Open navigation

Công văn 399/XNK-THCS ngày 22/07/2024 Xác nhận thương nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam

BỘ CÔNG THƯƠNG
CỤC XUẤT NHẬP KHẨU
 -------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
________________________________

Số: 399/XNK-THCS

V/v xác định thương nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam

Hà Nội, ngày 22 tháng 7 năm 2024

 Kính gửi: Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính)

Trả lời công văn số 2643/TCHQ-GSQL ngày 10 tháng 6 năm 2024 của Tổng cục Hải quan về việc xác định thương nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) có ý kiến như sau:

1. Khái niệm “thương nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam” trong phạm vi quản lý của ngành Công Thương

- Khoản 5 Điều 3 Luật Quản lý ngoại thương quy định: “Thương nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam là thương nhân nước ngoài không có hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam theo các hình thức được quy định trong pháp luật về đầu tư, thương mại, doanh nghiệp; không có văn phòng đại diện, chi nhánh tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về thương mại, doanh nghiệp”.

Định nghĩa nêu trên, theo quy định tại Điều 3 Luật Quản lý ngoại thương, chỉ được áp dụng trong phạm vi của Luật Quản lý ngoại thương. Tại Luật Quản lý ngoại thương, chỉ có duy nhất một điều khoản có liên quan tới “thương nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam” là khoản 3 Điều 5 quy định về quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu của các đối tượng này.

- Khoản 2 Điều 3 Nghị định số 90/2007/NĐ-CP quy định: “Thương nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam là thương nhân nước ngoài không có đầu tư trực tiếp tại Việt Nam theo các hình thức được quy định trong Luật Đầu tư, Luật Thương mại; không có văn phòng đại diện, chi nhánh tại Việt Nam theo Luật Thương mại”.

Tương tự như trong Luật Quản lý ngoại thương, định nghĩa này chỉ được áp dụng trong phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 90/2007/NĐ-CP, tức là chỉ áp dụng đối với các trường hợp cần xác định quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu của các đối tượng này.

- Việc ban hành Nghị định số 90/2007/NĐ-CP ngày 31 tháng 5 năm 2007 của Chính phủ quy định về quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu tại Việt Nam của thương nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam là để nội luật hóa cam kết của Việt Nam trong WTO liên quan đến quyền kinh doanh của cá nhân và doanh nghiệp không có hiện diện tại Việt Nam. Trong đó, khoản 1 Điều 4 Nghị định số 90/2007/NĐ-CP quy định: “Thương nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam được thực hiện các quyền xuất khẩu, nhập khẩu khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu đối với các loại hàng hóa được phép xuất khẩu, nhập khẩu theo quy định của pháp luật Việt Nam và theo lộ trình cam kết về mở cửa thị trường của Việt Nam” và “thực hiện mua hàng hóa để xuất khẩu và bán hàng hóa nhập khẩu với thương nhân Việt Nam có đăng ký kinh doanh các loại hàng hóa đó theo quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam”.

Điều kiện và thủ tục để được đăng ký quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu cũng như hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu của thương nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam được quy định tại Chương 2 Nghị định số 90/2007/NĐ-CP

- Căn cứ các quy định nêu trên, định nghĩa về “thương nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam” trong phạm vi quản lý ngành Công Thương (Luật Quản lý ngoại thương, Nghị định số 90/2007/NĐ-CP) chỉ liên quan đến các quy định về quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu, tức là chỉ áp dụng cho các trường hợp cần xác định quyền xuất khẩu hay quyền nhập khẩu của các đối tượng này, không áp dụng cho các mục đích khác.

2. Về việc xác định thương nhân nước ngoài không hiện diện tại Việt Nam theo quy định tại Nghị định số 08/2015/NĐ-CP của Chính phủ

Khoản 1 Điều 35 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP quy định về hàng hóa xuất nhập khẩu tại chỗ, trong đó đưa ra cụm từ “tổ chức, cá nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam”. Tuy nhiên, Nghị định không có quy định giải thích khái niệm này.

Theo nội dung trao đổi tại Công văn số 2643/TCHQ-GSQL, ngày 10 tháng 6 năm 2024 của Tổng cục Hải quan, Cục Xuất nhập khẩu hiểu rằng Tổng cục Hải quan sử dụng định nghĩa “thương nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam” quy định tại Luật Quản lý ngoại thương và Nghị định số 90/2007/NĐ-CP để phục vụ cho mục đích của Nghị định số 08/2015/NĐ-CP.

Tuy nhiên, như đã phân tích ở trên, định nghĩa “thương nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam” quy định tại Luật Quản lý ngoại thương và Nghị định số 90/2007/NĐ-CP chỉ áp dụng trong trường hợp cần xác định quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu của các đối tượng này, không áp dụng cho bất kỳ mục đích nào khác.

Nghị định 08/2015/NĐ-CP là Nghị định hướng dẫn Luật Hải quan. Do đó, đối với vướng mắc phát sinh liên quan đến việc xác định tổ chức, cá nhân nước ngoài không hiện diện tại Việt Nam theo quy định tại Nghị định số 08/2015/NĐ-CP nêu trên, đề nghị Tổng cục Hải quan (cơ quan chủ trì soạn thảo Nghị định 08/2015/NĐ-CP) căn cứ chức năng, nhiệm vụ và yêu cầu quản lý, nghiên cứu, làm rõ nội hàm khái niệm “tổ chức, cá nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam” theo pháp luật hải quan để hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện. Bộ Công Thương không có ý kiến về vướng mắc này.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) xin gửi ý kiến để quý Tổng cục tham khảo./.

 
Nơi nhận:
- Như trên;
- Tổng cục Thuế;
- Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân (để b/c);
- Vụ Pháp chế;
- PCT Nguyễn Cẩm Trang;
 - Lưu: VT, THCS, anhtho

CỤC TRƯỞNG




 Nguyễn Anh Sơn

 

Tải về văn bản (file PDF):

Câu trả lời này có giúp ích cho bạn không? Yes No

Send feedback
Rất tiếc là chúng tôi không giúp được nhiều. Hãy giúp chúng tôi cải thiện bài viết này bằng phản hồi của bạn.