Open navigation

Công văn 10728/BCT-CT ngày 30/12/2024 Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình tại Công văn 6453_VPCP-VI về phản ánh khiếu nại liên quan đến kinh

BỘ CÔNG THƯƠNG
 -------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
________________________________

Số: 10728/BCT-CT

V/v thực hiện chỉ đạo của PTTg Nguyễn Hòa Bình tại Công văn 6453/VPCP-V.I ngày 10/9/2023 về phản ánh, khiếu nại liên quan đến kinh doanh dịch vụ nghỉ dưỡng

Hà Nội, ngày 30 tháng 12 năm 2024

 Kính gửi: Thủ tướng Chính phủ

Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình tại Công văn 6453/VPCP-V.I ngày 10/9/2023 của Văn phòng Chính phủ về phản ánh, khiếu nại liên quan đến kinh doanh dịch vụ nghỉ dưỡng, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công an, Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa và các cơ quan có liên quan và xin báo cáo kết quả thực hiện như sau:

1. Việc thực hiện chỉ đạo của PTTg Nguyễn Hòa Bình

Đối với chỉ đạo lập Kế hoạch rà soát pháp luật: Bộ Công Thương đã xây dựng dự thảo Kế hoạch rà soát pháp luật về 07 lĩnh vực, gồm: dân sự; du lịch; doanh nghiệp, đầu tư; xây dựng, kinh doanh bất động sản, nhà ở; hình sự; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và cạnh tranh và gửi các công văn số 7904/BCT-CT ngày 07/10/2024 và số 8781/BCT-CT ngày 01/11/2024 lấy ý kiến của các Bộ, ngành, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về dự thảo Kế hoạch.

Trong dự thảo Kế hoạch, Bộ Công Thương đề xuất:

- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì rà soát lĩnh vực pháp luật về du lịch và chủ trì tổng hợp, dự thảo báo cáo kết quả rà soát trình Thủ tướng Chính phủ;

- Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì rà soát lĩnh vực pháp luật về doanh nghiệp, đầu tư;

- Bộ Xây dựng chủ trì rà soát lĩnh vực pháp luật về xây dựng, kinh doanh bất động sản, nhà ở;

- Bộ Tư pháp chủ trì rà soát lĩnh vực pháp luật về dân sự;

- Bộ Công an chủ trì rà soát lĩnh vực pháp luật về hình sự;

- Bộ Công Thương chủ trì rà soát lĩnh vực pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và cạnh tranh.

Bộ Công Thương nhận được ý kiến đóng góp của 74 đơn vị (19 Bộ, ban ngành, 55 UBND/ Sở Công Thương các tỉnh, thành phố được tổng hợp tại bảng trình kèm) và đã tổ chức cuộc họp ngày 13/12/2024 với các Bộ: Tư pháp, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Kế hoạch và Đầu tư, Công an, Xây dựng để trao đổi về dự thảo Kế hoạch.

Đối với chỉ đạo lập Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Công Thương nhận thấy:

(i) Đối với luật, pháp lệnh: vấn đề này thuộc thẩm quyền của Bộ Tư pháp trên cơ sở đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh theo Điều 43 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật;

(ii) Đối với các văn bản quy phạm pháp luật khác: các Bộ, ngành có trách nhiệm lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật theo các Điều 84, 97 và 101 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Do đó, Bộ Công Thương không dự thảo Chương trình riêng mà lồng ghép quy định về trách nhiệm đề xuất hoàn thiện quy định pháp luật của các Bộ, ngành, địa phương được phân công rà soát quy định pháp luật tại bản Kế hoạch rà soát pháp luật.

Bộ Công Thương xin báo cáo Thủ tướng Chính phủ dự thảo Kế hoạch rà soát pháp luật đã gửi lấy ý kiến các Bộ, ngành, địa phương và Bảng tổng hợp ý kiến góp ý ở tài liệu đính kèm.

2. Ý kiến của các Bộ có liên quan

Các Bộ liên quan có ý kiến đóng góp bằng văn bản và tại cuộc họp ngày 13/12/2024 tại Bộ Công Thương như sau:

2.1. Bộ Tư pháp

- Việc rà soát pháp luật về dân sự, hình sự để điều chỉnh hoạt động dịch vụ nghỉ dưỡng này là không cần thiết vì các vấn đề có liên quan đã được điều chỉnh trong Bộ luật Dân sự 2015 và Bộ luật Hình sự 2015.

- Trước tiên cần xác định bản chất dịch vụ nghỉ dưỡng dài hạn là dịch vụ lưu trú. Nếu đây là loại hình kinh doanh dịch vụ lưu trú như đã có thì cần thiết phải rà soát, bổ sung, sửa đổi các quy định của pháp luật hiện hành về điều kiện kinh doanh dịch vụ lưu trú; nếu đây là mô hình kinh doanh hoàn toàn mới thì cần thiết phải xây dựng các điều kiện kinh doanh cụ thể để điều chỉnh lĩnh vực này và giao cơ quan quản lý nhà nước có liên quan để rà soát, xây dựng các điều kiện đối với hoạt động kinh doanh lĩnh vực này.

2.2. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

- Kinh doanh hoạt động nghỉ dưỡng là hoạt động tổng thể có liên quan đến nhiều vấn đề, ví dụ du lịch, kinh doanh bất động sản, giao thông vận tải, xây dựng, công thương... Do đó, nếu đề xuất giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì rà soát, hoàn thiện pháp luật về du lịch nhằm điều chỉnh hoạt động kinh doanh này thì không hợp lý.

- Pháp luật về du lịch đã có những quy định liên quan đến vấn đề du lịch trong hoạt động dịch vụ nghỉ dưỡng. Đồng thời, những tranh chấp khiếu kiện thời gian qua liên quan đến kinh doanh dịch vụ nghỉ dưỡng là tranh chấp dân sự, không phải là tranh chấp liên quan đến hoạt động du lịch.

Vì vậy, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp cùng các Bộ, ngành rà soát, hoàn thiện pháp luật trong lĩnh vực này.

2.3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Đề nghị bỏ đề xuất giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì nhiệm vụ rà soát pháp luật về doanh nghiệp, đầu tư với lý do:

- Căn cứ quy định tại khoản 3 Điều 7 Luật Đầu tư, thì điều kiện đầu tư kinh doanh cụ thể đối với các ngành, nghề được quy định bởi pháp luật chuyên ngành, không quy định tại Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp. Luật Đầu tư là Luật điều chỉnh chung đối với các lĩnh vực liên quan đến đầu tư, không điều chỉnh các điều kiện kinh doanh cụ thể đối với từng lĩnh vực chuyên ngành.

- Đối với vấn đề kinh doanh dịch vụ nghỉ dưỡng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước, hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật về lưu trú du lịch và các dịch vụ du lịch khác.

Vì vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng không cần thiết rà soát pháp luật về doanh nghiệp, đầu tư, đồng thời đề xuất Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là cơ quan chủ trì, rà soát hoàn thiện pháp luật về du lịch để điều chỉnh loại hình dịch vụ nghỉ dưỡng dài hạn này.

2.4. Bộ Công an

Kinh doanh dịch vụ sở hữu kỳ nghỉ, nghỉ dưỡng dài hạn... bản chất là kinh doanh dịch vụ lưu trú. Vì vậy, cần ban hành quy định trong lĩnh vực pháp luật chuyên ngành để điều chỉnh loại hình kinh doanh này, cụ thể là pháp luật về du lịch.

2.5. Bộ Xây dựng

Đề xuất bỏ nhiệm vụ rà soát pháp luật về xây dựng, kinh doanh bất động sản, nhà ở với lý do “Kinh doanh dịch vụ lưu trú” và “Kinh doanh bất động sản” là hai ngành khác nhau và có điều kiện kinh doanh khác nhau. Hoạt động kinh doanh bất động sản nghỉ dưỡng đã được điều chỉnh trong Luật Kinh doanh bất động sản nên không cần thiết phải rà soát pháp luật về kinh doanh bất động sản. Còn hoạt động kinh doanh dịch vụ lưu trú, nghỉ dưỡng thuộc chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nên cơ quan quản lý chuyên ngành cần chủ trì rà soát để điều chỉnh quy định của pháp luật liên quan, ví dụ như các vấn đề về điều kiện cho thuê, chuyển nhượng liên quan đến dịch vụ lưu trú trong các khu nghỉ dưỡng.

3. Kiến nghị của Bộ Công Thương

Theo ý kiến góp ý bằng văn bản và kết quả thảo luận tại cuộc họp ngày 13/12/2024, hầu hết ý kiến các Bộ (Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư, Công an, Xây dựng) đều cho rằng kinh doanh dịch vụ nghỉ dưỡng dài hạn về bản chất là loại hình kinh doanh thuộc lĩnh vực du lịch nên cần tập trung rà soát, hoàn thiện pháp luật về du lịch. Một số bản án của TAND thành phố Nha Trang cũng đã xác định bản chất của hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ là cung cấp dịch vụ lưu trú cho khách nghỉ dưỡng nên có cơ sở xác định hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ là hợp đồng dịch vụ lưu trú du lịch.[1]

Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương đã dự thảo văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ và gửi công văn số 10281/BCT-CT ngày 16/12/2024 lấy ý kiến các đơn vị. Bộ Công Thương và các Bộ có liên quan đã thống nhất như sau:

- Về vấn đề thực thi pháp luật: hoạt động kinh doanh dịch vụ nghỉ dưỡng dài hạn có liên quan đến nhiều lĩnh vực pháp luật và chức năng quản lý của các Bộ, ngành khác nhau tùy vấn đề phát sinh trên thực tế, ví dụ: tranh chấp hợp đồng (hệ thống tòa án), điều kiện kinh doanh (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), tội phạm (Bộ Công an), bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và cạnh tranh (Bộ Công Thương). Do vậy, các Bộ, ngành trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền được giao cần có các biện pháp tăng cường quản lý để bảo vệ quyền lợi của bên tham gia giao dịch.

- Về vấn đề hoàn thiện thể chế: kinh doanh dịch vụ nghỉ dưỡng dài hạn về bản chất là loại hình kinh doanh quyền lưu trú tại các khu nghỉ dưỡng kèm theo một số dịch vụ thường được cung cấp gắn liền với dịch vụ lưu trú trong các khu nghỉ dưỡng đó - thuộc lĩnh vực du lịch. Trong số khách nghỉ dưỡng, một số lượng không nhỏ người dân ký kết hợp đồng có phát sinh giao dịch bán lại dịch vụ kỳ nghỉ du lịch đã mua (chiếm khoảng 80% số lượng đơn phản ánh, kiến nghị của công dân gửi đến Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia - Bộ Công Thương tính đến ngày 24/12/2024) nên không thuộc đối tượng điều chỉnh và bảo vệ của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2024. Do vậy, dưới góc độ hoàn thiện thể chế (ví dụ: nhận diện loại hình kinh doanh, quy định điều kiện kinh doanh đặc thù, các hành vi bị nghiêm cấm...), cần tập trung hoàn thiện pháp luật về du lịch (pháp luật chuyên ngành) để có cơ sở điều chỉnh loại hình kinh doanh này.

Trên cơ sở ý kiến góp ý của các Bộ, Bộ Công Thương cho rằng trước hết cần tập trung hoàn thiện pháp luật chuyên ngành điều chỉnh lĩnh vực kinh doanh dịch vụ nghỉ dưỡng - là pháp luật về du lịch thay vì xây dựng Kế hoạch rà soát pháp luật. Theo đó, Bộ Công Thương kính kiến nghị Thủ tướng Chính phủ:

1. Giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan rà soát, hoàn thiện pháp luật về du lịch để điều chỉnh loại hình kinh doanh này.

2. Giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Công Thương, Bộ Công an và các Bộ, ngành liên quan tăng cường các biện pháp quản lý để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng nói riêng và bên tham gia giao dịch nói chung trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền được giao.

Bộ Công Thương xin báo cáo và kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến chỉ đạo./.

 
Nơi nhận:
- Như trên;
- PTTg Nguyễn Hòa Bình;
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ, ngành, UBND cấp tỉnh;
- BT Nguyễn Hồng Diên;
- Vụ PC, TTB;
 - Lưu: VT, CT.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




 Nguyễn Sinh Nhật Tân

 

 

 

 

 

 

 


[1] Ví dụ: các bản án số 41/2022/DS-ST ngày 27/7/2022; số 38/2023/DS-PT ngày 03/4/2023.



TỔNG HỢP Ý KIẾN ĐỐI VỚI DỰ THẢO QUYẾT ĐỊNH BAN HÀNH KẾ HOẠCH RÀ SOÁT PHÁP LUẬT CÓ LIÊN QUAN ĐẾN QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG CỦA LOẠI HÌNH KINH DOANH DỊCH VỤ NGHỈ DƯỠNG
(tính đến ngày 13/12/2024)

Tổng hợp ý kiến của: 74 đơn vị 

- 19 Bộ, ban ngành;

- 55 UBND/ Sở Công Thương các tỉnh, thành phố;

Trong đó:

- Thống nhất/ Không có ý kiến khác/ Không có ý kiến: 46 đơn vị.

- Cơ bản nhất trí với nội dung dự thảo và đề nghị làm rõ/bổ sung/hoàn thiện một số nội dung: 11 đơn vị.

- Đề nghị bỏ một số nội dung ra khỏi Kế hoạch: 04 đơn vị.

+ Pháp luật về đầu tư, doanh nghiệp: 02 đơn vị (Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND tỉnh Nghệ An);

+ Pháp luật xây dựng: 01 đơn vị (Bộ Xây dựng);

+ Pháp luật về dân sự: 01 đơn vị (Bộ Tư pháp);

+ Pháp luật về hình sự: 01 đơn vị (Bộ Tư pháp).

- Đề nghị bổ sung một số nội dung vào Kế hoạch: 06 đơn vị

+ Pháp luật về xử lý vi phạm hành chính: 02 đơn vị (Điện Biên, Hòa Bình);

+ Pháp luật về đất đai: 03 đơn vị (Tiền Giang, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu)

+ Bổ sung thêm một số nội dung rà soát liên quan đến pháp luật về du lịch, doanh nghiệp và đầu tư,

- Đề nghị điều chỉnh phân công: 05 đơn vị (các Bộ: Công an, Tư pháp, Văn hóa, Thể thao và Du lịch; SCT Khánh Hòa, Sở VH TT và DL Lâm Đồng).

A.

Thống nhất/ Không có ý kiến khác/ Không có ý kiến với nội dung dự thảo:

- Các Bộ, ban ngành (10/19 Bộ, ngành có ý kiến): Ngân hàng Nhà nước, Giao thông Vận tải, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Quốc phòng, Khoa học và Công nghệ, Tài chính, Nội vụ, Tài nguyên và Môi trường, Thông tin và Truyền thông, Giáo dục và Đào tạo.

- UBND/ Sở Công Thương các tỉnh (36/54 địa phương có ý kiến): Kon Tum, Cà Mau, Nam Định, Lào Cai, Sơn La, Hậu Giang, Ninh Bình, Ninh Thuận, Lai Châu, Đak Nông, Phú Yên, Gia Lai, Hà Nội, Bắc Cạn, Quảng Ngãi, Bình Định, Hải Phòng, Tây Ninh, Thái Bình, Hà Nam, Đồng Tháp, Cao Bằng, Vĩnh Phúc, Long An, Thái Nguyên, Sóc Trăng, Đăk Lăk, Đăk Nông, Cần Thơ, Thừa Thiên Huế, Bình Dương, Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Bạc Liêu.

B.

Có ý kiến góp ý đối với dự thảo:

Các Bộ, ngành

1.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư

 

Bỏ nhiệm vụ rà soát, đánh giá các quy định của pháp luật về doanh nghiệp, đầu tư do:

- Điều kiện đầu tư kinh doanh cụ thể đối với các ngành, nghề được quy định bởi pháp luật chuyên ngành, không quy định tại Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp;

- Việc hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật về lưu trú du lịch và các dịch vụ du lịch khác thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch theo quy định tại khoản 22 Điều 2 Nghị định số 01/2023/NĐ-CP ngày 16/01/2023 của Chính phủ.

2.

Bộ Xây dựng

 

Bỏ nhiệm vụ rà soát, đánh giá các quy định của pháp luật về xây dựng, kinh doanh bất động sản, nhà ở do:

- “Kinh doanh dịch vụ lưu trú” và “Kinh doanh bất động sản” là hai ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, khác nhau.

- Hoạt động kinh doanh dịch vụ lưu trú, nghỉ dưỡng dưới các tên gọi khác nhau thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật du lịch và pháp luật về dân sự, thuộc chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

3.

Bộ Tư pháp

 

Rà soát dự thảo Quyết định và các tài liệu kèm theo để đảm bảo nội dung chỉ là các vấn đề chỉ đạo, điều hành thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, không chứa quy phạm pháp luật.

Lược bỏ nhiệm vụ rà soát, đánh giá các quy định của pháp luật về dân sự bởi:

- Với vị trí đạo luật chung điều chỉnh quan hệ pháp luật tư, Bộ luật Dân sự 2015 đã có những quy định cơ bản, đầy đủ và cần thiết, đồng thời ghi nhận nguyên tắc áp dụng pháp luật chuyên ngành nên việc đặt ra yêu cầu rà soát, sửa đổi, bổ sung đạo luật này để điều chỉnh những vấn đề mới là không phù hợp;

- Các bộ, ngành cần xác định vướng mắc, bất cập, khoảng trống để hoàn thiện pháp luật trong các lĩnh vực cụ thể;

- Quản lý hoạt động của loại hình kinh doanh dịch vụ nghỉ dưỡng không thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp.

Lược bỏ nhiệm vụ rà soát, đánh giá các quy định của pháp luật về hình sự bởi: tội phạm và hình phạt đối với hành vi vi phạm pháp luật hình sự liên quan đến loại hình dịch vụ nghỉ dưỡng đều phải tuân thủ quy định của Bộ luật Hình sự.

Bổ sung nhiệm vụ rà soát, đánh giá các quy định của pháp luật về thương mại.

Bộ Công Thương tổng hợp kết quả rà soát của các Bộ, ngành; xác định tổng thể các văn bản pháp luật cần sửa đổi, bổ sung, ban hành mới và thực hiện các thủ tục cần thiết để đưa vào Chương trình công tác của Chính phủ theo quy định.

Tổ chức các cuộc họp lấy ý kiến của Bộ, ngành có liên quan; lấy ý kiến của các Bộ, ngành lần thứ 2.

4.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

 

Bỏ nội dung giao cho một bộ gửi văn bản đề nghị các bộ, ngành, địa phương, đơn vị liên quan rà soát, báo cáo bởi: Thủ tướng Chính phủ giao trực tiếp cho các bộ, ngành, địa phương, đơn vị liên quan căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ chủ trì việc rà soát, đề xuất giải pháp hoàn thiện các quy định của pháp luật để điều chỉnh quan hệ mua bán và kinh doanh dịch vụ nghỉ dưỡng.

Giao cho Bộ Công Thương hoặc Bộ Tư pháp chủ trì tổng hợp đề xuất của các bộ, ngành, địa phương, đơn vị liên quan và dự thảo báo cáo Thủ tướng Chính phủ bởi: tranh chấp giữa bên bán hợp đồng nghỉ dưỡng và khách hàng là tranh chấp dân sự.

Dự thảo Kế hoạch có một số điểm trùng nhau (Mục I khoản 2; Mục I khoản 3).

5.

Bộ Công an

 

Bổ sung Nghị định số 59/2024/NĐ-CP ngày 25/5/2024 vào phần căn cứ ban hành.

Chỉnh sửa cơ quan chủ trì rà soát, đánh giá và đề xuất giải pháp hoàn thiện quy định của pháp luật về hình sự là Bộ Tư pháp (Bộ Công an là cơ quan phối hợp).

Bỏ khoản 10 Mục II dự thảo Kế hoạch do trùng với nội dung tại điểm b khoản 9.

6.

Bộ Ngoại giao

 

Bổ sung căn cứ: Nghị định số 59/2024/NĐ-CP ngày 25/5/2024 của Chính phủ.

Tổng hợp chung các báo cáo thành một báo cáo kết quả rà soát nhằm đảm bảo phù hợp với Điều 162 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP

7.

Thanh tra Chính phủ

 

Căn cứ ý kiến tham gia của các đơn vị có liên quan để hoàn thiện dự thảo Kế hoạch và Quyết định.

8.

Bộ Y tế

 

Bổ sung các nội dung có liên quan tại Quyết định số 2951/QĐ-BYT ngày 21/7/2023 của Bộ Y tế phê duyệt Đề án Phát triển các loại hình dịch vụ, sản phẩm y dược cổ truyền phục vụ khách du lịch đến năm 2023 vào dự thảo Quyết định.

9.

Ủy ban Dân tộc

 

Đối với nội dung quy định của pháp luật về du lịch: bổ sung nội dung các mô hình phát triển du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Đối với nội dung quy định của pháp luật về doanh nghiệp, đầu tư: bổ sung nội dung các loại hình thu hút doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ nghỉ dưỡng vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

1.

UBND tỉnh Điện Biên

 

Bổ sung rà soát, đánh giá các quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính (cơ quan chủ trì: Bộ Tư pháp, cơ quan phối hợp: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Công an; Bộ Xây dựng; Bộ Công Thương; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương).

2.

Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình

 

Bổ sung rà soát, đánh giá các quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính (cơ quan chủ trì: Bộ Tư pháp, cơ quan phối hợp: các Bộ, ngành có liên quan; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố)

Bổ sung rà soát, đánh giá các quy định của pháp luật về nước khoáng, nước nóng thiên nhiên (cơ quan chủ trì: Bộ Công Thương, cơ quan phối hợp: các Bộ, ngành có liên quan; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố)

3.

Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang

 

Bổ sung nội dung rà soát, đánh giá quy định pháp luật về đất đai, nhất là trường hợp có kết hợp nghỉ dưỡng với cho thuê nhà ở, cho thuê khách sạn, nhà hàng và các dịch vụ khác kèm theo.

4.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng

 

Đối với nội dung quy định của pháp luật về dân sự và hình sự: bổ sung cơ quan phối hợp là Tòa án nhân dân các cấp để việc rà soát, đánh giá được toàn diện hơn.

5.

Sở Công Thương Đà Nẵng

 

Điểm b, khoản 9 Mục II Kế hoạch: bỏ cụm từ “đề xuất vào Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật hằng năm (nếu cần thiết) theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật”; điều chỉnh cụm từ “theo phân công” thành “theo nhiệm vụ phân công tại Kế hoạch này và hướng dẫn cơ quan chủ trì”.

Khoản 1, mục III Kế hoạch: bộ, ngành được giao chủ trì có kế hoạch cụ thể xác định nhiệm vụ triển khai và phối hợp rà soát pháp luật có liên quan đến quản lý hoạt động của loại hình kinh doanh dịch vụ nghỉ dưỡng đối với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để có cơ sở triển khai thực hiện

6.

Sở Công Thương Quảng Nam

 

Quy định pháp luật về du lịch (Mục II của Kế hoạch):

- Tại gạch đầu dòng thứ 7: điều chỉnh “quy định về thu phí sử dụng, vận hành khu nghỉ dưỡng...” thành “quy định về thu phí sử dụng; phí quản lý, vận hành; phí duy trì thường niên; phí thực hiện quyền trao đổi giữa các địa điểm nghỉ dưỡng...”;

- Bổ sung thêm các nội dung: “quyền và nghĩa vụ của các bên cung ứng dịch vụ và bên tham gia giao dịch”; “thẩm quyền quản lý, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật đối với loại hình kinh doanh dịch vụ nghỉ dưỡng”; “điều kiện được chuyển nhượng quyền nghỉ dưỡng nếu không còn nhu cầu sử dụng”; “điều kiện, quyền lợi đối với bên mua lại hợp đồng đang sử dụng”.

7.

Sở Công Thương Khánh Hòa

 

Đối với pháp luật về dân sự: điều chỉnh phân công cơ quan chủ trì là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vì đây là cơ quan trực tiếp triển khai thi hành các quy định của pháp luật về dân sự điều chỉnh loại hình kinh doanh dịch vụ nghỉ dưỡng; cơ quan phối hợp là Bộ Tư pháp.

8.

Sở Công Thương Hà Tĩnh

 

Mục 7, phần II, dự thảo Kế hoạch: sửa đổi, bổ sung lại như sau: rà soát, đánh giá và đề xuất giải pháp hoàn thiện quy định của pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, điều chỉnh loại hình dịch vụ nghỉ dưỡng trên thị trường hiện nay đảm bảo đúng theo quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng số 19/2023/QH15 ngày 20/6/2023 và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành khác có liên quan (như ban hành hướng dẫn quy định Hợp đồng mẫu về dịch vụ nghỉ dưỡng...).

9.

UBND tỉnh Bình Thuận

 

Bổ sung một số nhiệm vụ:

- Đối với nhiệm vụ của Bộ Xây dựng: chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan, đơn vị, địa phương để rà soát, đánh giá các quy định pháp luật về nhà ở, kinh doanh bất động sản, đất đai, đầu tư... liên quan đến việc tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn đối với các dự án hỗn hợp nhà ở và kinh doanh cơ sở lưu trú du lịch;

- Đối với nhiệm vụ của Bộ Tài nguyên và Môi trường: chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Xây dựng và các cơ quan, đơn vị, địa phương để rà soát, đánh giá các quy định pháp luật về đất đai liên quan đến trình tự, thủ tục chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng có công năng phục vụ mục đích du lịch, lưu trú.

10.

UBND tỉnh Nghệ An

 

Bỏ mục 3 - Phụ lục II (Pháp luật về doanh nghiệp, đầu tư) do việc quy định điều kiện kinh doanh, các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động kinh doanh dịch vụ nghỉ dưỡng được quy định bởi pháp luật chuyên ngành.

Chỉnh sửa mục 5 - Phụ lục II (Pháp luật về hình sự) do Bộ luật Hình sự không trực tiếp điều chỉnh đối với loại hình dịch vụ nghỉ dưỡng.

11.

UBND tỉnh Quảng Trị

 

Mục 2 - Phụ lục II (Pháp luật về du lịch): đề nghị rà soát, ban hành cơ chế, quy định thống nhất công tác quản lý, vận hành căn hộ du lịch (condotel), biệt thự du lịch (resort villa), văn phòng kết hợp lưu trú ngắn hạn (officetel), biệt thự nghỉ dưỡng... do pháp luật có liên quan đến quản lý hoạt động các loại hình kinh doanh dịch vụ trên hiện nay chưa được rõ ràng, cụ thể.

12.

UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

 

Bổ sung nội dung rà soát pháp luật về đất đai cho Bộ Tài nguyên và Môi trường.

13.

Sở Công Thương các tỉnh Trà Vinh, Phú Thọ, Lâm Đồng, Yên Bái, An Giang, Hải Dương, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Nghệ An

 

Hoàn thiện thể thức, cách diễn đạt trong văn bản (có ý kiến cụ thể tại công văn góp ý)

 

Tải về văn bản (file PDF):

Câu trả lời này có giúp ích cho bạn không? Yes No

Send feedback
Rất tiếc là chúng tôi không giúp được nhiều. Hãy giúp chúng tôi cải thiện bài viết này bằng phản hồi của bạn.