Open navigation

Quyết định 01/QĐ-BHXH ngày 02/01/2025 Kế hoạch thực hiện công tác phòng chống tham nhũng tiêu cực năm 2025 của Ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam

BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM
 -------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
________________________________

Số: 01/QĐ-BHXH 

Hà Nội, ngày 02 tháng 01 năm 2025

 QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH KẾ HOẠCH THỰC HIỆN CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG, TIÊU CỰC NĂM 2025 CỦA NGÀNH BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM

TỔNG GIÁM ĐỐC BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM

Căn cứ Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018;

Căn cứ Hướng dẫn số 25-HD/BCĐTW ngày 01/8/2022 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hướng dẫn một số nội dung về công tác phòng, chống tiêu cực;

Căn cứ Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 01/7/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng:

Căn cứ Nghị định số 89/2020/NĐ-CP ngày 04/8/2020 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bảo hiểm xã hội Việt Nam;

Căn cứ Nghị quyết số 341-NQ/BCSĐ ngày 21/3/2023 của Ban Cán sự đảng Bảo hiểm xã hội Việt Nam về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong tình hình mới của Ngành Bảo hiểm xã hội;

Căn cứ Quyết định số 1712/QĐ-BHXH ngày 29/11/2023 của Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam về việc ban hành Kế hoạch thực hiện chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Ngành BHXH Việt Nam giai đoạn 2023 -2026;

Theo đề nghị của Chánh Thanh tra Bảo hiểm xã hội Việt Nam,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực năm 2025 của Ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Chánh Thanh tra Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Chánh Văn phòng Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Giám đốc Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 
Nơi nhận:
- Như Điều 2;
- Ban Nội chính Trung ương (để b/c);
- Thanh tra Chính phủ (để b/c);
- Tổng Giám đốc (để b/c);
- Các Phó TGĐ;
- VP HĐQL, VP Ban Cán sự đảng;
- VP Đảng ủy cơ quan;
 - Lưu: VT, TTr.

KT. TỔNG GIÁM ĐỐC
PHÓ TỔNG GIÁM ĐỐC




 Lê Hùng Sơn



KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG, TIÊU CỰC NĂM 2025 CỦA NGÀNH BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 01/QĐ-BHXH ngày 02 tháng 01 năm 2025 của Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam)

Thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2018, Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 01/7/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng, các Nghị quyết, Kết luận của Đảng về công tác PCTN, tiêu cực; Nghị quyết số 341-NQ/BCSĐ ngày 21/3/2023 của Ban Cán sự đảng BHXH Việt Nam về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong tình hình mới của Ngành BHXH, BHXH Việt Nam ban hành Kế hoạch thực hiện công tác PCTN, tiêu cực năm 2025 của Ngành BHXH Việt Nam; Quyết định số 1712/QĐ-BHXH ngày 29/11/2023 của Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam về việc ban hành Kế hoạch thực hiện chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Ngành BHXH Việt Nam giai đoạn 2023 - 2026 như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Tiếp tục triển khai có hiệu quả các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về PCTN, tiêu cực; nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị và công chức, viên chức, người lao động toàn Ngành trong PCTN, tiêu cực.

- Gắn việc tổ chức công tác PCTN, tiêu cực với kết quả thực hiện các nhiệm vụ chính trị, chuyên môn của Ngành. Kiên quyết khắc phục những hạn chế, yếu kém, quyết tâm ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực trong mọi hoạt động của Ngành.

- Triển khai có hiệu quả các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm mọi hành vi tham nhũng, tiêu cực nhằm xây dựng Ngành BHXH Việt Nam ngày càng phát triển vững mạnh, hoạt động hiệu quả, đội ngũ công chức, viên chức liêm chính, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của Ngành BHXH Việt Nam.

2. Yêu cầu

- Xác định PCTN, tiêu cực là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, được tiến hành mạnh mẽ, kiên quyết, kiên trì, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ.

- Phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, các cấp ủy đảng, chính quyền và các đoàn thể trong công tác PCTN, tiêu cực.

- Kết hợp chặt chẽ giữa tích cực phòng ngừa, chủ động kiểm tra, giám sát, phát hiện và kiên quyết xử lý nghiêm minh, kịp thời những người có hành vi tham nhũng, tiêu cực.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Tiếp tục tuyên truyền, phổ biến, quán triệt sâu sắc các Nghị quyết, Kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực và các quy định pháp luật về PCTN, tiêu cực

- Chủ động xây dựng kế hoạch, định hướng nội dung, chọn cách thức phù hợp để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức trong toàn Ngành về các Nghị quyết, Kết luận của Đảng, pháp luật của Nhà nước về PCTN, tiêu cực. Đồng thời, tiếp tục triển khai thực hiện tốt các văn bản của Đảng và Nhà nước[1] và các Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, lãng phí, tiêu cực tại các Phiên họp của Ban Chỉ đạo.

- Tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về PCTN, tiêu cực phải gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay", Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII, XIII) về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến" và "tự chuyển hóa" trong nội bộ và Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh nhằm nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của các đơn vị, của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, tạo sự thống nhất, tự giác và quyết tâm cao trong hành động.

2. Xây dựng, hoàn thiện thể chế, các văn bản, hướng dẫn của Ngành về thực hiện chế độ, chính sách BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) và văn bản về công tác PCTN, tiêu cực

2.1. Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản, quy trình, quy định, quy chế của Ngành theo hướng rút gọn các thủ tục hành chính, đảm bảo chặt chẽ gắn với trách nhiệm cá nhân của từng vị trí việc làm, từng bộ phận, hạn chế tối đa việc lợi dụng kẽ hở để sai phạm, tiêu cực, lạm dụng, trục lợi quỹ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN).

2.2. Tiếp tục rà soát, cụ thể hóa và ban hành các văn bản thực hiện quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước về công tác PCTN, tiêu cực, sửa đổi, bổ sung quy tắc, quy chế, lề lối làm việc trong cơ quan, đơn vị; việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, quy tắc ứng xử của Ngành, về kiểm soát, xác minh tài sản, thu nhập, định kỳ chuyển đổi vị trí công tác; các quy định, quy chế về quản lý tài chính, sử dụng tài sản, trụ sở làm việc tại các đơn vị trong toàn Ngành BHXH Việt Nam.

2.3. Rà soát các vướng mắc trong thực tiễn thi hành pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN và báo cáo đề xuất, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền bổ sung, hoàn thiện các văn bản pháp luật liên quan.

3. Tăng cường vai trò, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị

Các cấp ủy, tổ chức Đảng và người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phải thật sự coi công tác PCTN, tiêu cực là một nhiệm vụ quan trọng, trọng tâm, thường xuyên và tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện.

Người đứng đầu cấp ủy, các đơn vị phải gương mẫu, quyết liệt, trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác PCTN, tiêu cực. Thường xuyên chỉ đạo, quán triệt, triển khai thực hiện kịp thời, đầy đủ, hiệu quả các chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp về PCTN, tiêu cực theo quy định pháp luật, văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Kết luận Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác PCTN, tiêu cực; chủ động giám sát, phòng ngừa, phát hiện và xử lý kịp thời các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực và các hành vi bao che, dung túng, cản trở việc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; thực hiện nghiêm Quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền.

4. Thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, ngừa tham nhũng

4.1. Thực hiện có hiệu quả việc công khai, minh bạch tổ chức hoạt động bằng việc tiếp tục thực hiện cải hành chính, công khai các thủ tục hành chính về BHXH, BHTN, BHYT; công khai lịch tiếp công dân, nội quy tiếp công dân trên Trang thông tin điện tử của BHXH Việt Nam, Trang thông tin điện tử của BHXH các tỉnh, thành phố để công dân và tổ chức biết. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số trong các hoạt động nghiệp vụ của Ngành để minh bạch hóa, công khai hóa các quy trình thu, chi BHXH, BHYT, BHTN, giám định BHYT, giải quyết chế độ, chính sách BHXH, BHYT, BHTN.... góp phần nâng cao hiệu quả kiểm soát rủi ro trong các hoạt động của Ngành.

4.2. Tiếp tục tổ chức quán triệt, thực hiện nghiêm Chỉ thị số 33-CT/TW ngày 03/01/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc kê khai và kiểm soát tài sản, thu nhập gắn với các quy định của Luật PCTN và các văn bản hướng dẫn thi hành về kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản, thu nhập để đảng viên hiểu đúng, nắm rõ mục đích kê khai tài sản, thu nhập nhằm bảo đảm thực hiện nghiêm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về kê khai tài sản, thu nhập. Lãnh đạo, tổ chức thực hiện nghiêm việc công khai bản kê khai tài sản, thu nhập theo quy định của pháp luật. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xác minh đối với việc kê khai tài sản, thu nhập và công khai bản kê khai tài sản, thu nhập.

4.3. Tăng cường giáo dục liêm chính đối với công chức, viên chức, người lao động. Nâng cao ý thức tự giác tu dưỡng, rèn luyện của đội ngũ cán bộ, đảng viên; phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Xây dựng môi trường làm việc trong sạch, lành mạnh, kỷ luật, kỷ cương trong cơ quan, tổ chức, đơn vị, góp phần ngăn ngừa các hành vi tham nhũng, tiêu cực của công chức, viên chức, người lao động.

4.4. Thực hiện nghiêm túc các quy định hiện hành về quy chế chi tiêu nội bộ, chế độ, định mức, tiêu chuẩn. Công khai việc mua sắm tài sản, trang thiết bị, tiêu chuẩn định mức sử dụng điện thoại; quy định thanh toán công tác phí, việc sử dụng mua sắm vật tư, văn phòng phẩm, thu nhập tăng thêm, định mức hội nghị, hội thảo, đi công tác trong và ngoài nước, nhiên liệu xăng xe ô tô, chi thăm hỏi, ốm đau, ... Thường xuyên nghiên cứu, rà soát các quy định không còn phù hợp để kiến nghị sửa đổi, bổ sung quy chế chi tiêu nội bộ cho phù hợp theo nguyên tắc công khai, dân chủ, đúng chế độ, định mức, tiêu chuẩn.

4.5. Tiếp tục thực hiện tốt việc chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức theo quy định tại Quyết định số 1021/QĐ-BHXH ngày 29/6/2023 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam ban hành về việc định kỳ chuyển đổi vị trí công tác để phòng ngừa tham nhũng. Thực hiện có hiệu quả chủ trương bố trí, luân chuyển cán bộ từ Trung ương xuống BHXH cấp tỉnh, BHXH cấp huyện và ngược lại; Không bố trí, đề bạt, bổ nhiệm những người có quan hệ gia đình cùng làm một số vị trí, công việc, lĩnh vực nhạy cảm, dễ xảy ra tham nhũng.

4.6. Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trong chi trả các chế độ BHXH, BHTN; thực hiện nghiêm túc việc chi tiền lương, thu nhập của công chức, viên chức, người lao động qua tài khoản.

5. Công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng thực thi công vụ, nhiệm vụ nhằm PCTN, tiêu cực

5.1. Đưa nội dung về PCTN, tiêu cực vào các chương trình đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cho công chức, viên chức, người lao động trong Ngành và coi đây là một nội dung quan trọng, nhằm nâng cao nhận thức và hành động của công chức, viên chức toàn Ngành đối với công tác PCTN, tiêu cực.

5.2. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ về thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN, công tác quản lý tài chính, tài sản, mua sắm, chi tiêu công, đẩy mạnh công tác đào tạo nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo nhằm nâng cao năng lực và chất lượng thực thi công vụ, nhiệm vụ của công chức, viên chức, người lao động.

6. Nâng cao nhận thức và phát huy vai trò, trách nhiệm của tổ chức Đảng, các đoàn thể thuộc hệ thống BHXH trong công tác PCTN, tiêu cực

6.1. Tiếp tục tăng cường việc kiểm tra, giám sát của các đoàn thể, Ban Thanh tra nhân dân; phát huy quyền làm chủ của công chức, viên chức và người lao động trong việc tham gia kiểm tra, giám sát đối với công tác PCTN, tiêu cực.

6.2. Bảo vệ và khen thưởng kịp thời, xứng đáng đối với những tập thể, cá nhân tích cực tham gia phát hiện tham nhũng, tiêu cực và kiên quyết đấu tranh chống lại các biểu hiện, hành vi tham nhũng, tiêu cực, nhũng nhiễu; có chính sách khuyến khích, động viên đối với những người tự giác, thành khẩn khai báo.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Căn cứ Kế hoạch này, các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam, BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng Kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện tại đơn vị mình. Định kỳ báo cáo kết quả thực hiện công tác PCTN, tiêu cực theo quy định hiện hành của Thanh tra Chính phủ về chế độ báo cáo công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và PCTN, tiêu cực về BHXH Việt Nam (qua Thanh tra BHXH Việt Nam) để tổng hợp chung.

2. Giao Thanh tra BHXH Việt Nam theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Kế hoạch này trong toàn Ngành; định kỳ tổng hợp kết quả thực hiện trình Lãnh đạo Ngành báo cáo các cơ quan có thẩm quyền.

Trên đây kế hoạch thực hiện công tác phòng chống, tham nhũng, tiêu cực năm 2025 của Ngành BHXH Việt Nam, yêu cầu các đơn vị trực thuộc và BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện nghiêm túc, bảo đảm chất lượng, hiệu quả./.

 


[1] Kết luận số 10-KL/TW ngày 26/12/2016 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN), tiêu cực; Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; Chỉ thị số 27-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực; Quy định số 148-QĐ/TW ngày 23/5/2024 của Ban Chấp hành Trung ương về thẩm quyền của người đứng đầu trong việc tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ cấp dưới trong trường hợp cần thiết hoặc khi có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; Quy định số 142-QĐ/TW ngày 23/4/2024 của Bộ Chính trị về thí điểm giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ; Quy định số 144-QĐ/TW ngày 9/5/2024 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng, cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.

Tải về văn bản (file PDF):

Câu trả lời này có giúp ích cho bạn không? Yes No

Send feedback
Rất tiếc là chúng tôi không giúp được nhiều. Hãy giúp chúng tôi cải thiện bài viết này bằng phản hồi của bạn.