BỘ CÔNG THƯƠNG | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 10/VBHN-BCT | Hà Nội, ngày 06 tháng 6 năm 2024 |
THÔNG TƯ
THỰC HIỆN QUY TẮC XUẤT XỨ TRONG HIỆP ĐỊNH THƯƠNG MẠI HÀNG HÓA ASEAN-ẤN ĐỘ
Thông tư số 15/2010/TT-BCT ngày 15 tháng 4 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định thực hiện Quy tắc xuất xứ trong Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN-Ấn Độ, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 6 năm 2010, được sửa đổi, bổ sung bởi:
Thông tư số 08/2024/TT-BCT ngày 22 tháng 4 năm 2024 của Bộ trưởng Bộ Công Thương sửa đổi, bổ sung một số Thông tư của Bộ trưởng Bộ Công Thương trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, có hiệu lực kể từ ngày 07 tháng 6 năm 2024.
Căn cứ Nghị định số 189/2007/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;
Căn cứ Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN-Ấn Độ ký ngày 13 tháng 8 năm 2009 và ngày 24 tháng 10 năm 2009 tại Thái Lan giữa các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á với Ấn Độ;
Căn cứ Nghị định số 19/2006/NĐ-CP ngày 20 tháng 02 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về xuất xứ hàng hóa;
Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định việc thực hiện Quy tắc xuất xứ trong Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN-Ấn Độ như sau:[1]
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Hàng hóa được cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa Mẫu AI
Hàng hóa được cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa Mẫu AI (trong Thông tư này gọi tắt là C/O) là hàng hóa có xuất xứ theo quy định tại Phụ lục 1 của Thông tư này và được Tổ chức cấp C/O Mẫu AI cấp C/O.
Điều 2. Giải thích từ ngữ
1. Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN-Ấn Độ là Hiệp định được ký ngày 13 tháng 8 năm 2009 và ngày 24 tháng 10 năm 2009 tại Thái Lan giữa các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á với Ấn Độ (trong Thông tư này gọi tắt là Hiệp định AIFTA).
2. Tổ chức cấp C/O Mẫu AI của Việt Nam (trong Thông tư này gọi tắt là Tổ chức cấp C/O) là các tổ chức được quy định tại Phụ lục 10.
3. Người đề nghị cấp C/O Mẫu AI (trong Thông tư này gọi tắt là người đề nghị cấp C/O) bao gồm người xuất khẩu, nhà sản xuất, người đại diện có giấy ủy quyền hợp pháp của người xuất khẩu hoặc nhà sản xuất.
4. Hệ thống eCOSys là hệ thống quản lý và cấp chứng nhận xuất xứ điện tử của Việt Nam có địa chỉ tại: http://www.ecosys.gov.vn.
Điều 3. Trách nhiệm của người đề nghị cấp C/O
Người đề nghị cấp C/O có trách nhiệm:
1. Đăng ký hồ sơ thương nhân với Tổ chức cấp C/O theo quy định tại Điều 5;
2. Nộp hồ sơ đề nghị cấp C/O cho Tổ chức cấp C/O;
3. Chứng minh hàng hóa xuất khẩu đáp ứng các quy định về xuất xứ và tạo điều kiện thuận lợi cho Tổ chức cấp C/O trong việc xác minh xuất xứ hàng hóa;
4. Chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực đối với những khai báo liên quan đến việc đề nghị cấp C/O, kể cả trong trường hợp được người xuất khẩu ủy quyền;
5. Báo cáo kịp thời cho Tổ chức cấp C/O tại nơi thương nhân đã đề nghị cấp về những C/O bị nước nhập khẩu từ chối công nhận C/O do các Tổ chức cấp C/O của Việt Nam cấp (nếu có);
6. Tạo điều kiện cho Tổ chức cấp C/O kiểm tra thực tế cơ sở sản xuất hoặc nơi nuôi, trồng, thu hoạch và chế biến hàng hóa xuất khẩu;
7. Chứng minh tính xác thực về xuất xứ của hàng hóa đã xuất khẩu khi có yêu cầu của Bộ Công Thương, Tổ chức cấp C/O, cơ quan Hải quan trong nước và cơ quan Hải quan nước nhập khẩu.
Điều 4. Trách nhiệm của Tổ chức cấp C/O
Tổ chức cấp C/O có trách nhiệm:
1. Hướng dẫn người đề nghị cấp C/O nếu được yêu cầu;
2. Tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ thương nhân và hồ sơ đề nghị cấp C/O;
3. Xác minh thực tế xuất xứ của hàng hóa khi cần thiết;
4. Cấp C/O khi hàng hóa đáp ứng các quy định về xuất xứ của Thông tư này và người đề nghị cấp C/O tuân thủ các quy định tại Điều 3;
5. Gửi mẫu chữ ký của những người được ủy quyền ký C/O và con dấu của Tổ chức cấp C/O cho Bộ Công Thương (Cục Xuất nhập khẩu[2]) theo quy định của Bộ Công Thương để đăng ký với cơ quan có thẩm quyền của nước nhập khẩu;
6. Giải quyết các khiếu nại liên quan đến việc cấp C/O theo thẩm quyền;
7. Xác minh lại xuất xứ của hàng hóa đã xuất khẩu theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền của nước nhập khẩu;
8. Trao đổi các thông tin có liên quan đến việc cấp C/O với các Tổ chức cấp C/O khác;
9. Thực hiện chế độ báo cáo, tham gia đầy đủ các lớp tập huấn nghiệp vụ về xuất xứ và các yêu cầu khác theo quy định của Bộ Công Thương.
Chương II
THỦ TỤC CẤP C/O
Điều 5. Đăng ký hồ sơ thương nhân
1. Người đề nghị cấp C/O chỉ được xem xét cấp C/O tại nơi đã đăng ký hồ sơ thương nhân sau khi đã hoàn thành thủ tục đăng ký hồ sơ thương nhân. Hồ sơ thương nhân bao gồm:
a) Đăng ký mẫu chữ ký của người được ủy quyền ký Đơn đề nghị cấp C/O và con dấu của thương nhân (Phụ lục 9);
b) Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của thương nhân (bản sao có dấu sao y bản chính);
c) Giấy chứng nhận đăng ký mã số thuế (bản sao có dấu sao y bản chính);
d) Danh mục các cơ sở sản xuất (nếu có) của thương nhân (Phụ lục 8).
2. Mọi sự thay đổi trong hồ sơ thương nhân phải được thông báo cho Tổ chức cấp C/O nơi đã đăng ký trước khi đề nghị cấp C/O. Hồ sơ thương nhân vẫn phải được cập nhật hai (02) năm một lần.
3. Trong trường hợp muốn được cấp C/O tại nơi cấp khác với nơi đã đăng ký hồ sơ thương nhân trước đây do bất khả kháng hoặc có lý do chính đáng, người đề nghị cấp C/O phải gửi văn bản nêu rõ lý do không đề nghị cấp C/O tại nơi đã đăng ký hồ sơ thương nhân trước đó và phải đăng ký hồ sơ thương nhân tại Tổ chức cấp C/O mới đó.
Điều 6. Hồ sơ đề nghị cấp C/O
1. Hồ sơ đề nghị cấp C/O bao gồm:
a) Đơn đề nghị cấp C/O (Phụ lục 7) được kê khai hoàn chỉnh và hợp lệ như hướng dẫn tại Phụ lục 6;
b) Mẫu C/O (Phụ lục 5) đã được khai hoàn chỉnh;
c) Tờ khai hải quan đã hoàn thành thủ tục hải quan. Các trường hợp hàng xuất khẩu không phải khai báo Tờ khai hải quan theo quy định của pháp luật sẽ không phải nộp Tờ khai hải quan;
d) Hóa đơn thương mại;
đ) Vận tải đơn hoặc chứng từ vận tải tương đương trong trường hợp thương nhân không có vận tải đơn. Trường hợp cấp C/O giáp lưng cho cả lô hàng hoặc một phần lô hàng từ khu phi thuế quan vào thị trường trong nước, chứng từ này có thể không bắt buộc phải nộp nếu trên thực tế thương nhân không có;
Trong trường hợp chưa có Tờ khai hải quan đã hoàn thành thủ tục hải quan và vận tải đơn (hoặc chứng từ tương đương vận tải đơn), người đề nghị cấp C/O có thể được nợ các chứng từ này nhưng không quá mười lăm (15) ngày làm việc kể từ ngày được cấp C/O.
2. Nếu xét thấy cần thiết, Tổ chức cấp C/O có thể yêu cầu người đề nghị cấp C/O cung cấp thêm các chứng từ liên quan đến hàng hóa xuất khẩu như: Tờ khai hải quan nhập khẩu nguyên liệu, phụ liệu; giấy phép xuất khẩu (nếu có); hợp đồng mua bán; hóa đơn giá trị gia tăng mua bán nguyên liệu, phụ liệu trong nước; mẫu nguyên liệu, phụ liệu hoặc mẫu hàng hóa xuất khẩu; bản mô tả quy trình sản xuất ra hàng hóa với chi tiết mã HS của nguyên liệu đầu vào và chi tiết mã HS của hàng hóa (đối với tiêu chí chuyển đổi mã số hàng hóa hoặc tiêu chí công đoạn gia công chế biến cụ thể); bản tính toán hàm lượng giá trị khu vực (đối với tiêu chí hàm lượng giá trị khu vực); và các chứng từ khác để chứng minh xuất xứ của hàng hóa xuất khẩu.
3. Trường hợp các loại giấy tờ quy định tại các điểm c, d, đ của khoản 1 và quy định tại khoản 2 là bản sao có chữ ký và đóng dấu xác nhận sao y bản chính của người đại diện theo pháp luật hoặc người được ủy quyền của thương nhân, bản chính có thể được Tổ chức cấp C/O yêu cầu cung cấp để đối chiếu nếu thấy cần thiết.
4. Đối với các thương nhân tham gia eCOSys, người được ủy quyền ký Đơn đề nghị cấp C/O sẽ kê khai các dữ liệu qua hệ thống eCOSys, ký điện tử và truyền tự động tới Tổ chức cấp C/O. Sau khi kiểm tra hồ sơ trên hệ thống eCOSys, nếu chấp thuận cấp C/O, Tổ chức cấp C/O sẽ thông báo qua hệ thống eCOSys cho thương nhân đến nộp hồ sơ đầy đủ bằng giấy cho Tổ chức cấp C/O để đối chiếu trước khi cấp C/O.
Điều 7. Tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp C/O
Khi người đề nghị cấp C/O nộp hồ sơ, cán bộ tiếp nhận có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra hồ sơ và thông báo bằng giấy biên nhận hoặc bằng hình thức văn bản khác cho người đề nghị cấp C/O về việc sẽ thực hiện một trong những hoạt động sau:
1. Cấp C/O theo quy định tại Điều 8;
2. Đề nghị bổ sung chứng từ theo quy định tại Điều 6;
3. Từ chối cấp C/O nếu phát hiện một trong những trường hợp sau:
a) Người đề nghị cấp C/O chưa thực hiện việc đăng ký hồ sơ thương nhân theo quy định tại Điều 5;
b) Hồ sơ đề nghị cấp C/O không chính xác, không đầy đủ như quy định tại Điều 6;
c) Người đề nghị cấp C/O chưa nộp chứng từ nợ theo quy định tại Điều 6;
d) Hồ sơ có mâu thuẫn về nội dung;
đ) Nộp hồ sơ đề nghị cấp C/O không đúng nơi đã đăng ký hồ sơ thương nhân;
e) Mẫu C/O khai bằng chữ viết tay, hoặc bị tẩy xóa, hoặc mờ không đọc được, hoặc được in bằng nhiều màu mực;
g) Có căn cứ hợp pháp chứng minh hàng hóa không có xuất xứ theo quy định của Thông tư này hoặc người đề nghị cấp C/O có hành vi gian dối, thiếu trung thực trong việc chứng minh nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa.
Điều 8. Cấp C/O
1. C/O phải được cấp trong thời hạn không quá ba (03) ngày làm việc kể từ thời điểm người đề nghị cấp C/O nộp hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, trừ trường hợp được quy định tại khoản 2 điều này.
2. Tổ chức cấp C/O có thể tiến hành kiểm tra tại nơi sản xuất trong trường hợp nhận thấy việc kiểm tra trên hồ sơ là chưa đủ căn cứ để cấp C/O hoặc phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật đối với các C/O đã cấp trước đó. Cán bộ kiểm tra của Tổ chức cấp C/O sẽ lập biên bản về kết quả kiểm tra này và yêu cầu người đề nghị cấp C/O và/hoặc người xuất khẩu cùng ký vào biên bản. Trong trường hợp người đề nghị cấp C/O và/hoặc người xuất khẩu từ chối ký, cán bộ kiểm tra phải ghi rõ lý do từ chối đó và ký xác nhận vào biên bản.
Thời hạn xử lý việc cấp C/O đối với trường hợp này không quá năm (05) ngày làm việc kể từ ngày người đề nghị cấp nộp hồ sơ đầy đủ.
3. Trong quá trình xem xét cấp C/O, nếu phát hiện hàng hóa không đáp ứng xuất xứ hoặc bộ hồ sơ bị thiếu, không hợp lệ, Tổ chức cấp C/O thông báo cho người đề nghị cấp C/O theo khoản 2 hoặc khoản 3 Điều 7.
4. Thời hạn xác minh không được làm cản trở việc giao hàng hoặc thanh toán của người xuất khẩu, trừ trường hợp do lỗi của người xuất khẩu.
Điều 9. Thu hồi C/O đã cấp
Tổ chức cấp C/O sẽ thu hồi C/O đã cấp trong những trường hợp sau:
1. Người xuất khẩu, người đề nghị cấp C/O giả mạo chứng từ.
2. C/O được cấp không phù hợp các tiêu chuẩn xuất xứ.
Chương III
TỔ CHỨC QUẢN LÝ VIỆC CẤP C/O
Điều 10. Thẩm quyền ký C/O
Chỉ những người đã hoàn thành thủ tục đăng ký mẫu chữ ký với Bộ Công Thương và Bộ Công Thương đã gửi cho Ban Thư ký ASEAN để đăng ký với cơ quan có thẩm quyền của nước nhập khẩu mới được quyền ký cấp C/O.
Điều 11. Cơ quan đầu mối
Cục Xuất nhập khẩu[3] là cơ quan đầu mối trực thuộc Bộ Công Thương thực hiện những công việc sau:
1. Hướng dẫn thực hiện và kiểm tra việc cấp C/O;
2. Thực hiện các thủ tục đăng ký mẫu chữ ký của người có thẩm quyền ký cấp C/O và mẫu con dấu của các Tổ chức cấp C/O của Việt Nam với Ban Thư ký của ASEAN và chuyển mẫu chữ ký của người có thẩm quyền ký cấp C/O và mẫu con dấu của các Tổ chức cấp C/O của các nước thành viên thuộc Hiệp định AIFTA cho Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan);
3. Giúp Bộ trưởng Bộ Công Thương giải quyết những vấn đề có liên quan đến việc thực hiện C/O.
Điều 12. Chế độ báo cáo
1. Tổ chức cấp C/O phải thực hiện chế độ cập nhật số liệu cấp C/O qua hệ thống eCOSys hàng ngày với đầy đủ các thông tin cần phải khai báo theo quy định tại đơn đề nghị cấp C/O.
2. Tổ chức cấp C/O vi phạm các quy định về chế độ báo cáo nêu tại khoản 1 đến lần thứ ba sẽ bị đình chỉ cấp C/O và công khai trên trang thông tin điện tử của Bộ Công Thương. Sau thời gian ít nhất là 6 tháng, Bộ Công Thương sẽ xem xét việc ủy quyền lại cho Tổ chức cấp C/O đã bị đình chỉ cấp C/O trên cơ sở đề nghị và giải trình của Tổ chức này.
Điều 13. Điều khoản thi hành[4]
Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 6 năm 2010./.
| XÁC THỰC VĂN BẢN HỢP NHẤT KT. BỘ TRƯỞNG |
PHỤ LỤC 1
QUY TẮC XUẤT XỨ
(Ban hành kèm theo Thông tư số 15/2010/TT-BCT ngày 15 tháng 4 năm 2010 của Bộ Công Thương về việc thực hiện Quy tắc xuất xứ trong Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN-Ấn Độ)
Điều 1. Giải thích thuật ngữ
Để thực hiện Phụ lục này, các thuật ngữ:
1. "CIF" là trị giá hàng hóa nhập khẩu, bao gồm phí vận tải và phí bảo hiểm tính đến cảng hoặc cửa khẩu của nước nhập khẩu;
2. "FOB" là trị giá hàng hóa đã giao qua mạn tàu, bao gồm phí vận tải đến cảng hoặc địa điểm cuối cùng trước khi tàu chở hàng rời bến.
3. "Nguyên vật liệu" bao gồm nguyên liệu thô, thành phần, phụ tùng, linh kiện, cụm lắp ráp và/hoặc hàng hóa được dùng để tạo thành một hàng hóa khác hoặc tham gia vào một quy trình sản xuất ra hàng hóa khác;
4. "Sản phẩm có xuất xứ" là sản phẩm đáp ứng các tiêu chí xuất xứ quy định tại Điều 2;
5. "Sản xuất" là các phương thức để tạo ra hàng hóa bao gồm trồng trọt, khai thác, thu hoạch, chăn nuôi, gây giống, chiết xuất, thu lượm, thu nhặt, săn bắt, đánh bắt, đánh bẫy, săn bắn, chế tạo, sản xuất, gia công hay lắp ráp;
6. "Quy tắc cụ thể mặt hàng" là quy tắc yêu cầu nguyên liệu phải trải qua quá trình thay đổi mã số hàng hóa hoặc trải qua công đoạn gia công, chế biến của hàng hóa, hoặc phải đáp ứng tiêu chí hàm lượng giá trị khu vực (hay còn gọi là tỷ lệ phần trăm của giá trị) hoặc kết hợp giữa các tiêu chí nêu trên;
7. "Sản phẩm" bao gồm những sản phẩm, có xuất xứ thuần túy hoặc được sản xuất toàn bộ tại một Nước thành viên, kể cả những sản phẩm này có thể sẽ được sử dụng làm nguyên vật liệu cho một quá trình sản xuất khác sau này.
8. "Nguyên vật liệu giống nhau và có thể dùng thay thế lẫn nhau" là những nguyên vật liệu cùng loại, có cùng đặc tính vật lý và kỹ thuật, và một khi các nguyên vật liệu này được kết hợp lại để tạo ra sản phẩm hoàn chỉnh thì không thể chỉ ra sự khác biệt về xuất xứ.
Điều 2. Tiêu chí xuất xứ
Sản phẩm nhập khẩu vào lãnh thổ của một Nước thành viên và được vận chuyển trực tiếp theo quy định của Điều 8 sẽ được coi là có xuất xứ và đủ điều kiện để được hưởng ưu đãi thuế quan nếu sản phẩm đó đáp ứng một trong các quy định về xuất xứ dưới đây:
1. Có xuất xứ thuần túy hoặc được sản xuất toàn bộ tại một Nước thành viên xuất khẩu như được quy định tại Điều 3; hoặc
2. Không có xuất xứ thuần túy hoặc không được sản xuất toàn bộ tại lãnh thổ của một Nước thành viên xuất khẩu, nhưng đáp ứng các quy định tại Điều 4, Điều 5 hoặc Điều 6.
Điều 3. Sản phẩm có xuất xứ thuần túy
Sản phẩm quy định tại khoản 1 Điều 2 được coi là có xuất xứ thuần túy hoặc được coi là sản xuất toàn bộ tại Nước thành viên xuất khẩu trong các trường hợp sau:
1. Cây trồng[1] và các sản phẩm từ cây trồng được trồng và thu hoạch tại Nước thành viên đó;
2. Động vật[2] sống được sinh ra và nuôi dưỡng tại Nước thành viên đó;
3. Các sản phẩm[3] thu được từ động vật sống được đề cập tại khoản 2 của điều này;
4. Sản phẩm thu được từ săn bắn, đánh bẫy, đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản, thu lượm hoặc săn bắt tại Nước thành viên đó;
5. Khoáng sản và các chất sản sinh tự nhiên khác chưa được liệt kê từ khoản 1 đến khoản 4, được chiết xuất hoặc lấy ra từ vùng đất, vùng lãnh hải, đáy biển hoặc dưới đáy biển của Nước thành viên đó;
6. Sản phẩm được khai thác từ vùng lãnh hải, đáy biển hoặc dưới đáy biển bên ngoài vùng lãnh hải của Nước thành viên đó, với điều kiện là Nước thành viên đó có quyền khai thác vùng lãnh hải, đáy biển và dưới đáy biển đó theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982;
7. Sản phẩm đánh bắt và các sản phẩm từ biển khác đánh bắt từ vùng biển cả bằng tàu được đăng ký tại một Nước thành viên và treo cờ của Nước thành viên đó;
8. Sản phẩm được chế biến và/hoặc được sản xuất ngay trên tàu chế biến được đăng ký tại một Nước thành viên và treo cờ của Nước thành viên đó, trừ các sản phẩm được quy định tại khoản 7 của điều này;
9. Các vật phẩm thu nhặt tại nước đó nhưng không còn thực hiện được những chức năng ban đầu hoặc cũng không thể sửa chữa hay khôi phục được và chỉ có thể vứt bỏ hoặc dùng làm các nguyên vật liệu, hoặc sử dụng vào mục đích tái chế[4]; và
10. Sản phẩm thu được hoặc được sản xuất tại một Nước thành viên từ các sản phẩm được quy định từ khoản 1 đến khoản 9 của điều này.
Điều 4. Hàng hóa có xuất xứ không thuần túy
1. Sản phẩm quy định tại khoản 2 Điều 2 được coi là có xuất xứ nếu:
a) Hàm lượng giá trị AIFTA không dưới ba mươi lăm phần trăm (35%) trị giá FOB; và
b) Nguyên liệu không có xuất xứ sử dụng để sản xuất ra sản phẩm đó trải qua quá trình chuyển đổi mã số hàng hóa ở cấp sáu (6) số (CTSH) của Hệ thống hài hòa.
với điều kiện công đoạn sản xuất cuối cùng phải được thực hiện tại lãnh thổ của Nước thành viên xuất khẩu.
2. Để thực hiện điều này, công thức tính hàm lượng giá trị AIFTA 35% như sau[5]:
a) Công thức trực tiếp
Chi phí nguyên vật liệu có xuất xứ AIFTA | + | Chi phí nhân công trực tiếp | + | Chi phí phân bổ trực tiếp | + | Chi phí khác | + | Lợi nhuận | x 100% | ≥ 35 |
Giá FOB |
b) Công thức gián tiếp
3. Trị giá của nguyên liệu không có xuất xứ là:
a) Trị giá CIF tại thời điểm nhập khẩu nguyên liệu, phụ tùng hoặc sản phẩm; hoặc
b) Giá xác định ban đầu của các nguyên liệu, phụ tùng hoặc sản phẩm không xác định được xuất xứ tại lãnh thổ của Nước thành viên nơi diễn ra việc sản xuất hoặc chế biến;
4. Phương pháp tính hàm lượng giá trị khu vực AIFTA được quy định tại Phụ lục 2.
Điều 5. Cộng gộp
Sản phẩm đáp ứng các tiêu chí xuất xứ quy định tại Điều 2 và sau đó được sử dụng làm nguyên liệu tại lãnh thổ của một Nước thành viên khác để sản xuất ra một sản phẩm được hưởng ưu đãi thuế quan theo Hiệp định AIFTA sẽ được coi là có xuất xứ của Nước thành viên nơi sản xuất hoặc chế biến ra sản phẩm được hưởng ưu đãi thuế quan đó.
Điều 6. Quy tắc cụ thể mặt hàng
Không xét đến những quy định tại Điều 4, những sản phẩm đáp ứng Quy tắc cụ thể mặt hàng được coi là có xuất xứ từ nước thành viên nơi thực hiện các công đoạn gia công, chế biến sản phẩm đó. Danh mục Quy tắc cụ thể mặt hàng có thể được bổ sung sau này.
Điều 7. Những công đoạn gia công, chế biến đơn giản
1. Không xét đến những quy định khác trong Phụ lục này, một sản phẩm sẽ không được coi là có xuất xứ tại một Nước thành viên nếu những công đoạn gia công chế biến dưới đây được thực hiện riêng rẽ hoặc kết hợp với nhau tại lãnh thổ của Nước thành viên đó:
a) Những công đoạn bảo quản để đảm bảo hàng hóa trong điều kiện tốt trong quá trình vận chuyển và lưu kho (như làm khô, làm lạnh, ngâm trong nước muối, thông gió, phơi, ướp muối, ngâm trong lưu huỳnh đi-ô-xít, hoặc ngâm trong các dung dịch nước, loại bỏ những phần hư hại, và các hoạt động tương tự);
b) Các công đoạn đơn giản bao gồm tẩy bụi, sàng hoặc lọc, phân loại, xếp loại, xếp thành nhóm (bao gồm việc sắp xếp bộ đồ vật), rửa, sơn, cắt;
c) Thay đổi bao bì, tháo dỡ và lắp ghép các kiện hàng;
d) Cắt, lát mỏng và đóng hoặc để đơn giản vào chai, lon, khuôn, túi, hộp hoặc gắn lên thẻ hoặc bảng và các công đoạn đóng gói bao bì đơn giản khác;
đ) Dán nhãn, mác hoặc các dấu hiệu phân biệt tương tự lên sản phẩm hoặc lên bao bì;
e) Trộn đơn giản các sản phẩm, cùng loại hay khác loại, với điều kiện một hoặc nhiều thành phần của hỗn hợp này không đáp ứng các điều kiện của Phụ lục này có thể được coi là sản phẩm có xuất xứ;
g) Lắp ráp đơn giản các bộ phận của sản phẩm để tạo nên một sản phẩm hoàn chỉnh;
h) Tháo rời sản phẩm thành từng phần;
h) Giết mổ động vật với nghĩa chỉ giết đơn thuần; và
i) Hòa tan trong nước hoặc chất khác mà không làm thay đổi đặc tính của sản phẩm.
2. Đối với hàng dệt và các sản phẩm dệt được quy định tại Phụ lục 3, một sản phẩm hay nguyên liệu sẽ không được coi là một sản phẩm có xuất xứ của một Nước thành viên nếu nó chỉ trải qua bất cứ một quá trình nào như sau:
a) Các công đoạn kết hợp đơn giản, dán mác, là, ép, làm sạch hoặc giặt khô hoặc các công đoạn đóng gói hoặc bất kỳ một sự phối hợp nào của các quá trình này;
b) Cắt theo chiều dài hay chiều rộng và viền, móc hay may đè vải nhằm sử dụng cho một hình thức thương mại đặc biệt;
c) Cắt tỉa và/hoặc ghép với nhau bằng cách may, tạo vòng, ghép nối, gắn các phụ kiện như nẹp áo, dải, thắt lưng, dây vòng hoặc khuyết;
d) Một hay nhiều công đoạn hoàn tất cho sợi, vải hoặc các sản phẩm dệt khác như tẩy trắng, chống thấm, co kết, làm bóng hoặc các công đoạn tương tự; hoặc
đ) Nhuộm hoặc in hoa vải hoặc sợi.
Điều 8. Vận chuyển trực tiếp
Các phương thức được liệt kê dưới đây được coi là vận chuyển trực tiếp từ Nước thành viên xuất khẩu tới Nước thành viên nhập khẩu:
1. Nếu sản phẩm được vận chuyển qua lãnh thổ của bất kỳ một Nước thành viên AIFTA nào;
2. Nếu sản phẩm được vận chuyển mà không quá cảnh qua lãnh thổ của một nước không phải là Nước thành viên AIFTA;
3. Nếu sản phẩm quá cảnh qua một hoặc nhiều nước trung gian không phải là Nước thành viên, có hoặc không có chuyển tàu hoặc lưu kho tạm thời tại các nước không phải là thành viên đó, với điều kiện:
a) Quá cảnh là cần thiết vì lý do địa lí hoặc do các yêu cầu có liên quan trực tiếp đến vận tải;
b) Sản phẩm không tham gia vào giao dịch thương mại hoặc tiêu thụ tại nước quá cảnh đó; và
c) Sản phẩm không trải qua bất kỳ công đoạn nào khác ngoài việc dỡ hàng và bốc lại hàng hoặc những công đoạn cần thiết để giữ sản phẩm trong điều kiện tốt.
Điều 9. Quy định về bao bì và vật liệu đóng gói
1. Vật liệu đóng gói và bao bì để bán lẻ, khi được phân loại cùng với sản phẩm đóng gói, sẽ được loại trừ trong việc xem xét liệu tất cả vật liệu không có xuất xứ được sử dụng trong việc sản xuất ra sản phẩm có đáp ứng tiêu chí thay đổi mã số hàng hóa của sản phẩm đó hay không.
2. Trường hợp áp dụng tiêu chí tỷ lệ phần trăm giá trị để xác định xuất xứ sản phẩm, giá trị của vật liệu đóng gói và bao bì để bán lẻ được tính đến khi xác định xuất xứ của sản phẩm, trong trường hợp bao bì này được coi là một cấu thành của sản phẩm.
3. Bao gói và vật liệu đóng gói dùng để vận chuyển sản phẩm sẽ không được xem xét khi xác định xuất xứ của sản phẩm đó.
Điều 10. Phụ kiện, phụ tùng, dụng cụ, tài liệu hướng dẫn hoặc tài liệu mang tính thông tin
1. Xuất xứ của các phụ kiện, phụ tùng, dụng cụ và các tài liệu hướng dẫn hoặc tài liệu mang tính thông tin khác đi kèm sản phẩm sẽ không tính đến khi xác định xuất xứ sản phẩm với điều kiện các phụ kiện, phụ tùng, dụng cụ và các tài liệu hướng dẫn hoặc tài liệu mang tính thông tin phải:
a) Phù hợp với tập quán thương mại tiêu chuẩn tại thị trường nội địa của nước thành viên xuất khẩu; và
b) Được Nước thành viên nhập khẩu phân loại và thu thuế nhập khẩu cùng với sản phẩm đó.
Tuy nhiên, nếu sản phẩm thỏa mãn quy tắc xuất xứ hàm lượng giá trị AIFTA, trị giá của các phụ kiện, phụ tùng, dụng cụ và các tài liệu hướng dẫn hoặc tài liệu mang tính thông tin đó sẽ được xét đến như là nguyên vật liệu có xuất xứ hoặc không có xuất xứ khi tính hàm lượng AIFTA.
Điều 11. Các yếu tố gián tiếp
Khi xác định xuất xứ sản phẩm, các nguyên liệu gián tiếp như năng lượng, nhiên liệu, nhà máy và thiết bị, hoặc máy móc và dụng cụ được sử dụng để sản xuất sản phẩm đó sẽ được coi là có xuất xứ cho dù nguyên liệu đó có xuất xứ từ các nước không phải là thành viên hay không, và trị giá của nguyên liệu đó sẽ là chi phí được ghi trong sổ sách kế toán của nhà sản xuất hàng hóa xuất khẩu.
Điều 12. Nguyên vật liệu giống nhau và có thể thay thế nhau
Để xác định xuất xứ của hàng hóa khi được sản xuất có sử dụng pha trộn hoặc kết hợp cả nguyên liệu có xuất xứ và nguyên liệu không có xuất xứ, việc xác định xuất xứ của các nguyên liệu này có thể dựa vào các nguyên tắc kế toán về quản lý kho đang được sử dụng rộng rãi trong thực tế tại nước thành viên xuất khẩu.
Điều 13. C/O Mẫu AI
Để được cho hưởng ưu đãi về thuế quan, sản phẩm phải có C/O mẫu AI do cơ quan của Chính phủ được ủy quyền của nước xuất khẩu cấp và thông báo tới các Nước thành viên khác theo các quy định về Thủ tục cấp và kiểm tra xuất xứ nêu tại Phụ lục 4./.
PHỤ LỤC 2
CÁCH TÍNH HÀM LƯỢNG AIFTA
(Ban hành kèm theo Thông tư số 15/2010/TT-BCT ngày 15 tháng 4 năm 2010 của Bộ Công Thương về việc thực hiện Quy tắc xuất xứ trong Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN-Ấn Độ)
1. Giá FOB được tính theo công thức như sau:
a) Giá FOB = Giá xuất xưởng + các chi phí khác
b) Các chi phí khác trong công thức trên là các chi phí phát sinh trong việc đưa hàng lên tàu để xuất khẩu, bao gồm nhưng không giới hạn bởi chi phí vận tải nội địa, chi phí lưu kho, chi phí tại cảng, phí môi giới, phí dịch vụ và các chi phí tương tự khác.
2. Giá xuất xưởng được tính theo công thức sau:
a) Giá xuất xưởng = Chi phí sản xuất + Lợi nhuận
b) Công thức tính chi phí sản xuất:
i) Chi phí sản xuất = Chi phí nguyên vật liệu thô + Chi phí nhân công + Chi phí phân bổ.
ii) Chi phí nguyên vật liệu thô bao gồm:
- Chi phí nguyên liệu thô;
- Chi phí vận tải và phí bảo hiểm.
iii) Chi phí nhân công bao gồm:
- Lương;
- Thù lao;
- Các khoản phúc lợi khác cho người lao động có liên quan đến quá trình sản xuất.
iv) Chi phí phân bổ (danh sách không bị giới hạn) bao gồm nhưng không giới hạn bởi:
- Chi phí nhà xưởng có liên quan đến quá trình sản xuất (bảo hiểm, chi phí thuê và thuê mua nhà máy, khấu hao nhà xưởng, sửa chữa, bảo trì, thuế, lãi cầm cố);
- Các khoản thuê mua và trả lãi của nhà máy và thiết bị;
- An ninh nhà máy;
- Bảo hiểm (nhà máy, thiết bị và nguyên vật liệu sử dụng trong quá trình sản xuất sản phẩm);
- Các chi phí tiện ích (năng lượng, điện, nước và các chi phí tiện ích khác đóng góp trực tiếp vào quá trình sản xuất);
- Nghiên cứu, phát triển, thiết kế và chế tạo;
- Khuôn rập, khuôn đúc, việc trang bị dụng cụ và khấu hao, bảo trì và sửa chữa của nhà máy và thiết bị;
- Tiền bản quyền sáng chế (có liên quan đến máy móc hoặc quy trình sản xuất có bản quyền hoặc quyền sản xuất);
- Kiểm tra và thử nghiệm nguyên vật liệu và sản phẩm;
- Lưu trữ và sắp xếp trong nhà máy;
- Xử lý các chất thải có thể tái chế;
- Các yếu tố chi phí trong việc tính toán giá trị của nguyên vật liệu như chi phí cảng, chi phí giải phóng hàng và thuế nhập khẩu./.
[FILE ĐÍNH KÈM TRONG VĂN BẢN]
[1] Thông tư số 08/2024/TT-BCT sửa đổi, bổ sung một số Thông tư của Bộ trưởng Bộ Công Thương trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, có hiệu lực kể từ ngày 07 tháng 6 năm 2024 có căn cứ ban hành như sau:
"Căn cứ Nghị định số 96/2022/NĐ-CP ngày 29 tháng 11 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu;
Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số Thông tư của Bộ trưởng Bộ Công Thương trong lĩnh vực xuất nhập khẩu."
[2] Cụm từ "Vụ Xuất Nhập khẩu" được thay thế bởi cụm từ "Cục Xuất nhập khẩu" theo quy định tại Điều 3 của Thông tư số 08/2024/TT-BCT sửa đổi, bổ sung một số Thông tư của Bộ trưởng Bộ Công Thương trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, có hiệu lực kể từ ngày 07 tháng 6 năm 2024.
[3] Cụm từ "Vụ Xuất Nhập khẩu" được thay thế bởi cụm từ "Cục Xuất nhập khẩu" theo quy định tại Điều 3 của Thông tư số 08/2024/TT-BCT sửa đổi, bổ sung một số Thông tư của Bộ trưởng Bộ Công Thương trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, có hiệu lực kể từ ngày 07 tháng 6 năm 2024.
[4] Điều 5 của Thông tư số 08/2024/TT-BCT sửa đổi, bổ sung một số Thông tư của Bộ trưởng Bộ Công Thương trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, có hiệu lực kể từ ngày 07 tháng 6 năm 2024 quy định như sau:
"Điều 5. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 07 tháng 6 năm 2024.
2. Trong quá trình thực hiện Thông tư này, nếu có phát sinh vướng mắc, thương nhân, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phản ánh bằng văn bản về Bộ Công Thương để được xử lý./."
[1] Cây trồng có nghĩa là tất cả các loại sản phẩm từ cây trồng, bao gồm sản phẩm lâm nghiệp, quả, hoa, rau, cây cối, tảo biển, nấm và các loại cây trồng sống.
[2] Động vật được đề cập tại khoản 2 và khoản 3 bao gồm tất cả các loại động vật sống, bao gồm động vật có vú, chim, cá, loài giáp xác, động vật thân mềm, loài bò sát và sinh vật sống.
[3] Sản phẩm đề cập những sản phẩm thu được từ động vật sống không chế biến thêm gì, bao gồm sữa, trứng, mật ong tự nhiên, lông, len, tinh dịch và phân bón.
[4] Bao gồm tất cả các mảnh thừa và vật thải bao gồm mảnh thừa và vật thải ra từ hoạt động sản xuất hoặc chế biến hoặc tiêu thụ ở cùng một nước, máy móc thừa, bao bì vứt đi, và tất cả các sản phẩm không còn thực hiện được những chức năng ban đầu hoặc cũng không thể sửa chữa hay khôi phục được và chỉ có thể vứt bỏ hoặc dùng làm các nguyên vật liệu. Các hoạt động sản xuất hoặc chế biến đó bao gồm tất cả các loại chế biến, không chỉ là các hoạt động công nghiệp và hoá học mà còn bao gồm các hoạt động khai mỏ, nông nghiệp, xây dựng, tinh chế, thiêu đốt và xử lý chất thải.
[5] Các nước thành viên được linh hoạt trong việc sử dụng phương pháp tính hàm lượng AIFTA, có thể sử dụng phương pháp tính trực tiếp hoặc phương pháp tính gián tiếp. Để tăng cường tính minh bạch, thống nhất và chắc chắn, mỗi nước thành viên phải sử dụng cố định một phương pháp. Bất kỳ sự thay đổi nào trong cách tính toán phải được thông báo cho các nước thành viên khác ít nhất là sáu (6) tháng trước ngày áp dụng phương pháp tính mới. Nước thành viên nhập khẩu sẽ tiến hành kiểm tra hàm lượng AIFTA trên cơ sở phương pháp tính hàm lượng AIFTA do nước thành viên xuất khẩu sử dụng.