Open navigation

Quyết định 4152/QĐ-BYT ngày 31/12/2024 Sửa đổi Quyết định 1928_QĐ-BYT về Kiến trúc Chính phủ điện tử Bộ Y tế phiên bản 21 phù hợp Khung Kiến trúc Chính phủ

BỘ Y TẾ
 -------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
________________________________

Số: 4152/QĐ-BYT

Hà Nội, ngày 31 tháng 12 năm 2024 

 QUYẾT ĐỊNH

SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ NỘI DUNG TẠI QUYẾT ĐỊNH SỐ 1928/QĐ-BYT NGÀY 21 THÁNG 04 NĂM 2023 CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ BAN HÀNH KIẾN TRÚC CHÍNH PHỦ ĐIỆN TỬ BỘ Y TẾ PHIÊN BẢN 2.1, PHÙ HỢP VỚI KHUNG KIẾN TRÚC CHÍNH PHỦ ĐIỆN TỬ VIỆT NAM, PHIÊN BẢN 3.0, HƯỚNG TỚI CHÍNH PHỦ SỐ

BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ

Căn cứ Nghị định số 95/2022/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;

Căn cứ Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07 tháng 03 năm 2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025;

Căn cứ Nghị quyết số 175/NQ-CP ngày 30 tháng 10 năm 2023 của Chính phủ phê duyệt Đề án Trung tâm dữ liệu quốc gia;

Căn cứ Nghị quyết số 157-NQ/BCSĐ ngày 03 tháng 02 năm 2023 của Ban cán sự đảng Bộ Y tế về Chuyển đổi số y tế đến năm 2025, định hướng đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 2568/QĐ-BTTTT ngày 29 tháng 12 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam, phiên bản 3.0, hướng tới Chính phủ số (Khung Kiến trúc 3.0); Quyết định số 1729/QĐ-BTTTT ngày 09 tháng 10 năm 2024 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông về việc sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Quyết định số 2568/QĐ-BTTTT ngày 29 tháng 12 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam, phiên bản 3.0, hướng tới Chính phủ số;

Căn cứ Quyết định số 1928/QĐ-BYT ngày 21 tháng 04 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Kiến trúc Chính phủ điện tử Bộ Y tế phiên bản 2.1;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Danh mục sửa đổi, bổ sung một số nội dung Kiến trúc Chính phủ điện tử Bộ Y tế phiên bản 2.1 ban hành tại Quyết định số 1928/QĐ-BYT ngày 21 tháng 4 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Y tế, phù hợp với Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam, phiên bản 3.0, hướng tới Chính phủ số.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký, ban hành.

Điều 3. Các Ông/Bà: Chánh Văn phòng Bộ, Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Chánh Thanh tra Bộ, Giám đốc Trung tâm Thông tin y tế Quốc gia, Thủ trưởng các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ, Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Thủ tướng và các Phó Thủ tướng Chính phủ (để b/c);
- Văn phòng Chính phủ (để b/c);
- Bộ Thông tin và Truyền thông (để b/c);
- Bộ trưởng Bộ Y tế (để b/c);
- Các Thứ trưởng Bộ Y tế (để phối hợp);
- Văn phòng Bộ Y tế (để đăng tải lên Cổng thông tin điện tử Bộ Y tế);
 - Lưu: VT, K2ĐT. 

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




 Nguyễn Tri Thức



DANH MỤC

SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ NỘI DUNG KIẾN TRÚC CHÍNH PHỦ ĐIỆN TỬ BỘ Y TẾ PHIÊN BẢN 2.1 BAN HÀNH TẠI QUYẾT ĐỊNH SỐ 1928/QĐ-BYT NGÀY 21/04/2023 CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ, PHÙ HỢP VỚI KHUNG KIẾN TRÚC CHÍNH PHỦ ĐIỆN TỬ VIỆT NAM, PHIÊN BẢN 3.0, HƯỚNG TỚI CHÍNH PHỦ SỐ
(Kèm theo Quyết định số 4152/QĐ-BYT ngày 31 tháng 12 năm 2024 của Bộ trưởng Bộ Y tế)

STT

Mục cập nhật

Nội dung cập nhật

1

Tên kiến trúc

Đồng bộ tên: “Kiến trúc Chính phủ điện tử Bộ Y tế, phiên bản 2.1” thành “Kiến trúc Chính phủ điện tử Bộ Y tế, phiên bản 3.0, hướng tới Chính phủ số”.

2

Chương I. Khái quát chung

Mục 1.4. điểm d)

Bổ sung như sau:

1. Phù hợp với Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam, phiên bản 3.0, hướng tới Chính phủ số.

2. Bảo đảm việc đầu tư triển khai Chính phủ điện tử Bộ Y tế hướng tới Chính phủ số hiệu quả, đồng bộ, tiết kiệm, chống lãng phí.

3. Dữ liệu là tài nguyên mới. Cơ quan nhà nước mở dữ liệu và cung cấp dữ liệu mở phục vụ phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Các cơ quan nhà nước kết nối, chia sẻ dữ liệu để người dân chỉ phải khai báo, cung cấp dữ liệu một lần cho các cơ quan nhà nước và các đơn vị cung ứng dịch vụ công thiết yếu.

4. Phát triển dữ liệu số tạo nền tảng cho triển khai Chính phủ điện tử, bảo đảm cung cấp dữ liệu số cho các dịch vụ công trực tuyến, chia sẻ dữ liệu thông suốt giữa các cơ quan nhà nước, cung cấp các bộ dữ liệu mở có chất lượng và giá trị khai thác cao để phát triển các dịch vụ đổi mới sáng tạo.

3

Chương II. Nội dung kiến trúc

Mục 2.1

Nghiệp vụ lĩnh vực y tế cập nhật thêm nhóm nghiệp vụ:

1. Y tế cơ sở

2. Y tế công cộng

3. Dược và mỹ phẩm

4. Y, dược cổ truyền

5. Thiết bị y tế

6. Bảo hiểm y tế

Mục 2.2.1

Sửa đổi như sau:

Bỏ “Định danh y tế: Mã số bảo hiểm xã hội”

Mục 2.5

Sửa đổi như sau:

“Kiến trúc an toàn thông tin” thành “Kiến trúc an toàn thông tin mạng, an ninh mạng”

 

Bổ sung thêm:

- Quyết định số 326/QĐ-BYT ngày 07/02/2024 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành Quy chế đảm bảo an toàn thông tin, an ninh mạng của Bộ Y tế.

4

Chương III. Sơ đồ khái quát Chính phủ điện tử Bộ Y tế

Mục 3.2.3.1, điểm a)

Bổ sung, như sau:

- Hệ thống thông tin của Bộ Y tế trao đổi thông tin với Hệ thống định danh và xác thực điện tử thông qua Nền tảng định danh và xác thực điện tử (do Bộ Công an quản lý)

- Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính, hệ thống thông tin phục vụ quản lý nhà nước, nghiệp vụ chuyên ngành, cơ sở dữ liệu chuyên ngành của Bộ Y tế kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được xử lý và cung cấp dịch vụ xác thực từ Hệ thống định danh và xác thực điện tử.

Mục 3.2.3.2, điểm a)

Sửa đổi, bổ sung như sau:

- Cổng dữ liệu mở ngành y tế được xây dựng tạo ra một nguồn dữ liệu mở y tế phong phú và đáng tin cậy để phục vụ người dân, doanh nghiệp, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số y tế và phát triển kinh tế xã hội, bao gồm: nghiên cứu y tế, phân tích dữ liệu, phát triển ứng dụng y tế và cải thiện chất lượng chăm sóc sức khỏe,...

- Kho dữ liệu dùng chung ngành y tế là hệ thống tích hợp, bảo mật cao và linh hoạt, cho phép kết nối dữ liệu từ nhiều nguồn, hỗ trợ phân tích, dự báo và nâng cao hiệu quả quản lý y tế nhờ ứng dụng công nghệ tiên tiến như AI, Big Data và điện toán đám mây từ đó tạo ra thông tin mới, dịch vụ dữ liệu mới phục vụ Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Kho dữ liệu dùng chung ngành y tế kết nối, chia sẻ, đồng bộ, tổng hợp dữ liệu với Kho dữ liệu tổng hợp do Bộ Công an chủ trì triển khai tại Trung tâm dữ liệu quốc gia để lưu trữ và khai thác tập trung.

Mục 3.2.3.2, điểm c)

- Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính Bộ Y tế được xây dựng dựa trên hợp nhất Cổng Dịch vụ công Bộ Y tế với Hệ thống thông tin một cửa điện tử của Bộ Y tế đáp ứng yêu cầu kết nối, chia sẻ dữ liệu với Cổng Dịch vụ công quốc gia, các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành và số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính. Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tích hợp thanh toán không dùng tiền mặt qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia giúp ngành y tế hiện đại hóa quy trình thanh toán, tăng tính minh bạch và tiện lợi cho người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công y tế. Kết nối với Hệ thống giám sát, đo lường mức độ cung cấp và sử dụng dịch vụ Chính phủ số (viết tắt là Hệ thống EMC) để thực hiện đo lường, đánh giá, theo dõi, quản lý việc cung cấp và hiệu quả sử dụng thông tin và dịch vụ công trực tuyến của các cơ quan nhà nước.

- Hệ thống định danh số y tế của Bộ Y tế được xây dựng nhằm cung cấp định danh duy nhất mỗi cá nhân, danh mục vật tư, thiết bị y tế, tài sản, ... trên môi trường số, đảm bảo liên thông, xác thực thông qua Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đồng thời lưu trữ, quản lý và cập nhật dữ liệu tập trung phục vụ toàn bộ các hệ thống và dịch vụ y tế.

- Hệ thống thông tin quản lý hoạt động lĩnh vực dược - mỹ phẩm được Bộ Y tế chủ trì, phối hợp hợp các bộ, ngành, địa phương rà soát, xây dựng và vận hành bao gồm: (1) Ngân hàng dữ liệu ngành dược; Hệ thống thống kê, báo cáo dược - mỹ phẩm; (2) Thông tin công bố sản phẩm mỹ phẩm; (3) Thông tin đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc và mỹ phẩm; (4) Thông tin về xuất khẩu, nhập khẩu dược chất, thuốc, nguyên liệu làm thuốc, bao bì tiếp xúc trực tiếp với thuốc; (5) Thông tin giá thuốc sản xuất trong nước hoặc thuốc nước ngoài nhập khẩu vào Việt Nam; (6) Cơ sở dữ liệu về chứng chỉ hành nghề dược và cơ sở kinh doanh dược.

- Hệ thống thông tin thiết bị y tế quốc gia được Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng và vận hành, phục vụ quản lý nhà nước về trang thiết bị y tế bao gồm: phân loại, sản xuất, lưu hành, kinh doanh, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, thông tin, quảng cáo, bảo dưỡng sửa chữa, sử dụng trang thiết bị y tế và các dịch vụ trang thiết bị y tế. Hệ thống đảm bảo phân loại các thiết bị y tế theo các tiêu chuẩn để dễ dàng quản lý; Ghi nhận thông tin từ nhà sản xuất và chứng nhận chất lượng; Quản lý thông tin về lưu hành, kinh doanh và giao dịch mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu đảm bảo tính minh bạch và hiệu quả trong quản lý thị trường thiết bị y tế.

- Hệ thống thông tin quản lý hoạt động y tế dự phòng bảo đảm công tác y tế dự phòng đóng vai trò then chốt góp phần quan trọng cải thiện các chỉ số về sức khỏe của người dân Việt Nam, củng cố, phát triển mạng lưới y tế dự phòng, năng lực xét nghiệm, bảo đảm đủ năng lực dự báo, giám sát và phát hiện dịch bệnh sớm, khống chế kịp thời, có hiệu quả các dịch bệnh, các sự kiện khẩn cấp về y tế công cộng. Hệ thống được quản lý, theo dõi và kết nối với các hệ thống thông tin giám sát bệnh truyền nhiễm và không lây nhiễm; Hệ thống kiểm dịch y tế biên giới; Hệ thống quản lý dinh dưỡng và chăm sóc sức khoẻ cộng đồng; Hệ thống hành chính công An toàn sinh học phòng xét nghiệm; cơ sở dữ liệu giám sát chất lượng nước, vệ sinh và biến đổi khí hậu; Hệ thống quản lý sức khỏe học sinh trong cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông; Hệ thống quản lý tai nạn thương tích; Hệ thống báo cáo hoạt động y tế lao động; Hệ thống thông tin quản lý môi trường cơ sở y tế; Hệ thống quản lý nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ cao trong dự phòng. Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng Hệ thống thông tin quản lý hoạt động y tế dự phòng bảo đảm thống nhất trên toàn quốc.

- Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về an toàn thực phẩm Quốc gia phục vụ cho cơ quan quản lý về an toàn thực phẩm, doanh nghiệp và người dân, trên cơ sở dữ liệu về an toàn thực phẩm sẵn có của các bộ, ngành, địa phương có tính đến việc nâng cấp, đảm bảo tính đồng bộ và hiệu quả, vận hành, duy trì hệ thống hoạt động hiệu quả theo đúng chỉ đạo của Chính phủ. Bộ Y tế chủ trì, phối hợp các bộ, ngành, địa phương xây dựng và vận hành hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về an toàn thực phẩm quốc gia.

- Hệ thống quản lý thông tin về hỗ trợ sinh sản được triển khai nhằm quản lý việc cho, nhận tinh trùng, noãn, phôi theo quy định pháp luật, đảm bảo bảo mật cao và liên thông với các cơ sở dữ liệu quốc gia như dân cư, hộ tịch và bảo hiểm xã hội. Hệ thống hỗ trợ xác thực, định danh, phòng ngừa gian lận liên quan đến giấy tờ nhân thân, tình trạng hôn nhân, và quản lý các thông tin hỗ trợ sinh sản, đồng thời tạo điều kiện chia sẻ thông tin giữa các cơ sở hỗ trợ sinh sản trên toàn quốc và cơ quan quản lý nhà nước.

- Hệ thống thông tin lĩnh vực dân số được phát triển hiện đại, đồng bộ, cung cấp dữ liệu tin cậy phục vụ quản lý nhà nước và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Hệ thống tích hợp, kết nối với cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương qua cổng dữ liệu dân số, đảm bảo an toàn và bảo mật thông tin. Đồng thời, hệ thống đổi mới phương pháp thu thập, thẩm định, và quản lý số liệu dân số thông qua ba hình thức: báo cáo định kỳ, điều tra thống kê, và hồ sơ hành chính, hỗ trợ xử lý bài toán về nhân khẩu học, sức khỏe, và động thái dân số.

- Hệ thống thông tin báo cáo, thống kê y tế được Bộ Y tế chủ trì xây dựng và vận hành, đảm bảo thu thập, tổng hợp, phân tích số liệu báo cáo, thống kê và cung cấp số liệu theo yêu cầu của người có thẩm quyền, cá nhân, đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Thống kê và báo cáo các nội dung theo các mẫu có sẵn đã được quy định với tần suất định kỳ hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng, hàng quý và hàng năm cũng như các số liệu báo cáo, thống kê theo yêu cầu đặc thù của công tác quản lý. Hệ thống đáp ứng các quy định của Chính phủ về chế độ báo cáo của cơ quan hành chính nhà nước và hướng dẫn xây dựng, kết nối Hệ thống thông tin báo cáo của bộ, ngành, địa phương với Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ của Văn phòng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông.

Mục 3.2.5, điểm a)

Bổ sung như sau:

- Trung tâm dữ liệu quốc gia là trung tâm dữ liệu do Chính phủ (Bộ Công an) xây dựng, quản lý, khai thác và vận hành; tích hợp, đồng bộ, lưu trữ, chia sẻ, phân tích, khai thác, điều phối dữ liệu của các cơ quan nhà nước theo quy định của pháp luật nhằm hình thành kho dữ liệu về con người và kho dữ liệu tổng hợp từ các cơ sở dữ liệu quốc gia; dữ liệu tại Trung tâm dữ liệu quốc gia là nền tảng cốt lõi cung cấp các dịch vụ liên quan đến dữ liệu, hỗ trợ hoạch định chính sách, kiến tạo phát triển, xây dựng Chính phủ số, xã hội số và kinh tế số, bảo đảm quốc phòng an ninh. Đồng thời cung cấp hạ tầng công nghệ thông tin cho các tổ chức chính trị - xã hội, hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia và các cơ quan có nhu cầu sử dụng để khai thác, vận hành, nâng cao hiệu quả, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin.

Mục 3.2.5, điểm b)

Bổ sung như sau:

- Bảo đảm về dữ liệu cá nhân: Được quy định tại Nghị định số 13/2023/NĐ-CP ngày 17/4/2023 của Chính phủ về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Dữ liệu cá nhân được xử lý theo quy định của pháp luật; Dữ liệu cá nhân chỉ được xử lý đúng với mục đích; Dữ liệu cá nhân thu thập phải phù hợp và giới hạn trong phạm vi, mục đích cần xử lý…

Mục 3.2.7.3

Sửa đổi, bổ sung như sau:

- Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP) do Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì triển khai với mục tiêu tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương theo hình thức kết nối tập trung và hình thức kết nối trực tiếp theo mô hình phân tán.

- Nền tảng chia sẻ, điều phối dữ liệu (GIDP) của Trung tâm dữ liệu quốc gia thực hiện kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương đặt tại Trung tâm dữ liệu quốc gia.

Mục 3.2

Bổ sung Mục 3.2.8: Bổ sung tiêu đề mục này???

a) Điện toán đám mây: là nền tảng công nghệ quan trọng, hỗ trợ quản lý dữ liệu y tế lớn, bảo đảm bảo mật, linh hoạt và tích hợp hiệu quả. Công nghệ này tối ưu hóa các dịch vụ công như hồ sơ sức khỏe điện tử, tư vấn từ xa và quản lý chuỗi cung ứng y tế, thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện trong lĩnh vực y tế.

b) Nền tảng công nghệ mới: Ứng dụng rộng rãi các công nghệ số tiên tiến trong hoạt động y tế như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), Hồ dữ liệu (Datalake), kết nối vạn vật y tế (IoMT), nền tảng chuỗi khối (Blockchain Platform), dữ liệu mở (Open Data), Thực tế ảo (VR-Virtual Reality), Thực tế ảo tăng cường (AR- Augmented Reality) và Thực tế mở rộng (ER- Extended Reality).

5

Chương IV. Tổ chức thực hiện 

- Đồng bộ cụm từ “Cục Công nghệ thông tin/Trung tâm Thông tin y tế Quốc gia” thành “Trung tâm Thông tin y tế Quốc gia”

 

Tải về văn bản (file PDF):

Câu trả lời này có giúp ích cho bạn không? Yes No

Send feedback
Rất tiếc là chúng tôi không giúp được nhiều. Hãy giúp chúng tôi cải thiện bài viết này bằng phản hồi của bạn.