TỔNG CỤC HẢI QUAN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3732/TXNK-CST | Hà Nội, ngày 07 tháng 05 năm 2019 |
Kính gửi: Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh.
Trả lời công văn số 3403/HQHCM-TXNK ngày 23/11/2018 của Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh về vướng mắc liên quan đến hàng hóa xuất khẩu sau đó tái nhập, Cục Thuế xuất nhập khẩu có ý kiến như sau:
1. Trường hợp hàng hóa đã xuất khẩu nhưng phải tái nhập để sửa chữa, tái chế
Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 19 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13, Điều 33 Nghị định 134/2016/NĐ-CP quy định hàng hóa xuất khẩu đã nộp thuế xuất khẩu nhưng phải tái nhập được hoàn thuế xuất khẩu và không phải nộp thuế nhập khẩu;
Căn cứ khoản 4 Điều 47 Nghị định 08/2015/NĐ-CP quy định cơ quan hải quan không thu thuế đối với hàng hóa tái nhập quy định tại khoản 1 Điều này (bao gồm tái nhập hàng trả lại để sửa chữa, tái chế sau đó tái xuất), nếu tại thời điểm làm thủ tục tái nhập người khai hải quan nộp đủ bộ hồ sơ không thu thuế theo quy định;
Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 27 Quy trình miễn thuế, giảm thuế, hoàn thuế, không thu thuế, xử lý tiền thuế nộp thừa đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu ban hành kèm theo Quyết định 1919/QĐ-TCHQ ngày 28/6/2018 quy định không thu thuế nhập khẩu đối với hàng hóa xuất khẩu phải tái nhập trở lại Việt Nam;
Căn cứ các quy định nêu trên, khi tái nhập hàng hóa để sửa chữa, tái chế, cơ quan hải quan xử lý không thu thuế nhập khẩu đối với hàng tái nhập nếu tại thời điểm làm thủ tục tái nhập người khai hải quan nộp đủ bộ hồ sơ không thu thuế theo quy định; doanh nghiệp được hoàn thuế xuất khẩu đã nộp (nếu có).
Hàng hóa tái nhập để sửa chữa, tái chế sau đó tái xuất cho đối tác nước ngoài, doanh nghiệp phải nộp thuế xuất khẩu (nếu có) như đối với trường hợp xuất khẩu lần đầu (nếu tờ khai xuất khẩu lần đầu doanh nghiệp đã được hoàn thuế xuất khẩu khi tái nhập).
Về mã loại hình tờ khai: Khi tái nhập để sửa chữa, tái chế (sau đó tái xuất cho người mua ban đầu) sử dụng mã loại hình A31; khi xuất khẩu hàng đã sửa chữa, tái chế sử dụng mã loại hình B13 (công văn số 2765/TCHQ-GSQL ngày 01/4/2015).
Trường hợp lô hàng tái nhập sau đó không tái xuất mà chuyển tiêu thụ nội địa thì phải khai tờ khai mới đối với nguyên liệu, vật tư nhập khẩu đã được sử dụng để sản xuất hàng SXXK nhưng chuyển tiêu thụ nội địa theo quy định tại khoản 12 Điều 1 Nghị định 59/2018/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung Điều 25 Nghị định 08/2015/NĐ-CP) và nộp đầy đủ các loại thuế theo quy định; về mã loại hình tờ khai sử dụng mã loại hình A21.
2. Trường hợp hàng hóa SXXK đã xuất khẩu nhưng phải tái nhập để chờ tái xuất cho đối tác nước ngoài khác
Khi tái nhập hàng hóa SXXK bị trả lại sử dụng mã loại hình A31. Doanh nghiệp căn cứ thực tế hoạt động kinh doanh để tự xác định thời điểm hàng hóa phải tái xuất cho đối tác nước ngoài, khai báo trên tờ khai tái nhập và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung khai báo. Trong quá trình theo dõi, quản lý nếu có dấu hiệu nghi vấn hàng hóa tái nhập sử dụng không đúng mục đích thì cơ quan hải quan tiến hành kiểm tra và xử lý kết quả kiểm tra theo quy định. Trường hợp quá thời hạn tái xuất đã khai báo, doanh nghiệp chưa tái xuất thì doanh nghiệp phải có phương án xử lý hàng hóa đã tái nhập (tiêu thụ nội địa hoặc tiêu hủy), cơ quan hải quan căn cứ các quy định hiện hành của pháp luật về thuế để xử lý theo từng trường hợp cụ thể.
Việc xử lý thuế đối với tờ khai tái nhập được thực hiện tương tự hướng dẫn tại điểm 1 công văn này.
Cục Thuế xuất nhập khẩu thông báo để Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh được biết và thực hiện./.
| KT. CỤC TRƯỞNG |