BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3956/TCT-CS | Hà Nội, ngày 22 tháng 9 năm 2020 |
Kính gửi: | - Cục Thuế thành phố Hà Nội; |
Tổng cục Thuế nhận được công văn số 1267/BVPTƯ/DAQTC-TCKT ngày 24/6/2020 của Bệnh viện Phổi Trung ương và công văn số 12086/CT-KK&KTT ngày 17/3/2020 của Cục Thuế TP. Hà Nội báo cáo vướng mắc tại công văn số 7006/BYT-KHTC ngày 26/11/2019 của Bộ Y tế về việc hỗ trợ thủ tục hoàn thuế GTGT đối với dự án sử dụng nguồn vốn ODA viện trợ không hoàn lại do Quỹ toàn cầu phòng chống AIDS, Lao và Sốt rét tài trợ. Về vấn đề này, Tổng cục Thuế có ý kiến như sau:
Tại Điều 4 Bộ Luật dân sự số 91/2015/QH13 quy định về áp dụng Bộ luật dân sự:
“2. Luật khác có liên quan điều chỉnh quan hệ dân sự trong các lĩnh vực cụ thể không được trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 của Bộ luật này.
3.Trường hợp luật khác có liên quan không quy định hoặc có quy định nhưng vi phạm khoản 2 Điều này thì quy định của Bộ luật này được áp dụng”.
Tại Điều 85 Bộ Luật dân sự nêu trên quy định về đại diện của pháp nhân:
"Đại diện của pháp nhân có thể là đại diện theo pháp luật hoặc đại diện theo ủy quyền. Người đại diện của pháp nhân phải tuân theo quy định về đại diện tại Chương IX Phần này".
Tại khoản 1 Điều 137 Bộ Luật dân sự quy định về đại diện theo pháp luật của pháp nhân:
"1. Người đại diện theo pháp luật của pháp nhân bao gồm:
a) Người được pháp nhân chỉ định theo điều lệ;
b) Người có thẩm quyền đại diện theo quy định của pháp luật;…”.
Tại khoản 1 Điều 138, Chương IX, Bộ Luật dân sự nêu trên quy định về đại diện theo ủy quyền:
"1. Cá nhân pháp nhân có thể uỷ quyền cho cá nhân, pháp nhân khác xác lập thực hiện giao dịch dân sự".
Tại Điều 563 Bộ Luật dân sự nêu trên quy định về thời hạn ủy quyền:
"Điều 563. Thời hạn ủy quyền
Thời hạn ủy quyền do các bên thoả thuận hoặc do pháp luật quy định; nếu không có thoả thuận và pháp luật không có quy định thì hợp đồng ủy quyền có hiệu lực 01 năm, kể từ ngày xác lập việc ủy quyền".
Tại Điều 43 Nghị định số 16/2016/NĐ-CP ngày 16/3/2016 của Chính phủ về quản lý và sử dựng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Ban quản lý dự án trong quản lý thực hiện chương trình, dự án:
"1. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Quản lý dự án do chủ dự án giao theo Quyết định thành lập Ban quản lý dự án.
Chủ dự án có thể ủy quyền cho Ban quản lý dự án quyết định hoặc ký kết văn bản thuộc thẩm quyền của mình trong quá trình quản lý thực hiện chương trình, dự án. Việc ủy quyền phải được quy định tại Quyết định thành lập Ban quản lý dự án hoặc tại văn bản ủy quyền cụ thể của chủ dự án".
Tại khoản 9 Điều 7 Luật quản lý thuế quy định về nghĩa vụ của người nộp thuế:
"9. Chịu trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật trong trường hợp người đại diện theo pháp luật hoặc đại diện theo ủy quyền thay mặt người nộp thuế thực hiện thủ tục về thuế sai quy định".
Tại Điểm 6 khoản 3 điều 1 Thông tư 130/TT-BTC ngày 12/8/2016 của Bộ Tài Chính, quy định:
"6. Hoàn thuế GTGT đối với các chương trình, dự án sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) không hoàn lại hoặc viện trợ không hoàn lại viện trợ nhân đạo.
a) Đối với dự án sử dụng vốn ODA không hoàn lại: chủ chương trình, dự án hoặc nhà thầu chính, tổ chức do phía nhà tài trợ nước ngoài chỉ định việc quản lý chương trình, dự án được hoàn lại số thuế GTGT đã trả đối với hàng hoá, dịch vụ mua ở Việt Nam để sử dụng cho chương trình, dự án".
Theo trình bày tại công văn số 1267/BVPTƯ/DAQTC-TCKT ngày 24/6/2020 của Bệnh viện Phổi Trung ương thì:
- Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 4920/QĐ-BYT ngày 18/11/2015 về việc phê duyệt bổ sung, điều chỉnh thực hiện Dự án "Quỹ Toàn cầu Vòng 9 phòng chống Lao Việt Nam cho giai đoạn 2015-2017" và Quyết định số 2435/QĐ-BYT ngày 11/4/2018 về việc phê duyệt Văn kiện Dự án "Quỹ Toàn cầu phòng chống Lao giai đoạn 2018-2020". Đây là các dự án sử dụng nguồn vốn ODA viện trợ không hoàn lại do Quỹ toàn cầu phòng chống AIDS, Lao và Sốt rét tài trợ. Cơ quan chủ quản là Bộ Y tế, Chủ dự án là Bệnh viện Phổi Trung ương và địa điểm thực hiện dự án là các tỉnh/thành phố trong cả nước.
- Về tổ chức thực hiện dự án bao gồm tuyến trung ương và tuyến địa phương.
+ Tại Tuyến trung ương: BQLDA trung ương được thành lập để điều hành, quản lý hoạt động thường xuyên của dự án.
+ Tại Tuyến địa phương (bao gồm tuyến tỉnh và tuyến huyện): BQLDA tuyến tỉnh được thành lập tại mỗi địa phương để quản lý, tổ chức và triển khai, theo dõi, giám sát hoạt động dự án tại tỉnh, định kỳ báo cáo cho BQLDA trung ương chịu trách nhiệm đối với chất lượng và hiệu quả của dự án cũng như đảm bảo tính minh bạch trong quản lý tài chính tại địa phương. BQLDA tuyến tỉnh sẽ hỗ trợ và cùng với cán bộ chống lao tuyến huyện triển khai các hoạt động dự án. BQLDA tuyến tỉnh là đầu mối tuyến tỉnh tham mưu cho Sở Y tế và UBND tỉnh phối hợp với các đơn vị y tế cùng tuyến và chỉ đạo các đơn vị y tế tuyến huyện, xã triển khai hoạt động dự án có hiệu quả.
Căn cứ các quy định trên, Chủ dự án sử dụng nguồn vốn ODA không hoàn lại là đối tượng được hoàn lại số thuế GTGT đã trả đối với hàng hoá, dịch vụ mua ở Việt Nam để sử dụng cho chương trình, dự án.
Do đặc thù về tổ chức quản lý và thực hiện dự án theo Văn kiện dự án đã được Bộ Y tế phê duyệt, trường hợp Chủ dự án ủy quyền cho Ban quản lý dự án tuyến trung ương và tuyến địa phương (sau đây gọi chung là BQLDA) trong việc thực hiện dự án và thực hiện các thủ tục về hoàn thuế GTGT theo quy định của pháp luật thì BQLDA được thay mặt Chủ dự án thực hiện thủ tục hoàn thuế GTGT đối với hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ ở Việt Nam từ phần nguồn vốn ODA viện trợ không hoàn lại để phục vụ dự án. Chủ dự án chịu trách nhiệm về tính chính xác, tính trung thực của hồ sơ hoàn thuế của BQLDA.
Đề nghị Cục Thuế thành phố Hà nội căn cứ vào hồ sơ thực tế để hướng dẫn đơn vị thực hiện các thủ tục hoàn thuế theo quy định hiện hành.
Tổng cục Thuế trả lời để Cục Thuế thành phố Hà Nội, Bệnh viện Phổi Trung ương biết và thực hiện./.
Nơi nhận: | TL. TỔNG CỤC TRƯỞNG |