xăng dầu cho thị trường theo Kế hoạch đã đăng ký. Trong trường hợp nhà máy dừng vận hành (để bảo trì, bảo dưỡng...), ảnh hưởng đến sản lượng của 02 Nhà máy, phối hợp với Vụ Thị trường trong nước báo cáo Lãnh đạo Bộ để xem xét, có biện pháp xử lý kịp thời.
b) Phối hợp với các đơn vị và tổ chức có liên quan trong việc thúc đẩy, chỉ đạo các Nhà máy lọc dầu thực hiện sản xuất và cung ứng nhiên liệu mức cao trong thời gian tới, đảm bảo phù hợp với Quyết định số 49/2011/QĐ-TTg và các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
4. Tổng cục Quản lý thị trường
a) Tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Bộ Công Thương về việc tăng cường kiểm tra, giám sát và kịp thời xử lý nghiêm các vi phạm trong kinh doanh xăng dầu.
b) Chỉ đạo Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố phối hợp với Sở Công Thương và các địa phương triển khai các biện pháp nghiệp vụ, xây dựng phương án, kế hoạch, thực hiện kiểm tra thường xuyên, đột xuất đối với việc chấp hành pháp luật trong hoạt động kinh doanh xăng dầu của các doanh nghiệp; Xử lý nghiêm các hành vi găm hàng chờ tăng giá, trục lợi buôn lậu xăng dầu qua biên giới, vi phạm quy định về kinh doanh xăng dầu; Phối hợp với cơ quan thuế kiểm tra, giám sát và xử lý các vi phạm pháp luật về hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng của đơn vị kinh doanh theo quy định của pháp luật.
5. Thanh tra Bộ
Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tham mưu xây dựng, sửa đổi và thực hiện Kế hoạch thanh tra, kiểm tra hàng năm của Bộ Công Thương, trong đó tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành, tuân thủ các quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh xăng dầu đối với các thương nhân kinh doanh xăng dầu trên cả nước để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định.
6. Vụ Pháp chế
a) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan chủ động rà soát, đề xuất quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, cần thiết sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn, quy định của pháp luật hiện hành.
b) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường công tác theo dõi thi hành pháp luật, tuyên truyền, phổ biến quy định trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
7. Vụ Khoa học và Công nghệ
a) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan thực hiện rà soát, đánh giá tổng thể tình hình thực hiện Thông tư số 43/2015/TT-BCT ngày 08/12/2015 quy định tỷ lệ hao hụt xăng dầu trong hoạt động kinh doanh xăng dầu.
b) Đầu mối tổng hợp tình hình thực hiện nhiệm vụ tại Quyết định số 49/2011/QĐ-TTg của các đơn vị thuộc Bộ Công Thương.
c) Đầu mối, phối hợp với các Bộ ngành, địa phương và đơn vị liên quan rà soát, đánh giá tình hình, kết quả thực hiện lộ trình nhiên liệu sinh học theo Quyết định số 53/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Trên cơ sở đó, báo cáo, tham mưu và trình cấp có thẩm quyền đề xuất việc sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện Quyết định số 53/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ cho phù hợp với tình hình hiện nay.
d) Chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ và các đơn vị liên quan trong việc xây dựng, chỉnh sửa, bổ sung Quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về chất lượng sản phẩm xăng dầu.
8. Các đơn vị báo chí thuộc Bộ Công Thương
Thông tin chính thống về việc cung ứng xăng dầu, các chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ và các Bộ, ngành địa phương về bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường để tạo sự đồng thuận trong dư luận, tránh đưa tin thất thiệt gây hoang mang, bất ổn thị trường.
9. Các đơn vị thuộc Bộ có liên quan
Theo chức năng, nhiệm vụ được phân công chủ động phối hợp thực hiện tốt nhiệm vụ nêu trên.
10. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị phối hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn trong công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh xăng dầu của các doanh nghiệp thuộc phạm vi và địa bàn quản lý. Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn trong việc vận chuyển, lưu thông, phân phối xăng dầu và bảo đảm an ninh trật tự.
11. Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
Phối hợp với các đơn vị chức năng tại địa phương hướng dẫn hồ sơ, thủ tục, tạo thuận lợi cho các thương nhân trên địa bàn thực hiện hoạt động kinh doanh, cung ứng xăng dầu; giám sát hoạt động kinh doanh xăng dầu tại địa phương, bảo đảm các thương nhân tuân thủ đúng các quy định của pháp luật hiện hành; giám sát chất lượng xăng dầu trên địa bàn quản lý; giám sát thời gian bán hàng, giá bán lẻ xăng dầu của các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn; không để xảy ra tình trạng cửa hàng xăng dầu dừng bán hàng không có lý do, gây thiếu hụt, đứt gây nguồn cung xăng dầu cục bộ trên địa bàn.
12. Các Bộ, ngành, các cơ quan liên quan
Theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, thương nhân kinh doanh xăng dầu thực hiện quy định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh xăng dầu; tăng cường kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định, góp phần thực hiện hiệu quả công tác điều hành, bình ổn giá mặt hàng xăng dầu, hài hoà lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.
13. Hiệp hội xăng dầu Việt Nam
Hiệp hội xăng dầu Việt Nam tăng cường công tác thông tin diễn biến tình hình thị trường xăng dầu thế giới đến các hội viên, bảo đảm các thông tin chính xác, kịp thời, góp phần tạo cơ sở định hướng cho hoạt động kinh doanh của các thương nhân kinh doanh xăng dầu. Quán triệt các hội viên nghiêm túc thực hiện đầy đủ quyền, nghĩa vụ của các thương nhân quy định tại các Nghị định về kinh doanh xăng dầu và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
14. Các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu
a) Chấp hành đúng quy định của pháp luật về kinh doanh xăng dầu.
b) Thực hiện nghiêm túc, đầy đủ tổng nguồn xăng dầu tối thiểu năm 2024 đã được phân giao (cả về số lượng, chủng loại) để bảo đảm cung cấp liên tục xăng dầu cho các khách hàng.
c) Chủ động nguồn hàng (cả nguồn trong nước và nhập khẩu), thực hiện việc dự trữ xăng dầu theo quy định, bảo đảm cung cấp đầy đủ xăng dầu cho thị trường trong nước trong mọi tình huống.
d) Tuyệt đối không để gián đoạn nguồn cung xăng dầu trong hệ thống kinh doanh (từ đầu mối, thương nhân phân phối, doanh nghiệp bán lẻ). Trong mọi tình huống phải cung cấp đủ hàng cho cửa hàng bán lẻ thuộc hệ thống phân phối của doanh nghiệp để duy trì hoạt động bán hàng thường xuyên, bảo đảm đủ nguồn hàng đáp ứng yêu cầu của thị trường; bố trí đủ nhân lực, tổ chức trực hoặc tăng ca để duy trì hoạt động bán hàng thường xuyên, liên tục cho thị trường, nhất là trước, trong và sau dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024.
đ) Chú trọng chia sẻ nguồn cung, chia sẻ lợi nhuận trong hệ thống phân phối một cách hợp lý để đảm bảo không bị gián đoạn việc cung ứng xăng dầu cho thị trường.
e) Có cam kết chặt chẽ với các thương nhân sản xuất xăng dầu trong nước (tại hợp đồng ký kết giữa các bên), trong đó cần cam kết rõ ràng, chặt chẽ các chế tài xử lý khi một trong các bên vi phạm để bảo đảm các thương nhân sản xuất và thương nhân kinh doanh xăng dầu thực hiện quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của mình theo đúng nội dung, sản lượng đã ký kết giữa các bên.
g) Chịu trách nhiệm cung cấp đầy đủ, kịp thời các số liệu, dữ liệu cho các cơ quan chức năng (Bộ Tài chính, Bộ Công Thương ...) để làm cơ sở cập nhật chính xác, tính đủ các chi phí kinh doanh xăng dầu trong công thức tính giá cơ sở mặt hàng xăng dầu, đảm bảo hiệu quả trong công tác điều hành, bình ổn giá mặt hàng xăng dầu, hài hoà lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.
(h) Thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng và kết nối dữ liệu với cơ quan thuế tại Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ và các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các Công điện: số 1123/CĐ-TTg ngày 18 tháng 11 năm 2023, số 1284/CĐ-TTg ngày 01 tháng 12 năm 2023; Công văn số 9075/BCT-TTTN ngày 20 tháng 12 năm 2023 của Bộ Công Thương về việc thực hiện Công điện của Thủ tướng Chính phủ.
15. Hiệu lực thực hiện và trách nhiệm thi hành
a) Chánh Văn phòng Bộ, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, Chánh Thanh tra Bộ, Vụ trưởng các Vụ: Thị trường trong nước, Dầu khí và Than, Khoa học và Công nghệ, Kế hoạch - Tài chính, Pháp chế, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam và các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu chịu trách nhiệm thực hiện Chỉ thị này.
b) Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có liên quan có báo cáo, phản ánh bằng văn bản gửi về Bộ Công Thương (Vụ Thị trường trong nước) để tổng hợp, xử lý./.
| BỘ TRƯỞNG |