BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3995/TCHQ-GSQL V/v trao đổi về quy trình nghiệp vụ thủ tục hải quan | Hà Nội, ngày 16 tháng 05 năm 2016 |
Kính gửi: Công ty Luật trách nhiệm hữu hạn Đông Ngàn.
(Đ/c: Tầng 2, Tháp A, tòa nhà Sky City, số 88 Láng Hạ, Đống Đa, Hà Nội)
Tổng cục Hải quan nhận được công văn số 20/2016/CV-GĐ ngày 08/04/2016 của Công ty Luật trách nhiệm hữu hạn Đông Ngàn đề nghị trao đổi một số nội dung hướng dẫn tại Quy trình thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thương mại ban hành kèm theo Quyết định số 1171/QĐ-TCHQ ngày 15/6/2009 của Tổng cục Hải quan, về vấn đề này, Tổng cục Hải quan có ý kiến như sau:
1. Về việc thông quan hàng hóa nhập khẩu:
Việc thông quan lô hàng hóa nhập khẩu phải căn cứ vào các văn bản quy phạm pháp luật là Luật Hải quan 2001, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hải quan 2005, Nghị định số 154/2005/NĐ-CP ngày 15/12/2005 của Chính phủ, Thông tư số 79/2009/TT-BTC ngày 20/4/2009 của Bộ Tài chính, về nội dung này, Tổng cục Hải quan đã có ý kiến tại điểm 1 công văn số 12070/TCHQ-GSQL ngày 21/12/2015 (gửi kèm).
Việc xác định công chức có thẩm quyền quyết định thông quan trong Quy trình thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu ban hành kèm Quyết định số 1171/QĐ-TCHQ ngày 15/6/2009, Tổng cục Hải quan đã có ý kiến tại điểm 3 công văn số 12070/TCHQ-GSQL dẫn trên.
Theo sơ đồ tổng quát Quy trình thủ tục ban hành kèm theo Quyết định số 1171/QĐ-TCHQ, để một lô hàng được thông quan theo quy định của pháp luật thì bắt buộc phải thực hiện lần lượt các bước nghiệp vụ sau:
Trường hợp phải kiểm tra hồ sơ và kiểm tra thực tế hàng hóa: Bước 1 → Bước 2 → Bước 3 → Bước 4;
Trường hợp phải kiểm tra hồ sơ và miễn kiểm tra thực tế hàng hóa: Bước 1 → Bước 3 → Bước 4.
Như vậy, nhiệm vụ của công chức hải quan tại mỗi bước đã được quy định cụ thể tại quy trình ban hành kèm theo Quyết định 1171/QĐ-TCHQ. Quy trình này không quy định bước nào là quan trọng nhất để thông quan một lô hàng nhập khẩu.
2. Về trách nhiệm cụ thể của Lãnh đạo Chi cục trong dây chuyền làm thủ tục hải quan khi thực hiện điểm 7, điểm 8 bước 1 Quy trình ban hành kèm theo Quyết định số 1171/QĐ-TCHQ:
Theo quy định tại điểm 7, điểm 8 phần I Quyết định số 1171/QĐ-TCHQ thì Lãnh đạo chi cục căn cứ trên hồ sơ hải quan và đề xuất của công chức tiếp nhận hồ sơ để duyệt hoặc quyết định thay đổi hình thức, mức độ kiểm tra hải quan, duyệt kết quả kiểm tra hồ sơ của công chức. Công chức thực hiện nhập đúng thông tin trên Lệnh hình hình thức, mức độ kiểm tra hải quan vào hệ thống và xử lý kết quả kiểm tra theo phê duyệt của Lãnh đạo Chi cục. Căn cứ quy định trên thì cán bộ công chức phải thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ được phân công, đề xuất và thực hiện theo đúng chỉ đạo của Lãnh đạo Chi cục, trường hợp công chức làm sai phải tự chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Do quy trình ban hành kèm theo Quyết định 1171/QĐ-TCHQ đã cá thể hóa trách nhiệm đối với từng công chức (bao gồm công chức là Lãnh đạo Chi cục thực hiện điểm 7, điểm 8 bước 1) trong dây chuyền làm thủ tục hải quan, trường hợp không có vướng mắc phát sinh thì công chức thực hiện đúng chức trách nhiệm vụ được giao. Quy trình không quy định Lãnh đạo Chi cục sau mỗi lần phê duyệt Lệnh hình thức mức độ kiểm tra hải quan phải kiểm tra lại công chức trong dây chuyền làm thủ tục có thực hiện đúng như đề xuất đã được Lãnh đạo Chi cục phê duyệt trước đó hay không.
3. Về trách nhiệm của các Lãnh đạo đơn vị khi triển khai thực hiện quy trình thủ tục hải quan ban hành kèm theo Quyết định số 1171/QĐ-TCHQ:
- Căn cứ quy định tại Điều 10 Luật cán bộ, công chức số 22/2008/QH12 ngày 13/11/2008 về nghĩa vụ của cán bộ, công chức là người đứng đầu: “2. Kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn việc thi hành công vụ của nhà nước;”
- Theo quy định tại khoản 4 Điều 7 Nghị định số 157/2007/NĐ-CP ngày 27/10/2007 của Chính phủ quy định chế độ trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước trong thi hành công vụ, nhiệm vụ về nội dung chế độ trách nhiệm đối với người đứng đầu thì: “căn cứ các quy định về phân cấp và nhiệm vụ, quyền hạn được giao, ban hành các văn bản quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của các cấp phó, các cơ quan, tổ chức, đơn vị cấu thành hoặc từng cán bộ, công chức, viên chức thuộc quyền; không để tình trạng chồng chéo, trung lắp về nhiệm vụ hoặc trách nhiệm không rõ ràng; bảo đảm cán bộ, công chức, viên chức thuộc quyền thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ quyền hạn được giao và đúng pháp luật.”
- Theo hướng dẫn tại Điều 4 Quyết định số 1169/QĐ-TCHQ ngày 9/6/2010 của Tổng cục Hải quan quy định chức năng, nhiệm vụ quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Chi cục Hải quan trực thuộc Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố: “Chi cục trưởng chịu trách nhiệm trước Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh và trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của Chi cục. Phó Chi cục trưởng chịu trách nhiệm trước Chi cục trưởng và trước pháp luật về nhiệm vụ được phân công phụ trách”
Căn cứ các quy định trên thì trong quy trình thủ tục hải quan người chịu trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện nội dung quy định tại điểm 1 mục I phần II quy trình ban hành kèm theo Quyết định 1171/QĐ-TCHQ tại một đơn vị là Chi cục trưởng Chi cục Hải quan và Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan phụ trách nghiệp vụ.
Trong việc thực hiện các nội dung quy định tại điểm 2 mục I phần II quy trình ban hành kèm theo Quyết định 1171/QĐ-TCHQ thì Lãnh đạo Chi cục chịu trách nhiệm thực hiện các công việc theo đúng quy định của pháp luật.
Tổng cục Hải quan đề nghị Công ty Luật trách nhiệm hữu hạn Đông Ngàn nghiên cứu các nội dung nêu trên và Quyết định số 584/QĐ-HQHT ngày 1/9/2010 của Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Hà Tây về việc phân công nhiệm vụ của các đồng chí Lãnh đạo Chi cục Hải quan Hà Tây để có thêm thông tin, tài liệu cho việc bào chữa tại phiên tòa./.
| KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG |