CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 144/2018/NĐ-CP | Hà Nội, ngày 16 tháng 10 năm 2018 |
NGHỊ ĐỊNH
SỬA ĐỔI, BỔ SUNG CÁC NGHỊ ĐỊNH VỀ VẬN TẢI ĐA PHƯƠNG THỨC
Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Bộ luật hàng hải Việt Nam ngày 25 tháng 11 năm 2015;
Căn cứ Luật giao thông đường bộ ngày 13 tháng 11 năm 2008;
Căn cứ Luật hàng không dân dụng Việt Nam ngày 29 tháng 6 năm 2006; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật hàng không dân dụng Việt Nam ngày 21 tháng 11 năm 2014;
Căn cứ Luật giao thông đường thủy nội địa ngày 15 tháng 6 năm 2004; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giao thông đường thủy nội địa ngày 17 tháng 6 năm 2014;
Căn cứ Luật đường sắt ngày 16 tháng 6 năm 2017;
Căn cứ Luật doanh nghiệp ngày 26 tháng 11 năm 2014;
Căn cứ Luật hợp tác xã ngày 20 tháng 11 năm 2012;
Căn cứ Luật đầu tư ngày 26 tháng 11 năm 2014; Luật sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật đầu tư ngày 22 tháng 11 năm 2016;
Căn cứ Luật hải quan ngày 23 tháng 6 năm 2014;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải;
Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung các Nghị định về vận tải đa phương thức.
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 87/2009/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ về vận tải đa phương thức, đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 89/2011/NĐ-CP ngày 10 tháng 10 năm 2011 của Chính phủ
1. Bổ sung khoản 3 Điều 1 như sau:
"3. Người kinh doanh các phương thức vận tải tham gia vào hoạt động vận tải đa phương thức phải đáp ứng các điều kiện kinh doanh theo quy định của pháp luật tương ứng với mỗi phương thức vận tải.".
2. Điều 5 được sửa đổi, bổ sung như sau:
"Điều 5. Điều kiện kinh doanh vận tải đa phương thức quốc tế
1. Doanh nghiệp, hợp tác xã Việt Nam, doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại Việt Nam chỉ được kinh doanh vận tải đa phương thức quốc tế sau khi có Giấy phép kinh doanh vận tải đa phương thức quốc tế trên cơ sở đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:
a) Duy trì tài sản tối thiểu tương đương 80.000 SDR hoặc có bảo lãnh tương đương hoặc có phương án tài chính thay thế theo quy định của pháp luật;
b) Có bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp vận tải đa phương thức hoặc có bảo lãnh tương đương.
2. Doanh nghiệp của các quốc gia là thành viên Hiệp định khung ASEAN về vận tải đa phương thức hoặc là doanh nghiệp của quốc gia đã ký điều ước quốc tế với Việt Nam về vận tải đa phương thức chỉ được kinh doanh vận tải đa phương thức quốc tế sau khi có Giấy phép kinh doanh vận tải đa phương thức quốc tế của Việt Nam trên cơ sở đáp ứng đủ các điều kiện sau:
a) Có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh vận tải đa phương thực quốc tế hoặc giấy tờ tương đương do cơ quan có thẩm quyền nước đó cấp;
b) Có bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp vận tải đa phương thức hoặc có bảo lãnh tương đương.
3. Bộ Giao thông vận tải tổ chức quản lý và cấp Giấy phép kinh doanh vận tải đa phương thức quốc tế.".
3. Điều 6 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 6. Thủ tục cấp Giấy phép kinh doanh vận tải đa phương thức quốc tế
1. Doanh nghiệp, hợp tác xã, doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại Việt Nam quy định tại khoản 1 Điều 5 của Nghị định này nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh vận tải đa phương thức quốc tế trực tiếp tại Bộ Giao thông vận tải hoặc qua đường bưu chính hoặc gửi bằng hình thức phù hợp khác theo quy định. Hồ sơ bao gồm:
a) Đơn đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh vận tải đa phương thức quốc tế theo mẫu quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này;
b) Bản sao từ sổ gốc hoặc bản sao và xuất trình bản chính để đối chiếu hoặc bản sao có chứng thực (trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp), nộp bản sao có chứng thực (trường hợp nộp hồ sơ qua đường bưu chính) đối với Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc giấy tờ tương đương theo quy định của pháp luật;
c) Báo cáo tài chính được kiểm toán. Trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện kiểm toán thì phải được tổ chức ngân hàng hoặc tổ chức, cá nhân khác bảo lãnh tương đương; hoặc có phương án tài chính thay thế theo quy định của pháp luật.
2. Doanh nghiệp quy định tại khoản 2 Điều 5 của Nghị định này nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh vận tải đa phương thức quốc tế trực tiếp tại Bộ Giao thông vận tải hoặc qua đường bưu chính hoặc gửi bằng hình thức phù hợp khác. Hồ sơ bao gồm:
a) Đơn đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh vận tải đa phương thức quốc tế theo mẫu quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này;
b) Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh vận tải đa phương thức quốc tế hoặc giấy tờ tương đương do Cơ quan có thẩm quyền nước đó cấp và đã được hợp pháp hóa lãnh sự;
c) Hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp vận tải đa phương thức hoặc có bảo lãnh tương đương.
3. Trường hợp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh vận tải đa phương thức quốc tế chưa đầy đủ theo quy định, trong thời hạn 03 (ba) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ trực tiếp hoặc ngày đến ghi trên dấu bưu điện, Bộ Giao thông vận tải phải có văn bản trả lời doanh nghiệp và nêu rõ lý do.
4. Trong thời hạn 05 (năm) ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, Bộ Giao thông vận tải cấp Giấy phép kinh doanh vận tải đa phương thực quốc tế cho doanh nghiệp theo mẫu quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này.
Giấy phép kinh doanh vận tải đa phương thức quốc tế có giá trị 05 năm kể từ ngày cấp.
5. Nếu có thay đổi một trong những nội dung ghi trong Giấy phép kinh doanh vận tải đa phương thức quốc tế trong thời hạn có hiệu lực, người kinh doanh vận tải đa phương thức quốc tế phải làm thủ tục theo quy định tại Điều 7 của Nghị định này để đề nghị cấp lại Giấy phép kinh doanh vận tải đa phương thức quốc tế.”.
4. Điều 7 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 7. Cấp lại Giấy phép kinh doanh vận tải đa phương thức quốc tế
Trường hợp có thay đổi một trong những nội dung ghi trong Giấy phép kinh doanh vận tải đa phương thức quốc tế trong thời hạn có hiệu lực hoặc Giấy phép kinh doanh vận tải đa phương thức quốc tế hết hạn, bị mất, bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng, doanh nghiệp được cấp lại Giấy phép kinh doanh vận tải đa phương thức quốc tế. Thủ tục cấp lại thực hiện như sau:
1. Doanh nghiệp, hợp tác xã quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 5 của Nghị định này nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị cấp lại Giấy phép kinh doanh vận tải đa phương thức quốc tế trực tiếp tại Bộ Giao thông vận tải hoặc qua đường bưu chính hoặc gửi bằng hình thức phù hợp khác theo quy định. Hồ sơ bao gồm:
a) Đơn đề nghị cấp lại giấy phép kinh doanh vận tải đa phương thức quốc tế theo mẫu quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này;
b) Bản sao từ sổ gốc hoặc bản sao và xuất trình bản chính để đối chiếu hoặc bản sao có chứng thực (trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp); nộp bản sao có chứng thực (trường hợp nộp hồ sơ qua đường bưu chính) đối với Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ tương đương theo quy định của pháp luật (nếu có thay đổi);
c) Báo cáo tài chính được kiểm toán hoặc có phương án tài chính thay thế theo quy định của pháp luật hoặc bảo lãnh tương đương (nếu có thay đổi).
2. Trong thời hạn 03 (ba) ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, Bộ Giao thông vận tải cấp lại Giấy phép kinh doanh vận tải đa phương thức quốc tế cho doanh nghiệp. Giấy phép kinh doanh vận tải đa phương thức quốc tế này có giá trị 05 (năm) năm kể từ ngày cấp.
3. Trường hợp hồ sơ đề nghị cấp lại Giấy phép kinh doanh vận tải đa phương thức quốc tế chưa hợp lệ, trong thời hạn 02 (hai) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ trực tiếp hoặc ngày đến ghi trên dấu bưu điện, Bộ Giao thông vận tải phải có văn bản trả lời doanh nghiệp và nêu rõ lý do.".
Điều 2. Hiệu lực và trách nhiệm thi hành
1. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
2. Bãi bỏ các quy định sau:
a) Chương 3 Nghị định số 87/2009/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ về vận tải đa phương thức;
b) Nghị định số 89/2011/NĐ-CP ngày 10 tháng 10 năm 2011 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 87/2009/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ về vận tải đa phương thức.
3. Các tổ chức đã được cấp Giấy phép kinh doanh vận tải đa phương thức quốc tế của Việt Nam trước thời điểm Nghị định này có hiệu lực thi hành được tiếp tục hoạt động đến hết thời hạn của Giấy phép đó.
4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.
Nơi nhận: - Ban Bí thư Trung ương Đảng; - Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ; - Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; - HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; - Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng; - Văn phòng Tổng Bí thư; - Văn phòng Chủ tịch nước; - Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; - Văn phòng Quốc hội; - Tòa án nhân dân tối cao; - Viện kiểm sát nhân dân tối cao; - Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia; - Kiểm toán Nhà nước; - Ngân hàng Chính sách xã hội; - Ngân hàng Phát triển Việt Nam; - Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; - Cơ quan trung ương của các đoàn thể; - VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo; - Lưu: VT, CN (2b) pvc | TM. CHÍNH PHỦ |