BỘ TÀI CHÍNH TỔNG CỤC HẢI QUAN ------- | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- |
Số: 1118 / TCHQ - GSQL V/v thủ tục tạm xuất - tái nhập hàng hóa | Hà Nội, ngày 06 tháng 02 năm 2015 |
Kính gửi: Bộ Công Thương
Theo báo cáo của một số Cục Hải quan địa phương, hiện nay việc thực hiện quy định tại Khoản 5 Điều 13 Nghị định số 187 / 2013 / NĐ - CP ngày 20/11/2013 của Chính phủ đối với hàng hóa đã qua sử dụng còn thời hạn bảo hành ghi trên hợp đồng nhập khẩu không phải xin phép tạm xuất - tái nhập có phát sinh như sau:
Một số doanh nghiệp khi nhập khẩu hàng hóa không có điều khoản thời hạn bảo hành ghi trên hợp đồng nhập khẩu nhưng khi làm thủ tục tạm xuất- tái nhập hàng hóa để bảo hành sửa chữa tại nước ngoài bổ sung phụ lục hợp đồng liên quan đến thời hạn bảo hành và Chi cục Hải quan cửa khẩu không có cơ sở không thực hiện thủ tục tạm xuất- tái nhập theo quy định. Thời hạn bắt đầu và kết thúc bảo hành cho một số sản phẩm (như điện thoại di động) được các hãng sản xuất quy định khác nhau, có nhiều trường hợp doanh nghiệp dẫn chiếu chính sách bảo hành được đăng tải trên Website chính thức của nhà sản xuất hoặc trong hợp đồng tổng, hợp đồng khung. Theo đó, Chi cục Hải quan cửa khẩu chỉ dựa vào khai báo và giải trình của doanh nghiệp để thực hiện thủ tục tạm xuất - tái nhập, dẫn đến việc giải quyết không thống nhất. Ngoài ra, việc giải quyết thủ tục tạm xuất - tái nhập những mặt hàng đã qua sử dụng khi doanh nghiệp bổ sung phụ lục hợp đồng hoặc dẫn chiếu quy định trên Website hoặc hợp đồng tổng tiềm ẩn nhiều rủi ro buôn lậu và gian lận thương mại. Để quản lý chặt chẽ loại hình tạm xuất - tái nhập theo thời hạn bảo hành, Hải quan địa phương đề xuất giải quyết như sau:
Đối với các trường hợp trong Hợp đồng có điều khoản bảo hành, Hải quan cửa khẩu căn cứ điều khoản bảo hành này để làm thủ tục tạm xuất - tái nhập cho doanh nghiệp.
Đối với các trường hợp doanh nghiệp xuất trình hợp đồng bổ sung điều khoản bảo hành, Hải quan cửa khẩu căn cứ điều khoản bổ sung này để làm thủ tục tục tạm xuất - tái nhập cho doanh nghiệp.
Đối với các trường hợp điều khoản bảo hành chung trên trang Web và được thể hiện trên hợp đồng thì Hải quan cửa khẩu căn cứ thời hạn bảo hành thể hiện trên trang Web và điều khoản hợp đồng này để làm thủ tục tạm xuất- tái nhập cho doanh nghiệp.
Đối với các trường hợp khác (ngoài các trường hợp nêu tại các điểm 1, 2, 3 trên đây) thì phải có giấy phép của Bộ Công Thương, Hải quan cửa khẩu mới làm thủ tục tạm xuất - tái nhập cho doanh nghiệp.
Tổng cục Hải quan xin trao đổi với Bộ Công Thương nội dung trên và đề nghị Bộ Công Thương có ý kiến để Tổng cục Hải quan hướng dẫn Hải quan địa phương thống nhất thực hiện.
Xin trân trọng cảm ơn sự phối hợp của Quý Bộ.
Nơi nhận:
Như trên;
Cục HQTP.HCM (để theo dõi);
Lưu: VT, GSQL(03b).