BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 165/TB-TCT | Hà Nội, ngày 29 tháng 02 năm 2024 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN TẠI CUỘC HỌP VỀ VIỆC TRIỂN KHAI CÔNG TÁC QUẢN LÝ THUẾ ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ
Tại trụ sở Tổng cục Thuế, đồng chí Mai Xuân Thành - Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế đã chủ trì các cuộc họp (các ngày 19/02/2024, 23/02/2024) về Kế hoạch triển khai công tác quản lý thuế và chống thất thu thuế đối với hoạt động thương mại điện tử. Tham dự cuộc họp có đồng chí Mai Sơn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế; Đại diện Lãnh đạo và chuyên viên các Vụ/đơn vị: DNNCN, KK, CS, PC, TTKT, DNL, CNTT, TTHT, QLRR, VP, Cục Thuế TP Hà Nội. Sau khi nghe báo cáo của Vụ DNNCN và ý kiến tham gia phát biểu của các đơn vị dự họp; ý kiến phát biểu của đ/c Mai Sơn - Phó Tổng cục Trưởng và phát biểu chỉ đạo của đồng chí Mai Xuân Thành - Tổng cục trưởng, Tổng cục Thuế chỉ đạo như sau:
1. Giao Vụ DNNCN chủ trì, phối hợp với Cục TTKT, Cục DNL và các đơn vị liên quan khẩn trương triển khai thực hiện:
+ Xây dựng kế hoạch và tham mưu trình Tổng cục báo cáo Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị do Lãnh đạo Bộ chủ trì (với sự tham gia của các Bộ, ngành trung ương, các địa phương, một số hiệp hội, ...) về tăng cường công tác quản lý thuế và chống thất thu thuế đối với hoạt động thương mại điện tử trước ngày 10/4/2024 (báo cáo Tổng cục sơ bộ kế hoạch tổ chức trước 15/03/2024).
Cục TTKT, Cục DNL, Cục CNTT và các đơn vị liên quan có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ, kịp thời trong công tác xây dựng kế hoạch tổ chức và xây dựng tài liệu, báo cáo phục vụ hội nghị. (Lưu ý: Tài liệu báo cáo cần đánh giá kỹ thực trạng công tác quản lý thuế, nhận diện đầy đủ đối tượng cần quản lý và các vấn đề tồn tại, khó khăn, vướng mắc trong quản lý và tổ chức triển khai thực hiện; đề xuất rõ các giải pháp toàn điện tử phía cơ quan thuế và sự phối hợp của các bộ, ngành, địa phương trong triển khai thực hiện như thế nào).
+ Khẩn trương tham mưu Tổng cục Thuế báo cáo Bộ Tài chính thành lập Ban chỉ đạo triển khai các giải pháp quản lý thu thuế đối với hoạt động kinh doanh TMĐT do Lãnh đạo Bộ làm Trưởng ban và đề xuất các Bộ, ngành có liên quan, đại diện các địa phương lớn tham gia vào Ban chỉ đạo (Trình báo cáo Bộ trước 20/03/2024).
+ Tham mưu Tổng cục Thuế có văn bản chỉ đạo toàn ngành tăng cường triển khai các giải pháp quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử và đẩy mạnh công tác tuyên truyền (Trình Tổng cục trước 12/03/2024).
+ Rà soát tình trạng hoạt động của các sàn, xác định chính xác số lượng sàn đang hoạt động; đánh giá thực trạng việc thực hiện nghĩa vụ cung cấp thông tin cho cơ quan thuế của các sàn, trên cơ sở đó phối hợp với các đơn vị tham mưu Tổng cục biện pháp xử lý hiệu quả, đảm bảo toàn bộ các sàn đang hoạt động phải thực hiện nghiêm túc việc cung cấp thông tin cho cơ quan thuế theo quy định. (Báo cáo Tổng cục kết quả rà soát trước ngày 15/03/2023)
+ Phối hợp Cục TTKT, CNTT, DNL, Vụ KK tổng hợp dữ liệu đã thu thập được từ các nguồn (Do các sàn cung cấp qua Cổng TMĐT (Vụ DNNCN); Thu thập qua thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp là chủ các sàn (Cục TTKT); Thu thập được từ các ứng dụng, giải pháp công nghệ thông tin (Cục CNTT); Thu thập từ các NCCNN (Cục DNL)) để giao về cho các Cục Thuế tổ chức rà soát, kiểm tra ngay và có phương án triển khai quản lý thu đối với các tổ chức, cá nhân chưa thực hiện đăng ký, kê khai, nộp thuế với cơ quan thuế (Tổng hợp, báo cáo kết quả lần đầu trước 20/03/2024); Đồng thời thành lập tổ công tác làm việc với một số Cục Thuế lớn để đôn đốc và hướng dẫn khai thác, rà soát các nguồn CSDL do Tổng cục Thuế cung cấp và do các Cục Thuế tự khai thác.
- Tiếp tục nghiên cứu, rà soát, nhận diện đầy đủ hệ sinh thái thương mại điện tử và các mô hình thương mại điện tử (mô hình truyền thống trên sàn và các mô hình mới như livestream trên các nền tảng xã hội, ...), xác định đầy đủ các chủ thể tham gia. Phối hợp với Bộ Công thương, Bộ TTTT nghiên cứu, rà soát các điều kiện kinh doanh trên sàn, trên các nền tảng mạng xã hội, đảm bảo các thông tin, dữ liệu cần thiết, làm cơ sở xác định các đối tượng phải thực hiện đăng ký, kê khai nộp thuế. Phân loại đối tượng theo từng nhóm (không đăng ký thuế; đã đăng ký nhưng không kê khai, nộp thuế; đã đăng ký, kê khai, nộp thuế nhưng không đầy đủ, từ đó đề xuất các giải pháp quản lý thuế phù hợp, hiệu quả theo từng nhóm đối tượng.
2. Giao Cục TTKT chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan:
- Tiếp tục rà soát, đánh giá tính đầy đủ, chính xác của nguồn dữ liệu thu thập được qua thanh tra, kiểm tra các sàn thương mại điện tử. Khẩn trương chuyển tổ xử lý làm sạch dữ liệu giao dịch đã thu thập được sau khi thanh kiểm tra các sàn giao dịch, phối hợp Vụ DNNCN triển khai tới các Cục Thuế địa phương để thực hiện rà soát, xử lý và có biện pháp quản lý.
- Tham mưu, đề xuất lựa chọn, tổ chức thực hiện thanh tra kiểm tra đối với một số các sàn không cung cấp đầy đủ thông tin theo quy định theo hướng tổ chức thanh tra kiểm tra đồng thời nhiều đối tượng thuộc hệ sinh thái TMĐT (chủ sàn TMĐT, trung gian vận chuyển, ...). Trên cơ sở kết quả đã triển khai, tiếp tục phân tích, đánh giá kỹ các kết quả thực hiện, thông tin dữ liệu thu thập qua thanh kiểm tra để tham mưu, đề xuất các định hướng, giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý thuế.
3. Giao Cục DNL chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan:
- Thường xuyên đánh giá tình hình vận hành Cổng Thông tin điện tử dành cho NCCNC, phối hợp Cục CNTT rà soát, nâng cấp kịp thời phần mềm, khắc phục ngay các hạn chế, sự cố phát sinh.
- Tiếp tục theo dõi, tổng hợp thông tin về các NCCNN trên Cổng Thông tin điện tử cho NCCNN. Tổ chức làm việc với các NCCNN, có biện pháp tuyên truyền, giải thích, đôn đốc thực hiện các quy định về đăng ký và kê khai trên Cổng thông tin điện tử dành cho NCCNN.
- Tiếp tục phối hợp, làm việc với các NCCNN để thu thập thông tin, dữ liệu trên cơ sở đó rà soát, phân tích và chuyển dữ liệu về các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên nền tảng số, mạng xã hội chuyển tới tổ xử lý dữ liệu để làm sạch và cung cấp cho Cục TTKT, các Cục Thuế địa phương khai thác, quản lý và thực hiện thanh tra kiểm tra.
4. Giao Cục CNTT chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan: Khẩn trương rà soát, kiểm tra, nâng cấp các ứng dụng, công cụ hỗ trợ, phát triển các phần mềm, công cụ hỗ trợ mới nhằm tối ưu hóa hiệu quả thu thập, khai thác dữ liệu phục vụ công tác quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh TMĐT. Đặc biệt là các ứng dụng phục vụ công tác thu thập thông tin, nhận diện các đối tượng kinh doanh TMĐT, kinh doanh trên nền tảng số và xử lý dữ liệu lớn.
5. Giao Vụ CS chủ trì: nắm bắt các khó khăn, vướng mắc về chính sách thuế và quản lý thuế từ các đơn vị, địa phương để phối hợp nghiên cứu, rà soát, đề xuất sửa đổi; đồng thời bám sát lộ trình sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan để tham gia ý kiến sửa đổi kịp thời.
6. Giao Vụ TTHT chủ trì, phối hợp các Vụ, đơn vị liên quan: Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân hiểu và thực hiện đúng, đủ, kịp thời về nghĩa vụ đăng ký thuế, kê khai, nộp thuế đối với hoạt động kinh doanh TMĐT cũng như thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ cung cấp thông tin với cơ quan thuế, các quy định về xử lý đối với các hành vi vi phạm nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm, hình thành tính tuân thủ tự nguyện của NNT.
7. Giao Cục Thuế các tỉnh, thành phố:
- Chủ động xây dựng cơ sở dữ liệu trên địa bàn; khẩn trương tổ chức triển khai rà soát các nguồn dữ liệu thu thập được để xác định và thực hiện quản lý đầy đủ các đối tượng thuộc diện phải đăng ký thuế, kê khai, nộp thuế. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, chính quyền địa phương để quản lý nguồn thu từ hoạt động TMĐT. Chủ động nghiên cứu, xây dựng các công cụ, giải pháp CNTT phục vụ cho công tác quản lý.
- Tổng hợp, tham mưu, báo cáo kịp thời về các vướng mắc, bất cập cũng như các vấn đề phát sinh từ thực tiễn công tác quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT, đồng thời tích cực nghiên cứu, đề xuất Tổng cục trong việc xây dựng, hoàn thiện chính sách, quy trình và ứng dụng CNTT trong công tác quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT.
Tổng cục Thuế thông báo để các Vụ, Cục, đơn vị thuộc Tổng cục Thuế và Cục Thuế các tỉnh, thành phố biết, khẩn trương thực hiện.
| TL. TỔNG CỤC TRƯỞNG |