Open navigation

Công văn 4874/BLĐTBXH-CBTXH ngày 09/10/2024 Thực hiện mục tiêu nhóm nhiệm vụ giải pháp trọng tâm về hỗ trợ khôi phục hoạt động đời sống xã hội để ổn định đời

BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
 -------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
________________________________

Số: 4874/BLĐTBXH-CBTXH

V/v thực hiện mục tiêu, nhóm nhiệm vụ giải pháp trọng tâm về hỗ trợ khôi phục các hoạt động đời sống, xã hội để ổn định đời sống Nhân dân tại Nghị quyết số 143/NQ-CP ngày 17/9/2024 của Chính phủ

Hà Nội, ngày 09 tháng 10 năm 2024

 

Kính gửi:

Đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Quảng Ninh, Hòa Bình, Thái Nguyên, Sơn La, Điện Biên, Hà Giang, Lai Châu, Cao Bằng, Bắc Kạn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Lạng Sơn, Hưng Yên, Hà Nam, Vĩnh Phúc và Hải Dương

Thực hiện Nghị quyết số 143/NQ-CP ngày 17/9/2024 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khắc phục hậu quả bão số 3 (Yagi), nhanh chóng ổn định tình hình Nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quán triệt tập trung thực hiện một số nhiệm vụ cấp bách như sau:

1. Quan điểm, mục tiêu, phạm vi, đối tượng

a) Quan điểm: Chính sách, giải pháp hỗ trợ phải nhanh, khả thi, kịp thời, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, trực tiếp vào các đối tượng bị ảnh hưởng; trình tự, thủ tục, điều kiện thụ hưởng đơn giản; kế thừa các chính sách đã triển khai và phát huy hiệu quả; mở rộng phạm vi, đối tượng áp dụng đối với các chính sách đang thực hiện, đã có cơ sở pháp lý, tổ chức bộ máy, quy trình, quy định để có thể triển khai ngay; huy động mọi nguồn lực, quản lý và phân bổ hợp lý, chống thất thoát, lãng phí, tiêu cực, bảo đảm công khai, minh bạch.

b) Mục tiêu: Mục tiêu là bảo vệ tính mạng, an toàn, sức khỏe của nhân dân là trên hết, trước hết; bảo đảm an sinh xã hội, không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu chỗ ở, thiếu nước sạch; sớm khôi phục các hoạt động đời sống, xã hội để ổn định cuộc sống nhân dân, nhất là tại các địa bàn bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi bão lũ, ngập lụt, sạt lở đất. Giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội, an ninh, an toàn, an dân.

c) Phạm vi, đối tượng hỗ trợ: Đối tượng hỗ trợ là người dân, người lao động, người yếu thế tại các địa bàn bị ảnh hưởng bởi bão số 3 (còn gọi là "siêu bão Yagi), ngập lụt, lũ, sạt lở đất.

2. Nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm

a) Rà soát, tổng hợp, khẩn trương hỗ trợ các hộ gia đình bị thiệt hại, bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3. Kịp thời hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho các hộ dân, các gia đình có nguy cơ bị thiếu đói, các hộ gia đình phải di dời khẩn cấp; hỗ trợ lều bạt, nước uống, thực phẩm, chăn màn và một số mặt hàng thiết yếu khác phục vụ nhu cầu trước mắt, tại chỗ, nhất là các hộ có nhà bị đổ, sập, trôi, các hộ ở vùng bị ngập sâu, sạt lở, chia cắt, tuyệt đối không được để người dân nào bị thiếu đói, không có chỗ ở hoặc thiếu các vật dụng thiết yếu; bố trí chỗ ở tạm cho các hộ bị mất nhà ở do bão; huy động các lực lượng hỗ trợ người dân sửa chữa, dựng lại nhà ở, dọn vệ sinh môi trường, không để bùng phát dịch bệnh sau mưa lũ.

b) Hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn có nhà ở bị sập, hư hỏng hoàn toàn cần xây mới, hư hỏng nặng phải sửa chữa và di dời chỗ ở từ nguồn ngân sách nhà nước, Quỹ cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát, Quỹ Vì người nghèo, các nguồn hỗ trợ qua Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các nguồn xã hội hóa theo quy định tại điểm b mục 2 Phần II của Nghị quyết số 143/NQ-CP ngày 17/9/2024 của Chính phủ phù hợp với thực tiễn địa phương theo phương châm “xác định thiệt đến đâu, hỗ trợ kịp thời đến đó”, trong đó:

- Đối với nguồn ngân sách nhà nước: Tổ chức thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách trợ giúp xã hội khẩn cấp cho người dân bị thiệt hại do thiên tai, bảo đảm mức hỗ trợ tối thiểu từ ngân sách nhà nước về chi phí sửa chữa nhà ở bị hư hỏng nặng, bị đổ, sập trôi hoàn toàn và chi phí di dời nhà ở khẩn cấp theo quy định tại Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội, Nghị định số 76/2024/NĐ-CP ngày 01/7/2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội và các văn bản pháp luật liên quan khác.

- Đối với nguồn xã hội hoá: tùy tình hình thực tiễn để xem xét, quyết định mức hỗ trợ phù hợp theo quy định của Nhà tài trợ và cơ quan có thẩm quyền.

c) Bảo đảm cung cấp chỗ ở an toàn, chăm sóc y tế, chăm sóc dinh dưỡng, điều trị tâm lý, phục hồi thể chất và hỗ trợ học văn hóa, học nghề theo quy định của pháp luật tại các cơ sở trợ giúp xã hội của địa phương đối với các trường hợp cần trợ giúp khẩn cấp như: trẻ em có cha mẹ bị chết hoặc mất tích, các trường hợp có nhà ở bị đổ, sập, trôi hoàn toàn do lũ mà không còn nơi ở, các trường hợp bị thương nặng do thiên tai, người cao tuổi, người khuyết tật thuộc diện khó khăn không có nguồn nuôi dưỡng ở các địa phương bị ảnh hưởng nặng nề của thiên tai.

d) Đánh giá tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, việc làm của lao động ở vùng bị ảnh hưởng và cả lao động có quê ở vùng bị ảnh hưởng để có phương án giải quyết, kết nối việc làm cho người lao động, duy trì nguồn cung lao động cho doanh nghiệp. Tăng cường hoạt động kết nối cung - cầu lao động, tăng tần suất tổ chức các phiên giao dịch việc làm, ngày hội việc làm, đặc biệt triển khai khảo sát trực tiếp nắm nhu cầu lao động của doanh nghiệp và nhu cầu về việc làm của người lao động tại các vùng bị ảnh hưởng. Xây dựng các chương trình hỗ trợ trực tiếp đến người lao động ở vùng bị ảnh hưởng của ccm bão số 3 đi làm việc tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp như hỗ trợ kinh phí đi lại, nhà ở, điện, nước... Tăng cường bổ sung nguồn vốn và nâng cao hiệu quả chính sách tín dụng hỗ trợ tạo việc làm thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội để làm cơ sở phục hồi sản xuất kinh doanh, việc làm cho doanh nghiệp, người lao động.

e) Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khẩn trương báo cáo về tình hình thiệt hại, chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu báo cáo và đề xuất hỗ trợ từ ngân sách trung ương gửi Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định hỗ trợ.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện các nội dung trên./.

 
Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- Các Thứ trưởng (để p/h chỉ đạo);
- Văn phòng Chính phủ;
- TTCNTT, các báo, tạp chí thuộc Bộ (để đăng tải);
 - Lưu: VT, CBTXH.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




 Nguyễn Văn Hồi

 

Tải về văn bản (file PDF):

Câu trả lời này có giúp ích cho bạn không? Yes No

Send feedback
Rất tiếc là chúng tôi không giúp được nhiều. Hãy giúp chúng tôi cải thiện bài viết này bằng phản hồi của bạn.