Open navigation

Quyết định 70/QĐ-TXNK Quy chế kiểm soát nội bộ và chế độ trách nhiệm của cán bộ, công chức Cục Thuế xuất nhập khẩu trong thực thi công vụ

TỔNG CỤC HẢI QUAN
CỤC THUẾ XUẤT NHẬP KHẨU

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 70/QĐ-TXNK

Hà Nội, ngày 12 tháng 10 năm 2018


QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ KIỂM SOÁT NỘI BỘ VÀ CHẾ ĐỘ TRÁCH NHIỆM CỦA CÁN BỘ, CÔNG CHỨC CỤC THUẾ XUẤT NHẬP KHẨU TRONG THỰC THI CÔNG VỤ

CỤC TRƯỞNG CỤC THUẾ XUẤT NHẬP KHẨU

Căn cứ Luật Hải quan số 54/2014/QH13 ngày 23/6/2014;

Căn cứ Quyết định số 65/2015/QĐ-TTg ngày 17/12/2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Hải quan trực thuộc Bộ Tài chính;

Căn cứ Quyết định số 1387/QĐ-BTC ngày 20/6/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Thuế xuất nhập khẩu trực thuộc Tổng cục Hải quan;

Căn cứ Quyết định số 3333/QĐ-TCHQ ngày 06/10/2016 của Tổng cục Hải quan về việc ban hành Quy chế làm việc của Tổng cục Hải quan;

Căn cứ Quyết định số 188/QĐ-TCHQ ngày 02/02/2017 của Tổng cục Hải quan về việc ban hành Quy chế hoạt động công vụ của Hải quan Việt Nam;

Căn cứ Quyết định số 2799/QĐ-TCHQ ngày 26/9/2018 của Tổng cục Hải quan về việc ban hành Quy chế kiểm tra công vụ và xử lý, kỷ luật đối với công chức, viên chức, người lao động trong ngành Hải quan;

Xét đề nghị của Trưởng phòng Tổng hợp.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế kiểm soát nội bộ và chế độ trách nhiệm của cán bộ, công chức Cục Thuế xuất nhập khẩu trong thực thi công vụ.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký, thay thế Quyết định số 25/QĐ-TXNK ngày 04/11/2016 về việc ban hành Quy chế về quản lý nội bộ Cục Thuế xuất nhập khẩu.

Điều 3. Lãnh đạo Cục Thuế xuất nhập khẩu, lãnh đạo các Phòng và toàn thể cán bộ, công chức thuộc Cục Thuế xuất nhập khẩu chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.



Nơi nhận:
- Tổng cục trưởng (để b/c);
- PTCT Nguyễn Dương Thái (để b/c);
- Như Điều 3;
- Lưu: VT, TH (3).

CỤC TRƯỞNG




Lưu Mạnh Tưởng


QUY CHẾ

QUY ĐỊNH VỀ CƠ CHẾ QUẢN LÝ, KIỂM SOÁT NỘI BỘ VÀ CHẾ ĐỘ TRÁCH NHIỆM CỦA CÁN BỘ CÔNG CHỨC TRONG THỰC THI CÔNG VỤ TẠI CỤC THUẾ XUẤT NHẬP KHẨU
(Ban hành kèm theo Quyết định số 70 ngày 12 tháng 10 năm 2018 của Cục trưởng Cục Thuế xuất nhập khẩu)

I. QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi và đối tượng áp dụng

1. Quy chế này quy định cơ chế quản lý, kiểm soát nội bộ của Lãnh đạo Cục; Lãnh đạo Phòng thuộc Cục Thuế xuất nhập khẩu đối với công việc, cán bộ, công chức (sau đây gọi tắt là CBCC) thuộc thẩm quyền, trách nhiệm quản lý trực tiếp và chế độ trách nhiệm của CBCC trong thực thi công vụ.

2. Quy định này áp dụng đối với cán bộ lãnh đạo các cấp và CBCC thuộc Cục.

Điều 2. Mục đích, yêu cầu.

1. Mục đích: Lãnh đạo các cấp và CBCC phải nắm bắt, kiểm soát được toàn bộ công việc thuộc chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao.

2. Yêu cầu:

2.1. Bảo đảm tuân thủ pháp luật và các quy trình, quy chế của Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan.

2.2. Toàn diện, khách quan, đảm bảo tính khả thi và hiệu quả trong quá trình thực hiện.

2.3. Bảo đảm chế độ thông tin, báo cáo đầy đủ và kịp thời về các nội dung, vấn đề phát sinh.

2.4. Góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm, trình độ của CBCC, cải cách lề lối làm việc, thực hiện nghiêm kỷ cương, kỷ luật hành chính, giữ gìn, đoàn kết nội bộ trong toàn Cục.

Điều 3. Nguyên tắc thực hiện.

1. Phân công trách nhiệm, giao việc, ủy quyền đối với từng nội dung công việc, đảm bảo cụ thể hóa nhiệm vụ, quyền hạn, địa chỉ trách nhiệm của các bộ phận, các cán bộ lãnh đạo và CBCC thừa hành. Một việc chỉ được giao cho một người chịu trách nhiệm thực hiện, tránh phân công chồng chéo.

2. Lãnh đạo Cục, Lãnh đạo Phòng phải có nhật ký công việc để theo dõi, kiểm tra và kiểm soát công việc của CBCC; đặc biệt là công việc tồn đọng, qua đó đánh giá được tinh thần trách nhiệm, ý thức kỷ luật, năng lực của từng CBCC, từ đó bố trí, sử dụng đúng người, đúng việc, đồng thời làm cơ sở để xem xét trách nhiệm của Lãnh đạo Cục, Lãnh đạo Phòng và CBCC khi xảy ra sai phạm.

3. Kịp thời báo cáo vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ với lãnh đạo các cấp theo Quy chế làm việc của Lãnh đạo Cục Thuế xuất nhập khẩu; Quy chế làm việc của các Phòng thuộc Cục Thuế xuất nhập khẩu.

4. Trưởng các Phòng phải tổ chức rà soát, nhận dạng các rủi ro liên quan đến lĩnh vực, mảng công việc của Phòng, liên quan đến CBCC trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Khi nhận được thông tin phản ánh của cá nhân, tổ chức liên quan đến tinh thần phục vụ, ý thức thái độ, hành vi tiêu cực của các CBCC trong Phòng, Trưởng phòng phải chủ động tổ chức xác minh và báo cáo ngay với Phó Cục trưởng phụ trách đồng thời báo cáo Cục trưởng trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ thời điểm nhận được thông tin.

II. QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 4. Cơ chế kiểm soát công việc của Lãnh đạo Cục, Lãnh đạo Phòng và CBCC.

1. Đối với các Lãnh đạo Cục

Thực hiện đúng Quy chế làm việc của tập thể Lãnh đạo Cục Thuế xuất nhập khẩu. Ngoài ra các đồng chí Phó Cục trưởng thực hiện một số nội dung sau:

1.1. Chủ động đôn đốc, chỉ đạo và kiểm tra việc thực hiện mảng việc được phân công phụ trách, đặc biệt là việc giải quyết, xử lý dứt điểm những vụ việc tồn đọng, vướng mắc kéo dài; những khó khăn do Trưởng phòng báo cáo và xin ý kiến.

1.2. Báo cáo ngay với Cục trưởng hoặc 01 lần/tuần hoặc trước kỳ giao ban tháng của Cục (tùy theo tính cấp bách) những vấn đề phức tạp, phát sinh cần thống nhất; những công việc mà Cục trưởng yêu cầu kiểm tra để chỉ đạo kịp thời.

1.3. Thực hiện chế độ làm việc với các Phòng được phân công phụ trách ít nhất 01 tháng một lần để nắm tổng thể tình hình của Phòng, chấn chỉnh kịp thời những vấn đề tồn tại, sai sót.

1.4. Chịu trách nhiệm phụ trách theo dõi một số Cục hải quan địa phương về công tác thu thuế và quản lý thuế nhằm đảm bảo việc nắm bắt thông tin tổng thể và xuyên suốt, tham mưu kịp thời cho các cấp Lãnh đạo trong việc điều hành lĩnh vực thuế tại các Cục Hải quan địa phương, tập trung vào 05 lĩnh vực gồm:

a. Thực hiện dự toán thu và quản lý nợ;

b. Công tác miễn, giảm, hoàn thuế;

c. Công tác trị giá hải quan;

d. Công tác phân loại hàng hóa;

đ. Công tác xử lý các văn bản vướng mắc.

Nguồn thông tin để theo dõi là báo cáo của các Phòng nghiệp vụ về số liệu và tình hình thực hiện của các địa phương đối với các lĩnh vực nêu trên.

1.5. Thực hiện chế độ trực ban luân phiên hàng tuần tại Cục để xử lý các công việc chung, các công việc đột xuất, cấp bách, theo dõi, đôn đốc tiến độ triển khai công việc theo tuần (có mở sổ theo dõi trực ban tại Cục). Nhiệm vụ trực ban gồm:

a. Phân công văn bản đến cho các Phòng xử lý theo đúng chức năng nhiệm vụ của các Phòng và các Phó Cục trưởng, báo cáo Cục trưởng những văn bản thuộc thẩm quyền xử lý của Cục trưởng;

b. Đôn đốc, chỉ đạo các Phòng trong việc triển khai kế hoạch công tác tuần đã kết luận tại giao ban tuần, tổng hợp kết quả thực hiện công việc của các Phòng vào sổ trực ban và báo cáo tại giao ban Cục đầu tuần sau;

c. Duyệt, ký, họp thay các cặp Lãnh đạo Cục phụ trách các mảng chuyên môn khi đồng thời vắng mặt;

d. Đôn đốc, theo dõi tiến độ trả lời Đường dây nóng; trả lời các vướng mắc của các đơn vị tại trực ban trực tuyến của Tổng cục có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Cục;

đ. Phụ trách công tác thăm hỏi, hiếu hỉ của Cục trong trường hợp Lãnh đạo Cục phụ trách Phòng hoặc có quan hệ đối tác với đơn vị liên quan đi vắng.

2. Đối với Lãnh đạo Phòng:

Thực hiện đúng Quy chế làm việc của các Phòng thuộc Cục Thuế xuất nhập khẩu. Ngoài ra, thực hiện thêm một số nội dung sau:

2.1. Đối với Trưởng Phòng:

a. Chủ động thực hiện các biện pháp nhằm quản lý, kiểm soát các nội dung công việc thuộc phạm vi trách nhiệm, thẩm quyền. Báo cáo ngay với Phó Cục trưởng được phân công phụ trách Phòng khi phát sinh những vụ việc có tính chất phức tạp để được chỉ đạo kịp thời.

b. Chủ động yêu cầu các Phó Trưởng phòng hoặc CBCC thuộc Phòng báo cáo quá trình thực hiện nhiệm vụ theo thời hạn quy định để tổng hợp, nắm tình hình, từ đó, nhắc nhở, chấn chỉnh kịp thời việc thực hiện nhiệm vụ của Phó Trưởng phòng, CBCC.

c. Chủ động triển khai và chịu trách nhiệm các nhiệm vụ của Phòng (nhưng phải báo cáo xin ý kiến phê duyệt của Phó Cục trưởng phụ trách trước khi thực hiện) gồm:

- Xây dựng kế hoạch công tác;

- Phân công công việc cho các cán bộ;

- Tổ chức thực hiện kế hoạch công tác;

- Kiểm tra, giám sát công việc;

- Phân loại, đánh giá cán bộ, công chức;

- Quản lý, sử dụng tài sản và các nhiệm vụ khác theo chức năng, nhiệm vụ của Phòng.

d. Có trách nhiệm báo cáo tình hình thực hiện các nhiệm vụ được giao tại kết luận giao ban tuần và tồn tại vướng mắc phát sinh trong việc thực hiện nhiệm vụ của Phòng với Phó Cục trưởng trực ban; đồng thời, gửi 01 bản báo cáo trên về Phòng Tổng hợp trước 11h thứ sáu hàng tuần để tổng hợp, báo cáo Lãnh đạo Cục, phục vụ công tác giao ban Cục tuần kế tiếp.

Báo cáo các Phó Cục trưởng phụ trách địa phương (theo sự phân công của Cục trưởng) tóm tắt tình hình quản lý thuộc lĩnh vực phụ trách của Phòng theo từng địa phương bao gồm: Tình hình, tiến độ, kết quả thực hiện công việc trong tháng; những khó khăn vướng mắc; kiến nghị, đề xuất, kế hoạch thực hiện công việc tháng tiếp theo gửi các Phó Cục trưởng để theo dõi, đôn đốc chỉ đạo thực hiện. Việc xử lý các vướng mắc cụ thể vẫn do các Phòng chuyên môn và các Phó Cục trưởng phụ trách lĩnh vực thực hiện.

2.2. Đối với Phó Trưởng phòng:

Có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc CBCC thực hiện nhiệm vụ; tổng hợp, báo cáo ngay hoặc theo chỉ đạo của Trưởng phòng (tùy theo tính cấp bách) tình hình giải quyết công việc, tồn tại vướng mắc phát sinh tại lĩnh vực công việc được phân công phụ trách với Trưởng phòng để xin ý kiến chỉ đạo.

3. Đối với cán bộ, công chức:

Mỗi CBCC có trách nhiệm thực hiện đúng Quy chế làm việc của các Phòng thuộc Cục Thuế xuất nhập khẩu theo sự phân công của Lãnh đạo Phòng, Lãnh đạo Cục (nếu có); Quy chế Giải quyết văn bản đến, văn bản đi và báo cáo với Phó Trưởng phòng được phân công phụ trách hoặc với Trưởng phòng về kết quả xử lý công việc được giao hoặc công việc được cấp trên yêu cầu, chỉ đạo.

Báo cáo ngay hoặc theo chỉ đạo của Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng tình hình thực hiện các nhiệm vụ được giao. Cụ thể: Số lượng hồ sơ, vụ việc đã nhận trong tuần; số lượng hồ sơ, vụ việc đã giải quyết; số hồ sơ, vụ việc còn tồn lại đến cuối tuần (báo cáo rõ lý do) và những vụ việc tồn tại, vướng mắc; nguyên nhân; hướng giải quyết với Phó Trưởng phòng được phân công phụ trách hoặc với Trưởng phòng để xin ý kiến chỉ đạo.

Điều 5. Chế tài xử lý vi phạm.

Việc xử lý kỷ luật thực hiện theo quy định chung của nhà nước, của Bộ Tài chính và Quyết định số 2799/QĐ-TCHQ ngày 26/9/2018 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan có kết hợp với các trường hợp xử lý cụ thể như sau:

1. Đối với cán bộ, công chức:

1.1. Trường hợp vi phạm giờ làm việc

a. Trường hợp đến muộn, về sớm hoặc vắng mặt trong giờ làm việc khi chưa được sự đồng ý của Lãnh đạo thì xử lý như sau:

- Vi phạm lần đầu, Lãnh đạo Phòng có trách nhiệm nhắc nhở;

- Vi phạm lần 02, Lãnh đạo Phòng có trách nhiệm phê bình;

- Vi phạm lần 03 - xếp loại B, lần 04 - xếp loại C và từ 04 lần trở lên xếp loại D của tháng đó hoặc tháng phát hiện vi phạm.

b. Trường hợp CBCC không đến cơ quan làm việc khi chưa được sự đồng ý của Lãnh đạo: 1 ngày làm việc/tháng - xếp loại B; 1,5 ngày làm việc/tháng - xếp loại C; 02 ngày làm việc/tháng - xếp loại D và từ 03 đến 05 làm việc/tháng thì áp dụng hình thức xử lý kỷ luật Khiển trách.

1.2. Trường hợp không tham gia các cuộc họp, hội nghị; đến muộn khi chưa có sự đồng ý của chủ tọa hay ban tổ chức thì xử lý như sau:

- Vi phạm lần đầu, Lãnh đạo Phòng có trách nhiệm nhắc nhở;

- Vi phạm lần 02, Lãnh đạo Phòng có trách nhiệm phê bình;

- Vi phạm lần 03 - xếp loại B, lần 04 - xếp loại C và từ 04 lần trở lên xếp loại D của tháng đó hoặc tháng phát hiện vi phạm.

1.3. Áp dụng hình thức xử lý kỷ luật Khiển trách đối với trường hợp CBCC xử lý văn bản chậm so với thời gian quy định tại các Điều 23, Điều 24, Điều 25 Quy chế làm việc của Tổng cục Hải quan ban hành kèm theo Quyết định số 3333/QĐ-TCHQ ngày 06/10/2016 của Tổng cục Hải quan mà không có lý do chính đáng (Sau khi nhận văn bản, chuyên viên đề xuất phải nghiên cứu văn bản và báo cáo Lãnh đạo Phòng nếu có vướng mắc. Hết thời hạn xử lý hoặc sát ngày hết hạn mới báo cáo vướng mắc không được coi là “có lý do chính đáng”.)

Lưu ý: Đối với các văn bản hoặc Thông báo kết luận đã có ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Lãnh đạo Bộ Tài chính, Lãnh đạo Tổng cục Hải quan, chỉ đạo của Cục trưởng thì thực hiện theo thời hạn đã được chỉ đạo, không áp dụng quy định tại khoản này.

1.4. Trường hợp CBCC xử lý công việc, xử lý văn bản không đảm bảo chất lượng do không đúng thể thức văn bản, sai lỗi chính tả

- 01 - 05 văn bản/tháng: Lãnh đạo Phòng có trách nhiệm nhắc nhở.

- Trường hợp sau khi Lãnh đạo Phòng đã nhắc nhở nếu tiếp tục vi phạm 06 - 10 văn bản/tháng - xếp loại B

- Trên 10 văn bản/tháng - xếp loại C

1.5. Áp dụng hình thức xử lý kỷ luật Khiển trách đối với trường hợp CBCC xử lý công việc, xử lý văn bản không đảm bảo chất lượng do không nghiên cứu kỹ hồ sơ, chưa đúng nội dung cần giải quyết.

1.6. Trường hợp CBCC không tuân theo chỉ đạo của cấp trên, không tuân thủ chế độ báo cáo hoặc không báo cáo để vụ việc vướng mắc, tồn tại kéo dài

- Áp dụng hình thức xử lý kỷ luật Cảnh cáo đối với trường hợp CBCC không tuân theo chỉ đạo của cấp trên.

- Áp dụng hình thức xử lý kỷ luật Khiển trách đối với trường hợp CBCC không tuân thủ chế độ báo cáo hoặc không báo cáo kịp thời để vụ việc vướng mắc, tồn tại kéo dài.

1.7. Áp dụng hình thức xử lý kỷ luật Cảnh cáo đối với trường hợp CBCC gây phiền hà, sách nhiễu, có dấu hiệu tiêu cực (sau khi đã kiểm tra) và xem xét xử lý theo tính chất vụ việc cụ thể theo quy định của Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan.

2. Đối với Lãnh đạo Phòng, Phó Cục trưởng phụ trách:

2.1. Trưởng phòng và Phó Trưởng Phòng được phân công phụ trách chịu trách nhiệm liên đới nếu CBCC thuộc phòng có vi phạm nêu tại điểm 1. Mức phân loại thấp hơn 01 mức so với mức CBCC vi phạm bị xử lý. Ví dụ: CBCC bị xếp loại C thì Phó Trưởng phòng phụ trách bị xếp loại B.

2.2. Trường hợp Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng xử lý công việc trực tiếp theo phân công của Cục trưởng hoặc Phó Cục trưởng nhưng vi phạm các quy định tại điểm 1 nêu trên thì mức phân loại áp dụng tăng thêm 01 mức so với mức vi phạm của CBCC.

2.3. Trưởng phòng, Phó Cục trưởng phụ trách trực tiếp chịu trách nhiệm liên đới đối với vi phạm của Phó Trưởng phòng gây nên nếu không có nhắc nhở, đôn đốc, không soát xét kỹ văn bản khi xét duyệt hồ sơ.

2.4. Tập thể các Phòng có CBCC, Lãnh đạo Phòng vi phạm sẽ xem xét các danh hiệu thi đua cuối năm.

3. Đối với Cục trưởng:

Chịu trách nhiệm liên đới đối với hành vi vi phạm của CBCC, Lãnh đạo Phòng, Phó Cục trưởng gây ra theo quy định của Tổng cục Hải quan, Bộ Tài Chính.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 6. Quy chế này được phổ biến đến toàn thể Lãnh đạo và CBCC trong Cục. Giao Trưởng các phòng phổ biến để tổ chức thực hiện. Lãnh đạo và CBCC trong Cục có trách nhiệm chấp hành nghiêm túc Quy chế này.

Trong quá trình thực hiện Quy chế này, nếu phát sinh những vấn đề cần bổ sung; sửa đổi, Trưởng phòng Phòng Tổng hợp chủ trì, phối hợp với các Phòng thuộc Cục đề xuất trình Lãnh đạo Cục xem xét, quyết định bổ sung, sửa đổi Quy chế cho phù hợp./.

Tải về văn bản (file PDF):

Câu trả lời này có giúp ích cho bạn không? Yes No

Send feedback
Rất tiếc là chúng tôi không giúp được nhiều. Hãy giúp chúng tôi cải thiện bài viết này bằng phản hồi của bạn.