BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 18/TCHQ-TXNK V/v vướng mắc về kiểm tra cơ sở gia công lại | Hà Nội, ngày 04 tháng 01 năm 2021 |
Kính gửi: Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh.
Tổng cục Hải quan nhận được công văn số 3355/HQHCM-TXNK ngày 16/11/2020 và công văn số 2889/HQHCM-TXNK ngày 05/10/2020 của Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh về việc vướng mắc về kiểm tra cơ sở gia công lại. Về vấn đề này, Tổng cục Hải quan có ý kiến như sau:
1. Về thông báo cơ sở gia công lại, thông báo hợp đồng gia công lại
Tại điểm a.3 khoản 1 Điều 56 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính (được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 39/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018) quy định trường hợp lưu giữ nguyên liệu, vật tư, sản phẩm ngoài cơ sở sản xuất thì trước khi đưa nguyên liệu, vật tư, sản phẩm đến địa điểm lưu giữ, tổ chức, cá nhân phải thông báo địa điểm lưu giữ cho Chi cục Hải quan quản lý;
Tại khoản 1 Điều 62 Thông tư số 38/2015/TT-BTC (được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 39/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018) quy định trường hợp tổ chức, cá nhân Việt Nam ký kết hợp đồng gia công với thương nhân nước ngoài nhưng không trực tiếp gia công mà thuê tổ chức, cá nhân khác gia công toàn bộ hoặc gia công công đoạn thì tổ chức, cá nhân ký kết hợp đồng gia công với thương nhân nước ngoài có trách nhiệm thông báo hợp đồng gia công lại cho Chi cục Hải quan nơi đã thông báo cơ sở sản xuất trước khi giao nguyên liệu, vật tư cho đối tác nhận gia công lại.
Theo các quy định nêu trên, thì việc thông báo cơ sở gia công lại, thông báo hợp đồng gia công lại sau khi giao nguyên liệu, vật tư, sản phẩm cho đối tác nhận gia công lại là thông báo cơ sở gia công lại, thông báo hợp đồng gia công lại chậm so với quy định.
2. Về cơ sở pháp lý để thực hiện kiểm tra đối với cơ sở gia công lại
Tại điểm đ khoản 1 Điều 39 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015 của Chính phủ (được sửa đổi, bổ sung Nghị định số 59/2018/NĐ-CP ngày 20/4/2018), khoản 1 Điều 57 Thông tư số 38/2015/TT-BTC (được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 39/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018) quy định các trường hợp khác kiểm tra cơ sở gia công, sản xuất trên cơ sở áp dụng quản lý rủi ro;
Tại điểm a khoản 2 Điều 57 Thông tư số 38/2015/TT-BTC (được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 39/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018) quy định thẩm quyền ban hành Quyết định kiểm tra là Chi cục trưởng Chi cục Hải quan nơi tiếp nhận thông báo cơ sở sản xuất gia công, sản xuất hàng hóa xuất khẩu.
Yêu cầu Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh căn cứ quy định nêu trên để thực hiện.
3. Về kiểm tra đối với cơ sở gia công lại đã ngừng hoạt động hoặc không còn hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký
Yêu cầu Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh phối hợp các cơ quan có liên quan thu thập, xác minh thông tin các cơ sở gia công lại. Trường hợp cơ sở gia công lại đã ngừng hoạt động hoặc đã đóng mã số thuế, cơ quan hải quan không có cơ sở để kiểm tra tại cơ sở nhận gia công lại thì căn cứ kết quả kiểm tra sổ sách, chứng từ kế toán, chứng từ thanh toán, các chứng từ tài liệu có liên quan của tổ chức, cá nhân đưa hàng hóa đi gia công lại, nếu xác định có hợp đồng thuê gia công lại, thực tế có thuê gia công lại, đã thanh toán tiền phí gia công lại, đã nhận lại sản phẩm (trước khi cơ sở gia công lại ngừng hoạt động hoặc đóng mã số thuế) và đã xuất khẩu sản phẩm; tổ chức, cá nhân đưa hàng hóa đi gia công lại không có hành vi trốn thuế, gian lận thuế gây thất thu cho ngân sách nhà nước thì cơ quan hải quan không thực hiện ấn định thuế đối với nguyên liệu, vật tư đã được sử dụng để gia công sản phẩm đã xuất khẩu. Trường hợp không đáp ứng được các nội dung trên thì thực hiện ấn định thuế theo quy định.
Tổng cục Hải quan thông báo để Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh được biết và thực hiện./.
| TL. TỔNG CỤC TRƯỞNG |