Open navigation

Công văn 158/TCT-CS Hạch toán khoản chi phúc lợi của doanh nghiệp


BỘ TÀI CHÍNH

TỔNG CỤC THUẾ

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

---------------

Số: 158/TCT-CS

V/v hạch toán khoản chi phúc lợi của doanh nghiệp

Hà Nội, ngày 12 tháng 01 năm 2017


Kính gửi: Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương


Tổng cục Thuế nhận được công văn của một số Cục Thuế và doanh nghiệp đề nghị hướng dẫn về chi phúc lợi, khen thưởng cho người lao động. Ngày 19/8/2016, Bộ Tài chính đã có công văn số 11644/BTC-TCT báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Ngày 28/10/2016, Văn phòng Chính phủ có công văn số 9247/VPCP-KTTH gửi Bộ Tài chính về hạch toán khoản chi phúc lợi, khen thưởng của doanh nghiệp. Trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 9247/VPCP-KTTH của Văn phòng Chính phủ nêu trên, ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế có ý kiến như sau:


Khoản 4 Điều 1 Nghị định số 91/2014/NĐ-CP ngày 1/10/2014 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều tại các Nghị định về thuế quy định các khoản chi được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế như sau:


“Khoản chi có tính chất phúc lợi chi trực tiếp cho người lao động mà doanh nghiệp có hóa đơn, chứng từ theo quy định như: Chi đám hiếu, hỷ của bản thân và gia đình người lao động; chi nghỉ mát, chi hỗ trợ điều trị; chi hỗ trợ bổ sung kiến thức học tập tại cơ sở đào tạo; chi hỗ trợ gia đình người lao động bị ảnh hưởng bởi thiên tai, địch họa, tai nạn, ốm đau; chi khen thưởng con cái của người lao động có thành tích tốt trong học tập; chi hỗ trợ chi phí đi lại ngày lễ, tết cho người lao động và những khoản chi có tính chất phúc lợi khác theo hướng dẫn của Bộ Tài chính; tổng số chi không quá 01 tháng lương bình quân thực tế thực hiện trong năm tính thuế”.


Điểm c Khoản 3 Điều 31 Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015 của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp quy định như sau:


“c) Trích quỹ khen thưởng, phúc lợi cho người lao động trong doanh nghiệp:


  • Doanh nghiệp xếp loại A được trích 3 tháng lương thực hiện cho hai quỹ khen thưởng, phúc lợi:


  • Doanh nghiệp xếp loại B được trích 1,5 tháng lương thực hiện cho hai quỹ khen thưởng, phúc lợi;


  • Doanh nghiệp xếp loại C được trích 01 tháng lương thực hiện cho hai quỹ khen thưởng, phúc lợi;

  • Doanh nghiệp không thực hiện xếp loại thì không được trích lập hai quỹ khen thưởng, phúc lợi.”


Khoản 4 Điều 32 Nghị định số 91/2015/NĐ-CP nêu trên quy định như sau:


“4. Quỹ phúc lợi được dùng để:


  1. Đầu tư xây dựng hoặc sửa chữa các công trình phúc lợi của doanh nghiệp.


  2. Chi cho các hoạt động phúc lợi của người lao động trong doanh nghiệp bao gồm cả người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên làm việc theo hợp đồng lao động và người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên do nhà nước bổ nhiệm.


  3. Góp một phần vốn để đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi chung trong ngành hoặc với các đơn vị khác theo hợp đồng.


  4. Sử dụng một phần quỹ phúc lợi để trợ cấp khó khăn đột xuất cho những người lao động kể cả những trường hợp về hưu, về mất sức, lâm vào hoàn cảnh khó khăn, không nơi nương tựa hoặc làm công tác từ thiện xã hội.


đ) Mức chi sử dụng quỹ do Tổng Giám đốc hoặc Giám đốc doanh nghiệp quyết định, được ghi trong Quy chế quản lý, sử dụng quỹ của doanh nghiệp.”


Tại Điều 8 Nghị định số 53/2016/NĐ-CP ngày 13/6/2016 của Chính phủ quy định về lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với công ty có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước quy định như sau:


“Điều 8. Về tiền thưởng, phúc lợi


Căn cứ vào lợi nhuận hàng năm sau khi hoàn thành nghĩa vụ với Nhà nước, các thành viên góp vốn theo quy định của Nhà nước và Điều lệ công ty, công ty xác định tiền thưởng, phúc lợi của người lao động và người quản lý công ty như sau:


1. Quỹ khen thưởng, phúc lợi của người lao động tối đa không quá 3 tháng tiền lương bình quân thực hiện, nếu lợi nhuận thực hiện bằng lợi nhuận kế hoạch. Trường hợp lợi nhuận thực hiện vượt lợi nhuận kế hoạch thì được trích thêm quỹ khen thưởng, phúc lợi bằng 20% lợi nhuận thực hiện vượt lợi nhuận kế hoạch, nhưng tối đa không quá 3 tháng tiền lương bình quân thực hiện.”


Căn cứ các quy định nêu trên, doanh nghiệp tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN đối với khoản chi có tính chất phúc lợi chi trực tiếp cho người lao động quy định tại Khoản 4 Điều 1 Nghị định số 91/2014/NĐ-CP ngày 1/10/2014 của Chính phủ nếu có đầy đủ hóa đơn, chứng từ và tổng số chi không quá 01 tháng lương bình quân thực tế thực hiện trong năm tính thuế.

Đối với doanh nghiệp nhà nước, công ty có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước trong năm có các khoản chi có tính chất phúc lợi chi trực tiếp cho người lao động đã tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN theo quy định nêu trên, nếu doanh nghiệp có trích lập quỹ phúc lợi theo quy định thì cần đảm bảo nguyên tắc một khoản chi phúc lợi không hạch toán trùng từ hai nguồn (tính vào chi phí và nguồn quỹ phúc lợi).


Đề nghị Cục Thuế căn cứ các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành và hướng dẫn tại công văn này để hướng dẫn các đơn vị thực hiện./.



Nơi nhận:

  • Như trên;

  • TTr Đỗ Hoàng Anh Tuấn (để báo cáo);

  • TTr Vũ Thị Mai (để báo cáo);

  • Vụ CST; PC; Cục TCDN-BTC;

  • Vụ PC- TCT;

  • Lưu: VT, CS (3b).


KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG

 PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG


Cao Anh Tuấn

Tải về văn bản (file PDF):

Câu trả lời này có giúp ích cho bạn không? Yes No

Send feedback
Rất tiếc là chúng tôi không giúp được nhiều. Hãy giúp chúng tôi cải thiện bài viết này bằng phản hồi của bạn.