TỔNG CỤC HẢI QUAN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 517/HQTPHCM-TXNK V/v góp ý kiến nội dung kê khai trị giá hải quan hàng thuê, mượn | Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 06 tháng 3 năm 2024 |
Kính gửi: Tổng cục Hải quan (Cục Thuế xuất nhập khẩu).
Thực hiện nội dung tại công văn số 614/TCHQ-TXNK ngày 06/02/2024 của Tổng cục Hải quan về việc lấy ý kiến nội dung kê khai trị giá hải quan hàng thuê, mượn. Sau khi nghiên cứu nội dung dự thảo văn bản, Cục Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh có một số ý kiến tham gia như sau:
I. Quy định hiện hành về trị giá hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu là hàng đi thuê, đi mượn:
Căn cứ khoản 9 Điều 17 Thông tư số 39/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 được sửa đổi, bổ sung tại khoản 9 Điều 1 Thông tư số 60/2019/TT-BTC ngày 30/8/2019 của Bộ Tài chính quy định: “Đối với hàng hóa nhập khẩu là hàng đi thuê, trị giá hải quan là trị giá khai báo được xác định trên cơ sở giá thực tế đã thanh toán hay sẽ phải thanh toán để thuê hàng hóa và các khoản chi phí khác mà người đi thuê phải trả để đưa hàng hóa đến cửa khẩu nhập đầu tiên, phù hợp với chứng từ, tài liệu có liên quan đến hàng hóa đi thuê.
Đối với hàng hóa nhập khẩu là hàng đi mượn, trị giá hải quan là toàn bộ các chi phí mà người đi mượn phải trả để đưa hàng hóa đến cửa khẩu nhập đầu tiên, phù hợp với các chứng từ, tài liệu có liên quan đến hàng hóa đi mượn.
Trường hợp cơ quan hải quan có căn cứ xác định người khai hải quan khai báo trị giá không phù hợp thì xác định trị giá hải quan theo phương pháp xác định trị giá quy định tại Thông tư này, phù hợp với thực tế hàng hóa nhập khẩu.”
II. Dự thảo của Tổng cục Hải quan tại công văn số 614/TCHQ-TXNK ngày 06/02/2024
1. Đối với hàng hóa xuất khẩu cho thuê, cho mượn:
Theo dự thảo công văn hướng dẫn đối với hàng hóa xuất khẩu cho thuê, cho mượn: “Trị giá hải quan của hàng hóa xuất khẩu là hàng cho thuê, cho mượn là toàn bộ giá trị của hàng hóa tính đến cửa khẩu xuất và chi phí vận chuyển, chi phí bảo hiểm đến cửa khẩu xuất phù hợp với các chứng từ, tài liệu có liên quan đến hàng hóa cho thuê, cho mượn; Khi thực hiện tái nhập, trị giá hải quan là giá trị còn lại của hàng hóa tại thời điểm nhận hàng hóa. Giá trị còn lại của hàng hóa được xác định trên cơ sở ghi chép, theo dõi tại hồ sơ kế toán của chủ hàng hóa.”
Dự thảo đã hướng dẫn bổ sung quy định về trị giá hải quan của hàng hóa xuất khẩu là hàng cho thuê, cho mượn chưa được quy định cụ thể tại các văn bản quy phạm pháp luật, lấp khoảng trống pháp lý và tạo cơ sở pháp lý để thực hiện.
Đối với trường hợp hàng hóa tạm xuất cho thuê, cho mượn được nhập khẩu từ nước ngoài đã nộp các loại thuế liên quan khi vào lãnh thổ Việt Nam, trong trường hợp này khi thực hiện tái nhập phải tiếp tục nộp các loại thuế liên quan đến hàng hóa nhập khẩu dẫn đến cùng một hàng hóa nhưng phải nộp thuế 02 lần là chưa phù hợp.
2. Đối với hàng hóa nhập khẩu đi thuê, đi mượn:
Theo dự thảo công văn hướng dẫn đối với hàng hóa nhập khẩu đi thuê, đi mượn: "Trị giá hải quan của hàng hóa nhập khẩu là hàng đi thuê, đi mượn là toàn bộ giá trị của hàng hóa nhập khẩu tính đến cửa khẩu nhập đầu tiên, bao gồm giá trị của hàng hóa đi thuê, đi mượn và chi phí đưa hàng hóa đến cửa khẩu nhập đầu tiên phù hợp với các chứng từ, tài liệu có liên quan đến hàng hóa đi thuê, đi mượn; Khi thực hiện tái xuất, trị giá hải quan là giá trị còn lại của hàng hóa tại thời điểm trả hàng hóa. Giá trị còn lại của hàng hóa được xác định trên cơ sở ghi chép, theo dõi tại hồ sơ kế toán của chủ hàng hóa.”
Việc nội dung dự thảo hướng dẫn xác định trị giá hải quan của hàng hóa nhập khẩu theo toàn bộ giá trị của hàng hóa nhập khẩu chưa phù hợp với quy định tại khoản 9 Điều 17 Thông tư số 39/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 được sửa đổi, bổ sung tại khoản 9 Điều 1 Thông tư số 60/2019/TT-BTC ngày 30/8/2019 của Bộ Tài chính.
Đối với quy định về xác định trị giá hải quan đối với hàng hóa khi tái xuất: Do hàng hóa là hàng đi thuê, đi mượn thì chủ hàng hóa là người xuất khẩu (người cho thuê, cho mượn), không phải là người nhập khẩu (người đi thuê, đi mượn) nên khi thực hiện tái xuất, trị giá hải quan là giá trị còn lại của hàng hóa tại thời điểm trả hàng hóa, giá trị còn lại của hàng hóa được xác định trên cơ sở ghi chép, theo dõi tại hồ sơ kế toán của chủ hàng hóa nên việc xem xét hồ sơ kế toán của chủ hàng hóa nên khó thực hiện với người nhập khẩu (người đi thuê, đi mượn) và cơ quan hải quan thực hiện thủ tục hải quan khi tái xuất.
III. Ý kiến góp ý:
Từ những nhận định nêu trên, áp dụng quy định tại Điều 86 Luật Hải quan, khoản 3 Điều 20 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015 của Chính phủ thì thẩm quyền ban hành hướng dẫn việc kê khai, xác định trị giá hải quan như dự thảo tại công văn số 614/TCHQ-TXNK ngày 06/02/2024 sẽ thuộc Bộ Tài chính. Do đó, đề nghị Tổng cục Hải quan báo cáo Bộ Tài chính hướng dẫn, đồng thời sửa đổi, bổ sung, làm rõ một số nội dung dự thảo nêu trên.
Đối với việc xác định giá trị còn lại của hàng hóa cần có hướng dẫn cụ thể hơn về hồ sơ, chứng từ, việc khai báo, tính thuế.
Cục Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh báo cáo Tổng cục Hải quan (Cục Thuế xuất nhập khẩu) biết và tổng hợp./.
| KT. CỤC TRƯỞNG |